37. Yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu
37.1 Đơn đăng ký nhãn hiệu phải đáp ứng các yêu cầu chung về tài liệu đơn quy định tại điểm 7 và điểm 10.1 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và các yêu cầu cụ thể quy định tại điểm này.
37.2 Đơn phải bảo đảm tính thống nhất quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ. Mỗi đơn chỉ được yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ.
37.3 Trường hợp có nghi ngờ về tính xác thực của các thông tin nêu trong đơn, Cục Sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu người nộp đơn trong thời hạn 01 tháng, phải nộp các tài liệu sau đây nhằm xác minh các thông tin đó:
a) Tài liệu chứng minh tư cách người nộp đơn:
(i) Giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng hoặc tài liệu khác xác nhận hoạt động sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ của người nộp đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(ii) Thoả thuận, thư xác nhận người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu và không phản đối việc đăng ký nhãn hiệu của người tiến hành hoạt động thương mại sản phẩm của người sản xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(iii) Quyết định hoặc giấy phép thành lập, điều lệ tổ chức xác nhận chức năng, thẩm quyền quản lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chất lượng, nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hàng hoá, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(iv) Thoả thuận, giấy đăng ký kinh doanh, tài liệu liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu của các đồng chủ sở hữu theo quy định tại khoản 5 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(v) Tài liệu xác nhận người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký nhãn hiệu từ người khác theo quy định tại khoản 6 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(vi) Thoả thuận, thư đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu xác nhận quyền đăng ký nhãn hiệu của người đại diện, đại lý theo quy định tại khoản 7 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 6septies của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.
b) Tài liệu chứng minh tư cách đại diện của chủ đơn: giấy uỷ quyền gốc của người nộp đơn; giấy tờ xác nhận đại diện của chủ đơn là người đại diện theo pháp luật của tổ chức đăng ký nhãn hiệu hoặc là người được người đó uỷ quyền; giấy tờ xác nhận người được uỷ quyền của người nộp đơn đáp ứng các yêu cầu để đứng tên đại diện của chủ đơn theo quy định tại điểm 3 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
c) Tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt đối với:
(i) Tên, biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế hoặc dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(ii) Tên nhân vật, hình tượng của tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả đã được biết đến rộng rãi hoặc tên thương mại, chỉ dẫn thương mại, chỉ dẫn xuất xứ, giải thưởng, huy chương hoặc ký hiệu đặc trưng của một loại sản phẩm nhất định có khả năng gây nhầm lẫn theo quy định tại khoản 5 Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(iii) Dấu hiệu thuộc phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của người khác theo quy định tại điểm n khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ;
d) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;
e) Thông tin cần thiết để làm rõ hoặc khẳng định các nội dung nêu trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc trong các tài liệu đơn khác.
37.4 Yêu cầu đối với tờ khai
Người nộp đơn phải nộp 02 tờ khai theo mẫu 04-NH quy định tại Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN với các lưu ý sau đây:
a) Phần mô tả nhãn hiệu trong tờ khai phải chỉ rõ loại nhãn hiệu đăng ký (nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu chứng nhận);
b) Đối với nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu liên kết, người nộp đơn phải chỉ rõ các yếu tố liên kết về nhãn hiệu hoặc về hàng hoá, dịch vụ tuân theo quy định sau đây:
(i) Trong trường hợp yếu tố liên kết là nhãn hiệu (tương tự với nhãn hiệu khác của chính người nộp đơn dùng cho cùng một hàng hoá, dịch vụ hoặc dùng cho các hàng hoá, dịch vụ tương tự nhau) thì phải chỉ rõ trong số các nhãn hiệu liên kết đó có nhãn hiệu nào được coi là cơ bản hay không, nếu có thì đó là nhãn hiệu nào; nếu một hoặc một số trong các nhãn hiệu đó đã được đăng ký hoặc đã được nêu trong đơn nộp trước đó thì phải chỉ rõ số văn bằng bảo hộ, số đơn nộp trước đó;
(ii) Trong trường hợp yếu tố liên kết là hàng hoá, dịch vụ (một nhãn hiệu dùng cho các hàng hoá, dịch vụ tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau) thì phải chỉ rõ trong số các hàng hoá, dịch vụ đó có hàng hoá, dịch vụ nào được coi là cơ bản hay không và nếu có thì đó là hàng hoá, dịch vụ nào; nếu một trong các hàng hoá, dịch vụ đó đã được đăng ký trước hoặc đã được nêu trong đơn nộp trước đó thì phải chỉ rõ số văn bằng bảo hộ, số đơn nộp trước đó;
(iii) Nếu người nộp đơn không chỉ rõ nhãn hiệu cơ bản hoặc hàng hoá, dịch vụ cơ bản thì tất cả các nhãn hiệu và tất cả các hàng hoá, dịch vụ liên quan đến nhãn hiệu nêu trong đơn của người nộp đơn được coi là độc lập với nhau. Việc đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu nêu trong đơn sẽ không được áp dụng ngoại lệ đối với nhãn hiệu liên kết quy định tại điểm e khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ, mà phải tuân theo quy định chung về đánh giá khả năng phân biệt quy định tại điểm 39 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
c) Đối với nhãn hiệu chứng nhận, người nộp đơn phải chỉ rõ trong tờ khai mục đích, nội dung và phương thức của việc chứng nhận đó (chứng nhận cái gì: chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc địa lý hay kết hợp giữa các mục đích đó; nội dung chứng nhận: các điều kiện cụ thể về chủ thể, hàng hoá, dịch vụ; chứng nhận như thế nào: trình tự, thủ tục cấp phép chứng nhận, cách thức kiểm tra, duy trì mục đích và nội dung chứng nhận).
d) Trong tờ khai phải có mẫu nhãn hiệu và mô tả bằng chữ về nhãn hiệu đó theo các quy định sau đây:
(i) Nếu nhãn hiệu được cấu thành từ nhiều yếu tố thì phải chỉ rõ các yếu tố cấu thành và sự kết hợp giữa các yếu tố đó; nếu nhãn hiệu chứa yếu tố hình thì phải nêu rõ nội dung và ý nghĩa của yếu tố hình;
(ii) Nếu yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu màu thì phải chỉ rõ yêu cầu đó và nêu tên màu sắc thể hiện trên nhãn hiệu;
(iii) Nếu nhãn hiệu có chứa các chữ, từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và nếu các chữ, từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch ra tiếng Việt;
(iv) Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số Ả-rập hoặc chữ số La-mã thì phải dịch ra chữ số Ả-rập.
e) Phần “Danh mục các hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu” trong tờ khai phải được phân nhóm phù hợp với Bảng phân loại quốc tế các hàng hoá, dịch vụ theo Thoả ước Nice được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
37.5 Yêu cầu đối với mẫu nhãn hiệu
Ngoài mẫu nhãn hiệu được gắn trên tờ khai, đơn phải kèm theo 09 mẫu nhãn hiệu giống nhau và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm, tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm in trên tờ khai;
b) Đối với nhãn hiệu là hình ba chiều thì mẫu nhãn hiệu phải kèm theo ảnh chụp hoặc hình vẽ thể hiện hình phối cảnh và có thể kèm theo mẫu mô tả ở dạng hình chiếu;
c) Đối với nhãn hiệu có yêu cầu bảo hộ màu sắc thì mẫu nhãn hiệu phải được trình bày đúng màu sắc yêu cầu bảo hộ. Nếu không yêu cầu bảo hộ màu sắc thì mẫu nhãn hiệu phải được trình bày dưới dạng đen trắng.
37.6 Yêu cầu về quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể và quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận phải có các nội dung tương ứng quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 105 của Luật Sở hữu trí tuệ và phải làm rõ các vấn đề sau đây:
a) Các thông tin vắn tắt về nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu, hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
b) Các điều kiện để được người đăng ký nhãn hiệu cấp phép sử dụng nhãn hiệu và các điều kiện chấm dứt quyền sử dụng nhãn hiệu;
c) Nghĩa vụ của người sử dụng nhãn hiệu (bảo đảm chất lượng, tính chất đặc thù của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu, chịu sự kiểm soát của người đăng ký nhãn hiệu, nộp phí quản lý nhãn hiệu…);
d) Quyền của người đăng ký nhãn hiệu (kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, thu phí quản lý nhãn hiệu, đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu của người không đáp ứng điều kiện theo quy định của quy chế sử dụng nhãn hiệu …);
e) Cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu và bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
g) Cơ chế giải quyết tranh chấp.
37.7 Yêu cầu về tài liệu xác nhận việc cho phép đăng ký và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý
a) Đối với nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý, ngoài quy chế sử dụng nhãn hiệu và tài liệu cần thiết chứng minh quyền đăng ký nhãn hiệu, đơn còn phải kèm theo giấy phép của chính quyền địa phương liên quan cho phép người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận mang dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý (tên địa lý, biểu tượng, bản đồ của vùng, địa phương) cho hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đó.
b) Trường hợp không xác định được vùng, địa phương mang chỉ dẫn nguồn gốc địa lý dựa trên địa giới hành chính và giấy phép của chính quyền địa phương quy định tại điểm 37.7.a trên đây, Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu người nộp đơn cung cấp bản đồ địa lý có chỉ rõ phạm vi vùng, địa phương mang chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ có xác nhận của chính quyền địa phương liên quan.
38. Thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký nhãn hiệu
Các thủ tục thẩm định hình thức, công bố đơn đăng ký nhãn hiệu được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại điểm 13 và điểm 14 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
39. Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu
39.1 Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thực hiện thẩm định nội dung đơn hợp lệ theo trình tự chung quy định tại điểm 15 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và theo quy định cụ thể tại điểm này.
39.2 Đánh giá sự phù hợp giữa đối tượng nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu và yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
a) Theo quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Sở hữu trí tuệ, dấu hiệu được đăng ký với danh nghĩa là nhãn hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, chữ số, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc một số màu sắc nhất định.
b) Các loại dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu:
(i) Dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình;
(ii) Dấu hiệu thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu theo quy định tại Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ;
(iii) Dấu hiệu trái với trật tự xã hội, có hại cho an ninh quốc gia.
39.3 Đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu dạng chữ viết, chữ số (sau đây gọi là “dấu hiệu chữ”) theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trừ các trường hợp ngoại lệ quy định tại điểm 39.5 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, các dấu hiệu chữ sau đây bị coi là không có khả năng phân biệt:
a) Ký tự thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được (không đọc được, không hiểu được, không nhớ được) như ký tự không có nguồn gốc La-tinh: chữ Ả-rập, chữ Slavơ, chữ Phạn, chữ Trung Quốc, chữ Nhật, chữ Triều Tiên, chữ Thái...; trừ khi ký tự thuộc ngôn ngữ trên đi kèm với các thành phần khác tạo nên tổng thể có khả năng biệt hoặc được trình bày dưới dạng đồ hoạ hoặc dạng đặc biệt khác
b) Mặc dù là ký tự nguồn gốc La-tinh nhưng dấu hiệu chỉ bao gồm một chữ cái hoặc chỉ bao gồm chữ số, hoặc mặc dù có hai chữ cái nhưng không thể đọc được như một từ - kể cả khi có kèm theo chữ số; trừ trường hợp các dấu hiệu đó được trình bày dưới dạng đồ họa hoặc dạng đặc biệt khác;
c) Một tập hợp quá nhiều chữ cái hoặc từ ngữ khiến cho không thể nhận biết và ghi nhớ được như một dãy quá nhiều ký tự không được sắp xếp theo một trật tự, quy luật xác định hoặc một văn bản, một đoạn văn bản;
d) Mặc dù là ký tự nguồn gốc La-tinh nhưng đó là một từ có nghĩa và nghĩa của từ đó đã được sử dụng nhiều và thông dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực liên quan đến mức bị mất khả năng phân biệt;
e) Một từ hoặc một tập hợp từ được sử dụng tại Việt Nam như tên gọi thông thường của chính hàng hoá, dịch vụ liên quan;
g) Một từ hoặc một tập hợp từ mang nội dung mô tả chính hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu như dấu hiệu chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, nguồn gốc địa lý (trừ trường hợp nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của hàng hoá hoặc nhãn hiệu tập thể), phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất (trừ trường hợp nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của hàng hoá, dịch vụ), thành phần, công dụng, giá trị của hàng hoá, dịch vụ;
h) Một từ hoặc một tập hợp từ có ý nghĩa mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ nhãn hiệu;
i) Dấu hiệu chữ trùng hoặc tương tự với một trong các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của người khác theo quy định tại các điểm e, g, h, i, k, l, m khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ;
k) Dấu hiệu chữ làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác như thành phần cấu tạo, quy trình sản xuất, nguyên vật liệu, tính ưu việt của hàng hoá, dịch vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 73 của Luật Sở hữu trí tuệ;
l) Dấu hiệu chữ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam hoặc của nước ngoài; trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.
39.4 Đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu dạng hình vẽ, hình ảnh (sau đây gọi là “dấu hiệu hình”) theo quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ
Trừ các trường hợp ngoại lệ quy định tại điểm 39.5 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, dấu hiệu hình bị coi là không có khả năng phân biệt, nếu:
a) Dấu hiệu hình là hình hoặc hình hình học phổ thông như hình tròn, hình elip, tam giác, tứ giác... hoặc hình vẽ đơn giản; hình vẽ, hình ảnh chỉ được sử dụng làm nền hoặc đường nét trang trí sản phẩm, bao bì sản phẩm;
b) Hình vẽ, hình ảnh quá rắc rối phức tạp khiến cho người tiêu dùng không dễ nhận thức và không dễ ghi nhớ được đặc điểm của hình như gồm quá nhiều hình ảnh, đường nét kết hợp hoặc chồng lên nhau;
c) Hình vẽ, hình ảnh, biểu tượng, dấu hiệu tượng trưng đã được sử dụng rộng rãi;
d) Hình vẽ, hình ảnh mang tính mô tả chính hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; địa điểm, phương pháp sản xuất, nguồn gốc địa lý, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
e) Dấu hiệu hình trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của người khác;
g) Dấu hiệu hình trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam hoặc của nước ngoài; trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình ảnh của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.
39.5 Các ngoại lệ sau đây được áp dụng khi đánh giá khả năng phân biệt của dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình:
a) Dấu hiệu thuộc các trường hợp nêu tại các điểm 39.3.a, b, c, g, h và các điểm 39.4.a, b, c, d, e của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN đã và đang được sử dụng với chức năng nhãn hiệu và được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi và nhờ đó nhãn hiệu đã đạt được khả năng phân biệt đối với hàng hoá, dịch vụ liên quan.
b) Để được áp dụng ngoại lệ này, người nộp đơn phải cung cấp bằng chứng về việc sử dụng một cách rộng rãi nhãn hiệu đó (thời gian bắt đầu sử dụng, phạm vi, mức độ sử dụng hiện nay..., trong đó nhãn hiệu chỉ được coi là “được sử dụng” khi việc sử dụng đó được tiến hành trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, quảng cáo, tiếp thị hợp pháp) và bằng chứng về khả năng phân biệt của nhãn hiệu đối với hàng hoá, dịch vụ liên quan của chủ nhãn hiệu. Trong trường hợp này, nhãn hiệu đó chỉ được thừa nhận là có khả năng phân biệt khi được thể hiện ở dạng đúng như dạng mà nó được sử dụng liên tục và phổ biến trong thực tế.
39.6 Đánh giá tính phân biệt của dấu hiệu kết hợp giữa dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình (sau đây gọi là “dấu hiệu kết hợp”)
Một dấu hiệu kết hợp được coi là có khả năng phân biệt khi dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình kết hợp thành một tổng thể có khả năng phân biệt, cụ thể:
a) Dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình đều có khả năng phân biệt và tạo thành tổng thể có khả năng phân biệt;
b) Thành phần mạnh của nhãn hiệu (yếu tố tác động mạnh vào cảm giác người tiêu dùng, gây chú ý và ấn tượng về nhãn hiệu khi quan sát) là dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình có khả năng phân biệt, mặc dù thành phần còn lại không có hoặc ít có khả năng phân biệt;
c) Trường hợp dấu hiệu kết hợp gồm các dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng cách thức kết hợp độc đáo của các dấu hiệu đó tạo ra một ấn tượng riêng biệt thì tổng thể kết hợp đó vẫn được coi là có khả năng phân biệt;
d) Dấu hiệu kết hợp gồm các thành phần chữ và hình không có hoặc ít có khả năng phân biệt nhưng tổng thể kết hợp đó đã đạt được khả năng phân biệt qua quá trình sử dụng theo quy định tại điểm 39.5 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
39.7 Nguồn thông tin tối thiểu
a) Để đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của dấu hiệu nêu trong đơn, ít nhất Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành tra cứu trong nguồn thông tin tối thiểu sau đây:
(i) Các đơn đăng ký nhãn hiệu đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định và các đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam mà Cục Sở hữu trí tuệ đã được WIPO thông báo với ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự;
(ii) Các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ hoặc thừa nhận bảo hộ đang còn hiệu lực tại Việt Nam (kể cả các nhãn hiệu nổi tiếng) dùng cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan;
(iii) Các nhãn hiệu được đăng ký đã chấm dứt hiệu lực trong thời hạn chưa quá 5 năm, trừ trường hợp nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực vì lý do không sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật Sở hữu trí tuệ, dùng cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự;
(iv) Các chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam;
(v) Chỉ dẫn nguồn gốc địa lý hàng hoá, dịch vụ; tên địa lý, các loại dấu chất lượng, dấu kiểm tra; quốc kỳ, quốc huy của các quốc gia; cờ, tên, biểu tượng của các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và thế giới; tên và hình ảnh lãnh tụ, anh hùng dân tộc, tên và hình ảnh danh nhân Việt Nam và nước ngoài... mà Cục Sở hữu trí tuệ sưu tầm và lưu giữ.
b) Trong trường hợp cần thiết có thể tra cứu các nguồn thông tin tham khảo ngoài nguồn thông tin tối thiểu nêu tại điểm 39.7.a trên đây, như các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại…;
39.8 Đánh giá sự tương tự đến mức gây nhầm lẫn của dấu hiệu yêu cầu đăng ký với nhãn hiệu khác
a) Để đánh giá dấu hiệu yêu cầu đăng ký nêu trong đơn có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu khác (sau đây gọi là “nhãn hiệu đối chứng”) hay không, cần phải so sánh về cấu trúc, nội dung, cách phát âm (đối với dấu hiệu chữ), ý nghĩa và hình thức thể hiện của dấu hiệu (đối với cả dấu hiệu chữ và dấu hiệu hình), đồng thời phải tiến hành so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng theo quy định tại điểm này.
b) Dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đối chứng: dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó giống hệt nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện.
c) Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng nếu:
(i) Dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc hoặc/và nội dung hoặc/và cách phát âm hoặc/và ý nghĩa hoặc/và hình thức thể hiện đến mức làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc;
(ii) Dấu hiệu chỉ là bản phiên âm hoặc dịch nghĩa từ nhãn hiệu đối chứng nếu nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng.
39.9 Đánh giá sự tương tự của hàng hoá, dịch vụ
a) Hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ bị coi là trùng nhau (cùng loại) khi hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ đó có các đặc điểm sau đây:
(i) Có cùng bản chất (thành phần, cấu tạo...) và cùng chức năng, mục đích sử dụng; hoặc
(ii) Có bản chất gần giống nhau và cùng chức năng, mục đích sử dụng;
b) Hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ bị coi là tương tự nhau khi hai hàng hoá hoặc hai dịch vụ đó có các đặc điểm sau đây:
(i) Tương tự nhau về bản chất; hoặc
(ii) Tương tự nhau về chức năng, mục đích sử dụng; và
(iii) Được đưa ra thị trường theo cùng một kênh thương mại (phân phối theo cùng một phương thức, được bán cùng nhau hoặc cạnh nhau, trong cùng một loại cửa hàng...);
c) Một hàng hoá và một dịch vụ bị coi là tương tự nhau nếu thuộc một hoặc các trường hợp sau đây:
(i) Giữa chúng có mối liên quan với nhau về bản chất (hàng hoá, dịch vụ hoặc nguyên liệu, bộ phận của hàng hoá, dịch vụ này được cấu thành từ hàng hoá, dịch vụ kia); hoặc
(ii) Giữa chúng có mối liên quan với nhau về chức năng (để hoàn thành chức năng của hàng hoá, dịch vụ này phải sử dụng hàng hoá, dịch vụ kia hoặc chúng thường được sử dụng cùng nhau); hoặc
(iii) Giữa chúng có mối liên quan chặt chẽ với nhau về phương thức thực hiện (hàng hoá, dịch vụ này là kết quả của việc sử dụng, khai thác hàng hoá, dịch vụ kia...).
39.10 Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
Trước khi ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành kiểm tra để bảo đảm nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo quy định tại Điều 90 của Luật Sở hữu trí tuệ.
39.11 Kết luận về khả năng gây nhầm lẫn của dấu hiệu với nhãn hiệu đối chứng
Dấu hiệu bị coi trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng dùng cho hàng hoá trùng hoặc tương tự hoặc có liên quan trong các trường hợp sau đây:
(i) Dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đối chứng và hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng;
(ii) Dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đối chứng và hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng của cùng chủ sở hữu nhãn hiệu;
(iii) Dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng và hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đối chứng, trừ trường hợp ngoại lệ khi tính tương tự về hàng hoá, dịch vụ và tính tương tự về dấu hiệu không đủ tạo ra khả năng nhầm lẫn khi sử dụng dấu hiệu tương tự;
(iv) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đối chứng là nhãn hiệu nổi tiếng và hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu tuy không trùng, không tương tự với hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đó, nhưng việc sử dụng dấu hiệu làm nhãn hiệu có thể làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng có tồn tại mối quan hệ giữa hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng, có khả năng thực tế làm suy giảm khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc tổn hại đến uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.
39.12 Thẩm định khả năng gây nhầm lẫn khác của dấu hiệu
Việc thẩm định khả năng gây nhầm lẫn khác của dấu hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 73 và khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định cụ thể sau đây.
a) Dấu hiệu bị coi là gây nhầm lẫn về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hoá, dịch vụ trong các trường hợp sau đây:
(i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, của một vùng lãnh thổ (quốc kỳ, quốc huy, quốc hiệu, tên nước, tên địa phương) hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, biểu tượng của một quốc gia, một vùng lãnh thổ gây nên sự lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu có nguồn gốc từ nước, vùng đó nhưng thực sự có nguồn gốc từ nước, vùng khác;
(ii) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá; dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh, nếu dấu hiệu yêu cầu đăng ký làm nhãn hiệu cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
(iii) Dấu hiệu là từ ngữ trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng một cách hợp pháp cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ và có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do người có tên thương mại nói trên sản xuất, thực hiện; dấu hiệu là hình ảnh trùng hoặc tương tự với biểu tượng thương mại của người khác đã được sử dụng một cách hợp pháp cho cùng loại hàng hoá, dịch vụ và có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do người có biểu tượng thương mại nói trên sản xuất, thực hiện;
(iv) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam và nước ngoài; dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên gọi hoặc hình ảnh nhân vật, hình tượng đặc trưng của tác phẩm đã biết đến một cách rộng rãi, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có khả năng làm cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu là do chủ sở hữu tác phẩm đó sản xuất, thực hiện;
(v) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.
b) Trong các trường hợp sau đây, dấu hiệu bị coi là có khả năng gây nhầm lẫn hoặc hiểu sai lệch về bản chất, giá trị của hàng hoá, dịch vụ:
(i) Dấu hiệu là từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, ký hiệu... gây nên ấn tượng sai lệch về tính năng, công dụng của hàng hoá, dịch vụ như dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu hoặc với một dấu hiệu khác được sử dụng rộng rãi đến mức được coi là gắn liền với một chức năng, công dụng của một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định, khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu cũng có tính năng, công dụng đó;
(ii) Dấu hiệu là từ ngữ, hình ảnh gây ấn tượng sai lệch về thành phần, cấu tạo của hàng hoá, dịch vụ như mô tả hàng hoá, dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu gây nên ấn tượng sai lệch rằng hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu được tạo thành từ hoặc có bản chất như hàng hoá, dịch vụ được mô tả.
40. Cấp, đăng bạ, công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Các thủ tục ra quyết định cấp, đăng bạ, công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại điểm 18 và điểm 19 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN.
41. Xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam và đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định Việt Nam
41.1 Các thủ tục đối với đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam
Các quy định về thủ tục xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN cũng được áp dụng để xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
41.2 Quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu dựa trên đăng ký nhãn hiệu cơ sở tại Việt Nam
a) Người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng theo Thoả ước Madrid;
b) Người đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và người đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có quyền đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng theo Nghị định thư Madrid.
41.3 Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam
a) Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định nước muốn được đăng ký bảo hộ là thành viên Thoả ước Madrid và không chỉ định bất kỳ nước nào là thành viên Nghị định thư Madrid phải được làm bằng tiếng Pháp.
b) Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu chỉ định ít nhất một nước là thành viên Nghị định thư Madrid, kể cả đồng thời chỉ định nước là thành viên Thoả ước Madrid phải được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
c) Người nộp đơn phải nộp tờ khai yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu 06-ĐKQT quy định tại Phụ lục C của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp miễn phí. Trong tờ khai cần chỉ rõ các nước là thành viên Thoả ước Madrid (có thể đồng thời là thành viên Nghị định thư Madrid) và nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid mà người nộp đơn muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu phải được làm bằng cách điền chính xác, đầy đủ thông tin vào các mục dành cho người nộp đơn và phải gắn kèm các mẫu nhãn hiệu đúng như mẫu nhãn hiệu đã được đăng ký tại Việt Nam.
d) Người nộp đơn cần tính sơ bộ tổng số phí, lệ phí theo biểu lệ phí in trên mẫu đơn hoặc có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ thông báo chính xác số phí, lệ phí cần phải nộp cho Văn phòng quốc tế. Người nộp đơn phải thanh toán trực tiếp các khoản phí, lệ phí đó cho Văn phòng quốc tế và phải nộp thêm các khoản lệ phí, phí liên quan theo quy định cho Cục Sở hữu trí tuệ.
e) Người nộp đơn phải bảo đảm các thông tin (đặc biệt về tên, địa chỉ của người nộp đơn, hàng hoá, dịch vụ và phân nhóm hàng hoá, dịch vụ) khai trong đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu là chính xác, kể cả về ngôn ngữ, dịch thuật và thống nhất với các thông tin ghi trong giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu cơ sở tương ứng. Người nộp đơn có trách nhiệm nộp các khoản lệ phí phát sinh liên quan đến sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu do việc khai báo các thông tin không chính xác hoặc không thống nhất theo thông báo của Văn phòng quốc tế.
g) Mọi thư từ, giao dịch liên quan đến đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá đều được thực hiện thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thông báo kịp thời các yêu cầu của người nộp đơn cho Văn phòng quốc tế và ngược lại, tuân theo quy định của điều ước quốc tế liên quan.
41.4 Cơ quan nhận đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam
a) Đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu được nộp cho Văn phòng quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm chuyển đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu cho Văn phòng quốc tế trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ tài liệu đơn hợp lệ theo quy định.
b) Ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu sẽ được coi là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu trong trường hợp Văn phòng quốc tế nhận được đơn đó trong vòng 02 tháng kể từ ngày ghi trên dấu nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. Trường hợp đơn không được người nộp đơn hoàn thiện để gửi đến Văn phòng quốc tế trong thời hạn nói trên thì ngày nhận được đơn tại Văn phòng quốc tế sẽ được coi là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu.
41.5 Bổ sung, sửa đổi, chuyển nhượng đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam
a) Sau khi đơn được nộp cho Văn phòng quốc tế, mọi giao dịch giữa người nộp đơn và Văn phòng quốc tế liên quan đến việc sửa đổi tên, địa chỉ, hạn chế danh mục hàng hoá, dịch vụ ghi trong đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu, đăng ký quốc tế nhãn hiệu, gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu được làm theo mẫu 08-SĐQT quy định tại Phụ lục C của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và đều thông qua Cục Sở hữu trí tuệ. Người nộp đơn phải nộp các khoản phí, lệ phí cho các giao dịch đó theo quy định.
b) Chủ sở hữu nhãn hiệu phải thông qua Cục Sở hữu trí tuệ (hoặc có thể trực tiếp yêu cầu Văn phòng quốc tế đối với đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid) để yêu cầu Văn phòng quốc tế ghi nhận việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu theo đăng ký quốc tế nhãn hiệu, tuân theo quy định của điều ước quốc tế liên quan và phải nộp các khoản phí, lệ phí theo quy định.
41.6 Xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam
a) Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng quốc tế về đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định nội dung đơn theo thủ tục áp dụng đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo, Cục Sở hữu trí tuệ có kết luận về khả năng bảo hộ của nhãn hiệu.
b) Đối với nhãn hiệu có khả năng được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, ghi vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định. Phạm vi (khối lượng) bảo hộ được xác nhận theo nội dung yêu cầu đăng ký quốc tế nhãn hiệu đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận và được Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận.
c) Đối với nhãn hiệu không có khả năng bảo hộ hoặc bị từ chối từng phần thì trước khi kết thúc thời hạn 12 tháng nói trên, Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo bằng văn bản về việc từ chối đơn cho Văn phòng quốc tế để thông báo cho người nộp đơn, có nêu rõ lý do và nội dung từ chối.
d) Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo từ chối, người nộp đơn có quyền khiếu nại thông báo từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ. Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Kết quả giải quyết khiếu nại được Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho Văn phòng quốc tế và cho người nộp đơn.
e) Kể từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu được thừa nhận bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam, theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam, với điều kiện người yêu cầu nộp lệ phí theo quy định.
41.7 Gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam
Trong thời hạn 06 tháng trước ngày kết thúc thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu (20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu đối với nước là thành viên Thoả ước Madrid, kể cả với nước đồng thời là thành viên Nghị định thư Madrid; 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu đối với nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid), chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ nộp lệ phí gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo thông báo của Văn phòng quốc tế.
41.8 Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi do đăng ký quốc tế nhãn hiệu bị huỷ bỏ hiệu lực
a) Trường hợp đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Việt Nam của chủ sở hữu nhãn hiệu là người thuộc nước chỉ là thành viên Nghị định thư Madrid bị mất hiệu lực theo quy định tại Điều 9quinquies của Nghị định thư Madrid, người đó có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi theo mẫu 07-ĐKCĐ quy định tại Phụ lục C của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN cho Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký bảo hộ cho chính nhãn hiệu đó đối với một phần hoặc toàn bộ hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ đã được ghi nhận trong đăng ký quốc tế nhãn hiệu bị mất hiệu lực.
b) Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
(i) Đơn được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng bị mất hiệu lực;
(ii) Hàng hoá, dịch vụ mô tả trong đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi thuộc phạm vi danh mục hàng hoá, dịch vụ ghi trong đăng ký quốc tế nhãn hiệu thông thường;
(iii) Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi đáp ứng tất cả các yêu cầu về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật Việt Nam và người nộp đơn nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí theo quy định.
c) Đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi được hưởng ngày nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu tương ứng (nếu đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu được hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế).
d) Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu chuyển đổi như đối với nhãn hiệu thông thường.
42. Ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng
42.1 Các nhãn hiệu nổi tiếng được pháp luật Việt Nam bảo hộ theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ và phù hợp với quy định tại Điều 6bis Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.
42.2 Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ và thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu đó mà không cần thủ tục đăng ký. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng các tài liệu quy định tại điểm 42.3 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu và chứng minh nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện để được coi là nổi tiếng.
42.3 Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu bao gồm các thông tin về phạm vi, quy mô, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, trong đó có thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; danh mục các loại hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu; phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; số lượng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ; giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu; đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế; các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền; số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị; xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng; giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ.
42.4 Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Địa chỉ: P212-N4A, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04.35641441 / 39973456 - Fax: 04.35641442
Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
---------------------------------------------------------------------------------
< Lùi | Tiếp theo > |
---|