KPLC: Văn bản pháp luật Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH12 ______________________________________________________________________________

Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH12

Email In PDF.
Article Index
Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH12
Chương 2. ÁN PHÍ TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
Chương 3. ÁN PHÍ TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
Chương 4. ÁN PHÍ TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
Chương 5. LỆ PHÍ TÒA ÁN
DANH MỤC MỨC ÁN PHÍ, LỆ PHÍ TÒA ÁN
Tất cả trang
Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009 do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Pháp lệnh số: 10/2009/UBTVQH12

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2009

 

PHÁP LỆNH

ÁN PHÍ, LỆ PHÍ TÒA ÁN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Nghị quyết số 11/2007/QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) và năm 2008;

Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định về các loại án phí, lệ phí Tòa án đối với người bị kết án, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; mức án phí, lệ phí Tòa án; nguyên tắc thu, nộp; điều kiện, thủ tục miễn; những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án; nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí Tòa án; cơ quan có thẩm quyền thu; xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án; giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí Tòa án.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Pháp lệnh này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến án phí, lệ phí Tòa án.

Điều 3. Án phí

1. Án phí bao gồm các loại sau đây:

a) Án phí hình sự;

b) Án phí dân sự, gồm có các loại án phí giải quyết vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;

c) Án phí hành chính.

2. Các loại án phí quy định tại khoản 1 Điều này gồm có án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.

Điều 4. Lệ phí Tòa án

1. Lệ phí giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 26, các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 7 Điều 28 của Bộ luật tố tụng dân sự.

2. Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài, bao gồm:

a) Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự, lao động, kinh doanh, thương mại, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài;

b) Lệ phí không công nhận bản án, quyết định dân sự, lao động, kinh doanh, thương mại, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;

c) Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài.

3. Lệ phí giải quyết các việc dân sự liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại Việt Nam.

4. Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

5. Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

6. Lệ phí bắt giữ tàu biển, tàu bay.

7. Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.

8. Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án, bao gồm:

a) Lệ phí sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc do Tòa án thực hiện;

b) Lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án.

c) Lệ phí cấp bản sao giấy chứng nhận xóa án tích;

d) Lệ phí cấp bản sao các giấy tờ khác của Tòa án.

Điều 5. Mức án phí, lệ phí Tòa án

Mức án phí, lệ phí Tòa án đối với từng loại vụ việc được quy định cụ thể tại Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh này.

Điều 6. Nguyên tắc thu, nộp án phí, lệ phí Tòa án

1. Án phí, lệ phí Tòa án được thu bằng đồng Việt Nam.

2. Cơ quan có thẩm quyền thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án phải sử dụng chứng từ thu do Bộ Tài chính phát hành.

Điều 7. Tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án

1. Tiền tạm ứng án phí gồm có tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

2. Tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự gồm có tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm và tiền tạm ứng lệ phí phúc thẩm đối với trường hợp được kháng cáo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 8. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức phải nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 9. Cơ quan thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án

1. Cơ quan thi hành án dân sự thu án phí quy định tại Điều 3 và các loại lệ phí Tòa án quy định tại các khoản 1, 4 và 5 Điều 4; điểm d khoản 1 Điều 43 của Pháp lệnh này.

2. Tòa án thu lệ phí Tòa án quy định tại các khoản 3, 6 và 8 Điều 4; khoản 4 Điều 42 của Pháp lệnh này.

3. Bộ Tư pháp thu lệ phí Tòa án quy định tại khoản 2 và khoản 7 Điều 4 của Pháp lệnh này.

4. Cơ quan có thẩm quyền thu án phí, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này có thẩm quyền thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án.

Điều 10. Không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí

Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:

1. Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

2. Cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước;

3. Viện Kiểm sát khởi tố vụ án hành chính;

4. Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;

5. Cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.

Điều 11. Miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí

Những trường hợp sau đây được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí:

1. Người khởi kiện vụ án hành chính là thương binh; bố, mẹ liệt sỹ; người có công với cách mạng.

2. Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;

3. Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;

4. Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh;

5. Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ;

6. Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Điều 12. Không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án

Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án:

1. Người lao động nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;

2. Ban chấp hành công đoàn cơ sở yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;

3. Đại diện tập thể người lao động yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;

4. Cơ quan, tổ chức yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật;

5. Việc kiểm sát kháng nghị các quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm.

Điều 13. Miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án

Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh này.

Điều 14. Miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án

1. Người có khó khăn về kinh tế được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận, thì được Tòa án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng án phí, án phí.

2. Người có khó khăn về kinh tế được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận, thì được Tòa án cho miễn nộp một phần tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án quy định tại khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh này.

3. Mức tiền được miễn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được vượt quá 50% mức tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án mà người đó phải nộp.

Điều 15. Nộp đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án

1. Người đề nghị được miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí ,án phí, lệ phí Tòa án thuộc trường hợp quy định tại các điều 11, 13 và 14 của Pháp lệnh này phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu, chứng từ chứng minh thuộc trường hợp được miễn.

2. Đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;

c) Lý do và căn cứ đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án;

d) Xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc đối với trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Pháp lệnh này.

Điều 16. Thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí

1. Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí.

2. Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án.

3. Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

4. Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn án phí cho đương sự có yêu cầu.

5. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án.

Điều 17. Thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng lệ phí, lệ phí Tòa án

1. Trước khi thụ lý việc dân sự, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng lệ phí Tòa án.

2. Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng lệ phí phúc thẩm.

3. Trước khi mở phiên họp sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết việc dân sự có thẩm quyền xét miễn lệ phí Tòa án cho đương sự có yêu cầu.

4. Tại phiên họp, Thẩm phán hoặc Hội đồng giải quyết việc dân sự có thẩm quyền xét miễn lệ phí giải quyết việc dân sự cho đương sự có yêu cầu khi ra quyết định giải quyết nội dung việc dân sự.

Điều 18. Xử lý tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí Tòa án

1. Toàn bộ án phí, lệ phí Tòa án thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước.

2. Tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án được nộp cho cơ quan có thẩm quyền thu quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh này để gửi vào tài khoản tạm giữ mở tại kho bạc nhà nước và được rút ra để thi hành theo quyết định của Tòa án.

3. Người đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án phải chịu án phí, lệ phí Tòa án thì ngay sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành số tiền tạm ứng đã thu được phải chuyển vào ngân sách nhà nước.

4. Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan đã thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án phải làm thủ tục trả lại tiền cho họ.

5. Trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị tạm đình chỉ, thì tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được xử lý khi vụ việc được tiếp tục giải quyết.

6. Trường hợp vụ việc dân sự, vụ án hình chính bị đình chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc các điểm a, b và c khoản 1 Điều 41 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

7. Trường hợp việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc khoản 3 Điều 41 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.

8. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 320, khoản 2 Điều 325, khoản 3 Điều 331 và khoản 2 Điều 336 của Bộ luật tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

9. Trường hợp Tòa án xét xử giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định phúc thẩm, giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án thì phải xem xét, quyết định về án phí, lệ phí Tòa án.

Điều 19. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thu, nộp, miễn án phí, lệ phí Tòa án

Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc thu, nộp, miễn nộp một phần, miễn nộp toàn bộ án phí, lệ phí Tòa án, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.