- Bộ Luật Tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn mới nhất
- Bộ Luật dân sự và các văn bản hướng dẫn (cập nhật mới nhất)
******** Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 129/2002/KHXX Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2002
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 129/2002/KHXX NGÀY 27 THÁNG 8 NĂM 2002 VỀ VIỆC TRAO ĐỔI VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Kính gửi: Toà án nhân dân huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng NgãiSau khi nghiên cứu Công văn số 140/CV.TA năm 2002 của Toà án nhân dân huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
1. Ngoài một số nguồn nguy hiểm cao độ đã liệt kê, khoản 1 Điều 627 Bộ luật dân sự còn quy định “… các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”, quy định này được hiểu là khi pháp luật có quy định về các nguồn nguy hiểm cao độ khác ngoài các nguồn đã được liệt kê tại khoản 1 Điều 627 thì mới được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Tuy nhiên, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều 627 nêu trên, cho đến nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định thêm về vấn đề này. Đối với các loại thuốc tân dược xét về bản chất, thành phần và công dụng, thuốc tân dược được dùng để điều trị bệnh nên không được coi là nguồn nguy hiểm cao độ theo tinh thần của Điều 627 Bộ luật dân sự.
2. Về trường hợp của bà Trần Thị Diên Hồng. Theo nội dung Công văn của quý Toà thì sau khi có kết luận của Tổ chức giám định pháp y trung ương, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với y sĩ Trần Thị Diên Hồng. Nay gia đình nạn nhân khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại; do đó, khi thụ lý để giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về dân sự của gia đình nạn nhân Mai Thị Kim Anh, Toà án cần lưu ý như sau:
Theo tinh thần quy định tại Điều 53 Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30-6-1989, thì thầy thuốc vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh… nếu gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Cũng theo quy định tại Điều 609 Bộ luật dân sự thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm đến tính mạng của người khác thì phải bồi thường. Như vậy, Toà án cần xác định và có kết luận y sĩ Trần Thị Diên Hồng có vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh hay không, có được phép và có đủ năng lực để tiến hành nạo thai cho phụ nữ hay không, tai nạn xảy ra là tai nạn điều trị do sự kiện bất khả kháng hay do lỗi nghề nghiệp? Nếu có căn cứ xác định bà Trần Thị Diên Hồng không vi phạm, không có lỗi thì bà Trần Thị Diên Hồng không phải bồi thường. Nếu xác định được bà Trần Thị Diên Hồng có vi phạm, có lỗi thì bà Trần Thị Diên Hồng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên, do bà Trần Thị Diên Hồng là công chức nhà nước cho nên cần làm rõ việc bà Hồng gây thiệt hại có phải trong khi thi hành công vụ hay không? Nếu bà Hồng gây thiệt hại trong khi thi hành công vụ thì theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự, cơ quan nhà nước (trong trường hợp này là Trung tâm y tế huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) phải bồi thường thiệt hại do công chức của mình gây ra. Việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định tại Chương V Phần thứ ba Bộ luật dân sự và Nghị định số 47/CP ngày 3-5-1997 của Chính phủ “về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra”. Nếu Trung tâm y tế huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi phải bồi thường cho người bị thiệt hại thì sau khi thực hiện việc bồi thường thiệt hại xong phải có trách nhiệm yêu cầu bà Trần Thị Diên Hồng hoàn trả khoản tiền mà Trung tâm đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trên đây là ý kiến trao đổi của Toà án nhân dân tối cao để quý Toà nghiên cứu áp dụng, giải quyết tốt các vấn đề nghiệp vụ.
Đặng Quang Phương
(Đã ký)