TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 127/2001/KHXX
|
Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2001
|
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 127/2001/KHXX NGÀY 8 THÁNG 10 NĂM 2001 VỀ VIỆC KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ VÀ KHỞI TỐ BỊ CAN
Kính gửi: Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai
Sau khi nghiên cứu Công văn số 17/HS ngày 26/4/2001 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai, Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự thì khi xác định có dấu hiệu tội phạm là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự. Đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều này thì trong Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ thời gian, căn cứ khởi tố và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng. Quyết định khởi tố vụ án hình sự là cơ sở để tiến hành việc điều tra vụ án nhằm xác định người thực hiện hành vi phạm tội và hành vi phạm tội đó cấu thành tội gì? Chỉ khi có đủ căn cứ để xác định được người đã thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra mới ra Quyết định khởi tố bị can. Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự, thì trong Quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự. Nếu bị can bị khởi tố về nhiều tội khác nhau thì trong Quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng.
Trong quá trình tiến hành điều tra (như hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đối chất, nhận dạng, khám xét hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định...) cho thấy có đủ căn cứ để xác định hành vi phạm tội mà người đó thực hiện cấu thành tội phạm khác với tội phạm ghi trong Quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc ngoài tội phạm đã ghi trong Quyết định khởi tố vụ án hình sự người đó còn thực hiện hành vi phạm tội khác hoặc có thể phát hiện đồng phạm khác, thì Bộ luật tố tụng hình sự không quy định cơ quan điều tra phải thay đổi hoặc bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự mà chỉ quy định cơ quan điều tra phải ra Quyết định thay đổi hoặc bổ sung Quyết định khởi tố bị can (Điều l04). Thực tiễn công tác điều tra, truy tố cũng được thực hiện theo tinh thần này.
Như vậy, đối chiếu với các ví dụ cụ thể mà quý Toà nêu trong Công văn số 17/HS ngày 26-4-2001 thì trong các trường hợp đó cơ quan điều tra không có vi phạm về thủ tục tố tụng.
Cần lưu ý rằng sẽ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nếu không có Quyết định khởi tố bị can (đối với đồng phạm mới được phát hiện) hoặc không có Quyết định thay đổi, bổ sung Quyết định khởi tố bị can (đối với bị can đã có Quyết định khởi tố bị can) mà trong bản Kết luận điều tra đề nghị truy tố thêm bị can hoặc truy tố bị can về tội danh khác với tội danh ghi trong Quyết định khởi tố bị can, thêm tội danh ngoài tội danh đã ghi trong Quyết định khởi tố bị can.
Trên đây là ý kiến của Toà án nhân dân tối cao để quý Toà tham khảo trong công tác xét xử các vụ án hình sự.
|
Đặng Quang Phương
(Đã ký)
|