KPLC: Tư vấn & Hướng dẫn Pháp Luật Đầu Tư và Phát triển Dự án Hướng dẫn chi tiết phương thức bầu dồn phiếu trong Công ty cổ phần. ______________________________________________________________________________

Hướng dẫn chi tiết phương thức bầu dồn phiếu trong Công ty cổ phần.

Email In PDF.
Hướng dẫn chi tiết phương thức bầu dồn phiếu trong bầu cử thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát tại Công ty cổ phần

 

Luật Doanh nghiệp 2005 qui định việc bầu các thành viên HĐQT và BKS phải theo phương thức bầu dồn phiếu, tuy nhiên Luật chưa hướng dẫn chi tiết nên trong thực tiễn áp dụng còn lúng túng do sự hạn chế về thời gian tìm hiểu nghiên cứu Luật, Chính vì vậy Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đã khắc phục những hạn chế trên

 - Điều 29. Bầu dồn phiếu ( trích nguyên văn trong Nghị định 102 )

1. Phương thức dồn phiếu bầu quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 của Luật Doanh nghiệp được áp dụng đối với tất cả các công ty cổ phần, gồm cả các công ty niêm yết, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác.

2. Trước và trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông có quyền cùng nhau lập nhóm để đề cử và dồn phiếu bầu cho người do họ đề cử.

3. Số lượng ứng cử viên mà mỗi nhóm có quyền đề cử phụ thuộc vào số lượng ứng cử viên do Đại hội quyết định và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi nhóm. Nếu Điều lệ công ty không quy định khác hoặc Đại hội đồng cổ đông không quyết định khác thì số lượng ứng cử viên mà các nhóm có quyền đề cử thực hiện như sau:

a) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa một ứng cử viên;

b) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 20% đến dưới 30% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa hai ứng cử viên;

c) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 30% đến dưới 40% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa ba ứng cử viên;

d) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 40% đến dưới 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa bốn ứng cử viên;

đ) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 50% đến dưới 60% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa năm ứng cử viên;

e) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 60% đến dưới 70% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa sáu ứng cử viên;

g) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 70% đến dưới 80% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa bảy ứng cử viên;

h) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 80% đến dưới 90% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa tám ứng cử viên.

Trường hợp số lượng ứng cử viên được cổ đông, nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử, số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát hoặc các cổ đông khác đề cử.

4. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Ban kiểm soát được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ hai ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.

- Phân tích 1 số điểm :

+ Tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá hay tại các công ty niêm yết thì đã là các công ty công chúng với rất nhiều cổ đông tham gia. Doanh nghiệp có qui mô vốn càng lớn thì càng có nhiều cổ đông tham gia, đặc biệt khi niêm yết thì số cổ đông nhỏ lẻ càng gia tăng và phân tán, như vậy tỷ lệ sở hữu cổ phần của các tổ chức cũng giảm tương ừng và như vậy việc tập hợp 1 nhóm cổ đông 10%/ vốn điều lệ sẽ trở nên rất vất vả và khó khăn. Như vậy có thể thiết kế trong điều lệ công ty khác Luật , chẳng hạn : Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 10% đến dưới 20% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đề cử tối đa một ứng cử viên“ . Điều khoản này sẽ làm tăng hình ảnh của 1 công ty đại chúng, chú trọng tới vai trò bảo vệ cổ đông nhỏ, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư bên ngoài và rất thích hợp với những doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chiếm trên 51%/ Vốn điều lệ.

+ Trong thực tế có nhiều trường hợp khó khăn trong việc chọn lựa cổ đông bên ngoài tham gia vào HĐQT và BKS. Nhiều cổ đông lớn không quan tâm tới việc ứng cử vào HĐQT cho nên xảy ra trường hợp đến Đại hội cổ đông mà thiếu vắng các nhóm nắm giữ 10%/vốn điều lệ đề cử người của mình vào HĐQT, vì vậy tại Nghị định này cho phép trong Đại hội cổ đông thì các cổ đông trong đại hội có quyền giới thiệu số ứng cử viên vào HĐQT. Như vậy là sẽ có những ứng cử viên được giới thiệu ngay tại ĐHCĐ.

+ Người trúng cử vào HĐQT và BKS được xác định theo số phiếu bầu từ cao xuống thấp mà không theo tỷ lệ khống chế là phải đạt được số phiếu bầu trên 51% hay 65% ,

- HĐQT của các doanh nghiệp thường cơ cấu 5 - 7 thành viên và doanh nghiệp lớn thường là 7 thành viên. Những nhóm cổ đông có khả năng tập hợp 20% vốn điều lệ là đương nhiên vào HĐQT. Những nhóm cổ đông tập hợp được 10%/vốn điều lệ và khi tới ĐHCĐ tranh thủ 1 số nhà đầu tư lớn thì cũng dễ dàng trúng cử vào thành viên HĐQT.

- Về phía các doanh nghiệp, cũng nên chú trọng mời các nhà đầu tư lớn hoặc nhóm nhà đầu tư lớn tham gia tích cực vào HĐQT để trợ giứp công ty về quản trị doanh nghiệp, đồng thời cần phải xây dựng những nhóm cổ đông nòng cốt đầu tư lâu dài tại doanh nghiệp.

 

Theo VF VAFI

Các bài viết tham khảo

1. Cơ hội lớn cho nhà đầu tư “thiểu số”

Luật Doanh nghiệp thống nhất được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2005 có rất nhiều điều mới, thể hiện của một bộ Luật mang tính hội nhập và theo thông lệ quốc tế. Đơn cử là việc bầu cử các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát (BKS) không như trước kia nữa: Lấy đa số tuyệt đối (51%) để áp đặt việc lựa chọn tất cả các thành viên HĐQT & BKS. Đối với các doanh nghiệp cổ phần hoá, nếu Nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ thì quyền quyết định nhân sự thuộc về người đại diện cổ phần chi phối nhà nước, cổ đông có nắm giữ 45% cổ phần vẫn có thể không trúng làm thành viên HĐQT & BKS.

Điều 104 qui định về việc “Thông qua quyết định của đại hội cổ đông“. Tại điểm 3: Quyết định của đại hội cổ đông (ĐHCĐ) được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau: Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Tỷ lệ cụ thể do Điều lệ quy định. Việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và BKS phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của HĐQT hoặc BKS và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho 1 hoặc một số ứng cử viên.

Đối với công ty cổ phần đại chúng, giờ đây lá phiếu của nhiều cổ đông nhỏ lẻ sẽ trở nên có giá trị hơn trước rất nhiều. Những cổ đông nắm giữ trên 10% vốn điều lệ cũng dễ dàng vào HĐQT mà không cần hợp tác với ban quản lý, cổ đông nhà nước hay những cổ đông lớn khác.

Để dễ dàng hiểu được phương thức bầu dồn phiếu, ví dụ: Với doanh nghiệp có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, tương ứng 50.000 cổ phần, ĐHCĐ quyết định chọn 5 thành viên HĐQT trong tổng số 7 ứng viên, nếu ĐHCĐ có đủ đại diện của 100% vốn cổ phần biểu quyết, DN này nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ tương ứng sẽ là 25.500 cổ phần. 

Tổ chức, cá nhân nắm giữ trên 20% cổ phần thì đương nhiên vào HĐQT mà không cần hợp tác với các cổ đông khác: (10.000 cổ phần x 5)/50.000 x100% = 100% > 65%.

Trên thực tế thì không cần đến tỷ lệ 20%, công ty càng lớn thì tỷ lệ cổ phần của các nhà đầu tư lớn càng giảm. Một nhà đầu tư chỉ cần nắm 13% vốn điều lệ (6.500) , không cần liên kết với các nhà đầu tư khác là đã đạt tỷ lệ phiếu bầu 65%. (6.500 CP x5)/50.000 CP x 100% = 65%.

Đại diện cổ phần nhà nước chỉ quyết định được 3 người vào HĐQT, nếu muốn hơn thì phải kiếm thêm phiếu từ các nhà đầu tư khác: Chia mỗi người 25.500/3 = 8.500CP;  (8500 x 5)/50.000 x 100% = 85%. Trường hợp đưa 4 người vào HĐQT thì có khả năng không trúng hết với những nhóm cổ đông tập hợp được trên 35% vốn điều lệ mà chỉ dồn phiếu cho 2 người. 

Đa số các doanh nghiệp cổ phần hoá hiện nay, do Nhà nước còn nắm giữ thường trên 30% vốn điều lệ, do cơ chế bầu cũ nên việc xây dựng cấu trúc HĐQT là do Ban quản lý cũ cộng với đại diện cổ phần nhà nước, vai trò của nhà đầu tư bên ngoài còn thụ động.

Với cơ chế mới thì các nhà đầu tư bên ngoài sẽ có vai trò tích cực chủ động trong việc tham gia HĐQT, BKS mà không còn phụ thuộc như trước nữa. Qui định mới này sẽ làm cho cấu trúc cổ đông trong công ty cổ phần thay đổi, tỷ trọng cổ phần của nhà đầu tư tổ chức tăng lên hơn trước. Góp phần làm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, thị trường sẽ sôi động nhiều hơn bởi những đợt mua cổ phiếu của các nhà đầu tư lớn; tăng tính công khai minh bạch trong quản trị doanh nghiệp; khắc phục tình trạng phụ thuộc hay nể nang vào đại diện cổ phần chi phối của Nhà nước; tăng cường sự liên kết giữa các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư lớn, nhóm các nhà đầu tư có thể cùng liên minh để chủ động cử người của mình vào HĐQT các doanh nghiệp. Một số Hiệp hội đầu tư trên thế giới mà các thành viên đã cùng liên kết với nhau để cử người vào HĐQT và BKS tại các doanh nghiệp đại chúng.

Theo tapchicongnghiep.vn

 

YÊU CẦU DỊCH VỤ/TƯ VẤNLuat Khai Phong tu van
CÔNG TY LUẬT KHAI PHONG
Địa chỉ: P212-N4A, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04.35641441 / 39973456 - Fax: 04.35641442
Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
---------------------------------------------------------------------------------
 
 
bold italicize underline strike url image quote
Thu hẹp | Mở rộng
 

busy