16/08/2018

Cập nhật gần nhất 12:22:21 AM GMT

KPLC: Tư vấn & Hướng dẫn Luật Sư Kinh Doanh/Giải quyết tranh chấp Luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài trong trọng tài thương mại quốc tế ______________________________________________________________________________

Luật áp dụng đối với thỏa thuận trọng tài trong trọng tài thương mại quốc tế

Email In PDF.

Ở Việt Nam, khi bàn tới vấn đề luật áp dụng trong trọng tài thương mại quốc tế, người ta thường chỉ nhắc tới luật điều chỉnh nội dung tranh chấp và luật điều chỉnh tố tụng trọng tài mà chưa dành sự quan tâm đáng kể tới luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài. Luật áp dụng đối với thoả thuận trọng tài khác với luật điều chỉnh nội dung tranh chấp (từ hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng) và luật điều chỉnh tố tụng trọng tài.

Luật này được sử dụng để điều chỉnh các vấn đề liên quan tới thoả thuận trọng tài như sự giải thích, tính hợp pháp, hiệu lực, phạm vi, và huỷ bỏ thoả thuận trọng tài[1]. Bài viết tập trung trả lời cho câu hỏi: Luật nào sẽ giải quyết vấn đề hiệu lực của thoả thuận trọng tài?

1. Điều khẳng định trước tiên là, thoả thuận trọng tài phải tuân thủ luật của nước được áp dụng đối với thoả thuận trọng tài (dù là một điều khoản trong hợp đồng hay một thoả thuận được lập ngoài hợp đồng vào thời điểm phát sinh tranh chấp) nếu các bên mong muốn tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài chứ không phải là một phương pháp khác; hơn nữa là, phán quyết trọng tài cuối cùng sẽ có hiệu lực và được bảo đảm thi hành. Trên thực tế, hiệu lực của thoả thuận trọng tài được xem xét trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Khi xuất hiện một sự phản đối thẩm quyền của trọng tài được đưa ra trước hội đồng trọng tài

Đây là trường hợp một khiếu nại về thẩm quyền của trọng tài được gửi tới hội đồng trọng tài khi hội đồng đang trong quá trình giải quyết vụ việc nhưng chưa đưa ra phán quyết cuối cùng. Khiếu nại về thẩm quyền trọng tài khá đa dạng, đó có thể là sự viện dẫn về sự không rõ ràng trong lựa chọn toà án hay trọng tài của thoả thuận trọng tài, hay lựa chọn một tổ chức trọng tài không có trên thực tế để xét xử tranh chấp v.v.. Để xác định xem trọng tài có thẩm quyền không, lúc này cần phải căn cứ vào thoả thuận trọng tài. Nhìn chung, trong trường hợp này, các trọng tài viên đều tôn trọng luật do các bên thoả thuận lựa chọn điều chỉnh thoả thuận trọng tài để xác định tính hợp pháp của thoả thuận trọng tài. Nếu các bên đã không có bất kỳ sự thoả thuận chọn luật nào như vậy, thực tiễn trọng tài thường đi theo các hướng giải quyết khác nhau[2]. Có ba hướng giải quyết chính sau đây:

Thứ nhất, một số trọng tài viên đã đưa ra phán quyết rằng, nếu thiếu vắng sự chọn luật của các bên, thoả thuận trọng tài sẽ được điều chỉnh bởi luật của nước nơi tiến hành trọng tài (place of arbitration). Nguyên tắc này được thể hiện trong nhiều phán quyết của toà án trọng tài thuộc Phòng thương mại và công nghiệp Bungari, nó cũng nhận được sự đồng tình của các trọng tài viên thuộc Hiệp hội trọng tài Mỹ AAA. Trong vụ Baques Centroamericanos v. Petroleo SA (1988), Hội đồng đã tuyên rằng: Luật Mỹ sẽ được áp dụng để xem xét hiệu lực của thoả thuận trọng tài vì trọng tài đã được tiến hành tại New York.

Thứ hai, một số trọng tài lại có quan điểm khác, theo họ, thoả thuận trọng tài được điều chỉnh bởi luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp. Phán quyết 5/9/1977 của Hội đồng trọng tài thuộc Hiệp hội buôn bán dầu, chất béo và hạt chứa dầu Hà Lan ghi rõ: “… luật áp dụng đối với nội dung tranh chấp cũng được áp dụng đối với việc xem xét hiệu lực của điều khoản trọng tài.”

Thứ ba, theo quan điểm khác, một số trọng tài lại tin tưởng vào các quy tắc trọng tài của tổ chức trọng tài mà các bên đã lựa chọn để giải quyết tranh chấp. Họ cho rằng, cần phải dựa vào những quy tắc này để điều chỉnh các vấn đề của thoả thuận trọng tài. Vụ việc số 5486 năm 1989 do trọng tài ICC giải quyết là một tranh chấp phát sinh giữa các bên liên doanh: một bên là công ty Bỉ và phía bên kia là công ty Tây Ban Nha về hiệu lực của thoả thuận trọng tài. Toà án trọng tài ICC đã ra phán quyết về luật điều chỉnh điều khoản trọng tài như sau: “Vì mục đích của tố tụng trọng tài, các bên đã thoả thuận áp dụng các quy tắc trọng tài ICC… và việc làm như vậy, biến các quy tắc của một tổ chức trọng tài quốc tế thành nguồn luật điều chỉnh thoả thuận trọng tài… do đó, hiệu lực của điều khoản trọng tài phải được xác định dựa vào các quy tắc trọng tài ICC.”

Trường hợp 2: Khi việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài được đặt ra

Vào giai đoạn này, nguyên tắc thoả thuận trọng tài được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn được sử dụng khá phổ biến trong pháp luật các nước cũng như các quy tắc tố tụng trọng tài quốc tế. Về nguyên tắc, điều khoản trọng tài độc lập với phần còn lại của hợp đồng (điều này được thừa nhận rộng rãi trên thế giới), nên các bên có quyền thoả thuận một luật riêng để điều chỉnh điều khoản trọng tài mà không phải dựa vào luật điều chỉnh nội dung hợp đồng. Nếu muốn một luật riêng như vậy, họ cần thoả thuận rõ về việc áp dụng luật đó trong hợp đồng hoặc một văn bản riêng. Tuy nhiên trên thực tế, hiếm khi các bên thoả thuận áp dụng luật riêng cho thoả thuận trọng tài mà mặc nhiên sử dụng ngay luật điều chỉnh nội dung hợp đồng (thường được thoả thuận dưới dạng một điều khoản hợp đồng).

Trong trường hợp các bên không có thoả thuận như vậy, nhiều hệ thống pháp luật thừa nhận nguyên tắc luật của nước nơi phán quyết trọng tài được tuyên sẽ thay thế. Nguyên tắc này được tìm thấy gián tiếp qua các quy định về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài trong các luật trọng tài trên thế giới. Khoản 1 điều 54 Luật Trọng tài Thuỵ Điển 1999 quy định: “Phán quyết trọng tài nước ngoài có thể bị từ chối công nhận và thi hành ở Thuỵ Điển nếu bên bị chống lại quyền lợi chứng minh được rằng… thoả thuận trọng tài không hợp pháp theo luật của nước mà các bên đã chọn, nếu họ không đạt được thoả thuận như vậy, theo luật của nước phán quyết trọng tài được tuyên”. Khoản II điều 38 Luật Trọng tài Brazil quy định: “… phán quyết trọng tài nước ngoài có thể bị từ chối công nhận và thi hành nếu bị đơn chứng minh được rằng thoả thuận trọng tài không có hiệu lực theo luật của nước mà các bên đã chọn, nếu thiếu điều này, theo luật của nước nơi phán quyết trọng tài được tuyên”. Nội dung tương tự cũng được ghi nhận tại điều 103(2)(b) Luật Trọng tài Anh 1996: “Công nhận và thi hành phán quyết trọng tài có thể bị từ chối nếu bị đơn chứng minh được rằng, thoả thuận trọng tài không hợp pháp theo luật của nước các bên đã chấp thuận nó, nếu không có điều này, theo luật của nước nơi phán quyết trọng tài được tuyên.”

Hoặc theo điều 34(2)(a)(i) luật mẫu trọng tài UNCITRAL: “Một quyết định chỉ có thể bị toà án theo quy định tại Điều 6 huỷ trong trường hợp… thoả thuận nói trên không có giá trị pháp lý theo luật mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo luật của quốc gia nơi quyết định được tuyên trong trường hợp mà các bên không ghi rõ”. Nội dung tương tự cũng được thể hiện tại điều V Công ước NewYork 1958 về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

2. Khi nghiên cứu về luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài cũng cần phân biệt với luật điều chỉnh năng lực chủ thể các bên ký kết thoả thuận trọng tài (capacity). Đây là hai vấn đề khác nhau nhưng có mối liên quan mật thiết với nhau, một thoả thuận trọng tài chỉ có hiệu lực nếu các bên thoả thuận nó có đầy đủ tư cách chủ thể. Vậy tư cách chủ thể của các bên tham gia thoả thuận trọng tài được xác định theo cơ sở pháp lý nào?

Trong khi các bên tham gia trọng tài được thoả thuận về luật điều chỉnh nội dung hợp đồng và thoả thuận trọng tài thì họ lại không được phép làm như vậy với việc điều chỉnh năng lực chủ thể ký kết thoả thuận trọng tài. Trên thực tế, việc xác định năng lực chủ thể ký kết hợp đồng và thoả thuận trọng tài là như nhau và thường được đặt ra trong hai trường hợp: thứ nhất, khi toà án một nước xem xét yêu cầu huỷ quyết định trọng tài hay từ chối công nhận, thi hành quyết định trọng tài; thứ hai, khi trọng tài xem xét thoả thuận trọng tài có hiệu lực không.

Trong trường hợp thứ nhất, tại điều V(1)(a) Công ước New York 1958 quy định: toà án có thể từ chối công nhận và thi hành quyết định trọng tài nếu theo luật áp dụng đối với các bên, họ không có đủ năng lực. Một quy định như vậy không chỉ rõ luật nào sẽ được áp dụng cho vấn đề xác định năng lực chủ thể mà để mở một khả năng áp dụng luật đa dạng. Tương tự như vậy, Điều 34(2)(a) luật mẫu UNCITRAL quy định: quyết định trọng tài bị toà án huỷ khi một trong các bên ký thoả thuận trọng tài không đủ năng lực ký kết thoả thuận trọng tài đó. Cả Công ước NewYork và luật mẫu mặc dù không chỉ rõ nhưng đều có khuynh hướng dựa vào các quy tắc xung đột của nước có toà án đang có thẩm quyền giải quyết vụ việc để chọn luật điều chỉnh vấn đề năng lực chủ thể ký kết thoả thuận trọng tài (conflict of law rules of the forum)[3]. Đại đa số các nước hiện nay đều sử dụng phương pháp chọn luật này cho năng lực chủ thể, và do đó, các quy tắc xung đột được ghi nhận trong tư pháp quốc tế của nước có toà án đang có thẩm quyền giải quyết vụ việc sẽ được áp dụng. Các quy tắc này thường là: áp dụng luật của nước mà các bên mang quốc tịch hay các bên cư trú đối với cá nhân, và luật quốc tịch đối với pháp nhân.

Ở trường hợp thứ hai, các trọng tài viên sẽ giải quyết vấn đề năng lực chủ thể ký kết thoả thuận trọng tài như thế nào? Nhiều quan điểm hiện nay cho rằng, các trọng tài viên không bắt buộc phải áp dụng các quy tắc xung đột của nơi tiến hành xét xử, bởi vì họ không phải là “các phương tiện của hệ thống pháp luật quốc gia như toà án quốc gia”. Điều này không có nghĩa là các trọng tài viên không quan tâm tới các quy tắc xung đột quốc gia nơi xét xử trọng tài, mà khuynh hướng chung hiện nay là trọng tài sẽ kết hợp các quy tắc xung đột quốc gia với các quy tắc xung đột trong các điều ước quốc tế về trọng tài được thừa nhận rộng rãi trên thế giới để tìm ra một quy tắc xung đột chung cho việc xác định năng lực chủ thể ký kết thoả thuận trọng tài [4]. Quy tắc chung này thường là luật quốc tịch của các bên (đối với cả cá nhân và pháp nhân).

Một vấn đề cần đề cập tới khi xác định năng lực chủ thể ký kết thoả thuận trọng tài là xác định năng lực chủ thể của quốc gia và các cơ quan nhà nước khi tham gia trọng tài. Mặc dù xu hướng chấp nhận trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp đang ngày một tăng lên trên thế giới, nhưng không phải tất cả các quốc gia đều ưa chuộng phương thức này để giải quyết các tranh chấp hợp đồng quốc tế có sự tham gia của nhà nước. Trong khi một số nước không có bất kỳ hạn chế nào đối với trọng tài trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mà quốc gia tham gia với tư cách chủ thể, thì một số nước khác, vì những nguyên nhân lịch sử hay sự định kiến với trọng tài đã miễn cưỡng chấp nhận trọng tài theo trào lưu chung của thế giới. Ở những nước này, việc cấm đoán hay hạn chế quốc gia và các cơ quan nhà nước tham gia thoả thuận trọng tài được thể hiện khá rõ trong các đạo luật do nhà nước ban hành. Arập Xê út (Saudi Arabia) là một ví dụ điển hình của việc cấm đoán triệt để quốc gia hay các cơ quan nhà nước ký kết thoả thuận trọng tài: Nghị quyết số 58 của Hội đồng Bộ trưởng Arập Xê út 1963 quy định: “Nghiêm cấm tất cả các cơ quan chính phủ chấp thuận trọng tài với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng phát sinh giữa các cơ quan này với các cá nhân hay các công ty”. Ở Cộng hoà Pháp, có thể tìm ra một sự hạn chế khả năng trọng tài của quốc gia và cơ quan nhà nước, sự hạn chế này chỉ áp dụng đối với trọng tài nội địa mà không áp dụng đối với trọng tài quốc tế. Điều này được thể hiện trong vụ San Carlo (2/5/1966), nguyên đơn là một cơ quan thuộc Chính phủ Pháp đã kiện ra toà án Pháp chống lại thuyền trưởng của một con tàu chở hàng lớn trong một hợp đồng vận chuyển quốc tế. Bị đơn sau đó đã yêu cầu toà án từ chối xét xử vụ việc với lý do các bên đã có một thoả thuận trọng tài. Toà án cấp sơ thẩm (the court of first instance) đã bác yêu cầu của bị đơn với lý do, theo luật Pháp, nguyên đơn không có khả năng trọng tài (không được ký thoả thuận trọng tài). Sau đó, bị đơn đã kháng cáo lên toà án cấp trên, và toà án này đã ra phán quyết rằng: mặc dù cấm đoán đệ trình tranh chấp tới trọng tài theo điều 83 và 1004 của Bộ luật Tố tụng dân sự là một vấn đề của chính sách nội địa, nhưng điều này sẽ không áp dụng đối với hợp đồng quốc tế trong đó có sự tham gia của cơ quan nhà nước. Trong luật Bỉ cũng tìm thấy một sự hạn chế về năng lực chủ thể của các cơ quan công quyền khi tham gia một thoả thuận trọng tài. Nhà nước chỉ có thể ký thoả thuận trọng tài khi một điều ước quốc tế có liên quan cho phép làm như vậy (Điều 1672(2) Bộ luật Tư pháp Bỉ 1972 – Belgian Code Judiciare).

3. Ở Việt Nam hiện nay, số vụ tranh chấp có liên quan tới thương mại quốc tế được xét xử bằng trọng tài không nhiều và tập chung chủ yếu tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Thực tiễn xét xử trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam cho thấy, đối với các vấn đề về thoả thuận trọng tài, các trọng tài viên Việt Nam thường chỉ phải giải quyết sự mập mờ, không rõ nghĩa trong thoả thuận chọn trọng tài giải quyết tranh chấp, mà hiếm khi phải xác định luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài vì vấn đề hiệu lực của nó, đặc biệt là trường hợp các bên tranh chấp không thoả thuận về luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài. Hiện chưa có một phương pháp xác định luật áp dụng cho thoả thuận trọng tài có tính thống nhất trong xét xử trọng tài thương mại quốc tế ở Việt Nam. Có nghĩa là, với mỗi vụ việc, trọng tài sẽ có cách hành xử khác nhau. Điều này dễ tạo cảm giác tuỳ tiện trong xét xử, và theo chúng tôi là bất lợi trong việc phát triển thị trường trọng tài Việt Nam trong điều kiện thị trường này đang hết sức nhỏ bé và chưa nhận được nhiều sự quan tâm của giới kinh doanh trong và ngoài nước. Về lâu dài, khiếm khuyết này cần được khắc phục, góp phần phát triển một thị trường trọng tài Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Liên quan tới việc xác định năng lực chủ thể ký kết thoả thuận trọng tài, điểm a khoản 1 Điều 370 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 quy định:

“1. Quyết định của trọng tài nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây: a) Các bên ký kết thoả thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thoả thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên;…”

Điều khoản trên là không rõ ràng, bởi nó không chỉ ra được “pháp luật được áp dụng cho mỗi bên” là pháp luật nước nào, và thực tế cũng không có bất cứ nguyên tắc cụ thể nào giúp cho việc chọn luật điều chỉnh năng lực chủ thể ký kết thoả thuận trọng tài được đưa ra trong các văn bản pháp luật hướng dẫn Bộ luật Tố tụng dân sự. Sự thiếu vắng của một quy tắc chọn luật như vậy sẽ dẫn tới câu hỏi, toà án Việt Nam sẽ dựa vào các quy tắc xung đột của tư pháp quốc tế Việt Nam hay của nước nào đó có liên quan để xác định tư cách pháp lý của các chủ thể tham gia thoả thuận trọng tài? Câu hỏi này không thể trả lời dứt khoát với thực trạng pháp luật hiện nay, và rõ ràng, chúng ta cần phải khắc phục lỗ hổng pháp lý đó càng sớm càng tốt bởi số lượng các phán quyết trọng tài nước ngoài có yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam ngày càng tăng lên trong những năm gần đây do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Học tập kinh nghiệm của các nước, liệu chúng ta có thể sử dụng nguyên tắc, áp dụng các quy tắc xung đột của nước có toà án đang có thẩm quyền giải quyết vụ việc để chọn luật điều chỉnh vấn đề năng lực chủ thể ký kết thoả thuận trọng tài (conflict of law rules of the forum)?

Tóm lại, một thoả thuận trọng tài, trong bất kỳ bối cảnh nào, cũng sẽ có hiệu lực nếu phù hợp với các quy định trong luật được các bên thoả thuận. Tuy nhiên, nếu không có sự thoả thuận của các bên, thì không có bộ quy tắc nào về chọn luật điều chỉnh thoả thuận trọng tài được sử dụng chung cho các trọng tài viên. Việc xem xét luật điều chỉnh hiệu lực của thoả thuận trọng tài phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng trọng tài mà sẽ có những quyết định riêng rẽ, chẳng hạn, luật nơi tiến hành trọng tài, luật nơi phán quyết được tuyên, luật điều chỉnh nội dung tranh chấp. Vì vậy, để tránh những rắc rối có thể xảy ra trong quá trình trọng tài, các bên nên dành thời gian để thoả thuận kỹ lưỡng về điều khoản trọng tài cũng như luật áp dụng đối với nó.

———–

[1]David St.John Sutton, Judith Gill(2003), Russell on arbitration, Sweet and Maxwell, p.69.

[2]Okezie chukwumerije (1994), choice of law in international commercial arbitration, Quorum Books westport, conecticut law, p.36.

[3]David st.John sutton Judith Gill(2003), Russell on arbitration, Sweet and Maxwell, p.69.

[4]Okezie chukwumerije (1994), choice of law in international commercial arbitration, Quorum Books westport, conecticut law, p.40.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

 

YÊU CẦU DỊCH VỤ/TƯ VẤNLuat Khai Phong tu van
CÔNG TY LUẬT KHAI PHONG
Địa chỉ: P212-N4A, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04.35641441 / 39973456 - Fax: 04.35641442
Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
---------------------------------------------------------------------------------
 
 
bold italicize underline strike url image quote
Thu hẹp | Mở rộng
 

busy