Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài khoản hoặc tiền bạc trên Facebook xảy ra rất thường xuyên và nạn nhân thường là những người lớn tuổi hoặc thiếu cảnh giác. Làm thế nào để nhận diện và cách phòng tránh?
Theo đó, kẻ lừa đảo có thể sử dụng tài khoản giả mạo hoặc bằng cách nào đó hack tài khoản/fanpage của bạn và sử dụng chúng để đi lừa tiền, thông tin cá nhân của người khác. Nếu nhận được các tin nhắn đáng ngờ, người dùng không nên trả lời mà hãy báo cáo cho Facebook.
Dưới đây là một số kiểu lừa đảo thường gặp trên Facebook:
- Lừa đảo tình cảm: Kẻ lừa đảo sẽ gửi các tin nhắn lãng mạn đến nạn nhân (thường là những người đứng tuổi), giả vờ là đã ly hôn, góa bụa hoặc có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Sau đó, chúng sẽ kéo dài mối quan hệ này bằng những lời ngon ngọt, dụ dỗ và bắt đầu moi tiền bằng nhiều cách đơn cử như có vài món quà muốn tặng bạn nhưng đang bị kẹt lại ở hải quan, yêu cầu bạn gửi một ít tiền để lấy ra...
- Lừa đảo trúng thưởng: Cụ thể, kẻ lừa đảo sẽ giả mạo các tài khoản/fanpage người nổi tiếng, các tổ chức hoặc thậm chí là cả Facebook và gửi đến người dùng những thông tin trúng thưởng giả mạo. Sau đó, yêu cầu bạn cung cấp tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập/mật khẩu Facebook hoặc chuyển một khoản phí nhỏ để lãnh thưởng.
- Lừa đảo chiếm đoạt tài khoản: Kẻ lừa đảo sẽ gửi một liên kết bài viết có ảnh đại diện và tiêu đề hấp dẫn nhằm dụ dỗ bạn nhấp vào xem. Lúc này, một trang web mới sẽ mở ra và có giao diện đăng nhập tương tự như Facebook, tuy nhiên đây chỉ là trang web giả mạo nhằm chiếm đoạt tài khoản của bạn.
- Lừa đảo tặng quà miễn phí: Vẫn sử dụng chiêu bài cũ rích là đánh vào lòng tham, dụ dỗ người dùng Like (thích) trang và Share (chia sẻ) bài viết công khai lên trang Facebook cá nhân. Tương tự, việc tặng hoặc bán rẻ xe máy vốn cũng không hề có thật, đơn giản chỉ dụ người dùng Like fanpage và chia sẻ bài viết.
Kẻ lừa đảo sẽ được gì trong vụ này? Khi đã có một lượng Like nhất định, họ sẽ xóa toàn bộ các bài viết lừa đảo và đổi tên fanpage, sau đó bán lại cho các công ty, doanh nghiệp… hoặc những người có nhu cầu kinh doanh, quảng cáo sản phẩm trên Facebook với số tiền không hề nhỏ. Chưa kể đến trường hợp dụ dỗ người dùng đăng nhập và đánh cắp tài khoản Facebook và rất nhiều hệ lụy khác.
Ngoài ra thời gian gần đây còn xuất hiện thêm 2 kiểu lừa đảo khác:
1. Lừa đảo thông qua livestream
Tính năng livestream cho phép người dùng trực tiếp các sự kiện ra mắt sản phẩm, âm nhạc hoặc các chuyến đi chơi với bạn bè. Xét về mặt ưu điểm, livestream giúp xóa nhòa khoảng cách giữa nhiều người theo thời gian thực, dễ dàng trao đổi công việc… Tuy nhiên, một số người đã lợi dụng tính năng này để truyền bá nội dung độc hại, đánh bạc trực tuyến hoặc ăn cắp tài khoản Facebook của người khác.
Khi truy cập Facebook, không khó để tìm thấy các video livestream có chứa hình ảnh nhạy cảm. Thường thì phần nội dung sẽ chỉ có vài dòng gợi mở và một đường link rút gọn bên dưới để dụ dỗ người xem nhấp vào.
Nếu nhấn vào, bạn sẽ được chuyển ngay đến một trang đăng nhập Facebook giả mạo với giao diện y hệt trang “chính chủ”, tuy nhiên dòng địa chỉ lại hoàn toàn lạ hoắc. Nếu nhẹ dạ mà đăng nhập, ngay lập tức tài khoản của bạn sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt và sử dụng cho nhiều mục đích xấu như đi spam người khác, ăn cắp thông tin cá nhân hoặc bán tài khoản của bạn.
Theo ghi nhận, việc mua bán tài khoản Facebook trên Internet diễn ra rất nhộn nhịp, một tài khoản Facebook mới lập sẽ có giá khoảng 1.500 đồng, ngược lại, những tài khoản nào có nhiều bạn bè sẽ có giá cao hơn, từ 3.000 đồng trở lên.
Nhìn chung, kiểu lừa đảo dạng này không phải là mới, duy chỉ có cách tiếp cận và gợi mở là khác nhau. Thực tế, trên Facebook còn rất nhiều hình thức lừa đảo khác như đăng tải các bài viết giật gân, gây sốc để dụ bạn nhấp vào. Đăng bán sản phẩm với mức giá “rẻ như cho”, người dùng chỉ cần like fanpage, share bài viết và để lại thông tin cá nhân để được mua sản phẩm.
Chỉ trong thời gian ngắn, các fanpage lừa đảo này sẽ có một lượng like nhất định. Khi đạt được mục đích, họ sẽ đổi tên fanpage và bán cho những người có nhu cầu với giá vài triệu đồng. Các thông tin cá nhân ban đầu sẽ được bán lại cho các bên thứ ba như bảo hiểm, nhà đất…
2. Xem tin nhắn Facebook người khác mà không cần mật khẩu?
Mới đây trên Facebook còn xuất hiện chiêu trò xem tin nhắn người khác mà không cần biết mật khẩu. Để sử dụng được, bạn cần phải đăng ký tài khoản với giá 150.000 đồng/năm bằng thẻ cào điện thoại.
Nếu làm theo, các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ email và mã thẻ cào sẽ bị người khác chiếm đoạt. Tương tự như vậy, khi nhấp vào xem các tính năng khác Xem trộm tin nhắn Zalo, Mở khóa tài khoản trên trang web, bạn sẽ nhận được yêu cầu đăng nhập bằng tài khoản Facebook?!
Những dấu hiệu lừa đảo trên Facebook
- Có người yêu cầu bạn gửi tiền nhưng bạn không biết rõ người đó.
- Có người yêu cầu bạn trả trước khoản phí để nhận quà tặng từ nước ngoài, giải thưởng hoặc phần thưởng từ một cuộc chơi mà bạn không tham gia.
- Có người tự nhận là bạn bè hoặc người thân và đang trong tình trạng khẩn cấp.
- Các tin nhắn hoặc bài viết có nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp.
- Fanpage đại diện cho các tổ chức, công ty lớn hoặc nhân vật của công chúng nhưng chưa được xác minh (dấu tích màu xanh).
- Những người gửi các liên kết đăng nhập giả mạo.
Cách phòng tránh lừa đảo trên Facebook
- Trước khi nhấp vào xem, bạn hãy rê chuột lên bài viết để xem dòng địa chỉ thật sự ở góc trái bên dưới. Nếu cảm thấy đáng ngờ, bạn nên bỏ qua và báo cáo với Facebook.
- Kiểm tra mức độ an toàn của liên kết bằng cách truy cập địa chỉ https://www.virustotal.com/, dán link cần kiểm tra và bắt đầu quét.
- Nếu đã lỡ đăng nhập vào trang Facebook giả mạo, bạn hãy ngay lập tức đổi mật khẩu tại https://goo.gl/FJtI2, đồng thời kích hoạt tính năng bảo mật hai lớp trong phần Use two-factor authentication (sử dụng xác thực hai yếu tố) ở ngay bên dưới.
- Kích hoạt tính năng bảo mật 2 lớp: Đầu tiên, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) > Security & Login (bảo mật và đăng nhập) > Use two-factor authentication (sử dụng xác thực 2 yếu tố) và làm theo các bước hướng dẫn cho đến khi hoàn tất.
- Cảnh báo Facebook về các nội dung xấu: Nếu nhìn thấy nội dung lừa đảo hoặc có hại, bạn có thể báo cáo với Facebook bằng cách nhấp vào biểu tượng mũi tên ở góc phải bài viết hoặc góc phải fanpage.
- Chia sẻ có chọn lọc: Mỗi khi cập nhật trạng thái, chia sẻ ảnh hoặc đăng nội dung bất kỳ lên Facebook, bạn cần chọn lọc kỹ càng những ai có thể xem bài viết. Hạn chế chia sẻ công khai để tránh việc họ nắm được các thông tin cá nhân và gây bất lợi cho bạn.
- Cài đặt các tiện ích bổ sung: Đơn cử như J2TeaM Security tại https://goo.gl/7XIwxH, nhấn Add to Chrome > Add extension. Về cơ bản, tiện ích này sẽ giúp bạn ngăn chặn các trang web lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, vô hiệu hóa tính năng "đã xem" tin nhắn, hiển thị thời gian bạn bè online Facebook, xem ai nhắn tin với bạn nhiều nhất...
Nguồn: MINH HOÀNG (plo.vn)
Xem thêm các thủ thuật khác:
- Xem ai đã truy cập vào Facebook của bạn
- Cách tải toàn bộ album ảnh trên Facebook
HỎI VÀ ĐÁP