Xác định loại và mức hình phạt cụ thể (kể cả hình phạt bổ sung nếu có) trong phạm vi luật cho phép để áp dụng đối với người phạm tội cụ thể.
Quyết định hình phạt là một hoạt động trong quá trình áp dụng luật hình sự, dựa trên kết quả của hoạt động định tội danh trước đó. Quyết định hình phạt đúng có ý nghĩa đặc biệt đối với hiệu quả của hình phạt. Để có cơ sở pháp lý và định hướng cho việc quyết định hình phạt, luật hình sự có hệ thống các quy định liên quan đến vấn đề này, tạo thành chế định quyết định hình phạt, trong luật hình sự. Chế định này được quy định tương đối hoàn chỉnh trong luật hình sự Việt Nam kể từ khi có Bộ luật hình sự năm 1985. Chế định này tiếp tục được hoàn thiện trong các lần sửa đổi, bổ sung và trong Bộ luật hình sự năm 1999. Để có thể quyết định được hình phạt, Tòa án phải dựa vào các căn cứ sau: 1) Các quy định của Bộ luật hình sự; 2) Tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; 3) Nhân thân người phạm tội; 4) Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Các căn cứ trên đây vừa có tính độc lập tương đối vừa có quan hệ chặt chẽ với nhau. Căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, Tòa án xác định khung hình phạt được phép áp dụng (trong trường hợp không được miễn trách nhiệm hình sự và không được miễn hình phạt). Các quy định của Bộ luật hình sự là căn cứ quyết định bao gồm các quy định có liên quan đến hình phạt và quyết định hình phạt của các điều luật trong phần chung cũng như phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Dựa vào các căn cứ tiếp theo, Tòa án có thể xác định được mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, khả năng giáo dục, cải tạo cũng như hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội. Từ đó, Tòa án xác định được hình phạt cụ thể trong khung hình phạt đã xác định.
Để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, Tòa án phải dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có: 1) Tính chất của hành vi phạm tội (thủ đoạn, công cụ, phương tiện, cách thức sử dụng công cụ, phương tiện, hình thức thực hiện, phạm tội có tổ chức hay chỉ là đồng phạm thông thường hay là phạm tội riêng lẻ...); 2) Mức độ thực hiện tội phạm - chuẩn bị, chưa đạt hay đã hoàn thành; 3) Tính chất và mức độ của hậu quả đã gây ra hoặc đe dọa gây ra; 4) Mức độ lỗi (tính chất của động cơ, quyết tâm phạm tội, nguyên nhân và điều kiện phạm tội...); 5) Hoàn cảnh phạm tội: 6) Những tình tiết về nhân thân có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội...
Xem xét nhân thân người phạm tội khi quyết định hình phạt chỉ đòi hỏi xem xét những đặc điểm nhất định liên quan đến mục đích của hình phạt. Cụ thể, ngoài những đặc điểm về nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cần phải xem xét những đặc điểm sau: 1) Những đặc điểm về nhân thân người phạm tội phản ánh khả năng giáo dục, cải tạo của họ; 2) Những đặc điểm về nhân thân người phạm tội phản ánh hoàn cảnh đặc biệt của họ do vậy đòi hỏi Tòa án phải xem xét đến khi quyết định hình phạt, để đảm bảo hình phạt đã tuyên có tính thực tế, phù hợp với các nguyên tắc của Luật hình sự cũng như đáp ứng được mục đích trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội...
Theo luật hình sự Việt Nam, những tình tiết về nhân thân có ý nghĩa khi quyết định hình phạt là: phạm tội lần đầu hay đã có tiền án, tiền sự; tái phạm thường hay tái phạm nguy hiểm; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hay không có tính chuyên nghiệp; là người chưa thành niên hay đã thành niên phạm tội; có thái độ tự thú hoặc hối cải lập công chuộc tội hay là có thái độ ngoan cố...; là người thuộc đối tượng của các chính sách lớn của Nhà nước (chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo...); là người có hoàn cảnh đặc biệt (bị bệnh hiểm nghèo, già yếu, phụ nữ có thai hay nuôi con nhỏ, là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...).
Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là căn cứ quyết định hình phạt được quy định cụ thể tại Điều 46 và Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 1999 là nhằm mục đích hướng dẫn cho Tòa án khi xem xét mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, cũng như khi xem xét nhân thân của người phạm tội. Đó là những tình tiết điển hình phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cũng như nhân thân người phạm tội.
Nội dung của quyết định hình phạt trên đây là quyết định hình phạt cho trường hợp phạm tội bình thường. Bên cạnh đó còn có những trường hợp phạm tội không bình thường khác. Đối với những trường hợp này, việc quyết định hình phạt cũng có những nội dung đặc biệt khác. Quyết định hình phạt trong những trường hợp không bình thường đó bao gồm: 1) Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Trong trường hợp này, việc quyết định hình phạt còn phải dựa vào mức độ thực hiện tội phạm và nguyên nhân làm cho tội phạm không hoàn thành: 2) Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm. Trong trường hợp này, việc quyết định hình phạt còn phải dựa vào tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm: 3) Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội. Trong trường hợp này, phải quyết hình phạt riêng cho từng tội và tổng hợp các hình phạt này thành hình phạt chung theo nguyên tắc sau: nếu các hình phạt là tù có thời hạn thì hình phạt chung là hình phạt tù có mức độ bằng tổng các mức độ của các hình phạt đó nhưng không được quá 30 năm; nếu các hình phạt chính là phạt tiền thì hình phạt chung là tổng các khoản phạt tiền đó; nếu các hình phạt chính khác loại nhau và trong đó có hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì hình phạt chung là chung thân hoặc tử hình. Hình phạt tiền không được phép tổng hợp với hình phạt khác mà tồn tại song song; nếu các hình phạt bổ sung là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn luật định trừ hình phạt tiền được quyết định như trường hợp là hình phạt chính cũng như trừ hình phạt không có mức độ tối thiểu, tối đa thì không có việc tổng hợp hình phạt; 4) Nếu các hình phạt bổ sung là khác loại thì các hình phạt đó đều song song tồn tại.