17/08/2018

Cập nhật gần nhất 12:22:21 AM GMT

KPLC: Tư vấn & Hướng dẫn Luật Sư Kinh Doanh/Giải quyết tranh chấp Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại Việt Nam ______________________________________________________________________________

Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại Việt Nam

Email In PDF.

Hiện nay, khi soạn thảo các điều khoản về giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng thương mại, các bên trong quan hệ giao dịch thường quy định việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức Trọng tài thương mại, đặc biệt là khi quan hệ giao dịch này có yếu tố nước ngoài.

Từ khi Chính phủ nỗ lực hoàn chỉnh khung pháp lý cho hoạt động Trọng tài bằng việc ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đã thực sự chuyển biến và mang lại các dấu hiệu tích cực, từ việc mở rộng phạm vi hoạt động và quyền hạn của các Trung tâm Trọng tài (sau đây gọi tắt là TTTT) đến sự quan tâm thực sự từ các cá nhân và tổ chức kinh doanh trong mọi lĩnh vực.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn trình bày các quy định của pháp luật, các góc nhìn thực tế và quan điểm mang tính định hướng về Trọng tài thương mại tại Việt Nam hiện nay qua 3 phần của bài viết:

(i) Thẩm quyền trọng tài bắt đầu từ thỏa thuận.

(ii) Kỹ thuật nhận biết hạn chế và giải pháp.

(iii) Lựa chọn Trung tâm Trọng tài tại Việt Nam.

PHẦN I: THẨM QUYỀN TRỌNG TÀI BẮT ĐẦU TỪ THỎA THUẬN CỦA CÁC BÊN

Theo quy định tại Pháp lệnh cũng như từ kết luận thực tế, Trọng tài chỉ có thẩm quyền xét xử nếu giữa các bên tồn tại một thỏa thuận chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp, phải một thỏa thuận trọng tài cụ thể, rõ ràng và theo đúng quy định của Pháp luật và Quy tắc tố tụng Trọng tài của TTTT.

1. Về vấn đề thẩm quyền của Trọng tài thương mại tại Việt Nam

Để giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, tổ chức và cá nhân kinh doanh phải có thỏa thuận với nhau một điều khoản về chọn Trọng tài, chọn TTTT hoặc Trọng tài viên của TTTT để giải quyết.

Tuy nhiên, nếu đã có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý thì Trọng tài cũng không có thẩm quyền giải quyết, khi đó nếu Trọng tài (cụ thể là TTTT/Trọng tài viên) vẫn tiến hành giải quyết trong trường hợp này, quyết định trọng tài đó sẽ bị hủy. Một khi không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì Toà án có quyền ra quyết định hủy quyết định trọng tài nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định trọng tài thuộc một trong hai trường hợp này.

Từ phân tích đó, có thể khẳng định rằng, thỏa thuận trọng tài được xem là vấn đề then chốt và có vai trò quyết định đối với việc áp dụng Trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, hay nói cách khác không có thỏa thuận trọng tài thì không có việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.

Thỏa thuận trọng tài có thể là (i) điều khoản về giải quyết tranh chấp đã được ghi trong hợp đồng hoặc (ii) thỏa thuận riêng, có thể là một Phụ lục đính kèm tại thời điểm ký Hợp đồng hoặc được các bên ký kết sau khi phát sinh tranh chấp. Thời điểm thỏa thuận về giải quyết trọng tài như vậy, theo tác giả, là rất thoáng và linh hoạt cho các bên khi lực chọn, cho nên các bên chỉ cần quan tâm vấn đề là nội dung của điều khoản này là như thế nào cho đúng quy định thì việc giải quyết sẽ được thực hiện tại TTTT đó.

Thực tế, để tránh những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, các bên nên lập điều khoản trọng tài mà các TTTT khuyến khích, tạm gọi là các Điều khoản mẫu (model clauses) mà các Trung tâm Trọng tài thường ghi trên website hay trong các giới thiệu của mình. Cụ thể hơn, các bên có thể thỏa thuận cơ bản rằng “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết chung thẩm tại [tên của TTTT]” (All disputes originated from this contract shall be setted by [name of Arbitration Center]).

Các bên liên quan cũng cần chú ý đến hiệu lực của Thỏa thuận trọng tài, để thỏa thuận này ràng buộc các bên cũng như ràng buộc các cơ quan tố tụng thì tại thời điểm có tranh chấp, thỏa thuận này phải còn giá trị pháp lý.

Qua TTTT, tác giả được biết rằng vẫn có nhiều trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận này không còn giá trị nữa khi có tranh chấp mà đến khi TTTT từ chối giải quyết thì các bên mới biết. Có thể hình dung qua một trường hợp cụ thể, rằng các bên đã có thỏa thuận tại Hợp Đồng nhưng tại Phụ lục lại lựa chọn Tòa án giải quyết hoặc tại thời điểm các bên ghi lời khai khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện; rằng chọn Tòa án, khi đó, theo quy định của Bộ luật Tố Tụng Dân Sự hiện hành, vụ kiện không thuộc thẩm quyền của Trọng tài mà thuộc về Tòa án.

Điều đó có nghĩa là, thỏa thuận Trọng tài nên quy định thật rõ ràng.

2. Các góc nhìn pháp lý

Theo quy định tại Pháp lệnh thì thỏa thuận Trọng tài chỉ có giá trị pháp lý đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo sự thỏa thuận của các bên.

Theo đó, các hoạt động thương mại sẽ bao gồm nhưng không giới hạn các ngành nghề được liệt kê sau đây theo quy định của Pháp lệnh, đó là hành vi thương mại nào mà một bên là cá nhân/tổ chức thực hiện như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, phân phối, đại diện, đại lý, ký gửi, thuê, xây dựng, tư vấn, kỹ thuật; li-xăng, đầu tư, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm… Nó bao gồm nhưng không giới hạn bởi lẽ Pháp lệnh này còn gắn thêm một câu mà xem như việc liệt kê xem các hành vi trên là không có ý nghĩa, đó là Trọng tài còn giải quyết “các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật”.

Điều đó có nghĩa rằng, bất cứ hoạt động thương mại nào theo quy định của pháp luật chung, các bên có thể bắt đầu định hướng việc giải quyết tranh chấp bằng việc ký kết hợp đồng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài.

Vấn đề tiếp theo là năng lực và thẩm quyền ký kết của các bên, pháp luật chỉ quy định khi một bên ký kết thỏa thuận Trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Cho dù các cơ quan tài phán Việt Nam đang có những cách hiểu khác nhau về quy định “năng lực hành vi dân sự” và “năng lực pháp luật dân sự” trong trường hợp này.

Vấn đề đặt ra là nếu trường hợp một bên không có năng lực dân sự, ví dụ như khi xảy ra tranh chấp bên đi kiện không chứng minh được sự tồn tại của bên kia (có thể bị Trọng tài/Tòa án xem là không tồn tại) thì thỏa thuận trọng tài có vô hiệu hay không, ở đây, pháp lệnh không nêu rõ.

Điều đó có nghĩa là, có thể trong trường hợp này TTTT/Tòa án sẽ xác định một bên xác lập thỏa thuận không hiện hữu nên thỏa thuận Trọng tài sẽ bị coi là không có giá trị pháp lý.

Từ thực tế và xét trong mối tương quan với quy định trên, tác giả muốn định hướng rằng, đối với những đối tác lớn, có uy tín trên thương trường thì có thể thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài thương mại; còn đối với các đối tác ban đầu, quy mô kinh doanh và sự ổn định pháp lý chưa rõ ràng thì nên chăng cần phải xem xét kỹ có nên thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài hay không.

Người ký thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật có thể dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu. Hiện nay việc ký kết hợp đồng không phải lúc nào cũng do những người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, mà có thể là bất kỳ người đại diện theo ủy quyền hoặc thậm chí là trưởng một bộ phận nghiệp vụ thực hiện việc ký kết. Thế thì thỏa thuận Trọng tài theo Hợp đồng do những người được ủy quyền này có bị xem là vô hiệu hay không?

Kết quả từ thực tế là tùy vào quan điểm và các nhìn nhận của các TTTT/Tòa án.

Khi xác lập thỏa thuận Trọng tài, các bên nên thỏa thuận rõ ràng về đối tượng tranh chấp hay tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện thấy có vấn đề chưa rõ ràng hoặc sai lệch thì phải thỏa thuận bổ sung nếu không thì thỏa thuận có thể bị xem là vô hiệu và/hoặc Trọng tài không có thẩm quyền xét xử.

Theo đó, các bên không nên thỏa thuận chung chung như “nếu có tranh chấp sẽ nhờ trọng tài Việt Nam giải quyết” hoặc ghi sai tên của TTTT. Cho dù, trên thực tế việc xác định thỏa thuận trọng tài tùy thuộc vào quan điểm của các TTTT/Tòa án. Tuy nhiên theo định hướng của tác giả bài viết, các bên khi thỏa thuận điều khoản chọn TTTT không nên để rơi vào tình trạng ghi sai tên hoặc ghi không rõ ràng tên TTTT, để tránh rắc rối phát sinh. (Vấn đề sẽ được trình bày thêm ở Phần III của bài viết này).

Các bên liên quan cũng cần biết một quy định đặc thù về giải quyết bằng trọng tài tại Việt Nam là việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng khôngảnh hưởng đến hiệu lực của điều khoản trọng tài. Tức là, bất kỳ thay đổi về hợp đồng mà việc giải quyết tranh chấp đã được các bên thỏa thuận bằng phương thức trọng tài sẽ không làm ảnh hưởng đến thỏa thuận trọng tài, và Trọng tài hoàn toàn có thể giải quyết quyền lợi của các bên khi hợp đồng vô hiệu hoặc các điều khoản khác vô hiệu.

Để kết lại các góc nhìn pháp lý về thỏa thuận trọng tài, cần lưu ý là việc Trọng tài có thẩm quyền không phủ nhận hoàn toàn vai trò của Tòa án bởi dù sao Trọng tài cũng chỉ là là một cơ quan phi Chính phủ nên vẫn cần có sự trợ giúp của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại.

Điển hình nhất là trong việc đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, thì các bên có quyền làm đơn đến Tòa án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài thụ lý vụ tranh chấp yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Tuy nhiên, theo Pháp lệnh thì biện pháp này chỉ được tiến hành “trong quá trình Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp”. Nếu Pháp lệnh không quy định khi Trọng tài chưa thụ lý thì các bên có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không?! Hạn chế này đối với các bên trong thực tế sẽ phát sinh những vấn đề về quyền lợi như việc một bên có thể tẩu tán/cất giấu tài sản để tránh thi hành quyết định. Trong khi đó thỏa thuận ký kết ban đầu rất khó để các bên có thể lường trước và quy định cụ thể. Do vậy, trong khi chờ đợi Nhà nước có các quy định cụ thể hơn về giải pháp này, bên bị xâm hại nên khởi kiện ra Trọng tài sớm hơn, thậm chí tận dụng các khoảng thời gian thương lượng thực hiện đồng thời với việc yêu cầu Tòa án can thiệp.

Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp đều có những thuận lợi và hạn chế nhất định, vấn đề đặt ra là, nếu bạn là một trong các bên giao dịch thì bạn sẽ làm gì để tối thiểu hóa các hạn chế và định ra các giải pháp trong trường hợp có tranh chấp xảy ra trong giao thương?!

PHẦN II: KỸ THUẬT NHẬN BIẾT HẠN CHẾ VÀ GIẢI PHÁP

Có rất nhiều lý do để các bên có thể lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp (GQTC) bằng Trọng tài thương mại mà không muốn đưa vụ việc ra Tòa án sau khi không thể giải quyết bằng việc thương lượng, hòa giải.

So với phương thức giải quyết bằng Trọng tài, việc đưa vụ việc ra Tòa án thực sự là giải pháp cuối cùng, như các cụ ta thường nói “vô phúc đáo tụng đình” mà các bên phải cân nhắc khi biết những phức tạp thực tế từ việc GQTC tại Tòa án; như là thủ tục kéo dài với nhiều cấp xét xử, sự công khai trong quá trình xét xử công khai và tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc cho các bên. Đồng thời khi đó, quan hệ giao thương giữa các đối tác khó có thể gắn kết lại như lúc ban đầu.

Trong khi đó, với việc Chính phủ từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý và sự tác động của cơ chế kinh tế thị trường đến các Trung tâm Trọng tài (TTTT), về lý thuyết sẽ mang lại các thuận lợi đó là: GQTC nhanh chóng, chính xác, ítảnh hưởng đến bí mật và uy tín kinh doanh, chi phí thấp hơn Tòa án và việc không đại diện cho quyền lực tư pháp nên rất thích hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, việc GQTC bằng Trọng tài thương mại tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều điểm hạn chế, mà thể hiện là 7 TTTT tại Việt Nam đang loay hoay tìm lối đi riêng hoặc trông chờ cào sự thay đổi trong cơ chế pháp lý.

Trước hết, đó là hạn chế trong chính quy định về phạm vi áp dụng của phương thức, như đã trình bày tại phần 1 – Phạm vi GQTC của Trọng tài chỉ trong lĩnh vực tranh chấp thương mại. Cho dù khái niệm của lĩnh vực này theo quy định của pháp luật Việt Nam là khá rộng nhưng phần nào đây cũng có thể xem là hạn chế trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Được biết, Trọng tài ở các quốc gia khác có thẩm quyền giải quyết từ tranh chấp thương mại lẫn dân sự; điều này hợp lý bởi xuất phát của quan hệ thương mại là một phần trong quan hệ dân sự nên các các giao dịch thương mại nên để các bên tự định đoạt và quyết định, trong đó có quyền lựa chọn phương thức GQTC.

Ngoài ra, trong hạn chế về phạm vi thẩm quyền của Trọng tài tại Việt Nam còn thể hiện ở vấn đề hạn chế yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi thụ lý hồ sơ, muốn thực hiện việc này phải thông qua Tòa án. Do vậy, cuối tháng 11/2009 vừa qua, các nhà làm luật Việt Nam đã đưa ra bàn thảo tại Quốc Hội về vấn đề việc mở rộng thẩm quyền và phạm vi thụ lý hồ sơ của Trọng tài, trong đó có các kiến nghị về việc bổ sung những nội dung cụ thể để bảo đảm việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi của bên đi kiện. Đây có thể xem là một bước đi tất yếu và các doanh nghiệp nên theo dõi và có những định hướng cho việc GQTC trong các giao thương của mình và đối tác.

Thứ hai, các bên trong giao thương nên biết quy định về hủy quyết định trọng tài (QĐTT), đó là khi một bên không đồng ý với quyết định của TTTT, các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy QĐTT “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được QĐTT”. Tuy nhiên, Tòa án chỉ có thẩm quyền hủy QĐTT chỉ khi nào việc tiến hành GQTC thương mại của TTTT/Trọng tài viên rơi vào một trong các trường hợp quy định. Ở đây có đến 06 căn cứ để các bên dựa vào để yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy QĐTT như là: không có thỏa thuận Trọng tài hoặc thỏa thuận vô hiệu mà Hội đồng Trọng tài vẫn ra quyết định, chứng minh được Trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ theo quy định, sai phạm về thẩm quyền hoặc thành phần của Hội đồng Trọng tài, nghĩa vụ của Trọng tài viên… Những căn cứ trên, theo quan điểm của tác giả, là những hạn chế của phương thức GQTC bằng con đường Trọng tài.

Thực tế, bên không chấp nhận QĐTT có thể viện dẫn nhiều lý do để xin hủy QĐTT bởi thực chất phạm vi của các căn cứ là rất rộng; khi đó Tòa án buộc phải xem xét bằng việc kiểm tra thủ tục tố tụng Trọng tài chứ không xét lại nội dung vụ tranh chấp để ra quyết định có hủy hay là không. Do vậy, tùy theo từng vụ việc cụ thể, các đương sự trong tranh chấp phải xác định được con đường đi của phương thức này, nếu nhận thấy sự sai phạm (hoặc cố vấn pháp lý của doanh nghiệp mình cho rằng QĐTT có vấn đề) thì có thể yêu cầu tòa án hủy QĐTT để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Cũng xin được đề cập thêm rằng, khi QĐTT bị hủy thì có thể tiếp tục thỏa thuận việc giải quyết bằng Trọng tài hoặc đưa vụ việc ra Tòa án và thực tế là Tòa án luôn là nơi để các bên lựa chọn bởi trong trường hợp này, rất khó để các bên có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận nào nữa. Các doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp lúc này còn tính đến việc xem xét ngân sách cho việc kiện tụng và các hạn chế của giải quyết tại Tòa án như đã trình bày ở mở đầu của bài viết.

Thứ ba, đó là vấn đề về Trọng tài viên mà việc lường trước những hạn chế có thể có sẽ là không thừa đối với các bên.

Theo quy định thì các bên trong quá trình soạn thảo điều khoản thỏa thuận Trọng tài có thể thỏa thuận tên Trọng tài viên, cũng có cách khác là khi xảy ra tranh chấp các bên thống nhất làm một Phụ lục để chọn Trọng tài viên của TTTT, nhưng vấn đề này hơi khó vì khi đó các bên đã có tranh chấp, các bên có quyền nghi ngại đề nghị một của một bên trong việc chọn Trọng tài viên cụ thể.

Thực tiễn khi các xem xét vụ việc, nếu các bên không thỏa thuận cụ thể thì Hội đồng Trọng tài do Chủ tịch TTTT chỉ định, khi đó việc GQTC sẽ phụ thuộc vào năng lực và quan điểm của Trọng tài viên. Tất nhiên việc chỉ định Trọng tài viên nào thì Chủ tịch TTTT cũng có cơ sở của mình, có thể đó là chuyên môn và/hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh chấp. Tuy nhiên một khi việc giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào ý thức chủ quan của một cá nhân thì các bên có quyền nghi ngại từ năng lực và/hoặc quan điểm cho đến kết quả giải quyết vụ việc của Trọng tài viên. Do vậy, nên chăng các bên khi giao kết hoặc khi chọn giải quyết bằng Trọng tài hãy thỏa thuận chọn một Trọng tài viên có chuyên môn về lĩnh vực đang tranh chấp, và tin tưởng vào quan điểm cũng như tính vô tư khách quan của Trọng tài viên đó.

Thứ tư, đó là hạn chế về luật áp dụng trong giải quyết Trọng tài và cũng là cơ sở để cho rằng: việc giải quyết bằng Trọng tài hiện nay tại Việt Nam không thực sự tiến bộ hơn so với Tòa án.

Điều này xuất phát từ ảnh hưởng của việc áp dụng luật Việt Nam của Tòa án để giải quyết, những Trọng tài viên am hiểu luật pháp Việt Nam, bằng những cách khác nhau đã hướng các bên tới áp dụng pháp luật Việt Nam trong GQTC thương mại. Hạn chế thể hiện rõ nhất là việc GQTC có yếu tố nước ngoài, phần lớn các tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài tính đến thời điểm hiện tại chủ yếu các tranh chấp có yếu tố nước ngoài; khi đó bên nước ngoài phải thuê Luật sư hoặc chuyên gia am hiểu lĩnh vực tranh chấp và pháp luật Việt Nam.

Ngoài các chi phí các bên bỏ ra luôn bị các doanh nghiệp xem là hạn chế thì kết quả GQTC căn cứ vào luật nội dung của Pháp luật Việt Nam cũng khó để các bên tâm phục, khẩu phục. Hệ quả là sự phản ứng, như kiện lên các cơ quan tài phán quốc tế, kiện hủy QĐTT… Điều đó hoàn toàn không có lợi nếu không nói rằng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam nói chung và quan hệ giao thương giữa các doanh nhân tại Việt Nam nói riêng.

Kết thúc vấn đề này, tác giả cho rằng muốn khắc phục những hạn chế của giải quyết tranh chấp Trọng tại tại Việt Nam trước hết phải bắt đầu bằng việc xác định lại và định hướng thay đổi tâm lý doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, những doanh nghiệp được điều hành bởi những con người mới nhưng chịu sức ép từ những điểm tồn cùa văn hóa truyền thống – nét văn hóa có cái gốc là văn hóa nông nghiệp và một cơ chế có thể nói là chưa được thông thoáng. Có thể đây cũng là xu thế tất yếu, có cầu ắt sẽ có cung, một khi doanh nghiệp ý thức được những lợi thế trong các con đường giải quyết tranh chấp thì cơ chế pháp lý sẽ thay đổi, chỉ khi đó các Trung tâm Trọng tài mới có thể chuyển mình mạnh mẽ trong các lối đi mới.

SOURCE: SAGA.VN

 

YÊU CẦU DỊCH VỤ/TƯ VẤNLuat Khai Phong tu van
CÔNG TY LUẬT KHAI PHONG
Địa chỉ: P212-N4A, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04.35641441 / 39973456 - Fax: 04.35641442
Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
---------------------------------------------------------------------------------
 
 
bold italicize underline strike url image quote
Thu hẹp | Mở rộng
 

busy