
Thuật ngữ pháp lý
Đang xem kết quả 91 đến 120 trong tổng số 378 thuật ngữ
HỆ THỐNGDẪN, CHUYỂN NƯỚC
bao gồm kênh, mương, rạch, đường ống, xi phông, tuynel, cầu máng dùng để dẫn, chuyển nước.
(Theo Khoản 6, Điều 2, Luật Thủy lợi 2017)
HỆ THUỘC CỦA QUY PHẠM XUNG ĐỘT
Yếu tố cấu thành của quy phạm xung đột chỉ ra hệ thống pháp luật được áp dụng để điều chỉnh quan hệ xã hội nói trên (priviazka, point d'attachement, anknupíungsmoment, point of contact, momneto di collegamento).
Có các loại hệ thuộc của quy phạm xung đột sau: hệ thuộc luật nhân thân (lex personalis); hệ thuộc luật quốc tịch của pháp nhân (lex societatis); hệ thuộc luật nơi có tài sản (lex rei sitae); hệ thuộc luật tòa án (lex fori); hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi (lex loci actus); luật nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật (lex loci delicti commissi); hệ thuộc luật lựa chọn (lex voluntatis); hệ thuộc luật quốc kỳ (lexy bandera) và luật nơi đăng ký phương tiện vận tải (lex libri sitae).
HỆ TỌA ĐỘ QUỐC GIA
là hệ tọa độ toán học trong không gian và trên mặt phẳng, được thiết lập theo mốc thời gian xác định và sử dụng thống nhất trong cả nước để biểu thị kết quả đo đạc và bản đồ.
(Theo Khoản 6, Điều 3, Luật Đo đạc và bản đồ 2018)
HỆ TỌA ĐỘ QUỐC TẾ
là hệ tọa độ toán học trong không gian và trên mặt phẳng, được thiết lập theo mốc thời gian xác định và sử dụng phổ biến trên thế giới để biểu thị kết quả đo đạc và bản đồ.
(Theo Khoản 7, Điều 3, Luật Đo đạc và bản đồ 2018)
HỆ TRỌNG LỰC QUỐC GIA
là hệ trọng lực được thiết lập theo mốc thời gian xác định và sử dụng thống nhất trong cả nước để xác định các giá trị trọng trường Trái Đất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(Theo Khoản 9, Điều 3, Luật Đo đạc và bản đồ 2018)
HIẾN BINH
Lực lượng đặc nhiệm trong quân đội của một số nước. Chức năng và các nhiệm vụ cụ thể của hiến binh tùy thuộc vào tổ chức quân đội của từng nước.
Ở Pháp, hiến binh là nằm trong Bộ Quốc phòng, nhưng được tổ chức vừa mang tính hành chính, vừa mang tính quân sự. có nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh công cộng, truy nã binh lính trốn quân ngũ, dẹp trừ phản loạn, cướp bóc, cứu hộ trên toàn lãnh thổ; đồng thời làm nhiệm vụ tình báo cho quân đội, chính quyền, tiến hành một số hoạt động điều tra các vụ việc hình sự. về tổ chức của hiến binh, ở trung ương có Bộ Tham mưu, Tổng Thanh tra, Cục hiến binh và Quân pháp; ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một đại đội, 4 hoặc 5 tỉnh có một quân đoàn. Ngoài ra, có một số đơn vị đặc nhiệm khác.
Ở Việt Nam, năm 1909, để bảo vệ chế độ thuộc địa, thực dân Pháp thành lập một đại đội hiến binh gồm 54 người (Bắc Kỳ 30 người, Trung Kỳ 10 người, Nam Kỳ 24 người). Năm 1913, thành lập đại đội hiến binh Đông Dương do một sĩ quan thanh tra kiêm chiến binh chỉ huy, gồm 2 đơn vị: một đóng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ có 140 người, một đóng ở Nam Kỳ và Campuchia có 100 người. Lực lượng hiến binh Đông Dương có nhiệm vụ: kiểm soát quân đội, kiểm soát dân sự về hành chính và tư pháp, coi giữ nhà tù tỉnh, có khi kiêm nhiệm trông coi việc chiếu sáng, vệ sinh đô thị, kiểm soát các quán cà phê, sòng bạc, gái điếm.
Trong thời gian xâm lược Việt Nam (1940 - 1945), phát xít Nhật lập lực lượng hiến binh là người Nhật để duy trì trật tự ở những nơi chúng chiếm đóng, gây dựng tổ chức thân Nhật để hất cẳng Pháp, tranh thủ giới chức sắc Cao Đài (ở miền Nam), gây quan hệ với giới báo chí để tuyên truyền cho thuyết "Đại Đông Á”, nhất là từ sau khi chúng tiến hành đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương (09.3.1945).
Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam (1954 - 1975), Mỹ tổ chức Lữ đoàn 18 MP (18th Military Police), còn gọi là quân cảnh, gồm 3 tiểu đoàn, làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, bảo vệ các cơ quan đầu não, hộ tống các đoàn xe ngoại giao của Mỹ, khi cấp thiết thì chiến đấu như một đơn vị bộ binh.
HIẾN CHƯƠNG LIÊN HỢP QUỐC
Điều ước quốc tế được ký ngày 26.6.1945 tại thành phố Xan Phranxixcô và có hiệu lực từ ngày 24.10.1945, điều chỉnh mốc quan hệ giữa các quốc gia thành viên nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế.
Hiến chương bao gồm 19 chương với 111 điều quy định việc thành lập Liên hợp quốc, tuyên bố mục đích, tôn chỉ, xác lập cơ cấu tổ chức và các nguyên tắc hoạt động của Liên hợp quốc. Hiến chương điều chỉnh các mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế.
Các quốc gia ký kết có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Hiến chương. Nếu điều ước quốc tế khác do các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ký có những điều khoản trái với những nghĩa vụ của quốc gia đó đối với Liên hợp quốc thì những nghĩa vụ theo Hiến chương Liên hợp quốc có giá trị cao hơn.
Hiến chương có nội dung và mục đích cao cả phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của tất cả các dân tộc (chống chiến tranh, vì hòa bình, bình đẳng dân tộc và hợp tác quốc tế) nên Hiến chương Liên hợp quốc cũng được coi là văn bản nền tảng cho quan hệ giữa tất cả các quốc gia, kể cả quốc gia không phải là thành viên của Liên hợp quốc.
HIẾN CHƯƠNG X. Điều ước quốc tế.
HIẾN MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI
Là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.
(Theo Khoản 6, Điều 3, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006)
HIẾN PHÁP
Hình thức văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành, có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định các vấn đề cơ bản nhất của Nhà nước như: hình thức và bản chất nhà nước, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa xã hội; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước...
Trong ngôn ngữ hiện đại, "Hiến pháp” là từ được sử dụng rộng rãi ở tất cả các nước với nghĩa là luật cơ bản của một nhà nước.
Thuật ngữ “Hiến pháp” ra đời và tồn tại lâu trong lịch sử. ở các nước phương Tây, từ “Constitution” có nghĩa là cơ cấu, sự xác lập. Trong Nhà nước La Mã cổ đại, các quy định của hoàng đế được ban hành dưới hình thức “Constitution” có tính chất là một loại nguồn của pháp luật. Văn bản có tính chất hiến pháp đầu tiên là sản phẩm của cách mạng tư sản Anh (1640) Hiến pháp Anh, còn gọi là Hiến pháp bất thành văn là bản “Hình thức cai quản nhà nước Anh, Scotland, Ailen,..." (năm 1653); sau đó, là Hiến pháp Mỹ năm 1787 - Hiến pháp đầu tiên được hiểu theo nghĩa phổ biến là đạo luật cơ bản do Quốc hội ban hành.
Theo quan điểm của luật pháp tư sản hiện đại, Hiến pháp được hiểu dưới hai góc độ: 1) Theo nghĩa vật chất: Hiến pháp là tổng thể các quy phạm pháp luật thành văn hoặc có tính tập quán xác định hình thức của Nhà nước (đơn nhất hay liên bang), việc trao quyền và thực thi quyền lực; 2) Theo nghĩa hình thức: Hiến pháp là tài liệu có liên quan đến các thiết chế chính trị mà việc xây dựng hay sửa đổi văn bản này phải tuân thủ theo một thủ tục khác với thủ tục lập pháp thông thường. Với nghĩa đó, có hai loại Hiến pháp: Hiến pháp "cứng rắn" là Hiến pháp mà các quy định pháp luật có một sức mạnh pháp lý ở vị trí hàng đầu trong hệ thống thứ bậc của pháp luật. Loại thứ hai là Hiến pháp "mềm”, nó không phân biệt về hình thức so với các luật cơ bản, có cùng cấp độ hiệu lực pháp lý với các đạo luật và có thể bị sửa đổi bởi các đạo luật thường.
Hiến pháp là cơ sở để xây dựng các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, được cụ thể hóa, chi tiết hóa bằng các văn bản pháp quy. Mọi văn bản pháp luật khác (trong hệ thống pháp luật của quốc gia) đều phải phù hợp với Hiến pháp.
HIẾN PHÁP TƯ SẢN
Hình thức văn bản pháp luật có tính chất của đạo luật cơ bản của nhà nước lần đầu tiên ra đời trong xã hội tư sản.
Trong các xã hội tồn tại trước xã hội tư sản, ở phương Đông cũng như ở phương Tây đã từng có các văn bản pháp luật có tên gọi hoặc trong nội dung có những điều khoản chứa đựng thuật ngữ "hiến pháp", nhưng Hiến pháp với tính chất là đạo luật cơ bản thì phải đến xã hội tư sản mới xuất hiện.
Hiến pháp ra đời gắn liền với cuộc đấu tranh của các dân tộc, trong đó, giai cấp tư sản thường là lực lượng lãnh đạo, chống lại các vương triều phong kiến chuyên chế. Giành được chính quyền, các nhà nước tư sản lần lượt ban hành Hiến pháp, sử dụng Hiến pháp như một vũ khí sắc bén thể chế hóa quyền thống trị xã hội của giai cấp mình nhằm bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, ở ngay những nước, nơi cuộc đấu tranh bị chi phối bởi những điều kiện lịch sử, đặc thù mà vương quyền vẫn được duy trì thì Hiến pháp vẫn được ban hành - đó là điều mà giai cấp tư sản không bao giờ nhượng bộ để thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, chính vì vậy, Lênin đã viết: "mọi cuộc cách mạng tư sản... cuối cùng, không có gì hơn là quá trình xây dựng một chế độ lập hiến".
Xét theo bản chất, Hiến pháp với tính cách là đạo luật cơ bản là hình thức văn bản pháp luật rất thích hợp đối với nhu cầu của giai cấp tư sản với tính cách là một giai cấp thống trị, nắm quyền lãnh đạo xã hội.
Giành được chính quyền, giai cấp tư sản hiểu rõ không thể thực hiện quyền cai quản xã hội theo lối cũ mà phải biết lợi dụng ngay ngọn cờ tự do, bình đẳng, đáp ứng một phần đòi hỏi của quần chúng đông đảo và bằng cách đó, bảo vệ được các lợi ích của giai cấp mình. Một trong những nhu cầu lớn của
thị trường tư bản chủ nghĩa là sự tồn tại của một thị trường lao động gồm những người lao động được tự do về thân phận. Mặt khác, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa có biểu hiện trực tiếp là quan hệ hợp đồng, giao dịch phải được thực hiện một cách tự do, ngang quyền, bình đẳng trong thể hiện ý chí và đảm bảo lợi ích thể hiện thành tự do ý chí, bình đẳng trước pháp luật và phải được thể hiện thành quyền cơ bản của cá nhân được ghi nhận trong đạo luật cơ bản của Nhà nước - trong Hiến pháp. Giai cấp tư sản, xét về mặt cấu tạo, trong nội bộ lại luôn tồn tại các tập đoàn tư bản cạnh tranh nhau quyết liệt. Các cá nhân tư sản, xét một cách khách quan, không thể chấp nhận sự can thiệp dễ dãi của chính quyền vào công việc làm ăn, kinh doanh, vốn được xem là một lĩnh vực tư, nơi họ có quyền tự do định đoạt. Giai cấp tư sản tìm thấy ở Hiến pháp với nguyên tắc phân chia ba quyền, cơ chế giải quyết các vấn đề nội bộ phát sinh giữa các tập đoàn, cá nhân tư sản, khi công việc phải được đặt lên ở tầm quốc gia.
Hơn nữa, ra đời trên cơ sở xóa bỏ ách thống trị phong kiến, nhà nước tư sản đứng trước một thực tế là đông đảo nhân dân lao động đã từng được cổ vũ bởi các lý tưởng về dân chủ, bình đẳng, tự do, về các quyền con người cơ bản; đồng thời, sự ra đời, phát triển của chế độ tư bản với tính cách là một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, khi xã hội đã đạt được những thành tựu to lớn về khoa học, kỹ thuật, về văn hóa, giáo dục, khi nền văn minh thế giới nói chung đã đạt đến trình độ cao hơn nhiều so với các chế độ cũ, khi những quan niệm, nhận thức về các quyền cơ bản, về dân chủ, tự do, về bình quyền, bình đẳng đã trở thành những giá trị phổ biến của văn minh nhân loại, thành của cải tinh thần chung của loài người. Là giai cấp nắm quyền thống trị xã hội, giai cấp tư sản phải thực hiện một sự lựa chọn có tính lịch sử, bắt buộc phải biết thích nghi, kịp thời rút ra những kinh nghiệm lớn từ thực tế đấu tranh giai cấp quyết liệt, nhiều khi đẫm máu ngay ở thời kỳ đầu, khi nhà nước tư sản mới ra đời. Từ đó, nhà nước tư sản đã phải, tuy từng bước và hoàn toàn không dễ dàng, đưa vào Hiến pháp, sự thừa nhận một số quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của các công dân nói chung, bằng cách đó, nó có thể đảm đương tốt hơn sứ mệnh bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân tư sản. Nhà nước tư sản đã phải thích nghi và đã biết thích nghi, có những điều chỉnh lớn trong các chính sách xã hội, trong các quy định về mặt lập pháp. Đặc biệt, về mặt lập hiến, để tự tô vẽ mình như là người đại diện không phải của riêng giai cấp nào mà là đại diện chung của toàn xã hội, phất ngọn cờ quyền con người, quyền công dân cơ bản, cổ súy cho những quyền đó.
Xét theo tính chất, qua lịch sử lập hiến hơn 200 năm của nhà nước tư sản, có thể chia sự phát triển đó thành 2 giai đoạn: giai đoạn đầu, từ Đại chiến thế giới lần thứ II trở về trước, Hiến pháp tư sản chủ yếu làm chức năng thể chế hóa quyền thống trị của giai cấp tư sản về mặt tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước, ghi nhận thắng lợi có tính lịch sử của giai cấp tư sản trước giai cấp phong kiến, quý tộc, bảo vệ một cách không che giấu quyền sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, thừa nhận từng bước và ở mức độ hạn chế khác nhau các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của công dân. Giai đoạn 2 bắt đầu từ Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc. Đấy là giai đoạn, khi các Hiến pháp tư sản, tuy từng bước nhưng liên tục phục hưng, ghi nhận lại, mở rộng các quyền tự do, dân chủ mà trước đó đã từng bước được thừa nhận nhưng đã bị chà đạp, xóa bỏ trong các nhà nước phát xít kiểu Hitler, Mussolini... đồng thời, xuất hiện tình hình mới đòi hỏi tăng cường vai trò của Hiến pháp với tính cách đạo luật cơ bản của cả xã hội, khi các Hiến pháp lần lượt được bổ sung nội dung về giải phóng phụ nữ, về bảo đảm các quyền bình đẳng về chính trị - xã hội, về giáo dục thế hệ trẻ, về bảo vệ môi trường... Đây là lúc đã ra đời khái niệm xã hội hóa Hiến pháp, đưa vào Hiến pháp các nội dung về xây dựng nhà nước xã hội với các quy định có khi rất cụ thể, chi tiết.
Nhìn một cách khái quát, có thể thấy mỗi Hiến pháp tư sản ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, mang theo những dấu ấn đặc thù của hoàn cảnh nhưng về cơ bản, đều có những dấu hiệu chung sau đây: 1) Đều thể chế hóa quyền thống trị của giai cấp tư sản dưới danh nghĩa của các chế định chủ quyền nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân một cách chung chung; 2) Đều là hình thức khẳng định chế độ chiếm hữu tư nhân và hệ thống kinh tế dựa trên chế độ chiếm hữu này thông qua việc khẳng định sở hữu tư nhân là thiêng liêng, bất khả xâm phạm và quốc gia chủ trương sở hữu hóa toàn dân; 3) Thừa nhận các hình thái chính thể phổ biến là quân chủ lập hiến, cộng hòa đại nghị hoặc cộng hòa tổng thống; 4) Ghi nhận hai hình thức tổ chức nhà nước phổ biến là liên bang và đơn nhất; 5)Đều lấy "phân chia ba quyền" với những biến dạng khác nhau làm nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước; 6) Đều ghi nhận và thường có mở rộng theo xu thế chung của thời đại các quyền tự do, bình đẳng, bình quyền dưới dạng như những ưu đãi, tuy thực chất đó không phải là thứ ân huệ "ban không” mà là thành quả đấu tranh kiên trì của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thừa nhận quyền con người với những mức độ khác nhau như những giá trị, thành tựu nhân văn, văn minh mà loài người đã đạt được.
HIẾN PHÁP VIỆT NAM NĂM 1946
Đạo luật gốc, cơ bản được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 09.11.1946, gồm 7 chương, 70 điều.
Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, ra đời khi nhân dân Việt Nam đã đánh đổ được xiềng xích thực dân, làm chủ nước nhà, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong khi các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang ra sức phá hoại, rắp tâm thủ tiêu chính quyền nhân dân.
Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ xây dựng một Hiến pháp dân chủ, nhiệm vụ có tính lịch sử đó đã được chỉ đạo thực hiện bằng con đường dân chủ: tổ chức tổng tuyển cử tự do phổ thông đầu phiếu để cử tri trong cả nước không có bất kỳ một sự phân biệt nào bầu ra Quốc hội lập hiến làm ra Hiến pháp dân chủ.
Để xây dựng dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội lập hiến, cùng với công việc chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử, một ủy ban dự thảo Hiến pháp do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã được thành lập. “Mặc dù đất nước đang hết sức bộn bề với muôn vàn công việc khẩn cấp, Ban dự thảo Hiến pháp đã họp nhiều phiên dưới sự chủ tọa trực tiếp của Bác. Với trí tuệ uyên bác, với quan điểm lấy dân làm gốc, Bác đã đưa vào Hiến pháp đầu tiên của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến của thế giới lúc bấy giờ và nhiều điều còn có giá trị nóng hổi bởi tính thời sự cho đến hôm nay” (Võ Nguyên Giáp).
Sau gần 2 tháng xây dựng, từ ngày thành lập Ủy ban dự thảo (từ 20.9 đến 10.11.1945) một dự thảo Hiến pháp đã được công bố trên Báo cứu quốc để lấy ý kiến nhân dân đóng góp. Tại kỳ họp thứ nhất ngày 02.3.1946 của Quốc hội khóa I, Tiểu ban Hiến pháp của Quốc hội đã được thành lập để tiếp tục nghiên cứu bản dự thảo và các kiến nghị của nhân dân tham gia ý kiến. Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa I khai mạc ngày 28.10.1946, đã quyết định các thành phần trong Tiểu ban, Hiến pháp để sửa đổi, bổ sung Dự thảo và đến ngày 09.11.1946 thì chính thức thông qua Hiến pháp - Đạo luật cơ bản đầu tiên của Việt Nam.
Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp ghi nhận thành quả đấu tranh gần 100 năm của dân tộc Việt Nam giành độc lập, tự do. Tiếp theo "Tuyên ngôn độc lập" ngày 02.9.1945, Hiến pháp năm 1946 trang trọng xác nhận: "Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa". Là đạo luật cơ bản của chính quyền nhân dân, trước tình hình phức tạp trong và ngoài nước, trước các âm mưu thâm độc của thù trong giặc ngoài mong lật đổ chế độ cộng hòa dân chủ, thủ tiêu quyền độc lập, tước đoạt một lần nữa chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Hiến pháp năm 1946 kiến nghị xác định:"Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ".
Nhận thức trách nhiệm trước nhân dân cả nước xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Quốc hội khẳng định: Hiến pháp Việt Nam phải ghi nhận những thành quả vẻ vang của cách mạng và phải xây dựng trên những nguyên tắc: đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân (Lời nói đầu).
Cùng với “Lời nói đầu” thể hiện những tư tưởng chỉ đạo cơ bản, nội dung của Hiến pháp năm 1946 gồm có 7 chương, 70 điều quy định một cách cô đọng, bao quát những thiết chế cơ bản của một Nhà nước, một xã hội dân chủ dù chỉ mới có những bước đi đầu tiên trên con đường dân chủ.
Chương I - Chính thể: với ba điều (Điều 1, 2 và Điều 3) quy định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo" (Điều 1); “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia" (Điều 2): “Cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh” (Điều 3) là ba thể chế cơ bản, chủ yếu, quan trọng nhất và chính những lực lượng thù địch trong và ngoài nước, không chỉ âm mưu mà đang thực thi những hành động vừa trắng trợn, vừa nham hiểm nhất để nhằm xóa bỏ, thủ tiêu từng thể chế và cả ba thể chế.
Chương II - Nghĩa vụ và quyền lợi của công dân: với 3 mục: Nghĩa vụ (mục A); Quyền lợi (mục B); Bầu cử, bãi miễn và phủ quyết (mục C), quy định các quyền lợi, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến các nước, trong một bản Hiến pháp, chế định quyền và nghĩa vụ công dân lại được đặt cao như vậy, ngay tại Chương II chỉ sau Chương I về chính thể. Việc đặt nghĩa vụ công dân lên đầu chương này cũng rất đáng chú ý. Các quyền lợi công dân quy định tại 16 điều, được tách thành hai mục B và C. Mục B với tiêu đề: "quyền lợi công dân" với 11 điều, quy định rất bao quát, từ vị trí ngang quyền của tất cả công dân Việt Nam về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa (Điều 6); và đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc, tất nhiên không thể như nhau vì còn tùy theo tài năng và đức hạnh của mỗi người (Điều 7), thể hiện một cách tiếp cận cực kỳ tinh tế của các nhà lập hiến. Về các quyền tự do dân chủ, Hiến pháp quy định công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài. Như vậy, hai loại quyền cơ bản đối với mỗi cá nhân: quyền bình đẳng, ngang quyền về mọi phương diện và các quyền tự do dân chủ của mỗi cá nhân đã được Hiến pháp quan tâm quy định đầy đủ, không hề có một phân biệt đối xử nào. Đồng thời, tính đến hoàn cảnh thực tế, địa vị xã hội của từng bộ phận, tầng lớp dân cư trong xã hội như là hệ quả của sự phát triển lịch sử trong điều kiện xã hội phong kiến, thực dân trước đây, Hiến pháp đã dành một số điều của mục B đưa ra những quy định có tính đặc thù thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến từng bộ phận dân cư vốn chịu sự thiệt thòi và đối xử bất công trong các xã hội phong kiến, thực dân vì lý do về giới, về thành phần dân tộc, về những hạn chế về tuổi tác, về tật nguyền... Cụ thể, Điều 9 quy định “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện"; "Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8); "những công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ em được săn sóc về mặt giáo dưỡng (Điều 14); "Học trò nghèo được Chính phủ giúp đỡ” (Điều 15).
Hiến pháp còn dành một số điều quy định những chế định giữ vị trí trung tâm trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Điều 12 ghi: "Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam dược bảo đảm”: Điều 13: "Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm”. Điều 11 cũng là điều được đặc biệt chú ý: "Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật”và cuối mục B này, trung thành với các lý tưởng dân chủ, tự do, các nhà lập hiến Việt Nam đã dành Điều 16 để quy định: “Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam”. Mục C Chương II đã được dành riêng để quy định về bầu cử, bãi miễn và phủ quyết tại 5 điều, về mặt này, có thể nói Hiến pháp không tạo khung, vạch hành lang cho chế độ bầu cử mà là ghi nhận, đưa vào Hiến pháp thực tế cuộc bầu cử đã được tiến hành trước đó gần một năm. Nói một cách khác, đã diễn ra một tình huống rất đặc thù của cuộc vận động cách mạng dân tộc, dân chủ của Việt Nam, khi Hiến pháp đi sau thực tế tiến trình cách mạng đã diễn ra và Hiến pháp không còn phải làm chức năng dọn đường, vạch hành lang, tạo khung pháp luật cho diễn tiến của cuộc cách mạng mà là ghi nhận lại cái đã diễn ra, thể chế hóa các thành quả đã đạt được thành quy tắc có tính hiến định về chế độ bầu cử: phổ thông đầu phiếu; bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín; tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên không phân biệt trai gái, đều có quyền bầu cử; nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra; nhân dân có quyền phủ quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia.
Chương III - Nghị viện nhân dân gồm 23 điều (từ Điều 22 đến Điều 42), là chương lớn nhất của Hiến pháp. Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Điều 22); giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc; đặt ra pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài (Điều 23). Nghị viện quyết nghị theo quá nửa số nghị viên có mặt, nhưng muốn tuyên chiến thì phải có hai phần ba số nghị viên có mặt bỏ phiếu thuận (Điều 29). Các luật đã được Nghị viện biểu quyết phải được Chủ tịch nước ban bố chậm nhất 10 ngày sau khi nhận được thông tin. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại nhưng nếu luật vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì Chủ tịch nước bắt buộc phải ban bố (Điều 31). Nghị viện lập Ban thường vụ gồm 1 nghị trưởng, 2 phó nghị trưởng, 12 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết và đều được bầu bởi Nghị viện (Điều 27). Khi Nghị viện không họp, Ban thường vụ có quyền biểu quyết những dự án sắc luật do Chính phủ trình và phải đem trình Nghị viện vào phiên họp gần nhất để Nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ; triệu tập Nghị viện nhân dân; kiểm soát và phê bình Chính phủ (Điều 36). Khi Nghị viện không họp được, Ban thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến (Điều 38).
Chương IV - Chính phủ: có 14 điều, từ Điều 43 đến Điều 56. Điều 43 xác định Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc. Chính phủ gồm có Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó Thủ tướng (Điều 44). Chủ tịch nước được chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba trong tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận; nếu không đủ số phiếu ấy thì lần bỏ phiếu thứ nhì sẽ theo đa số tương đối (Điều 45). Chủ tịch nước được Hiến pháp quy định có những quyền hạn rất rộng rãi: thay mặt cho nước; giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái...; kí sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên nội các...; chủ tọa Hội đồng Chính phủ; ban bố các đạo luật đã được Nghị viện nhân dân quyết nghị; thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự; đặc xá, kí hiệp ước với các nước; phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước; trong trường hợp Nghị viện nhân dân không họp được, cùng Ban thường vụ quyết định tuyên chiến hay đình chiến.
Những quyền hạn mà Hiến pháp giao cho Chủ tịch nước là hết sức rộng rãi, về đại thể có nhiều nét tương đồng với quyền hạn của Tổng thống các nước theo chế độ tổng thống. Điều đó không ngẫu nhiên. Một trong ba nguyên tắc lớn được đề ra ngay trong Lời nói đầu làm phương châm chỉ đạo thiết kế các thể chế của Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam là: “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Trong điều kiện của những năm đầu cách mạng mới thành công, kẻ thù tàn bạo trong và ngoài nước đang ra sức phá hoại, hòng lật đổ chính quyền nhân dân, khi bản thân chính quyền non trẻ đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" và khi công cuộc “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ" đã trở thành một nhiệm vụ trực tiếp và vô cùng bức thiết thì việc thiết kế một chức danh Chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia với sự tập trung nhiều quyền lực là vô cùng cần thiết. Trong lúc đó, tại Điều 50 Hiến pháp lại xác định: “Chủ tịch nước Việt Nam không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc".
Đồng thời, Hiến pháp còn quy định: “Thủ tướng Chính phủ phải chịu trách nhiệm về con đường chính trị của nội các” (Điều 54), còn các Bộ trưởng như quy định tại Điều 53, tùy theo quyền hạn của các bộ, phải tiếp ký vào các sắc lệnh mà Chủ tịch nước đã ký và Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Nghị viện về các sắc lệnh đã tiếp ký. Trong cả hai trường hợp: về con đường chính trị của Nội các, về các sắc lệnh mà Chủ tịch nước đã ký, Hiến pháp đều không quy định Chủ tịch nước phải chịu bất kỳ một trách nhiệm nào.
Bằng những quy định đó, Hiến pháp dành cho Chủ tịch nước, trong khi thực hiện những quyền hạn rộng lớn trong lãnh đạo đất nước, quyền chủ động trong việc đưa ra những quyết định hệ trọng, có khi sống còn của đất nước. Đó thực sự là một thiết chế đặc biệt, vừa phản ánh tính quyết liệt, khẩn trương của tình hình đất nước, vừa thể hiện sự tin cậy, sự ủy thác rất cao mà các đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân cả nước dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với Nội các và các Bộ trưởng, vấn đề tín nhiệm đã được đặt ra: Bộ trưởng nào không được tín
nhiệm thì phải từ chức (Điều 54); Nghị viện có thể biểu quyết về vấn đề tín nhiệm, khi Thủ tướng, Ban thường vụ hoặc một phần tổng số nghị viên nêu vấn đề đó ra.
Chương V - Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính: cả nước về phương diện hành chính gồm có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tình; tình chia thành thành huyện; huyện chia thành xã và ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố hay xã cử ra ủy ban hành chính. Ở bộ và huyện chỉ có ủy ban hành chính do Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp bầu ra.
Chương VI - Cơ quan tư pháp gồm: Tòa án tối cao; các Tòa án phúc thẩm; các Tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp (Điều 63). Thẩm phán do Chính phủ bổ nhiệm. Xử việc hình có Phụ thẩm nhân dân để: hoặc tham gia ý kiến, nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với Thẩm phán nếu là việc đại hình (Điều 65). Dân tộc thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước tòa (Điều 66). Bị cáo được quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư (Điều 67), cấm tra tấn, đánh đập, ngược đãi bị cáo và tội nhân (Điều 68). Khi xét xử, Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp.
Chương VII - Sửa đổi Hiến pháp: khi có hai phần ba tổng số Nghị viên yêu cầu. Những điều sửa đổi được Nghị viện ưng chuẩn phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Cùng với việc thông qua Hiến pháp năm 1946, Quốc hội ra Nghị quyết giao Ban thường trực Quốc hội cùng với Chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp khi có điều kiện. Trong thời kỳ chưa thi hành được thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật. Ngày 19.12.1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ nên Hiến pháp năm 1946 chính thức chưa được công bố thi hành, nhưng tinh thần, lời văn của các thể chế hiến định có tác dụng to lớn đối với công tác tổ chức, lãnh đạo, điều hành công việc của Chính phủ. Hiến pháp năm 1946 cũng có tác dụng to lớn, khi đến được với nhân dân các nước, giúp cho họ hiểu biết hơn nhân dân ta và chế độ mới mà dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang xây dựng.
HIẾN PHÁP VIỆT NAM NĂM 1959
Đạo luật gốc, cơ bản được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Khóa I, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 31.12.1959 và Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố ngày 01.01.1960, gồm 10 chương và 112 điều.
Hiến pháp năm 1959 là bản Hiến pháp thứ hai của nước Việt Nam, thay thế Hiến pháp năm 1946, ra đời khi đất nước đang tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa I (cuối năm 1956 đầu năm 1957) đã có quyết định sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.
Kế thừa và phát triển các chế định thể hiện bản chất, chức năng, sức mạnh, các nhiệm vụ lịch sử của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua sự thử thách, kiểm nghiệm của thực tế đấu tranh của nhân dân, Hiến pháp năm 1959, một mặt ghi lại theo tinh thần và lời văn của nhiều chế định của Hiến pháp năm 1946, mặt khác, đã mở rộng phạm vi quy định, có thêm những chương mới chưa được quy định ở Hiến pháp năm 1946. Đó là Chương II,"Chế độ kinh tế và xã hội" là một chương lớn với 13 điều, hoặc chế định “Chủ tịch nước” được tách ra khỏi chế định Chính phủ và quy định thành một chương riêng, Chế định: "Quốc kỳ, Quốc huy và Thủ đô" ở Hiến pháp năm 1946 đặt thành một điều ở Chương I “Chính thể” đã được tách thành một chương, riêng “Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô" với 3 điều đặt ở cuối Hiến pháp, tương tự như ở Hiến pháp nhiều nước trên thế giới.
“Lời nói đầu” cũng như Điều 1 đều khẳng định:"Nước Việt Nam là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau (Lời nói đầu) hoặc "Nước Việt Nam là một khối Bắc Nam thống nhất không thể chia cắt” (Điều 1).
Nội dung chính của “Lời nói đầu” có tính chất của một bản tổng kết lịch sử đấu tranh trong suốt gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ vì độc lập, tự do, nhất là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đưa ra một tuyên ngôn, phương hướng cho cuộc đấu tranh trong thời kỳ tới: "Cách mạng Việt Nam chuyển sang một hình thể mới. Nhân dân ta cần ra sức củng cố miền Bắc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh, hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước", và chỉ rõ "Hiến pháp mới là một Hiến pháp thực sự dân chủ. Hiến pháp mới sức sức mạnh động viên nhân dân cả nước phấn khởi tiến lên giành những thắng lợi mới".
Chương I, “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa", xác định tính nhân dân của Nhà nước: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa... là một nước dân chủ nhân dân; Điều 3 xác định: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc”, đồng thời, thiết kế một quy định mang tính thể chế chính quyền tự trị đối với các dân tộc thiểu số: "Những địa phương có dân tộc thiểu số sống tập trung thì có thể thành lập khu vực tự trị. Khu tự trị là khu vực không thể tách rời được của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa".
Điều 4 ghi lại quy định của Điều 1 Hiến pháp năm 1946 với sự điều chỉnh “quyền bính” thành “quyền lực” và cải cách thể hiện: từ “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo" thành: "Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Nhân dân là khái niệm có nội dung giai cấp. Cũng vì vậy, cách thể hiện: "Toàn thể nhân dân không phân biệt...” có phạm vi rộng hơn khái niệm nhân dân. Đây cũng là một trong những khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Hiến pháp năm 1959. Điều 5 đề cập đến chế độ tuyển cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Điều 6 (mới) quy định trách nhiệm của tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân; Điều 7 quy định, những hành vi bị nghiêm cấm và bị Nhà nước trừng trị; Điều 8 về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân.
Chương II - Chế độ kinh tế và xã hội quy định đường lối tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội; Điều 10 xác định: "Nhà nước lãnh đạo kinh tế theo một kế hoạch thống nhất”; Điều 11 nói đến các thành phần sở hữu trong thời kỳ quá độ và Điều 12 - vai trò lãnh đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế quốc dân; Điều 13 - về vị trí của kinh tế hợp tác xã và chính sách của Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ phát triển; Điều 14 - về chính sách của Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của nông dân và khuyến khích họ tổ chức các hợp tác xã... cũng như chính sách kinh tế đối với người làm nghề thủ công, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã (Điều 15), bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc...
Chương III - Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân gồm 23 điều là chương lớn nhất của Hiến pháp, thể hiện một bước phát triển dài của chế định quyền công dân trong xã hội ta những năm 60, 70 trên cơ sở kế thừa các quy định có tính mở đầu của Hiến pháp năm 1946, chủ yếu theo hướng vừa mở rộng số lượng các quyền mà Hiến pháp năm 1946, trong điều kiện của những năm đầu chính quyền nhân dân non trẻ, chưa quy định như quyền làm việc (Điều 30), quyền nghỉ ngơi (Điều 31), quyền tự do nghiên cứu khoa học... Đáng ghi nhận là Hiến pháp quy định quyền khiếu nại và tố cáo của công dân về những hành vi phạm pháp của nhân viên trong cơ quan nhà nước và quyền được bồi thường về những thiệt hại vì hành vi phạm pháp gây ra (Điều 29). Đồng thời, Hiến pháp cụ thể hóa các quyền đã được Hiến pháp năm 1946 quy định nhưng đang dừng lại ở dạng tuyên ngôn, nguyên tắc như Điều 32 về quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động được bảo đảm bằng việc Nhà nước mở rộng dần các tổ chức bảo hiểm xã hội, cứu tế và y tế để người lao động được hưởng quyền đó, hoặc về quyền học tập: công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền học tập. Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục cưỡng bách, phát triển dần các trường học và cơ quan văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ, tại các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác ở thành thị và nông thôn, để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó (Điều 33). Đối với các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng, ngang quyền của Hiến pháp năm 1946 cũng đều được ghi nhận lại và phát triển theo hướng bổ sung các biện pháp bảo đảm thực hiện, như Điều 25, 26, 27, 28: công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình, tự do tín ngưỡng, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nhà ở, về thư tín... và Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.
Các chương từ Chương IV đến Chương VIII quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, chiếm một nửa số chương (5/10) và gần 60% số điều (66/112), so với các quy định của Hiến pháp năm 1946 có những điều chỉnh lớn theo hướng dân chủ hóa, đề cao, phát huy chế độ đại diện, phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để tích vực phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc nhà nước. Điếu 43, 44 xác định: Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội có quyền ra pháp lệnh, giải thích pháp luật, quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân; sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh; quyết định việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ; quyết định việc giới nghiêm toàn quốc hoặc ở từng địa phương; quyết định việc phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước ký với nước ngoài. Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp nước nhà bị xâm lược cũng như quyết định việc bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó Thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng Chính phủ.
Như vậy, ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền rộng lớn, một số quyền mà ở Hiến pháp năm 1946 giao cho Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thì ở Hiến pháp này đã trao cho ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong điều kiện Quốc hội không hoạt động thường xuyên, mỗi năm chỉ họp hai kỳ ngắn ngày, các thẩm quyền trên đây đưa lại cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, phản ánh khuynh hướng có tính phổ biến lúc bấy giờ ở các nước xã hội chủ nghĩa, làm thay đổi tính chất của cơ quan thường vụ của Quốc hội không còn là cơ quan thường trực đơn thuần của cơ quan lập pháp mà đồng thời thực hiện cả một phần chức năng của nguyên thủ quốc gia hoặc cơ quan hành pháp cao nhất.
Chương V - Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra. không bắt buộc là từ các vị đại biểu Quốc hội như Hiến pháp năm 1946 mà công dân Việt Nam từ ba mươi lăm tuổi trở lên thì có quyền ứng cử Chủ tịch nước.
Từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1959, các quy định của Chương "Chủ tịch nước” thể hiện bước chuyển hướng rõ nét nhất sang mô hình quá độ trong việc tổ chức thực thi quyền lực nhà nước cấp cao theo mô hình tổ chức bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa phổ biến đương thời. Chủ tịch nước không thực hiện quyền lập quy ra sắc lệnh mà căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội mà công bố pháp luật, pháp lệnh; bổ nhiệm, bãi miễn Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ, công bố lệnh đại xá và lệnh đặc xá, tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự của Nhà nước; tuyên bố tình trạng chiến tranh; công bố lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố lệnh giới nghiêm.
Trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại cũng vậy, cùng với trách nhiệm tiếp nhận đại diện toàn quyền ngoại giao của nước ngoài... Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội mà phê chuẩn hiệp Ước ký với nước ngoài, cử và triệu hồi đại diện toàn quyền ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở nước ngoài (Điều 64).
Đồng thời, Hiến pháp vẫn tiếp tục trao cho Chủ tịch nước những quyền năng có tính thực quyền: thống lĩnh các lực lượng vũ trang toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng (Điều 65); khi xét thấy cần thiết có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ (Điều 66); khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và chủ tọa hội nghị chính trị đặc biệt.
Chương VI, Hội đồng Chính phủ với tính cách là một cơ quan hợp nghị do Thủ tướng đứng đầu, chủ tọa Hội đồng Chính phủ và lãnh đạo công tác của Hội đồng Chính phủ (Điều 75). Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
Chương VII về Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính quy định "Các đơn vị hành chính nói trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính". Từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1959, đây là lần điều chỉnh lớn tổ chức chính quyền địa phương, mở ra thời kỳ tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp hành chính, ở địa bàn đô thị cũng như nông thôn và được tiếp tục duy trì qua hai lần sửa đổi cơ bản Hiến pháp năm 1980 và năm 1992.
Hội đồng nhân dân các cấp được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương (Điều 80) với các nhiệm kỳ khác nhau: cấp tỉnh - 3 năm; các cấp còn lại - 2 năm. Ủy ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp, là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính ba cấp đều có quyền lập quy. Hội đồng nhân dân bầu và bãi miễn Chánh án Tòa án nhân dân cấp mình (Điều 84).
Chương VIII quy định về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Bằng các quy định của chương này, lần đầu tiên, ở tầm hiến định, các Tòa án nhân dân với tính cách là cơ quan xét xử và các Viện kiểm sát nhân dân với tính cách là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức ra đời đầy đủ ở cả 3 cấp: trung ương, tỉnh, huyện. Đây chính là một bước phát triển lớn của các cơ quan tư pháp nước ta. Trước đó, do tình hình chiến tranh, các Tòa án chỉ được thành lập ở các cấp địa phương.
Các Tòa án nhân dân thực hiện chế độ thẩm phán bầu (Điều 98) và việc xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia và ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử (Điều 99).
Các Viện kiểm sát nhân dân với tính cách là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật, để bảo đảm pháp chế thống nhất trong cả nước, được thành lập thành hệ thống thống nhất: Viện kiểm sát nhân dân các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 107).
Chương X về sửa đổi Hiến pháp: chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp với hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Vấn đề đưa ra nhân dân phủ quyết như Hiến pháp năm 1946 quy định, không còn đặt ra.
HIẾN PHÁP VIỆT NAM NĂM 1980
Đạo luật gốc, cơ bản được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa VI, kì họp thứ 7 thông qua ngày 18.12.1980 và Chủ tịch Hội đồng nhà nước công bố ngày 19.12.1980, gồm 12 chương, 147 điều, được sửa đổi, bổ sung hai lần: Lần thứ nhất sửa đổi Lời nói đầu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa VIII; lần thứ hai, sửa đổi các điều 57,115 (điểm 9), 116,118,122, 123 và 125 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa VIII.
Hiến pháp năm 1980 là bản Hiến pháp thứ ba của nước Việt Nam và là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng và do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý. Trên đất nước Việt Nam tồn tại hai chính quyền, xét theo bản chất, đều là chính quyền nhân dân và đều do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam trước hết về mặt nhà nước đã được đặt ra. Từ ngày 15 đến 21.11.1975, Hội nghị hiệp thương chính trị bản về vấn đề thống nhất Việt Nam về mặt nhà nước đã được tiến hành giữa hai Đoàn cấp cao của miền Bắc và miền Nam cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất đã được tiến hành ngày 25.4.1976 kỳ họp đầu tiên của Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất đã khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Ngày 24.6.1976, Quốc hội đã có những quyết định quan trọng, trong đó có quyết định thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sau hơn bốn năm làm việc khẩn trương, cuối năm 1980, Hiến pháp mới, thứ ba đã được Quốc hội thông qua.
Kế thừa, phát triển, nâng cao những quy định của 2 bản Hiến pháp trước, vận dụng vào điều kiện cụ thể của giai đoạn phát triển mới, Hiến pháp năm 1980 là một bước phát triển mới của nền lập hiến Việt Nam. Đi theo mô hình "Lời nói đầu" phổ biến lúc bấy giờ của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa, "Lời nói đầu" Hiến pháp năm 1980 là một bản tổng kết lớn thành quả đấu tranh của dân tộc Việt Nam trong trường kỳ lịch sử dựng nước, giữ nước, nhất là trong thời hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được những thắng lợi có tính lịch sử. "Lời nói đầu", đồng thời, lần đầu tiên đã xác định vai trò, sứ mệnh của hoạt động lập hiến trong mối quan hệ với đường lối chính trị của Đảng lãnh đạo là thể chế hóa đường lối của Đảng: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có một bản Hiến pháp thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.
Chương I - Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chế độ chính trị vốn là chương thường bao gồm những thể chế cơ bản của Nhà nước và xã hội. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tính chất, đặc trưng cơ bản là "một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, vùng trời, vùng biển và hải đảo” và tiếp theo là sự ghi nhận các chế định cơ bản của chính quyền: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời, ở Chương I, lần đầu tiên xác nhận bản chất chuyên chính vô sản của chính quyền ở ngay tại Điều 2, thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng-duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội.
Tiếp đó, Hiến pháp đã lần lượt xác định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận (Điều 9) và dành riêng một điều về Tổng công đoàn Việt Nam (Điều 10); của tập thể nhân dân lao động ở cơ quan, xí nghiệp (Điều 12)...
Chương II - Chế độ kinh tế có 22 điều từ Điều 15 đến Điều 36 là một trong những chương lớn của Hiến pháp, chỉ đứng sau Chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nội dung chủ yếu của cả chương là thể chế hóa một cách tổng quát đường lối xây dựng một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của xã hội Việt Nam trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động.
Chương III - Văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật: có 13 điều từ Điều 37 đến Điều 49. Lần đầu tiên, trong đạo luật cơ bản của Nhà nước các vấn đề thuộc đường lối phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật của đất nước đã được tập trung lại, thể hiện thành những thể chế hiến định trong một chương riêng, phản ánh một cách nhìn mới về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật trong đời sống của đất nước trong quá trình phát triển đi lên của xã hội.
Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa: gồm 3 điều, từ Điều 50 đến điều 52. Cũng là lần đầu tiên, bảo vệ Tổ quốc có vị trí của một chương riêng biệt trong Hiến pháp - luật cơ bản, phản ánh một thực tế đấu tranh đã trở thành quy luật trong trường kỳ lịch sử, công cuộc dựng nước bao giờ cũng gắn với sự nghiệp giữ nước, bảo vệ Tổ quốc.
Chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: gồm 29 điều, từ Điều 53 đến Điều 81, là chương lớn nhất của Hiến pháp thể hiện quan điểm như sợi chỉ đỏ xuyên suốt các Hiến pháp Việt Nam và đến Hiến pháp năm 1980 có bước phát triển mới: địa vị làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội của nhân dân.
Nội dung của chương này quy định tương đối bao quát, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các quyền tự do dân chủ (các điều 67, 68, 71). Một điều mới trong cách thể hiện là lao động và học tập được quy định là quyền đồng thời là nghĩa vụ của công dân. Các nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng được quy định đầy đủ.
Một đặc điểm đáng kể của chương này là cùng với các quy định đầy đủ, toàn diện về các quyền và nghĩa vụ của công dân, lại có những quy định tuy không trực tiếp đề cập quyền và nghĩa vụ công dân nhưng lại có mối quan hệ khăng khít trong cuộc sống cộng đồng như vị trí, vai trò của gia đình là tế bào của xã hội (Điều 64) hoặc trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc chú trọng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng (Điều 65),"tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, năng khiếu và thể lực" (Điều 66).
Năm chương từ Chương VI đến Chương X gồm 60 điều từ Điều 82 đến Điều 141, với các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước trung ương và địa phương thể hiện mối quan hệ khăng khít với nhau theo tinh thần vừa có sự phân công, vừa có phối hợp trên cơ sở tiếp thu, kế thừa các quy định đã thành nguyên tắc, nguyên lý của hai Hiến pháp trước, đồng thời, có sự điều chỉnh lớn, đưa mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam về cơ bản theo mô hình tổ chức nhà nước xã hội chủ nghĩa phổ biến ở những năm 70, 80, thế kỷ XX.
Về Quốc hội, Chương VI có 16 điều từ Điều 83 đến Điều 97, khẳng định các quy định truyền thống có tính nguyên tắc về vị trí của Quốc hội, đồng thời, khẳng định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại, mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa, quy tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước... và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước (Điều 82).
Chương VII - Hội đồng nhà nước: có 6 điều từ Điều 98 đến Điều 103, thiết kế một thể chế rất mới mẻ ở Việt Nam, vừa làm chức năng của cơ quan thường trực của Quốc hội, vừa làm Chức năng của Chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia. Điều 98 ghi:
Hội đồng nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Hội đồng nhà nước, thông qua Chủ tịch Hội đồng thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Chương VIII - Hội đồng Bộ trưởng có 9 điều từ Điều 104 đến Điều 112, chủ yếu kế thừa, tiếp thu các quy định của thiết chế Hội đồng Chính phủ của Hiến pháp năm 1959 với những điều chỉnh, bổ sung cần thiết cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Hội đồng Bộ trưởng, theo Điều 104, là Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng Bộ trưởng về cơ bản như ở Hiến pháp năm 1959 với sự cụ thể hóa, bổ sung một số chức năng mà Nhà nước ta, do bản chất nhân dân của nó, ở giai đoạn nào cũng được thể hiện, nhưng ở các Hiến pháp trước chưa được chính thức ghi nhận thì nay đã được bổ sung, trở thành những nhiệm vụ, quyền hạn mới của Hội đồng Bộ trưởng.
Chương IX - Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân: có 14 điều, từ Điều 113 đến Điều 126, chủ yếu kế thừa, tiếp tục các quy định của thiết kế mô hình tổ chức chính quyền địa phương của các Hiến pháp trước: tổ chức chính quyền ba cấp hoàn chỉnh: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều có Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (cơ quan hành pháp địa phương đã được gọi là Ủy ban nhân dân thay cho tên gọi ủy ban hành chính ở hai Hiến pháp trước.
Tháng 6.1989, kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa VIII đã có nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1980 trực tiếp liên quan đến các quy định của Chương IX, theo đó tất cả 6 điều được sửa đổi, bổ sung đều quan hệ đến 1 thiết chế là thường trực Hội đồng nhân dân được thành lập ở Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng nhân dân cấp huyện, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký Hội đồng nhân dân làm nhiệm vụ triệu tập hội nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp và điều hành, phối hợp hoạt động của các ban do Hội đồng nhân dân lập ra, nhiệm vụ mà trước đó do Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện. Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1980 cũng điều chỉnh nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, nếu trước đây cấp tỉnh là 4 năm, cấp huyện, cấp xã là 2 năm (Điều 116), thi nay theo nghị quyết mới tất cả đều 5 năm.
Chương X - Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân có 15 điều từ Điều 127 đến Điều 141 về cơ bản kế thừa, tiếp thu những quy định của Hiến pháp năm 1959 về Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Lần đầu tiên, ồ tầm hiến định, chương này có quy định: ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, theo quy định của pháp luật.
Chương XI - Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô có 4 điều, từ Điều 142 đến Điều 145, so với Hiến pháp năm 1959, có bổ sung quan trọng về Quốc ca: Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Quốc hội quyết định, về Quốc kỳ (Điều 142); Quốc huy (Điều 143) có sự bổ sung, miêu tả cụ thể những chi tiết của quốc kỳ - hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; đối với Quốc huy cũng có mô tả chi tiết cụ thể (Điều 143).
Chương XII - Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp có 2 điều: Điều 146 và Điều 147. So với Hiến pháp 1959, có bổ sung một điều đặc biệt quan trọng về hiệu lực của Hiến pháp, cụ thể Điều 146 ghi: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Điều 147 về sửa đổi Hiến pháp giữ nguyên như Điều 112 Hiến pháp năm 1959: chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp và phải được hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành mới có giá trị.
HIẾN PHÁP VIỆT NAM NĂM 1992
Đạo luật gốc, cơ bản được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỳ họp thứ 11, Khóa VIII nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 15.4.1992, Chủ tịch nước công bố ngày 18.4.1992.
Hiến pháp năm 1992 là bản Hiến pháp thứ tư của Nhà nước ta và đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25.12.2001 của Quốc hội khóa X.
Hiến pháp năm 1992 ra đời đã kịp thời thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng trong
những năm đầu đổi mới, tạo cơ sở pháp lý hiến định quan trọng và hết sức cần thiết cho bước chuyển biến mang tính cách mạng của xã hội Việt Nam ở những năm cuối cùng của thế kỷ XX, từ cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, hành chính, bao cấp, sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện cải cách bộ máy nhà nước, dân chủ hóa một bước cơ bản mọi mặt đời sống xã hội, đã trực tiếp góp phần đưa xã hội Việt Nam ra khởi khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài và ngày nay đang chuyển mạnh sang thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quốc hội Khóa VIII (1987 - 1992), sau hai lần có quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1980, tại kỳ họp thứ 5, ngày 30.6.1988 cũng đã ra Nghị quyết thành lập ủy ban sửa đổi Hiến pháp để tiến hành “sửa đổi Hiến pháp một cách cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới”.
Hiến pháp năm 1992 có 12 chương, 147 điều. Có một sự trùng hợp thú vị: tuy Hiến pháp năm 1980 so với Hiến pháp mới đã được sửa đổi bổ sung nhiều, nhưng cả hai Hiến pháp đều gồm "Lời nói đầu”, 12 chương, 147 điều.
"Lời nói đầu” so với Hiến pháp năm 1980 đã được rút còn lại khoảng một phần ba, súc tích hơn, chỉ giữ lại những cột mốc lịch sử lớn, đề cập đến công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn bước đầu là nguyên nhân đưa đến yêu cầu sửa đổi Hiến pháp năm 1980 đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, quyết tâm của nhân dân Việt Nam nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp mới.
Chương I - Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có 14 điều, từ Điều 1 đến Điều 14 và cả 14 điều đểu có sửa đổi, bổ sung như chuyển cụm từ “và các hải đảo” ở cuối đoạn 1 đặt ngay sau đất liền thành: bao gồm đất liền, các hải đảo, vùng biển và vùng trời. Điều 2, xét về ý thuộc nội dung có sự điều chỉnh cơ bản: ở Hiến pháp năm 1980 khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản thì nay xác định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Điều 4 vẫn tiếp tục xác định vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng có những bổ sung quan trọng: nếu ở Hiến pháp năm 1980 nói Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo thì ở đây đã được rút gọn: Đảng là lực lượng lãnh đạo và ý: “là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam” cũng được rút gọn, không còn, đồng thời có sự bổ sung, từ “Đảng.... theo chủ nghĩa Mác - Lênin” thì nay là: “Đảng... theo chủ nghĩa nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” và nếu ở Hiến pháp năm 1980: “Các tổ chức của Đảng” thì nay là: "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Chương II - Chế độ kinh tế, nếu ở Hiến pháp năm 1980 có 22 điều, thì Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, thu gọn còn 15 điếu. Đổi mới tư duy và chính sách kinh tế là khâu trước hết, đi đầu trong đường lối, chính sách đổi mới toàn diện đời sống đất nước và vì vậy ở Chương này cũng thể hiện rõ nhất tính đổi mới trong các quy định, điều luật của chương từ cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở.
Vấn đề lớn thu hút sự quan tâm nhiều của xã hội là vấn đề quyền sử dụng đất. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, trước hết là nông dân mở rộng các quyền sử dụng đất, Quốc hội đã có quy định bổ sung người sử dụng đất là tổ chức, cá nhân... “được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật".
Chương III - Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, có 19 điều, từ Điều 30 đến Điều 48, có điều chỉnh, mở rộng từ 13 điều ở Hiến pháp năm 1980 thành 19 điều theo tinh thần đổi mới, chia sẻ phần trách nhiệm của Nhà nước với xã hội, ở một số điều đã sử dụng cách quy định: “Nhà nước và xã hội” như “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam" (Điều 30); “Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa dân tộc" (Điều 34);... Mặt khác, Nhà nước đã xác định được những lĩnh vực phải ưu tiên đặt lên vị trí “hàng đầu” hoặc then chốt: “Giáo dục và đào tạo là mặt trận hàng đầu” (Điều 35); “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”... (Điều 37).
Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có 5 điều từ Điều 44 đến Điều 48, có sửa đổi và bổ sung ở một số điều về “bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội..." (Điều 47) và về nhiệm vụ “xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ" (Điều 47); bổ sung ý “kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng”.
Chương V - Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có 34 điều, từ Điều 49 đến Điều 82, là chương dài nhất của Hiến pháp, so với Hiến pháp trước chỉ giữ nguyên 4 điều, sửa đổi đến 26 điều và có thêm 4 điều mới với nội dung chủ yếu là quy định cho rõ, đầy đủ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chú ý đến tính khả thi, khả năng thực hiện.
Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, các quy định về quyền công dân có những thay đổi lớn: "công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” (Điều 57); “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác” (Điều 58).
Trong lĩnh vực chính trị - nhà nước, các quyền về tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia thảo luận những vấn đề chung của cả nước và địa phương vẫn được giữ vững, duy trì. Về các quyền tự do dân chủ, Hiến pháp mới không những ghi lại các quy định của các Hiến pháp trước mà còn có sự phát triển đáng kể, đặt vấn đề quyền công dân nhìn từ phương diện quyền con người: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” (Điều 50), “quyền được thông tin" (Điều 69); quyền tự do tôn giáo được bổ sung. Quyền tự do đi lại, cư trú cũng có bước phát triển mới; “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật” (Điều 68). Nói đúng hơn, đây là sự trở về với quy định của Hiến pháp đầu tiên. Một trong năm quyền tự do cá nhân được Điều 10 Hiến pháp 1946 quy định là công dân Việt Nam có quyền.... “tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.
Về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, có bổ sung cần thiết: “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam giữ, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý nghiêm minh” (Điều 72).
Các chương từ Chương VI đến Chương X, có 58 điều, được tập trung quy định về tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, về các cơ quan cấp trung ương, Hiến pháp năm 1992 lại thực hiện một sự điều chỉnh lớn trực tiếp có quan hệ đến tất cả các cơ quan là thiết chế Hội đồng nhà nước sau 12 năm vận hành với hai nhiệm kỳ Quốc hội (Quốc hội Khóa VII nhiệm kỳ 5 năm và kéo dài 1 năm (1981 - 1987), Quốc hội Khóa VIII nhiệm kỳ 5 năm kéo dài 3 tháng (1987 - 1992) đã tỏ ra không hoàn toàn thích hợp và đã được thay thế, phục hồi lại các thiết chế Ủy ban thưởng vụ Quốc hội và Chủ tịch nước của Hiến pháp năm 1959 với một số điều chỉnh theo Hiến pháp năm 1946.
Về Quốc hội, với 18 điều (Điều 83 đến Điều 100), tuy về cơ bản, giữ lại các quy định của Hiến pháp năm 1980, nhưng cũng có những thay đổi với sự xuất hiện trở lại ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như chức danh Chủ tịch nước và sự điều chỉnh trong tính chất của cơ quan hành pháp cao nhất và cả những bổ sung, cụ thể hóa, điều chỉnh trong nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hồi, của ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đối với ủy ban thường vụ Quốc hội, đến Hiến pháp năm 1992, về quyền hạn, nhiệm vụ so với Hiến pháp năm 1959, có sự điều chỉnh làm rõ nét hơn tính chất thường trực của ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp thì thực hiện một số quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội và “báo cáo Quốc hội hoặc trình Quốc hội phê chuẩn tại kì họp gần nhất của Quốc hội” như quy định tại các điểm 8, 9 Điều 91.
Chương VII - Chủ tịch nước, với 8 điều, từ Điều 101 đến Điều 108 là sự tái lập thiết chế nguyên thủ quốc gia - Chủ tịch nước mà quyền hạn không như quy định tại Điều 49 Hiến pháp năm 1946, nhưng cũng không như quy định tại Điều 63 Hiến pháp năm 1959 mà đã mang tính thực quyền, nhất là các quyền mà theo Hiến pháp năm 1959 thì giao cho ủy ban thường vụ thực hiện (Điều 53, các điểm 11, 12, 14, 15) “9... Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm cấp đại sứ hàm, cấp nhà nước trong các lĩnh vực khác; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước; 10. Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam, tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; 11. Tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu nhà nước khác; trình Quốc hội phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định; 12. Quyết định đặc xá...”. Chủ tịch nước lại được giao “đề nghị Ủy ban thường vụ quốc hội (Điều 103 Hiến pháp 1992) xem xét lại pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các quy định tại điểm 8, điểm 9, Điều 91 trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày pháp lệnh hoặc nghị quyết được thông qua..." (Điều 103, điểm 7).
về Chính phủ (9 điều, từ Điều 109 đến Điều 117) từ Hiến pháp năm 1980 đến Hiến pháp năm 1992 có sự điều chỉnh quan trọng. Trên nền của sự thừa nhận Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội... (Điều 104), tiếp đến là sự điều chỉnh lớn một trong những tính chất đặc trưng của cơ quan hành pháp cao nhất: là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất hay là của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu và bổ nhiệm các Bộ trưởng và đề nghị Quốc hội phê chuẩn. Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và trước Quốc hội (Điều 117). Thủ tướng có những nhiệm vụ, quyền hạn riêng và được Chương này quy định: ra quyết định, chỉ thị trong chỉ huy, điều hành (Điều 115).
Về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân - Chương IX, có 8 điều từ Điều 118 đến Điều 125, về cơ bản chưa có những điều chỉnh lớn. Về bộ máy nhà nước, như Nghị quyết hội nghị trung ương 2 (Khóa VII) tháng 12.1991 xác định, chỉ mới cải cách một bước bộ máy nhà nước và chủ yếu ở cấp trung ương, đối với tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, do Hội đồng nhân dân là một thiết chế phải tiếp tục nghiên cứu để có thể thực hiện cải cách một cách cơ bản, toàn diện, nhất là trong tình hình Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân lúc bấy giờ vừa được bầu năm 1989 và ở cấp nào có thành lập Hội đồng nhân dân đang là vấn đề còn ý kiến khác nhau lớn, nên khác với ba Hiến pháp trước là tại mỗi Hiến pháp đều khẳng định cấp chính quyền được lập Hội đồng nhân dân thì Điều 118 Hiến pháp năm 1992 dành việc quy định đó lại cho Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân: “Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính do luật định”. Nội dung của chương này, vì vậy về cơ bản kế thừa, giữ lại những điều của Hiến pháp năm 1980.
Về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Chương X, có 15 điều, từ Điều 126 đến Điều 140, về cơ bản vẫn giữ lại các điều quy định của Hiến pháp năm 1980 với một số điều chỉnh, sửa đổi quan trọng: thay cho chế độ bầu cử Thẩm phán của Hiến pháp năm 1980 (Điều 129) là “chế độ bổ nhiệm, bãi nhiệm... Thẩm phán” (Điếu 128). Đối với Viện kiểm sát (từ Điều 138 đến Điều 141) cơ bản giữ như quy định của Hiến pháp năm 1980.
Các chương XI, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô; Chương XII, Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp vẫn giữ lại các điều của Hiến pháp năm 1980.
HIẾN PHÁP XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Đạo luật cơ bản của nhà nước xã hội chủ nghĩa do Quốc hội ban hành thể hiện tập trung ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; quy định những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất của nhà nước và xã hội như chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa - xã hội, chính sách quốc phòng, ngoại giao, an ninh của đất nước; những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa; các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Hiến pháp xã hội chủ nghĩa củng cố nền chuyên chính vô sản, là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới là Hiến pháp của Nhà nước Nga Xô Viết năm 1918.
Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp xã hội chủ nghĩa.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013 do Quốc hội ban hành ngày 28 tháng 11 năm 2013.
HIẾN TI
Còn gọi là Ti Hiến, tên đầy đủ là Hiến sát sứ ti hoặc Thanh hình Hiến sát sứ ti, một trong “Tam ti”, tức 3 cơ quan quản lý cấp trấn thời Lê (1428 -1787), bắt đầu đặt từ năm Hồng Đức thứ 2 (năm 1471). Hiến ti là cơ quan thực hiện cả chức năng tư pháp và hành pháp, có nhiệm vụ tố giác việc làm sai trái hay vi phạm pháp luật của các quan trong địa hạt, kiểm tra việc xét kiện tụng, đi các địa phương điều tra, giải quyết các việc oan ức của nhân dân. Đứng đầu Hiến ti là Hiến sát sứ, trật Chánh lục phẩm, giúp việc có Hiến sát Phó sứ, trật Chánh thất phẩm. Hiến sát sứ và Hiến sát Phó sứ là chức quan trọng đều chọn các quan có học vị tiến sĩ, hoặc những người khoa trường làm việc lâu năm ở lục khoa (6 cơ quan thanh tra ở 6 bộ), lục tự (6 cơ quan giúp việc cho 6 bộ) đảm nhiệm. Đến khoảng niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729), chức Hiến sát phó sứ chọn từ các tri huyện đã mãn niên hạn. Đến niên hiệu Vĩnh Khánh (1730 - 1735) lại theo lệ cũ... Đầu niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786), bỏ Hiến ti, đặt Vệ quan các xứ thay thế, sau lại khôi phục.
Thời Nguyễn, từ năm 1831 trở đi, mỗi tỉnh đặt một Án sát sứ ti hay Ti án sát hoặc Niết ti, giống như Hiến ti thời Lê, bên cạnh Bố chính sứ ti. Ti Án sát giúp cho Tổng đốc hoặc Tuần phủ về việc hình. Đứng đầu là một viên án sát.
HIỆN TƯỢNG KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CỰC ĐOAN
Là hiện tượng khí tượng thủy văn bất thường về mức độ, thời gian xuất hiện, khu vực xảy ra, có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.
(Theo khoản 22 Điều 3 Luật khí tượng thủy văn 2015)
HIẾP DÂM
Hành vi giao cấu với người phụ nữ trái với ý muốn của họ.
Hiếp dâm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nhân phẩm của người phụ nữ. Luật hình sự Việt Nam luôn coi hiếp dâm là tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm nhân thân. Trước khi có Bộ luật hình sự đầu tiên (Bộ luật hình sự năm 1985), tội hiếp dâm được quy định trong sắc luật số 03 năm 1976. Trong Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999, tội hiếp dâm đều được quy định tại Chương “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người”. Theo đó, hiếp dâm đòi hỏi các dấu hiệu sau: 1) Chủ thể của hành vi hiếp dâm chỉ có thể là nam giới; 2) Chủ thể có hành vi giao cấu với người nữ trái với ý muốn của họ bằng một trong các thủ đoạn: dùng vũ lực đè bẹp sự kháng cự của người phụ nữ chống lại việc giao cấu; uy hiếp tinh thần bằng việc đe dọa gây thiệt hại để làm tê liệt ý chí kháng cự của người phụ nữ; lợi dụng người phụ nữ đang trong tình trạng không có khả năng kháng cự hoặc không có khả năng biểu lộ ý chí đúng đắn (ốm đau, say rượu, bị bệnh tâm thần...).
Nạn nhân của tội hiếp dâm là nữ giới. Căn cứ vào độ tuổi của nạn nhân Luật hình sự Việt Nam phân biệt hai trường hợp hiếp dâm và quy định thành hai tội danh khác nhau. Đó là tội hiếp dâm và tội hiếp dâm trẻ em. Hiếp dâm trẻ em là trường hợp hiếp dâm mà nạn nhân là em gái dưới 16 tuổi, Ngoài ra, tội hiếp dâm trẻ em còn bao gồm tất cả những hành vi giao cấu với em gái dưới 13 tuổi (kể cả trường hợp được sự đồng ý của họ vì đây cũng được coi là trường hợp nạn nhân không có khả năng biểu lộ ý chí đúng đắn). Tội hiếp dâm trẻ em được quy định thành tội danh riêng kể từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 được sửa đổi, bổ sung lần thứ tư năm 1997.
Hình phạt được quy định cho tội hiếp dâm có mức cao nhất là tử hình.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 và Điều 142 Bộ luật hình sự năm 2015 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.
HIỆP ĐỊNH CHUNG VỀ THUẾ QUAN VÀ MẬU DỊCH (GATT)
Điều ước quốc tế đa phương nhằm thực hiện tự do hóa thương mại giữa các nước thành viên trên cơ sở các biểu thuế quan và điều kiện buôn bán hàng hóa.
Hiệp định này được ký ngày 23.10.1947 và có hiệu lực từ ngày 01.01.1948. GATT tồn tại cho đến ngày 31.12.1995. Tổ chức kế thừa GATT là Tổ chức thương mại thế giới (WTO) (xt. Tổ chức thương mại thế giới).
Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, GATT là diễn đàn đàm phán. Trong 48 năm hoạt động, GATT trải qua 8 vòng đàm phán: vòng Giơnevơ năm 1947 đàm phán về thuế; vòng Annecy (năm 1949) đàm phán về thuế; vòng Torquay (1950- 1951) đàm phán về thuế; vòng Giơnevơ (1955- 1956) đàm phán về thuế; vòng Dillon (1961- 1962) đàm phán về thuế; vòng Kennedy (1964-1967) đàm phán về thuế và các biện pháp chống phá giá; vòng Tokyo (1973-1979) đàm phán về thuế, các biện pháp phi thuế quan và các hiệp định khung; vòng Uruguay (1986-1994) đàm phán về thuế, các biện pháp phi thuế quan, các nguyên tắc, các dịch vụ, các quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, dệt, may mặc, nông nghiệp và việc thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
HIỆP ĐỊNH ĐÌNH CHỈ CHIẾN SỰ Ở VIỆT NAM NĂM 1954 - HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ
Hiệp định được ký kết ngày 20.7.1954 tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và tướng Đen Tay, đại diện quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Hiệp định gồm 6 chương, 47 điều và 1 phụ bản, có nội dung chủ yếu như sau: Chính phủ Pháp tuyên bố thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quân đội Pháp sẽ rút khỏi Việt Nam; nhân dân Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước; vạch giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự để tách lực lượng vũ trang các bên; quy định những biện pháp cho việc tập kết lực lượng của đôi bên; ngăn cấm phá hoại tài sản công cộng, trả thù và phân biệt đối xử, đồng thời bảo đảm quyền tự do lựa chọn vùng cư trú; cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí và phương tiện chiến tranh mới vào Việt Nam; hai bên Việt Nam không được tham gia bất kỳ một khối liên minh quân sự nào và không để dễ bị sử dụng gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một cuộc chiến tranh xâm lược; trao trả tù binh và dân thường bị bắt và giam giữ trong chiến tranh.
Hiệp định là một nội dung được công nhận trong Tuyên bố chung ngày 21.7.1954 của Hội nghị quốc tế về lập lại hòa bình ở Đông Dương họp ở Giơnevơ gồm đại diện các Chính phủ: Cămpuchia, Lào, Việt Nam dân chủ cộng hòa, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô chứng nhận bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và tổ chức kiểm soát và giám sát quốc tế việc thi hành Hiệp định; lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự và chỉ có tính chất tạm thời không thể coi đó là biên giới chính trị hoặc lãnh thổ; thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; chứng nhận tuyên bố của Pháp sẽ rút khỏi Việt Nam; xác định việc tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 7.1956 có sự kiểm soát quốc tế để thống nhất Việt Nam.
Hiệp định là văn bản pháp lý quốc tế ghi nhận thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của nhân dân Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, trong một văn kiện pháp luật quốc tế, các quyền cơ bản của một dân tộc - độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, được chính thức công nhận, đánh dấu một bước phát triển mới của công pháp quốc tế.
HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC PHÁT TRlỂN BỀN VỮNG LƯU VỰC SÔNG MÊ KÔNG
Cam kết giữa các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan trong việc cùng hợp tác phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý các tài nguyên lưu vực sông Mê Kông.
Hiệp định được ký kết tại Thái Lan ngày 05.4.1995 giữa Việt Nam, Lào, Cămpuchia và Thái Lan nhằm khẳng định cam kết hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong việc phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý các tài nguyên của lưu vực sông Mêkông trong các hoạt động vì lợi ích kinh tế, xã hội... của các quốc gia có sông Mê Kông.
Nội dung cơ bản của Hiệp định quy định các vấn đề: các nguyên tắc hợp tác (tôn trọng sự bình đẳng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sử dụng nước công bằng và hợp lý...); thực hiện hiệp định; bổ sung thành viên mới.
HIỆP ĐỊNH KHUNG
Điều ước quốc tế có nội dung ghi nhận cơ sở, mục đích, nguyên tắc chung cho một lĩnh vực hợp tác nhất định giữa các bên hữu quan.
Ví dụ: Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế của ASEAN ký ngày 28.01.1992 tại Singapore.
HIỆP ĐỊNH KHUNG ASEAN VỀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Điều ước quốc tế khu vực do 07 nước thành viên của ASEAN (Brunei, Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Singapo, Thái Lan và Việt Nam) ký ngày 15.12.1995 tại Bangkok (Thái Lan); là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng của tổ chức ASEAN, đặt nền tảng cho việc bảo hộ quốc tế quyền sở hữu trí tuệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
Hiệp định này chủ yếu điều chỉnh các vấn đề sau: 1) Xác định phạm vi, đối tượng hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa các nước thành viên, bao gồm: quyền tác giả và các quyền liên quan, sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật và sơ đồ mạch tích hợp; 2) Các biện pháp bảo đảm việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giữa các quốc gia thành viên trên cơ sở nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT) và tối huệ quốc (MNF), phù hợp với các quy chuẩn trong Hiệp định TRIPS; 3) Trao đổi thông tin về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ hiện hành, nhằm tổ chức và đơn giản hóa các hệ thống quản lý trong toàn khu vực ASEAN; 4) Thực hiện hệ thống đăng ký sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa của khu vực ASEAN (hướng tới thành lập một Văn phòng Bằng sáng chế và Văn phòng Nhãn hiệu hàng hóa chung của cả khối nhằm tạo thuận lợi cho việc cấp, đăng ký văn bằng bảo hộ).
HIỆP ĐỊNH KHUNG VỀ THIẾT LẬP KHU VỰC ĐẦU TƯ ASEAN
Điều ước quốc tế khu vực do 9 nước thành viên ASEAN (Brunei, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippin, Singapo, Thái Lan và Việt Nam) ký ngày 7.10.1998 tại Malaysia nhằm khuyến khích đầu tư lớn hơn vào khu vực ASEAN.
Các mục tiêu của Hiệp định là:
Xây dựng một khu vực đầu tư ASEAN (AIA) có môi trường đầu tư thông thoáng và rõ ràng hơn giữa các quốc gia thành viên nhằm: 1) Đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN từ cả các nguồn trong và ngoài ASEAN; 2) Cùng thúc đẩy ASEAN thành khu vực đầu tư hấp dẫn nhất; 3) củng cố và tăng cường tính cạnh tranh của các lĩnh vực kinh tế ASEAN của ASEAN; 4) Giảm dần hoặc loại bỏ những quy định và điều kiện đầu tư có thể cản trở các dòng đầu tư và sự hoạt động của các dự án đầu tư trong ASEAN.
Đảm bảo rằng việc thực hiện các mục tiêu trên sẽ góp phần hướng tới tự do lưu chuyển đầu tư vào năm 2020.
Phạm vi của Hiệp định là điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đầu tư trực tiếp, không điều chỉnh đầu tư gián tiếp và những vấn đề liên quan đến đầu tư đã được các hiệp định khác của ASEAN điều chỉnh như Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ.
HIỆP ĐỊNH LIÊN VẬN HÀNG HOÁ ĐƯỜNG SẮT QUỐC TẾ (SMGS)
Hiệp định quốc tế nhiều bên quy định về việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt quốc tế.
Hiệp định do Liên Xô cùng một số nước Đông Âu ký kết vào tháng 12.1948 và có hiệu lực từ ngày 11.11.1951. Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định này từ năm 1955. Theo quy định của Hiệp định, người vận chuyển đường sắt phải có nghĩa vụ thực hiện việc chuyên chở hàng hóa theo vận đơn như quy định của SGS.
Nếu người vận chuyển đường sắt vi phạm nghĩa vụ của minh thì họ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm. Người vận chuyển phải có trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp cụ thể sau: mất toàn bộ hoặc một phần hàng hoá; thiếu hụt hoặc hỏng hóc hàng hóa; làm mất các chứng từ gửi kèm theo. Tuy nhiên, người vận chuyển được miễn trách nhiệm trong những trường hợp sau: những trường hợp bất khả kháng: do tính chất của hàng hoá; do lỗi của người gửi hàng: do người áp tải hàng của người gửi hàng gây ra hoặc do người áp tải đã thực hiện không đúng chỉ dẫn; do bao bì không đầy đủ hoặc không phù hợp với hàng chuyên chở; do chủ hàng xếp vào toa xe hoặc Container không phù hợp với việc vận chuyển hàng hoá đó; do thiếu hụt số lượng, trọng lượng nhưng xi, chỉ niêm phong vẫn nguyên vẹn...
HIỆP ĐỊNH MẬU DỊCH TỰ DO BẮC MỸ NAFTA
Điều ước quốc tế được ký kết giữa Canada, Hoa kỳ và Mêhicô ngày 12.8.1992 tại Oasinhtơn, có hiệu lực từ ngày 01.01.1994 và để ngỏ cho các nước trong khu vực tham gia điều chỉnh quan hệ hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các quốc gia thành viên.
Mục đích của NAFTA là làm cho Bắc mỹ trở thành khu vực kinh tế thương mại phát triển, làm đối trọng với Liên minh châu Âu và các khối kinh tế khác.
Theo nội dung của Hiệp định, phần lớn hàng rào mậu dịch sẽ được loại bỏ trong vòng 10 năm; tất cả các phương thức dịch vụ đều được đề cập. Đãi ngộ quốc gia và đãi ngộ tối huệ quốc được áp dụng đối với đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chính sách cạnh tranh lành mạnh. Hiệp định này được coi là bước thử nghiệm cho các cuộc đàm phán các hiệp định sau này do cơ quan sáng kiến châu mỹ tiến hành.
Với 5 chương và 20 điều, Hiệp định quy định cụ thể và chi tiết các biện pháp và thể thức thực hiện và quản lý khối thị trường chung Bắc Mĩ, như: 1) Quy định ba nước giảm hàng rào thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ theo từng giai đoạn. Khi NAFTA có hiệu lực, mỹ giảm 84%, Canada giảm 79% thuế đối với hàng nhập khẩu từ mỹ và Canada. Đến năm thứ 5, mỹ và Canada giảm thêm 8% thuế đối với Mêhicô, Mêhicô giảm thêm 18% thuế đối với mỹ và 19% đối với Canada. Đến năm thứ 10, mỹ giảm thêm 7%, Canada giảm thêm 12% và Mêhicô giảm thêm 38%. Đến năm thứ 15, cả ba nước giảm nốt 1% thuế còn lại; 2) Đến tháng 6/1999, hủy bỏ toàn bộ chế độ xin phép xuất nhập khẩu, hạn ngạch và giấy phép giữa ba nước; 3) Quy định mỗi nước thành viên được quyền duy trì chính sách ngoại thương và thuế quan riêng của mình đối với các nước khác; 4) Tiến tới mở cửa hoàn toàn các thị trường chứng khoán, tiền tệ, đầu tư, bảo hiểm và hầu hết các ngành kinh tế khác, cho phép lập các công ty 100% vốn của nước này trên lãnh thổ nước kia; 5) Áp dụng quy chế tối huệ quốc trong quan hệ thương mại giữa ba nước; 6) Thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát minh, sáng chế, bảo vệ môi trường...; 7) Lập cơ chế giải quyết tranh chấp theo ba cấp: Hội đồng tư vấn Chính phủ, ủy ban thương mại Bắc mỹ và Hội đồng trọng tài.
HIỆP ĐỊNH PARI VỀ VIỆT NAM
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gọi tắt là Hiệp định Pari về Việt Nam ký kết giữa 4 bên là Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mỹ, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hòa (ngụy quyền Sài Gòn) tại Hội nghị 4 bên tại Pari ngày 24.01.1973.
Lúc đầu, Hội nghị 2 bên mở phiên đầu tiên vào ngày 13.5.1968. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa do ông Xuân Thủy dẫn đầu và phái đoàn Hoa kỳ do Hariman dẫn đầu. Sau một thời gian họp, 2 bên tuy chưa giải quyết được vấn đề cơ bản nhưng đây cũng là một diễn đàn quan trọng để Việt Nam vạch trần dã tâm xâm lược và thái độ ngoan cố, thiếu thiện chí của phía mỹ trong việc giải quyết vấn đề lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trước yêu cầu chính đáng của Việt Nam và sức ép của dư luận, mỹ đồng ý cùng Việt Nam mở rộng thành phần họp 4 bên: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mỹ, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hòa.
Bốn bên mở phiên họp đầu tiên ngày 18.01.969. Hội nghị kéo dài hơn 4 năm với 202 phiên họp công khai, 24 phiên họp kín. Trong quá trình Hội nghị 4 bên, mỹ vẫn ngoan cố, muốn thương lượng trên thế mạnh, nhưng với thắng lợi của quân và dân ta, nhất là trong cuộc Tổng tiến công Xuân - Hè năm 1972 ở miền Nam và đòn phản công đập tan cuộc tập kích bằng không quân chiến lược B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và sức ép của dư luận tiến bộ mỹ và thế giới, ngày 17.01.1973, phía mỹ bắt buộc phải ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam năm 1973.
Hiệp định có 9 chương, 23 điều và 4 nghị định thư gồm các nội dung chủ yếu: mỹ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Các bên thực hiện ngừng bắn, chấm dứt chiến sự không thời hạn; mỹ chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống Việt Nam dân chủ cộng hòa, tháo gỡ, phá hủy tất cả mìn ở vùng biển, cảng và sông ngòi ở miền Bắc Việt Nam; không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. mỹ và các nước ngoài rút hết quân đội, cố vấn quân sự, nhân viên quân sự, vũ khí đạn dược và dụng cụ chiến tranh ra khỏi miền Nam Việt Nam và hủy bỏ những căn cứ quân sự của mỹ và của các nước ngoài khác ở miền Nam Việt Nam; các bên tiến hành trao trả nhân viên quân sự, thường dân nước ngoài, nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt, thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử tự do, dân chủ, có sự giám sát quốc tế, quyết định tương lai chính trị của mình; thành lập Ban liên hiệp quân sự 4 bên và 2 bên Việt Nam để thi hành các điều kiện về quân sự của Hiệp định, thành lập Ủy ban kiểm sát và giám sát quốc tế để giám sát việc thi hành Hiệp định; thực hiện thống nhất Việt Nam thông qua hiệp thương giữa hai miền; Bắc và Nam Việt Nam không tham gia liên minh hoặc khối quân sự nào; mỹ cam kết đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.
Điều đáng nói, Hiệp định còn được Hội nghị quốc tế về Việt Nam họp tại Pari từ ngày 27.02 đến 02.3.1973 gồm đại diện của Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, 4 bên tham gia ký Hiệp định Pari (Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mĩ, Việt Nam cộng hòa) và 4 nước trong Ủy ban kiểm soát và giám sát (Ba Lan, Canada, Hungari, Inđônêxia) ghi nhận và ủng hộ, ký Định ước gồm 9 điều khẳng định Hiệp định Pari về Việt Nam phải được thực hiện, công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam và kêu gọi tất cả các nước trên thế giới cũng làm như vậy.
Tuy nhiên, mỹ chỉ thực hiện những điều khoản mà họ thấy có lợi cho họ và còn đồng lõa với chính quyền Sài Gòn vi phạm có hệ thống những điều khoản chủ yếu của Hiệp định.
HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ NGÀY 06.3.1946
Hiệp định ký tại Hà Nội ngày 06.3.1946 giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đặc ủy viên Hội đồng các Bộ trưởng Vũ Hồng Khanh (đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa) với Xanhtơni (J.Sainteny), người thay mặt đô đốc Đacgiăngliơ, thừa ủy quyền Chính phủ Pháp.
Hiệp định sơ bộ gồm 3 khoản với nội dung chủ yếu: Pháp công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nước tự do có Chính phủ, Nghị viện, quân đội, tài chính của mình ở trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp. Pháp cam kết sỗ thừa nhận quyết định của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất 3 kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ). Việt Nam thỏa thuận cho 15 ngàn quân Pháp vào Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc (Tưởng Giới Thạch). Quân Pháp phải đóng ở những vị trí đã định và sẽ rút lui quân sau 5 năm (mỗi năm rút 1/5 quân). Hai Chính phủ có biện pháp đình chỉ ngay xung đột quân sự và giữ nguyên quân đội hai bên tại vị trí tập kết; Trong khi chờ đợi, hai Chính phủ mở ngay những cuộc đàm phán tại Hà Nội, Sài Gòn hoặc Pari về quan hệ ngoại giao của Việt Nam, về các quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam.
Hiệp định thể hiện sự nhân nhượng có nguyên tắc của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa từ tình thế cùng một lúc phải đương đầu với nhiều kẻ thù, nhằm đẩy nhanh quân Tưởng về nước, giành lấy thời gian hòa hoãn để chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kháng chiến lâu dài.
Sau khi ký, Pháp không tôn trọng Hiệp định, còn Việt Nam kiên trì đấu tranh đòi phía Pháp phải tuân
thủ những điều khoản đã cam kết và được sự đồng tình của dư luận tiến bộ Pháp và thế giới.
Hai bên đã tiến hành Hội nghị trù bị Đà Lạt ngày 19.4.1946 và đàm phán tại Hội nghị Phôngtenơblô (từ ngày 06.7 đến ngày 13.9.1946) nhưng phía Pháp bộc lộ dã tâm không tuân thủ những điều kiện đã ký kết, vì vậy, không đạt được thỏa thuận nào về thi hành Hiệp định. Trước khi ký Hiệp định, Ban thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị "Tình hình và chủ trương”. Chỉ thị có đoạn viết: “...Nếu Pháp chủ trương cho Đông Dương tự trị... nghĩa là khôi phục lại chế độ thuộc địa ở Đông Dương “thề" nhất định đánh và có thể đánh lâu dài theo lối du kích. Nhưng nếu Pháp công nhận Đông Dương “tự chủ", nghĩa là công nhận quyền độc lập và hợp tác bình đẳng của ta thì có thể hòa” và chỉ rõ: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”.
Nhân dân cả nước, đặc biệt đồng bào Nam Bộ đã khéo lợi dụng điều kiện tạm thời hòa hoãn để xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến lâu dài chống lại cuộc chiến tranh xâm lược mà Pháp đã cố tình gây ra không lâu sau đó.
HIỆP ĐỊNH SONG PHƯƠNG VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ
Điều ước quốc tế được ký kết giữa hai bên là chủ thể của luật quốc tế nhằm tạo ra và duy trì những điều kiện thuận lợi, công bằng và thỏa đáng đầu tư của các nhà đầu tư giữa một bên ký kết tiến hành trên lãnh thổ và bên ký kết kia, đồng thời, khuyến khích việc đầu tư nguồn vốn, công nghệ và sự phát triển của các bên ký kết.
Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư hàm chứa các nội dung cơ bản sau: 1) Các biện pháp khuyến khích và bảo hộ đầu tư cho cả hai bên; 2) Cơ chế đãi ngộ dành cho nhau: đãi ngộ quốc gia, đãi ngộ tối huệ quốc; 3) Chuyển vốn và lãi về nước; 4) Các biện pháp bảo hộ và hạn chế quyền sở hữu; 5) Đền bù tổn thất; 6) Giải quyết tranh chấp.
Hiện nay Việt Nam đã ký kết rất nhiều Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư như Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Italia được ký kết ngày 15.5.1990; Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh kinh tế Bỉ - Luxembua về việc khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ được ký ngày 24.01.1991; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp về khuyến khích và bảo hộ đầu tư ngày 26.5.1992; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Thụy Sĩ về việc khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau ngày 03.7.1992; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Phần Lan về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau ngày 13.9.1993; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Đan Mạch về khuyến khích và bảo hộ đầu tư ngày 25.8.1993; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau ngày 03.4.1993; Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chù nghĩa Việt Nam và Vương quốc Hà Lan về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau ngày 10.3.1994...
Cơ quan chủ quản: Công ty cổ phần Tư Vấn Đầu Tư và Ứng Dụng Công Nghệ 4.0.
Chịu trách nhiệm chính: Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà.
Giấy chứng nhận ĐKDN số: 0108234370, do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp ngày 18/04/2018.
Địa chỉ: Dương Hà, Gia Lâm, Hà Nội - VPGD: C2 Vincom, 119 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 024.6294.9155 - Hotline: 0986.426.961 - Email: info@hethongphapluat.com