KPLC: Văn bản pháp luật Pháp luật Xây dựng Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 - CHƯƠNG VII QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG ______________________________________________________________________________

Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 - CHƯƠNG VII QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG

Email In PDF.
Article Index
Luật Xây dựng số 16/2003/QH11
CHƯƠNG II QUY HOẠCH XÂY DỰNG
CHƯƠNG III DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
CHƯƠNG IV KHẢO SÁT, THIẾT KẾ XÂY DỰNG
CHƯƠNG V XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
CHƯƠNG VI LỰA CHỌN NHÀ THẦU VÀ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG
CHƯƠNG VII QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG
Tất cả trang

CHƯƠNG VII
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XÂY DỰNG

Điều 111. Nội dung quản lý nhà nước về xây dựng

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển các hoạt động xây dựng.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng.

3. Ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.

4. Quản lý chất lượng, lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng.

5. Cấp, thu hồi các loại giấy phép trong hoạt động xây dựng.

6. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng.

7. Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ trong hoạt động xây dựng.

8. Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xây dựng.

9. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động xây dựng.

Điều 112. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Xây dựng để thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ.

Điều 113. Thanh tra xây dựng

1. Thanh tra xây dựng là thanh tra chuyên ngành về xây dựng.

2. Tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng do Chính phủ quy định.

Điều 114. Nhiệm vụ của thanh tra xây dựng

Thanh tra xây dựng có các nhiệm vụ sau đây:

1. Thanh tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng;

2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về xây dựng;

3. Xác minh, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về xây dựng.

Điều 115. Quyền và trách nhiệm của thanh tra xây dựng

1. Thanh tra xây dựng có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu và giải trình những vấn đề cần thiết;

b) Yêu cầu giám định những nội dung có liên quan đến chất lượng công trình trong trường hợp cần thiết;

c) áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật;

d) Lập biên bản thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra xây dựng có trách nhiệm:

a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục thanh tra theo quy định;

b) Xuất trình quyết định thanh tra, thẻ thanh tra viên với đối tượng được thanh tra. Việc thanh tra phải được lập thành biên bản;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình và bồi thường thiệt hại do kết luận sai gây ra;

d) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 116. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thanh tra

1. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thanh tra có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu thanh tra viên hoặc đoàn thanh tra giải thích rõ các yêu cầu về thanh tra;

b) Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra của thanh tra viên.

2. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thanh tra có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tạo điều kiện cho đoàn thanh tra, thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ;

b) Cung cấp tài liệu, giải trình các nội dung cần thiết và chấp hành kết luận của thanh tra xây dựng.

Điều 117. Quyền khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo; tổ chức có quyền khiếu nại về những hành vi vi phạm quy định của Luật này với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền của mình; trong trường hợp nhận được khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo biết.

Điều 118. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Trong thời gian khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện, tổ chức, cá nhân vẫn phải thi hành quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng hoặc quyết định, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì thi hành theo các quyết định, bản án đó.

CHƯƠNG VIII
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 119. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, hoạt động xây dựng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 120. Xử lý vi phạm

1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại.

2. Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai với giấy phép xây dựng được cấp đối với công trình xây dựng theo quy định phải cấp giấy phép xây dựng thì phải bị phá dỡ toàn bộ hoặc phần vi phạm theo quy định.

CHƯƠNG IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 121. Xử lý các công trình xây dựng trước khi Luật xây dựng có hiệu lực không phù hợp các quy định của Luật này  

Công trình xây dựng trước khi Luật xây dựng có hiệu lực không phù hợp các quy định của Luật này được xử lý như sau:

1. Công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch nhưng chưa phù hợp về kiến trúc được phép tồn tại theo hiện trạng; trường hợp cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình thì phải tuân theo quy định của Luật này.

2. Công trình xây dựng đang tồn tại nhưng không phù hợp với quy hoạch thì được xử lý như sau:

a) Chủ công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn phù hợp với thời gian thực hiện quy hoạch khi có nhu cầu cải tạo, nâng cấp, sửa chữa;

b) Công trình được chuyển về khu vực đã được quy hoạch thì chủ công trình được đền bù, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

3. Công trình được phép xây dựng tạm có thời hạn nếu có yêu cầu phải di chuyển trước thời hạn thực hiện quy hoạch hoặc trước thời hạn được ghi trong giấy phép xây dựng tạm thì được đền bù theo quy định của pháp luật.

Điều 122. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004.

Điều 123. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

   Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003.

 

YÊU CẦU DỊCH VỤ/TƯ VẤNLuat Khai Phong tu van
CÔNG TY LUẬT KHAI PHONG
Địa chỉ: P212-N4A, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04.35641441 / 39973456 - Fax: 04.35641442
Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
---------------------------------------------------------------------------------
 
 
bold italicize underline strike url image quote
Thu hẹp | Mở rộng
 

busy