- Tải về sách Ebook Luật xây dựng và văn bản, biểu mẫu hướng dẫn mới nhất
- Luật xây dựng và quy định liên quan đến công trình xây dựng mới nhất
BỘ XÂY DỰNG
------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 22/2010/TT-BXD
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2010
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ- CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình,
Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình như sau:
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ- CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình,
Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình bao gồm: xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với các công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài là chủ đầu tư xây dựng công trình; nhà thầu xây dựng và người lao động tại công trường xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:
1. An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình: là hệ thống các biện pháp về tổ chức và quản lý, điều hành trên công trường nhằm cải thiện điều kiện lao động và ngăn chặn tai nạn lao động trong thi công xây dựng công trình.
2. Chủ đầu tư xây dựng công trình: là người sở hữu vốn hoặc người được giao quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình.
3. Nhà thầu xây dựng là tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn xây dựng, thi công xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng khi tham gia quan hệ hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
4. Tổng thầu xây dựng là nhà thầu ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư xây dựng công trình để nhận thầu toàn bộ một loại công việc hoặc toàn bộ công việc của dự án đầu tư xây dựng công trình.
5. Nhà thầu chính trong hoạt động xây dựng là nhà thầu ký kết hợp đồng nhận thầu trực tiếp với chủ đầu tư xây dựng công trình để thực hiện phần việc chính của một loại công việc của dự án đầu tư xây dựng công trình.
6. Nhà thầu phụ trong hoạt động xây dựng là nhà thầu ký kết hợp đồng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu xây dựng để thực hiện một phần công việc của nhà thầu chính hoặc tổng thầu xây dựng.
7. Công trường xây dựng là mặt bằng thi công xây dựng, trên đó có công trình xây dựng, các công trình phụ trợ và công trình hạ tầng kỹ thuật.
Chương II
NHỮNG YÊU CẦU ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 3. Yêu cầu chung đối với công trường xây dựng
Công trường xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Tổng mặt bằng công trường xây dựng phải được thiết kế và phê duyệt theo quy định, phù hợp với địa điểm xây dựng, diện tích mặt bằng công trường, điều kiện khí hậu tự nhiên nơi xây dựng, đảm bảo thuận lợi cho công tác thi công, an toàn cho người, máy và thiết bị trên công trường và khu vực xung quanh chịu ảnh hưởng của thi công xây dựng.
2. Vật tư, vật liệu phải được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp đúng theo thiết kế tổng mặt bằng được phê duyệt. Không được để các vật tư, vật liệu và các chướng ngại vật cản trở đường giao thông, đường thoát hiểm, lối ra vào chữa cháy. Kho chứa vật liệu dễ cháy, nổ không được bố trí gần nơi thi công và lán trại. Vật liệu thải phải được dọn sạch, đổ đúng nơi quy định. Hệ thống thoát nước phải thường xuyên được thông thoát bảo đảm mặt bằng công trường luôn khô ráo.
3. Trên công trường phải có biển báo theo quy định tại Điều 74 Luật Xây dựng. Tại cổng chính ra vào phải có sơ đồ tổng mặt bằng công trường, treo nội quy làm việc. Các biện pháp đảm bảo an toàn, nội quy về an toàn phải được phổ biến và công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường như đường hào, hố móng, hố ga phải có rào chắn, biển cảnh báo và hướng dẫn đề phòng tai nạn; ban đêm phải có đèn tín hiệu.
4. An toàn về điện:
a) Hệ thống lưới điện động lực và lưới điện chiếu sáng trên công trường phải riêng rẽ; có cầu dao tổng, cầu dao phân đoạn có khả năng cắt điện một phần hay toàn bộ khu vực thi công;
b) Người lao động, máy và thiết bị thi công trên công trường phải được bảo đảm an toàn về điện. Các thiết bị điện phải được cách điện an toàn trong quá trình thi công xây dựng;
c) Những người tham gia thi công xây dựng phải được hướng dẫn về kỹ thuật an toàn điện, biết sơ cứu người bị điện giật khi xảy ra tai nạn về điện.
5. An toàn về cháy, nổ:
a) Tổng thầu hoặc chủ đầu tư (trường hợp không có tổng thầu) phải thành lập ban chỉ huy phòng chống cháy, nổ tại công trường, có quy chế hoạt động và phân công, phân cấp cụ thể;
b) Phương án phòng chống cháy, nổ phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định. Nhà thầu phải tổ chức đội phòng chống cháy, nổ, có phân công, phân cấp và kèm theo quy chế hoạt động;
c) Trên công trường phải bố trí các thiết bị chữa cháy cục bộ. Tại các vị trí dễ xảy ra cháy phải có biển báo cấm lửa và lắp đặt các thiết bị chữa cháy và thiết bị báo động, đảm bảo khi xảy ra cháy kịp thời phát hiện để ứng phó;
6. Các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
7. Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoặc những công trình có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài thì các quy định về an toàn lao động phải được thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Điều 4. Yêu cầu khi thi công xây dựng
Khi thi công xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
1. Trước khi khởi công xây dựng phải có thiết kế biện pháp thi công được duyệt, trong biện pháp thi công phải thể hiện được các giải pháp đảm bảo an toàn lao động cho người lao động và máy, thiết bị thi công đối với từng công việc. Trong thiết kế biện pháp thi công phải có thuyết minh hướng dẫn về kỹ thuật và các chỉ dẫn thực hiện.
2. Thi công xây dựng phải tuân thủ theo thiết kế được duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật. Đối với những công việc có yêu cầu phụ thuộc vào chất lượng của công việc trước đó, thì chỉ được thi công khi công việc trước đó đã được nghiệm thu đảm bảo chất lượng theo quy định.
3. Biện pháp thi công và các giải pháp về an toàn phải được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng của công trường.
4. Tổ chức, cá nhân phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định. Những người điều khiển máy, thiết bị thi công và những người thực hiện các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được huấn luyện an toàn lao động và có thẻ an toàn lao động theo quy định;
5. Máy, thiết bị thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định thì mới được phép hoạt động trên công trường. Khi hoạt động, máy và thiết bị thi công phải tuân thủ quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn.
Trường hợp khi hoạt động, thiết bị thi công vượt khỏi phạm vi mặt bằng công trường thì chủ đầu tư phải phê duyệt biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình trong, ngoài công trường chịu ảnh hưởng của thi công xây dựng.
Trường hợp do điều kiện thi công, thiết bị phải đặt ở ngoài phạm vi công trường và trong thời gian không hoạt động nếu các thiết bị thi công vươn ra khỏi phạm vi công trường thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của địa phương.
6. Những người khi tham gia thi công xây dựng trên công trường phải được khám sức khỏe, huấn luyện về an toàn và được cấp phát đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định của pháp luật về lao động.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CHỦ THỂ ĐỐI VỚI AN TOÀN TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
Điều 5. Trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng công trình
Chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm:
1. Thành lập bộ phận chuyên trách hoặc kiêm nhiệm để kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng trên công trường.
2. Lựa chọn nhà thầu có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn lao động của nhà thầu. Nếu nhà thầu không khắc phục thì chủ đầu tư phải đình chỉ thi công hoặc chấm dứt hợp đồng.
4. Phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động, đồng thời báo cáo với các cơ quan chức năng về tình hình an toàn lao động của dự án, công trình theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều 6. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình
Nhà thầu thi công xây dựng công trình bao gồm cả tổng thầu, nhà thầu chính và nhà thầu phụ trên công trường có trách nhiệm:
1. Lập và phê duyệt thiết kế biện pháp thi công, trong đó quy định rõ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị và công trình. Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra thực tế các diễn biến trên công trường để điều chỉnh biện pháp thi công, biện pháp an toàn lao động cho phù hợp.
2. Tuyển chọn và bố trí người lao động kỹ thuật trên công trường đúng chuyên môn được đào tạo, đủ năng lực hành nghề, đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật. Đồng thời cung cấp đầy đủ các trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
3. Thành lập mạng lưới và bộ phận quản lý công tác an toàn lao động trên công trường; đồng thời quy định cụ thể công việc thực hiện và trách nhiệm đối với những cá nhân quản lý công tác an toàn lao động trong quá trình thi công.
4. Tổ chức tập huấn và huấn luyện về an toàn cho đội ngũ làm công tác an toàn và người lao động thuộc quyền quản lý theo quy định.
5. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động theo biện pháp đã được phê duyệt, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.
6. Chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư khắc phục hậu quả, khai báo, điều tra, lập biên bản khi xảy ra sự cố công trình xây dựng, tai nạn lao động trên công trường.
7. Thực hiện công tác kiểm định, đăng ký(nếu có), bảo dưỡng máy và thiết bị nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và công trình theo quy định.
Điều 7. Trách nhiệm của Ban quản lý dự án hoặc Tư vấn quản lý dự án và Tư vấn giám sát thi công
Ban quản lý dự án hoặc Tư vấn quản lý dự án và Tư vấn giám sát thi công xây dựng có trách nhiệm:
1. Giám sát việc thực hiện của nhà thầu tuân thủ các biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn đã được phê duyệt; tuân thủ các quy phạm kỹ thuật an toàn trong thi công xây dựng.
2. Thông báo cho chủ đầu tư những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến an toàn trong quá trình thi công để có các giải pháp xử lý và điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp.
3. Kiểm tra, báo cáo chủ đầu tư xử lý vi phạm, dừng thi công và yêu cầu khắc phục khi nhà thầu thi công vi phạm các quy định về an toàn trên công trường.
Điều 8. Quan hệ phối hợp giữa chủ đầu tư, tổng thầu hoặc thầu chính và thầu phụ
1. Trường hợp trên công trường có tổng thầu hoặc thầu chính
Trường hợp trên công trường có tổng thầu thi công xây dựng, tổng thầu EPC, tổng thầu chìa khóa trao tay hoặc chỉ có nhà thầu chính (sau đây gọi chung là tổng thầu) thì trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể như sau:
a) Chủ đầu tư tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp an toàn của tổng thầu và kiểm tra việc điều hành, giám sát của tổng thầu đối với các nhà thầu phụ trên công trường;
b) Đối với công trường xây dựng có nhiều nhà thầu phụ tham gia thi công, thì tổng thầu phải thành lập bộ phận quản lý an toàn chung để kiểm tra, giám sát và quản lý công tác an toàn, vệ sinh môi trường đối với các nhà thầu phụ trên công trường;
c) Tổng thầu chịu trách nhiệm toàn diện về việc điều hành tiến độ thi công giữa tổng thầu với các nhà thầu phụ cũng như tiến độ thực hiện giữa các nhà thầu phụ với nhau, không để xảy ra sự chồng chéo trong thực hiện công việc giữa các nhà thầu gây ra mất an toàn đối với người lao động, máy, thiết bị và công trình;
d) Tổng thầu có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp thi công và biện pháp an toàn của các nhà thầu phụ. Tổng thầu có quyền tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi nhà thầu phụ vi phạm các quy định về an toàn trên công trường;
đ) Nhà thầu phụ lập và phê duyệt biện pháp thi công và biện pháp an toàn phần việc do mình thực hiện. Trước khi phê duyệt phải được sự thỏa thuận của tổng thầu;
e) Nhà thầu phụ chịu trách nhiệm giám sát thực hiện biện pháp an toàn các công việc do mình thực hiện; đồng thời chịu sự điều hành, giám sát, kiểm tra việc thực hiện tiến độ, thực hiện biện pháp thi công cũng như biện pháp an toàn trên công trường của tổng thầu.
2. Trường hợp trên công trường có nhiều nhà thầu chính
Trường hợp trên công trường không có tổng thầu thi công xây dựng, tổng thầu EPC hoặc tổng thầu chìa khóa trao tay mà chỉ có các nhà thầu chính thì trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể như sau:
a) Chủ đầu tư tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn của các nhà thầu chính; kiểm tra việc điều hành, giám sát của các nhà thầu chính đối với các nhà thầu phụ trên công trường;
b) Đối với công trường xây dựng có nhiều nhà thầu chính tham gia thi công, thì chủ đầu tư phải thành lập bộ phận quản lý an toàn chung để kiểm tra, giám sát và quản lý công tác an toàn, vệ sinh môi trường đối với các nhà thầu chính trên công trường;
c) Chủ đầu tư chịu trách nhiệm điều hành tiến độ thi công giữa các nhà thầu chính; nhà thầu chính chịu trách nhiệm về việc điều hành tiến độ thi công giữa nhà thầu chính với các nhà thầu phụ cũng như tiến độ thực hiện giữa các nhà thầu phụ với nhau, không để xảy ra sự chồng chéo trong thực hiện công việc giữa các nhà thầu gây ra mất an toàn đối với người lao động, máy, thiết bị và công trình;
d) Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp thi công và biện pháp an toàn của các nhà thầu chính. Chủ đầu tư có quyền tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi nhà thầu chính vi phạm các quy định về an toàn lao động trên công trường;
đ) Nhà thầu chính có trách nhiệm lập, phê duyệt biện pháp an toàn những phần việc do mình thực hiện; trước khi phê duyệt phải có sự thỏa thuận của chủ đầu tư;
e) Nhà thầu chính có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện các biện pháp thi công và biện pháp an toàn của các nhà thầu phụ. Nhà thầu chính có quyền tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi nhà thầu phụ vi phạm các quy định về an toàn trên công trường;
f) Nhà thầu phụ lập, phê duyệt biện pháp thi công và biện pháp an toàn những phần việc do mình thực hiện; trước khi phê duyệt phải có sự thỏa thuận của nhà thầu chính;
g) Nhà thầu phụ chịu trách nhiệm giám sát biện pháp an toàn các công việc do mình thực hiện; đồng thời chịu sự điều hành, giám sát, kiểm tra của nhà thầu chính về việc thực hiện tiến độ, thực hiện biện pháp thi công cũng như biện pháp an toàn trên công trường .
Điều 9 . Quyền và trách nhiệm của người lao động trên công trường xây dựng
Người lao động trên công trường xây dựng có quyền và trách nhiệm sau:
1. Có quyền từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp mà vẫn không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định.
2. Chỉ được nhận thực hiện những công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Chấp hành đầy đủ các quy định, nội quy về an toàn lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
3. Người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì phải được huấn luyện an toàn lao động và có thẻ an toàn lao động theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm của người làm công tác an toàn của nhà thầu
1. Người làm công tác an toàn thực hiện chế độ kiểm tra hàng ngày trên công trường theo quy định của nhà thầu. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện thấy các vi phạm về an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động thì tạm dừng thi công công việc đó, đồng thời báo cáo trực tiếp nhà thầu để xem xét xử lý hoặc yêu cầu người trực tiếp phụ trách bộ phận đó đình chỉ thi công để có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và công trình, sau đó báo cáo người chỉ huy công trường.
2. Người làm công tác an toàn hoặc cán bộ kỹ thuật của nhà thầu phải giám sát liên tục công tác an toàn lao động trong suốt quá trình thi công xây dựng công trình.
Điều 11. Giải quyết sự cố khi xảy ra tai nạn lao động
Khi xảy ra tai nạn lao động do sự cố mất an toàn lao động hoặc do sự cố công trình phải được giải quyết như sau:
1. Khi xảy ra tai nạn lao động do sự cố mất an toàn lao động gây ra:
a) Nhà thầu phải bằng mọi biện pháp sơ, cấp cứu người bị tai nạn lao động, sau đó chuyển ngay đến cơ sở y tế để xử lý;
b) Chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị có liên quan phải báo cáo kịp thời với các cơ quan quản lý có liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra theo quy định để xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, tai nạn lao động;
c) Việc khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê, báo cáo; quy trình xử lý sự cố; giải quyết các chế độ khi xảy ra tai nạn lao động được thực hiện theo quy định hiện hành;
d) Sau khi lấy dấu hiện trường, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc dọn dẹp nơi xảy ra sự cố và tiếp tục thi công.
2. Khi xảy ra tai nạn lao động do sự cố công trình xây dựng:
a) Thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c, khoản 1 Điều này;
b) Sau khi lấy dấu hiện trường, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, nhà thầu thực hiện việc dọn dẹp nơi xảy ra sự cố; đồng thời kiểm tra, đánh giá mức độ ổn định của công trình hoặc công việc đang thi công theo quy định, nếu đảm bảo an toàn thì báo cáo chủ đầu tư cho phép tiếp tục thi công.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12 . Trách nhiệm thực hiện
1. Bộ Xây dựng giao cho các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác an toàn trong thi công xây dựng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, bao gồm:
a) Tổ chức tập huấn công tác an toàn lao động cho các nhà thầu, cán bộ an toàn, cán bộ kỹ thuật, cán bộ, kỹ sư trong các ban quản lý dự án, ban điều hành của các dự án;
b) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các qui định về an toàn lao động trong thi công xây dựng;
c) Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này;
d) Cập nhật thông tin các nhà thầu vi phạm an toàn trong thi công xây dựng đưa lên "Trang Thông tin về các nhà thầu vi phạm trong hoạt động xây dựng" của Bộ Xây dựng.
2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho Sở Xây dựng có trách nhiệm:
a) Tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng trên địa bàn;
c) Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm về tình hình an toàn lao động trong thi công xây dựng tại các công trình trên địa bàn theo quy định của pháp luật lao động gửi về Bộ Xây dựng;
d) Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Thông tư này theo thẩm quyền;
đ) Cung cấp thông tin các nhà thầu vi phạm an toàn lao động trong thi công xây dựng về Bộ Xây dựng.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký;
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết ./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG Bùi Phạm Khánh |