Toàn văn Quyết định 32/2006/QĐ-BCN ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực

QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 32/2006/QĐ-BCN 
NGÀY 06 THÁNG 09 NĂM 2006 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THU HỒI VÀ 
QUẢN LÝ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 05 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Quyết định số 258/2005/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công nghiệp;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,
QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, và các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

BỘ TRƯỞNG
Hoàng Trung Hải

QUY ĐỊNH
Điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, 
bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN
ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực.
2. Quy định này áp dụng đối với các lĩnh vực hoạt động điện lực dưới đây:
a) Tư vấn quy hoạch điện lực;
b) Tư vấn đầu tư xây dựng điện;
c) Tư vấn giám sát thi công các công trình điện;
d) Phát điện;
đ) Truyền tải điện;
e) Phân phối điện;
g) Bán buôn điện;
h) Bán lẻ điện;
i) Xuất nhập khẩu điện.

Điều 2. Trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực
Các hoạt động sau đây được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực:
1. Tư vấn thẩm định và phản biện các dự án đầu tư xây dựng điện;
2. Phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
3. Phát điện có công suất lắp đặt dưới 50 kW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
4. Kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện từ lưới điện phân phối với tổng công suất máy biến áp nhỏ hơn 50 kVA để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo;
5. Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực;
6. Xây lắp các công trình điện.

Điều 3. Nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực
1. Mỗi tổ chức, cá nhân được cấp một giấy phép để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực.
2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực phải duy trì các điều kiện đã đăng ký đối với các lĩnh vực được cấp phép trong suốt thời gian hoạt động.
3. Giấy phép hoạt động điện lực được cấp có thời hạn khác nhau cho các lĩnh vực hoạt động điện lực căn cứ vào phạm vi hoạt động, loại công trình điện, thời hạn đăng ký, năng lực, trình độ chuyên môn của đơn vị hoạt động điện lực.

Điều 4. Nội dung giấy phép hoạt động điện lực
1. Nội dung giấy phép hoạt động điện lực được quy định tại Điều 35 Luật Điện lực và Điều 22 Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực, được in trên giấy phép hoạt động điện lực.
2. Các phụ lục kèm theo giấy phép về điều kiện, phạm vi chi tiết, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép, quản lý sử dụng giấy phép.

Điều 5. Phạm vi sử dụng của giấy phép hoạt động điện lực
1. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch điện lực, tư vấn đầu tư xây dựng điện, tư vấn giám sát thi công các công trình điện có giá trị sử dụng trong phạm vi cả nước.
2. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện được cấp cho đơn vị điện lực hoạt động phát điện có các dự án phát điện được đầu tư phù hợp với quy hoạch điện lực được duyệt.
3. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện được cấp cho đơn vị điện lực hoạt động truyền tải điện có phạm vi quản lý, vận hành lưới điện truyền tải cụ thể.
4. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối điện, xuất nhập khẩu điện được cấp cho đơn vị điện lực hoạt động phân phối điện, xuất nhập khẩu điện có phạm vi địa lý lưới điện cụ thể.
5. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ điện được cấp cho từng đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện theo phạm vi địa lý cụ thể.

Điều 6Lệ phí và phí liên quan tới giấy phép hoạt động điện lực
1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực phải nộp lệ phí cấp giấy phép và các loại phí khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan cấp giấy phép được sử dụng lệ phí cấp giấy phép và các loại phí có liên quan khác để phục vụ cho công tác thẩm định, quản lý sử dụng giấy phép, kiểm tra và xử lý các vi phạm giấy phép. Việc thu nộp và sử dụng lệ phí cấp giấy phép hoạt động điện lực và các loại phí khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Chương II
ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC

Điều 7. Điều kiện chung
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực phải đáp ứng các điều kiện chung sau:
1. Là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, gồm:
a) Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
b) Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
c) Hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
d) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Có hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực.
3. Có năng lực tài chính để thực hiện các lĩnh vực hoạt động điện lực đề nghị cấp giấy phép.

Điều 8. Tư vấn quy hoạch điện lực
Tư vấn quy hoạch điện lực bao gồm: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quy hoạch phát triển điện lực quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là quy hoạch phát triển điện lực địa phương); Quy hoạch bậc thang thuỷ điện các dòng sông.
Tổ chức đăng ký hoạt động tư vấn quy hoạch điện lực, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy định này, phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Đối với tư vấn quy hoạch phát triển điện lực quốc gia:
a) Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về quy hoạch các dạng năng lượng sơ cấp, dự báo nhu cầu, nghiên cứu phân tích thị trường tiêu thụ, tính toán phân tích quy hoạch tối ưu hệ thống điện, phân tích kỹ thuật vận hành hệ thống điện, kinh tế - tài chính dự án;
b) Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về các loại nhà máy điện, hệ thống điện, kinh tế - tài chính và môi trường. Chuyên gia tư vấn chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính của tổ chức tư vấn phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất năm năm trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch và đã chủ trì hoặc tham gia chính lập ít nhất một quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Yêu cầu về số lượng các chuyên gia tư vấn chính theo các lĩnh vực chuyên môn cụ thể như sau:
- Chuyên gia dự báo nhu cầu phụ tải điện: Có ít nhất 05 chuyên gia có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện hoặc kinh tế năng lượng;
- Chuyên gia tính toán, phân tích tối ưu phát triển nguồn và lưới điện: Có ít nhất 08 chuyên gia có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện hoặc kinh tế năng lượng;
- Chuyên gia kinh tế - tài chính và đầu tư: Có ít nhất 05 chuyên gia có bằng kinh tế tài chính hoặc kinh tế năng lượng;
- Chuyên gia công nghệ và môi trường: Có ít nhất 02 chuyên gia có bằng tốt nghiệp đại học thuộc các chuyên ngành nhiệt điện, thuỷ điện, cơ khí.
c) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết đáp ứng yêu cầu của việc lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
2. Đối với tư vấn quy hoạch phát triển điện lực địa phương:
a) Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về quy hoạch phát triển lưới điện, nghiên cứu và dự báo phụ tải, tính toán phân tích tối ưu lưới điện truyền tải và phân phối, phân tích kinh tế - tài chính dự án;
b) Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về dự báo phụ tải, kết cấu và chế độ vận hành lưới điện, phân tích kinh tế - tài chính dự án. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất năm năm trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch và đã chủ trì hoặc tham gia chính lập ít nhất một quy hoạch phát triển điện lực địa phương;
c) Yêu cầu về số lượng chuyên gia tư vấn chính đối với lĩnh vực quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
- Chuyên gia dự báo nhu cầu phụ tải điện: Có ít nhất 03 chuyên gia có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện hoặc kinh tế năng lượng;
- Chuyên gia tính toán, phân tích tối ưu hệ thống điện, công nghệ: Có ít nhất 05 chuyên gia có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện hoặc kinh tế năng lượng;
- Chuyên gia kinh tế - tài chính và đầu tư: Có ít nhất 02 chuyên gia có bằng kinh tế tài chính hoặc kinh tế năng lượng.
d) Yêu cầu về số lượng chuyên gia tư vấn chính đối với lĩnh vực quy hoạch phát triển điện lực quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh như sau:
- Chuyên gia dự báo nhu cầu phụ tải điện: Có ít nhất 01 chuyên gia có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện hoặc kinh tế năng lượng;
- Chuyên gia tính toán, phân tích tối ưu lưới điện: Có ít nhất 03 chuyên gia có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện hoặc kinh tế năng lượng;
- Chuyên gia kinh tế - tài chính và đầu tư: Có ít nhất 01 chuyên gia có bằng kinh tế tài chính hoặc kinh tế năng lượng;
đ) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết đáp ứng yêu cầu của việc lập quy hoạch phát triển điện lực địa phương.
3. Đối với tư vấn quy hoạch bậc thang thuỷ điện các dòng sông:
a) Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về thuỷ công, thuỷ văn, thuỷ năng, địa chất công trình, xây dựng thuỷ điện và các lĩnh vực khác có liên quan đến việc lập quy hoạch bậc thang thuỷ điện;
b) Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực thuỷ văn, thuỷ công, địa chất công trình, thuỷ điện, xây dựng thuỷ điện. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính của tổ chức tư vấn phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và kinh nghiệm công tác ít nhất năm năm trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch và đã chủ trì hoặc tham gia chính lập ít nhất một quy hoạch bậc thang thuỷ điện.
Yêu cầu cụ thể về số lượng chuyên gia tư vấn chính phân theo các lĩnh vực chuyên môn như sau:
- Chuyên gia thuỷ năng, thuỷ văn: Có ít nhất 02 chuyên gia;
- Chuyên gia kinh tế năng lượng: Có ít nhất 02 chuyên gia;
- Chuyên gia thuỷ lực, thuỷ công: Có ít nhất 03 chuyên gia;
- Chuyên gia địa chất và địa kỹ thuật: Có ít nhất 02 chuyên gia;
- Chuyên gia kết cấu: Có ít nhất 01 chuyên gia;
- Chuyên gia tổ chức thi công: Có ít nhất 01 chuyên gia.
c) Có các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho lập quy hoạch bậc thang thuỷ điện.

Điều 9. Tư vấn đầu tư xây dựng điện
Tổ chức đăng ký hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng điện, tuỳ theo trình độ năng lực chuyên môn, có thể đăng ký hoạt động trong một hoặc nhiều phạm vi chuyên môn (lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật thi công, đấu thầu), cho một hoặc nhiều loại công trình điện (nhà máy thuỷ điện, nhà máy nhiệt điện, đường dây và trạm biến áp với các cấp điện áp khác nhau), ngoài các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy định này, phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Đối với công trình nhà máy thuỷ điện:
a) Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về công nghệ và công trình các nhà máy thuỷ điện, phân tích kỹ thuật, kinh tế - tài chính dự án, đánh giá tác động môi trường;
b) Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực thiết bị thuỷ công, thiết bị điện, xử lý nước, điều khiển tự động, thuỷ công, thuỷ văn, thuỷ năng, địa chất công trình, xây dựng thuỷ điện và các lĩnh vực có liên quan đến các loại nhà máy thuỷ điện. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất năm năm trong lĩnh vực tư vấn và đã có kinh nghiệm chủ trì hoặc tham gia thiết kế chính ít nhất một dự án nhà máy thuỷ điện trong lĩnh vực tư vấn;
c) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho việc tư vấn đầu tư xây dựng các công trình nhà máy thuỷ điện;
d) Năng lực của tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện được phân thành 5 hạng theo quy mô công suất lắp đặt nhà máy thuỷ điện như sau:
- Hạng 1: Không giới hạn quy mô công suất lắp đặt;
- Hạng 2: Quy mô công suất lắp đặt đến 300MW;
- Hạng 3: Quy mô công suất lắp đặt đến 100MW;
- Hạng 4: Quy mô công suất lắp đặt đến 30MW;
- Hạng 5: Quy mô công suất lắp đặt dưới 10MW.
đ) Yêu cầu về năng lực của tổ chức tư vấn hoạt động theo hạng công trình thuỷ điện như sau:
- Hạng 1: Có ít nhất 25 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành thuỷ lực, thuỷ công, thuỷ năng, thuỷ văn, kinh tế năng lượng, địa chất, địa kỹ thuật, kết cấu, tổ chức thi công công trình nhà máy thuỷ điện;
- Hạng 2: Có ít nhất 20 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành thuỷ lực, thuỷ công, thuỷ năng, thuỷ văn, kinh tế năng lượng, địa chất, địa kỹ thuật, kết cấu, tổ chức thi công công trình nhà máy thuỷ điện;
- Hạng 3: Có ít nhất 15 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành thuỷ lực, thuỷ công, thuỷ năng, thuỷ văn, kinh tế năng lượng, địa chất, địa kỹ thuật, kết cấu, tổ chức thi công công trình nhà máy thuỷ điện;
- Hạng 4: Có ít nhất 10 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành thuỷ lực, thuỷ công, thuỷ năng, thuỷ văn, kinh tế năng lượng, địa chất, địa kỹ thuật, kết cấu, tổ chức thi công công trình nhà máy thuỷ điện;
- Hạng 5: Có ít nhất 05 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành thuỷ lực, thuỷ công, thuỷ năng, thuỷ văn, kinh tế năng lượng, địa chất, kết cấu, tổ chức thi công công trình nhà máy thuỷ điện.
2. Đối với công trình nhà máy nhiệt điện:
a) Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về công nghệ và công trình các nhà máy nhiệt điện, phân tích kỹ thuật, kinh tế - tài chính dự án, đánh giá tác động môi trường;
b) Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực lò hơi, tua bin, máy phát điện, thiết bị điện, điều khiển tự động, địa chất công trình, xây dựng nhiệt điện và các lĩnh vực có liên quan đến các loại nhà máy nhiệt điện. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất năm năm trong lĩnh vực tư vấn và đã có kinh nghiệm chủ trì hoặc tham gia thiết kế chính ít nhất một dự án nhà máy nhiệt điện trong lĩnh vực tư vấn;
c) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho việc tư vấn đầu tư xây dựng các công trình nhà máy nhiệt điện;
d) Năng lực của tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện được phân thành 3 hạng theo quy mô công suất lắp đặt nhà máy nhiệt điện như sau:
- Hạng 1: Không giới hạn quy mô công suất lắp đặt;
- Hạng 2: Quy mô công suất lắp đặt đến 100MW;
- Hạng 3: Quy mô công suất lắp đặt dưới 50MW.
đ) Yêu cầu về năng lực của tổ chức tư vấn hoạt động theo hạng công trình nhiệt điện như sau:
- Hạng 1: Có ít nhất 20 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành nhiệt điện, địa chất, địa kỹ thuật, hoá, kết cấu, tổ chức thi công công trình nhà máy nhiệt điện;
- Hạng 2: Có ít nhất 15 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành nhiệt điện, địa chất, địa kỹ thuật, hoá, kết cấu, tổ chức thi công công trình nhà máy nhiệt điện;
- Hạng 3: Có ít nhất 10 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành nhiệt điện, địa chất, địa kỹ thuật, hoá, kết cấu, tổ chức thi công công trình nhà máy nhiệt điện.
3. Đối với công trình đường dây và trạm biến áp:
a) Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về thiết kế công trình, thiết bị đường dây và trạm biến áp, bảo vệ rơ le, điều khiển tự động, đánh giá tác động môi trường, phân tích kinh tế - tài chính dự án cho các công trình đường dây và trạm biến áp với cấp điện áp phù hợp;
b) Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực cơ lý đường dây, thiết bị điện, điều khiển tự động, bảo vệ rơ le, tổ chức xây dựng, tài chính dự án. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất năm năm trong lĩnh vực tư vấn và đã tham gia thực hiện ít nhất một dự án đường dây và trạm biến áp với cấp điện áp tương đương;
c) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho việc tư vấn đầu tư xây dựng các công trình đường dây và trạm biến áp;
d) Năng lực của tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp được phân thành 4 hạng theo quy mô cấp điện áp như sau:
- Hạng 1: Không giới hạn quy mô cấp điện áp;
- Hạng 2: Quy mô cấp điện áp đến 220kV;
- Hạng 3: Quy mô cấp điện áp đến 110kV;
- Hạng 4: Quy mô cấp điện áp đến 35kV.
đ) Yêu cầu về năng lực của tổ chức tư vấn hoạt động theo hạng công trình đường dây và trạm biến áp như sau:
- Hạng 1: Có ít nhất 20 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành hệ thống điện, điện kỹ thuật, thiết bị điện, tự động hoá, kinh tế năng lượng, địa chất, xây dựng, tổ chức thi công công trình đường dây và trạm biến áp;
- Hạng 2: Có ít nhất 15 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành hệ thống điện, điện kỹ thuật, thiết bị điện, tự động hoá, kinh tế năng lượng, địa chất, xây dựng, tổ chức thi công công trình đường dây và trạm biến áp;
- Hạng 3: Có ít nhất 10 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành hệ thống điện, điện kỹ thuật, tự động hoá, kinh tế năng lượng, xây dựng, tổ chức thi công công trình đường dây và trạm biến áp;
- Hạng 4: Có ít nhất 05 chuyên gia tư vấn chính thuộc các chuyên ngành hệ thống điện, điện kỹ thuật, tự động hoá, kinh tế năng lượng, xây dựng, tổ chức thi công công trình đường dây và trạm biến áp.

Điều 10. Tư vấn giám sát thi công các công trình điện
Tổ chức đăng ký hoạt động tư vấn giám sát thi công các công trình điện, tuỳ theo trình độ năng lực chuyên môn, có thể đăng ký hoạt động cho một hoặc nhiều loại công trình điện (nhà máy thuỷ điện, nhà máy nhiệt điện, đường dây và trạm biến áp với quy mô các cấp điện áp khác nhau), ngoài các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy định này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Đối với công trình nhà máy thuỷ điện:
a) Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về công nghệ và công trình các nhà máy thuỷ điện;
b) Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực thiết bị thuỷ công, thiết bị điện, xử lý nước, điều khiển tự động, thuỷ công, thuỷ văn, thuỷ năng, địa chất công trình, xây dựng thuỷ điện và các lĩnh vực có liên quan đến nhà máy thuỷ điện. Chuyên gia tư vấn chủ trì phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất năm năm trong lĩnh vực tư vấn và đã có kinh nghiệm chủ trì giám sát thi công ít nhất một công trình nhà máy thuỷ điện;
c) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết cho việc giám sát thi công các công trình nhà máy thuỷ điện;
d) Năng lực của tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy thuỷ điện được phân thành 4 hạng theo quy mô công suất lắp đặt nhà máy thuỷ điện được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 của Quy định này;
đ) Yêu cầu về năng lực của tổ chức tư vấn giám sát thi công theo hạng công trình thuỷ điện như sau:
- Hạng 1: Có ít nhất 20 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành thuỷ điện;
- Hạng 2: Có ít nhất 17 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành thuỷ điện;
- Hạng 3: Có ít nhất 12 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành thuỷ điện;
- Hạng 4: Có ít nhất 08 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành thuỷ điện;
- Hạng 5: Có ít nhất 05 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành thuỷ điện.
2. Đối với công trình nhà máy nhiệt điện:
a) Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về công nghệ và công trình các nhà máy nhiệt điện;
b) Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực lò hơi, tua bin, máy phát điện, thiết bị điện, điều khiển tự động, địa chất công trình, xây dựng nhiệt điện và các lĩnh vực có liên quan đến các loại nhà máy nhiệt điện. Chuyên gia tư vấn chủ trì phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất năm năm trong lĩnh vực tư vấn và đã có kinh nghiệm chủ trì giám sát thi công ít nhất một công trình nhà máy nhiệt điện;
c) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho việc tư vấn đầu tư xây dựng các công trình nhà máy nhiệt điện;
d) Năng lực của tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy nhiệt điện được phân thành 3 hạng theo quy mô công suất lắp đặt nhà máy nhiệt điện được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 của Quy định này;
đ) Yêu cầu về năng lực của tổ chức tư vấn hoạt động theo hạng công trình nhiệt điện như sau:
- Hạng 1: Có ít nhất 20 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành nhiệt điện;
- Hạng 2: Có ít nhất 15 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành nhiệt điện;
- Hạng 3: Có ít nhất 10 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình thuộc các chuyên ngành nhiệt điện.
3. Đối với công trình đường dây và trạm biến áp:
a) Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về công nghệ và công trình đường dây và trạm biến áp;
b) Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực cơ lý đường dây, thiết bị điện, điều khiển tự động, bảo vệ rơ le, tổ chức xây dựng. Chuyên gia tư vấn chủ trì phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất năm năm trong lĩnh vực tư vấn và đã có kinh nghiệm chủ trì giám sát thi công ít nhất một công trình đường dây và trạm biến áp;
c) Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho việc tư vấn đầu tư xây dựng các công trình đường dây và trạm biến áp;
d) Năng lực của tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp được phân thành 4 hạng theo quy mô cấp điện áp được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 9 của Quy định này;
đ) Yêu cầu về năng lực của tổ chức tư vấn hoạt động theo hạng công trình đường dây và trạm biến áp như sau:
- Hạng 1: Có ít nhất 20 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp;
- Hạng 2: Có ít nhất 15 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp;
- Hạng 3: Có ít nhất 10 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp;
- Hạng 4: Có ít nhất 05 chuyên gia tư vấn chính có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình đường dây và trạm biến áp.

Điều 11. Hoạt động phát điện
Tổ chức đăng ký hoạt động phát điện, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy định này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có trang thiết bị công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc theo đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt, được xây dựng, lắp đặt, kiểm tra nghiệm thu đạt tiêu chuẩn và quy phạm kỹ thuật hiện hành.
2. Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện hoặc kỹ thuật phù hợp và có thời gian làm việc trong lĩnh vực sản xuất điện ít nhất năm năm. Đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo và kiểm tra quy trình vận hành và quy trình an toàn.
3. Các thiết bị của nhà máy điện có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn lao động.
4. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án phát điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Hệ thống phòng cháy và chữa cháy của nhà máy điện phải được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Hoạt động truyền tải điện
Tổ chức đăng ký hoạt động truyền tải điện, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy định này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có trang thiết bị công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc theo đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt, được xây dựng, lắp đặt, kiểm tra nghiệm thu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và quy phạm hiện hành đáp ứng được các yêu cầu của công tác bảo dưỡng, sửa chữa kiểm tra các tuyến đường dây tải điện, các trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù trong hệ thống truyền tải điện.
2. Người trực tiếp quản lý kỹ thuật phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện và có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền tải điện ít nhất năm năm. Đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo và kiểm tra quy trình vận hành và quy định an toàn.
Điều 13. Hoạt động phân phối điện
Tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động phân phối điện ngoài các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy định này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có trang thiết bị công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc được xây dựng, lắp đặt, kiểm tra nghiệm thu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt và quy phạm hiện hành đáp ứng các yêu cầu của công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện phân phối, các trạm biến áp và các thiết bị đồng bộ kèm theo.
2. Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối và kinh doanh điện ít nhất năm năm. Đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành và được kiểm tra quy trình vận hành và quy định an toàn theo ngạch bậc quy định.
Tổ chức, cá nhân hoạt động phân phối điện tại nông thôn phải đáp ứng điều kiện: Người trực tiếp vận hành sửa chữa điện phải được đào tạo chuyên ngành điện, có giấy chứng nhận do cơ sở dạy nghề cấp, có năng lực chuyên môn, được huấn luyện và sát hạch về an toàn điện và được Sở Công nghiệp cấp thẻ an toàn để làm việc trong lưới điện nông thôn.

Điều 14. Hoạt động xuất nhập khẩu điện
Tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động xuất nhập khẩu điện ngoài các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy định này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có trang thiết bị công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc được xây dựng, lắp đặt, kiểm tra nghiệm thu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt và quy phạm hiện hành đáp ứng các yêu cầu của công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, các trạm biến áp và các thiết bị đồng bộ kèm theo.
2. Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối và kinh doanh điện ít nhất năm năm. Đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành và được kiểm tra quy trình vận hành và quy định an toàn theo ngạch bậc quy định.

Điều 15Hoạt động bán buôn điện và bán lẻ điện
Tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động bán buôn điện và bán lẻ điện, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy định này còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, sản xuất phải có bằng trung cấp chuyên ngành điện trở lên và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối và kinh doanh điện ít nhất năm năm.
2. Công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành và được kiểm tra quy trình vận hành và quy định an toàn theo ngạch bậc quy định.

Chương III
HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC

Điều 16. Hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực
Đối với tổ chức hoạt động tư vấn quy hoạch điện lực, tư vấn đầu tư xây dựng điện và tư vấn giám sát thi công các công trình điện, hồ sơ bao gồm:
1. Văn bản đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực (theo Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này).
2. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc.
3. Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chủ trì các lĩnh vực tư vấn chính (theo Phụ lục 3 kèm theo Quyết định này), kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp và hợp đồng lao động đã ký với tổ chức tư vấn.
4. Danh sách các dự án tương tự mà tổ chức tư vấn đã thực hiện hoặc các chuyên gia chính của tổ chức tư vấn đã chủ trì, tham gia thực hiện trong thời gian năm năm gần nhất.
5. Danh mục trang thiết bị, phương tiện, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác tư vấn do tổ chức đề nghị cấp phép.
6. Báo cáo tài chính ba năm gần nhất (đối với tổ chức đang hoạt động).

Điều 17. Hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động phát điện
Hồ sơ bao gồm:
1. Văn bản đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực (theo Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này).
2. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc.
3. Tài liệu kỹ thuật xác định công suất lắp đặt từng tổ máy và danh mục các hạng mục công trình điện chính của của dự án phát điện.
4. Bản sao hợp lệ quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án phát điện được cấp có thẩm quyền duyệt.
5. Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý như giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, người trực tiếp quản lý kỹ thuật, các chuyên gia chính cho quản lý và vận hành nhà máy điện kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp.
6. Tài liệu về nhiên liệu hoặc nguồn nước sử dụng.
7. Tài liệu kỹ thuật về đấu nối và chế độ vận hành nhà máy điện trong hệ thống điện.
8. Tài liệu về đào tạo và sử dụng lao động.
9. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy do cơ quan có thẩm quyền cấp.
10. Bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư phát điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bản sao văn bản phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
11. Bản sao hợp đồng mua bán điện dài hạn (PPA) đã ký.
12. Bản sao biên bản nghiệm thu từng phần các hạng mục công trình điện chính của dự án phát điện.
13. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đảm bảo đủ điều kiện hoạt động đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
14. Bản sao báo cáo tài chính năm gần nhất trước khi nộp đơn đăng ký cấp giấy phép (đối với tổ chức đang hoạt động).
15. Đối với các tổ chức đề nghị cấp giấy phép phát điện cho các dự án phát điện mới, trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ ngày vận hành thương mại nhà máy điện cần phải bổ sung vào hồ sơ bản sao biên bản nghiệm thu toàn bộ công trình nhà máy điện.

Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động truyền tải, phân phối điện và xuất nhập khẩu điện
Hồ sơ bao gồm:
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực (theo Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này);
2. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc.
3. Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý như giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, người trực tiếp quản lý kỹ thuật, các chuyên gia chính cho quản lý và vận hành lưới điện truyền tải, phân phối kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp.
4. Tài liệu về năng lực truyền tải điện, phân phối điện, cấp điện áp và địa bàn hoạt động.
5. Tài liệu về đào tạo và sử dụng lao động.
6. Danh mục các hạng mục công trình điện chính do tổ chức đang quản lý vận hành hoặc chuẩn bị tiếp nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
7. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đảm bảo đủ điều kiện đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
8. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền cấp.
9. Bản sao báo cáo tài chính năm gần nhất trước khi nộp đơn đăng ký cấp giấy phép (đối với tổ chức đang hoạt động).
10. Bản sao hợp đồng xuất nhập khẩu điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (đối với hoạt động xuất nhập khẩu điện).

Điều 19. Hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bán buôn, bán lẻ điện
Hồ sơ bao gồm:
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực (theo Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này);
2. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức, cá nhân kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc.
3. Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý như giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, người trực tiếp quản lý kỹ thuật kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp.
4. Cấp điện áp và địa bàn hoạt động.
5. Báo cáo tài chính năm gần nhất (đối với tổ chức đang hoạt động).

Chương IV
TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG 
GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC

Điều 20. Trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực gửi cho cơ quan cấp giấy phép ba bộ hồ sơ theo quy định tại Chương III của Quy định này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
2. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi và bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép thông báo bằng văn bản cho đơn vị điện lực về tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp không hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép phải nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung hoặc sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan để hoàn thiện hồ sơ.
3. Trong thời hạn ba mươi ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép phải tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại cơ sở (nếu cần thiết) để cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực yêu cầu đơn vị điện lực phải bổ sung, sửa đổi giấy phép thì trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, đơn vị điện lực phải có ý kiến trả lời bằng văn bản.
5. Giấy phép hoạt động điện lực được làm thành ba bản chính, một bản giao cho tổ chức, cá nhân được cấp, hai bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép.

Điều 21. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực
1. Thời hạn của giấy phép hoạt động phát điện phù hợp với công nghệ của từng loại nhà máy điện và theo đề nghị của tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép nhưng không quá 50 năm.
2. Thời hạn của giấy phép hoạt động truyền tải điện theo đề nghị của tổ chức xin cấp giấy phép nhưng không quá 30 năm.
3. Thời hạn của giấy phép hoạt động phân phối điện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép nhưng không quá 20 năm.
4. Thời hạn của giấy phép hoạt động bán buôn điện và bán lẻ điện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép nhưng không quá 10 năm.
5. Thời hạn của giấy phép hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực theo đề nghị của tổ chức xin cấp giấy phép nhưng không quá 10 năm.
6. Thời hạn của giấy phép xuất nhập khẩu điện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép nhưng không quá 15 năm.
Thời hạn giấy phép hoạt động điện lực theo các lĩnh vực hoạt động, quy mô hoạt động được quy định chi tiết tại Phụ lục 4 kèm theo Quyết định này.

Điều 22. Gia hạn giấy phép hoạt động điện lực
1. Giấy phép hoạt động điện lực được gia hạn nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định.
2. Trước khi giấy phép hoạt động điện lực hết hạn sử dụng 6 tháng, đơn vị điện lực phải lập hồ sơ theo quy định tại Chương III của Quy định này để đề nghị gia hạn giấy phép hoạt động điện lực.
3. Thời hạn gia hạn của lĩnh vực hoạt động điện lực không được vượt quá một nửa thời hạn hoạt động của lĩnh vực đó trong giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp.

Chương V
THẨM QUYỀN CẤP, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC

Điều 23. Thầm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực
Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực được quy định như sau:
1. Bộ Công nghiệp cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các lĩnh vực:
a) Tư vấn lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực địa phương và quy hoạch bậc thang thuỷ điện các dòng sông;
b) Tư vấn đầu tư xây dựng nhà máy điện, tư vấn đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp;
c) Tư vấn giám sát thi công các công trình nhà máy điện, các công trình đường dây và trạm biến áp;
d) Hoạt động phát điện đối với các đơn vị điện lực có các dự án nhà máy điện có quy mô công suất từ 3 MW trở lên;
đ) Hoạt động truyền tải điện;
e) Hoạt động phân phối điện;
g) Hoạt động xuất nhập khẩu điện;
h) Hoạt động bán buôn điện;
i) Hoạt động bán lẻ điện.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Sở Công nghiệp cấp giấy phép hoạt động điện lực cho các lĩnh vực hoạt động:
a) Tư vấn đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp từ 35kV trở xuống, đăng ký kinh doanh tại địa phương;
b) Hoạt động phát điện đối với các đơn vị điện lực có dự án nhà máy điện có quy mô công suất dưới 3 MW đặt tại địa phương;
c) Hoạt động phân phối điện tại nông thôn;
d) Bán lẻ điện nông thôn tại địa phương.

Điều 24. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực
1. Tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi và bổ sung giấy phép hoạt động điện lực. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực thực hiện đúng nội dung, trình tự, thủ tục đề nghị cấp, sửa đổi và bổ sung giấy phép hoạt động điện lực tại Quy định này.
2. Giải quyết các khiếu nại về giấy phép hoạt động điện lực theo thẩm quyền.
3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện giấy phép hoạt động điện lực theo các điều kiện đã đăng ký trong hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực.
4. Thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
5. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực
1. Hoạt động điện lực theo đúng nội dung quy định trong giấy phép.
2. Đề nghị gia hạn hoặc bổ sung lĩnh vực hoạt động điện lực khi có đủ điều kiện theo quy định.
3. Duy trì các điều kiện hoạt động điện lực đã đăng ký và được cấp trong giấy phép trong suốt thời gian hoạt động.
4. Nộp đầy đủ các loại phí và lệ phí có liên quan tới giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
5. Báo cáo cơ quan cấp giấy phép, chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực.
6. Không được sửa chữa nội dung, chuyển nhượng hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép.
7. Chịu sự kiểm tra, thanh tra và chấp hành quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng giấy phép và các điều kiện hoạt động đã đăng ký.
8. Đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực khi thay đổi lĩnh vực và nội dung hoạt động điện lực.
9. Báo cáo cơ quan cấp giấy phép về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực được cấp phép, những khó khăn và kiến nghị, trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
10. Gửi bản sao giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho bên mua điện (đối với giấy phép phát điện) để làm cơ sở cho bên mua điện thực hiện hợp đồng mua bán điện dài hạn.

Chương VI
KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ THU HỒI 
GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC

Điều 26. Kiểm tra và xử lý vi phạm giấy phép hoạt động điện lực
1. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện giấy phép hoạt động điện lực được cấp. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép có hành vi vi phạm thì được xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Quy định này trong phạm vi cả nước; giải quyết các vướng mắc và đề xuất các nội dung để báo cáo Bộ Công nghiệp sửa đổi, bổ sung Quy định này khi cần thiết.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra việc thực hiện Quy định này trong phạm vi quản lý hành chính của mình; giải quyết các vướng mắc và kiến nghị Bộ Công nghiệp sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

Điều 27. Thu hồi giấy phép hoạt động điện lực
1. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau:
a) Không triển khai hoạt động sau sáu tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
b) Không đảm bảo duy trì các điều kiện hoạt động điện lực đã đăng ký;
c) Không thực hiện đúng các nội dung ghi trong giấy phép hoạt động điện lực được cấp phép;
d) Cho thuê, cho mượn hoặc tự ý sửa chữa giấy phép hoạt động điện lực.
2. Khi thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan có thẩm quyền phải xác định rõ thời hạn đơn vị điện lực được tiếp tục hoạt động để không làm ảnh hưởng đến cung cấp điện, dịch vụ cho khách hàng.
3. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày bị thu hồi giấy phép, đơn vị điện lực có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thu hồi giấy phép.

Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân đang hoạt động điện lực
1. Các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 32 của Luật Điện lực và điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực quy định tại Chương II của Quy định này và đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì được tiếp tục hoạt động theo giấy phép đã được cấp. Trong thời hạn một năm kể từ khi Quy định này có hiệu lực, các đơn vị điện lực đã được cấp giấy phép theo Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp phải bổ sung hồ sơ theo quy định tại Chương III của Quy định này để được đổi giấy phép.
2. Tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 32 của Luật Điện lực và điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực quy định tại Chương II của Quy định này nếu chưa có giấy phép hoạt động điện lực phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực.
3. Tổ chức, cá nhân đang hoạt động điện lực chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 32 của Luật Điện lực và điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực quy định tại Chương II của Quy định này được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 14 tháng 9 năm 2007. Sau thời hạn trên, nếu vẫn không đủ điều kiện để cấp giấy phép hoạt động điện lực thì phải ngừng hoạt động điện lực.

Điều 29. Trách nhiệm thực hiện
1. Cục Điều tiết điện lực là cơ quan tiếp nhận và giải quyết các thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với giấy phép do Bộ Công nghiệp cấp.
2. Sở Công nghiệp là cơ quan tiếp nhận và giải quyết các thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép hoạt động điện lực, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với giấy phép do Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp.
3. Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động điện lực cho tổ chức, cá nhân, Cục Điều tiết điện lực gửi bản sao Giấy phép hoạt động điện lực đến Sở Công nghiệp nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở chính. Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động điện lực cho tổ chức, cá nhân, Sở Công nghiệp gửi bản sao Giấy phép hoạt động điện lực về Cục Điều tiết điện lực.
4. Định kỳ hàng năm, trước ngày 30 tháng 11, Sở Công nghiệp báo cáo Bộ Công nghiệp về tình hình cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực tại địa phương.

BỘ TRƯỞNG
Hoàng Trung Hải

Phụ lục 1
Mẫu đơn đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
............., ngày tháng năm 20...

ĐỀ NGHỊ
cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực

Kính gửi:      Cục Điều tiết điện lực
                                   hoặc Sở Công nghiệp ..................................................

Họ và tên người đề nghị: …………………………………………………..
Chức danh (giám đốc, chủ doanh nghiệp):…………………………………
Tên doanh nghiệp:………………………………………………………….
Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):………………………………………..
Có trụ sở đăng ký tại:………………. Tel:………….. Fax:………………..
Thành lập theo giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:……….……. ngày…….. tháng…… năm 20….……………………………………………….
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:……. do…….. cấp ngày………… (đối với cá nhân có đăng ký kinh doanh)
Giấy phép hoạt động điện lực số: ….. .do ……. cấp ngày …………….. (đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung giấy phép)
Ngành nghề kinh doanh hiện tại (nếu có):………………………………..
Đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực cho những lĩnh vực và phạm vi hoạt động sau đây:
- …………………………………………………………………………….
Các hồ sơ kèm theo:
- …………………………………………………………………………….
Đề nghị Bộ Công nghiệp/Uỷ ban nhân dân tỉnh ....... cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực cho .............. Khi được cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, doanh nghiệp/cá nhân xin cam đoan hoạt động đúng lĩnh vực và phạm vi được cấp, đồng thời tuân thủ các quy định về giấy phép hoạt động điện lực./.

ĐẠI DIỆN THEO LUẬT PHÁP CỦA ĐƠN VỊ
(Ký tên, đóng dấu)

Phụ lục 2a
Mẫu giấy phép hoạt động điện lực do Bộ Công nghiệp cấp



BỘ CÔNG NGHIỆP
Số : /GP-BCN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng năm 20...

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Quyết định số /2006/QĐ-BCN ngày tháng năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực;
Xét đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực ngày tháng năm 200.. của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,
QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cấp giấy phép hoạt động điện lực cho:
1. Tên tổ chức/cá nhân: ……………………………………………….
2. Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):………………………………..
3. Giấy phép đầu tư, Quyết định thành lập số: ……...; ngày…………
4. Trụ sở giao dịch:………………; điện thoại:………; Fax:…………

Điều 2. Lĩnh vực hoạt động điện lực được cấp phép:
1.            ……………………………………………………………………..
2. ……………………………………………………………………..

Điều 3. Phạm vi hoạt động:
1. Cho lĩnh vực hoạt động 1: …………………………………………
2. Cho lĩnh vực hoạt động 2: …………………………………………

Điều 4. Thời hạn của giấy phép:
1. Cho lĩnh vực hoạt động 1: Có giá trị đến ngày tháng năm .
2. Cho lĩnh vực hoạt động 2: Có giá trị đến ngày tháng năm .

Điều 5. Các điều khoản chi tiết (theo phụ lục giấy phép)

Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị được cấp giấy phép
(Tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Luật Điện lực, Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực và Quyết định số /2006/QĐ-BCN ngày tháng năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực.




BỘ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)


Phụ lục 2b
Mẫu giấy phép hoạt động điện lực do Uỷ ban nhân dân tỉnh, 
thành phố trực thuộc Trung ương cấp



UBND tỉnh ……
Số : /GP-UB
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
………, ngày tháng năm 20...

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ....

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 13 năm 2003;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Quyết định số /2006/QĐ-BCN ngày tháng năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực;
Xét đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực ngày tháng năm 200.. của (tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép);
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cấp giấy phép hoạt động điện lực cho:
1. Tên tổ chức/cá nhân: ……………………………………………….
2. Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có):………………………………..
3. Giấy phép đầu tư, Quyết định thành lập số: ……...; ngày…………
4. Trụ sở giao dịch:………………; điện thoại:………; Fax:…………

Điều 2. Lĩnh vực hoạt động điện lực được cấp phép:
1.            ……………………………………………………………………..
2. ……………………………………………………………………..


Điều 3. Phạm vi hoạt động:
1. Cho lĩnh vực hoạt động 1: …………………………………………
2. Cho lĩnh vực hoạt động 2: …………………………………………

Điều 4. Thời hạn của giấy phép:
1. Cho lĩnh vực hoạt động 1: Có giá trị đến ngày tháng năm .
2. Cho lĩnh vực hoạt động 2: Có giá trị đến ngày tháng năm .

Điều 5. Các điều khoản chi tiết (theo phụ lục giấy phép)

Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị được cấp giấy phép
(Tên tổ chức/cá nhân được cấp giấy phép) có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Luật Điện lực, Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực và Quyết định số /2006/QĐ-BCN ngày tháng năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực.




TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH
(Ký tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC CỦA GIẤY PHÉP PHÁT ĐIỆN


1. Nội dung chi tiết của giấy phép
a) Hoạt động phát điện và bán buôn điện;
b) Các đặc tính chính của các nhà máy điện:
- Công suất lắp đặt;
- Các thông số chính của nhà máy;
- Nguồn nước hoặc nhiên liệu sử dụng;
- Yêu cầu về môi trường và xã hội.

2. Nghĩa vụ của đơn vị phát điện được cấp phép
a) Tuân thủ các quy trình, quy phạm và quy định có liên quan;
b) Tuân thủ Hợp đồng mua bán điện;
c) Tuân thủ các quy định của thị trường điện lực;
d) Đảm bảo cung cấp điện liên tục;
đ) Vận hành và bảo dưỡng.

3. Quyền của đơn vị phát điện được cấp phép
a) Quyền kinh doanh thương mại;
b) Các quyền của đơn vị phát điện được quy định tại Luật Điện lực;
c) Quyền thực hiện các điều khoản của hợp đồng mua bán điện đã ký;
d) Quyền ngừng cung cấp điện theo quy định của pháp luật.

4. Các điều kiện chung của giấy phép
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật;
b) Duy trì điều kiện được cấp giấy phép;
c) Kỹ thuật và công nghệ và áp dụng;
d) Bảo vệ môi trường;
đ) Đảm bảo xây dựng công trình theo đúng thiết kế được duyệt;
e) An toàn nhà máy và cộng đồng;
g) Đào tạo và sử dụng lao động;
h) Tiết kiệm điện trong hoạt động;
i) Sáp nhập các hoạt động hoặc các đơn vị phát điện;
k) Hạch toán tài chính;
l) Các báo cáo tài chính;
m) Chuyển nhượng, bán tài sản;
n) Đầu tư các dự án phát điện;
o) Sử dụng đất;
p) Hợp đồng mua bán điện;
q) Giá điện;
r) Các dịch vụ phụ trợ;
s) Đảm bảo cung cấp điện;
t) Các hành vi bị nghiêm cấm;
u) Chuyển nhượng tài sản và quyền kinh doanh phát điện;
v) Thay đổi trong quản lý của đơn vị được cấp phép.

5. Các điều kiện kỹ thuật
a) Tuân thủ quy định truyền tải điện;
b) Đấu nối nhà máy vào hệ thống điện;
c) Tuân thủ phương thức vận hành và lệnh chỉ huy của các đơn vị điều độ hệ thống điện;
d) Ngừng, giảm mức cung cấp điện;
đ) Đảm bảo các yêu cầu và quy định về lắp đặt thiết bị đo đếm;
e) Đảm bảo chất lượng điện năng theo quy định của pháp luật;
g) Tuân thủ lệnh sắp xếp của người vận hành;
h) Tuân theo các quy tắc của thị trường điện lực cạnh tranh.

6. Quản lý sử dụng giấy phép
a) Trả phí và lệ phí giấy phép;
b) Lưu giữ các tài liệu và hồ sơ;
c) Các yêu cầu lập báo cáo và cung cấp thông tin;
d) Kiểm tra và điều tra;
đ) Hình thức xử phạt;
e) Giải quyết tranh chấp và khiếu nại;
g) Sửa đổi giấy phép.

PHỤ LỤC CỦA GIẤY PHÉP TRUYỀN TẢI ĐIỆN


1. Nội dung chi tiết của giấy phép
a) Hoạt động truyền tải điện;
b) Phạm vi hoạt động:
- Cấp điện áp và địa bàn hoạt động;
- Năng lực truyền tải điện.

2. Nghĩa vụ của đơn vị truyền tải được cấp phép
a) Các nghĩa vụ theo quy định của Luật Điện lực;
b) Đầu tư xây dựng phát triển hệ thống truyền tải điện;
c) Kế hoạch phát triển hệ thống truyền tải điện;
d) Đảm bảo truyền tải điện liên tục;
đ) Vận hành và bảo dưỡng.

3. Quyền của đơn vị truyền tải điện được cấp phép
a) Quyền kinh doanh thương mại;
b) Các quyền của đơn vị truyền tải điện được quy định tại Luật Điện lực;
c) Quyền sử dụng tài sản;
d) Quyền được xây dựng và sở hữu tài sản;
đ) Quyền ngừng cung cấp điện theo quy định của pháp luật.

4. Các điều kiện chung của giấy phép
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật;
b) Duy trì điều kiện được cấp phép;
c) Kỹ thuật và công nghệ và áp dụng ;
d) Bảo vệ môi trường;
đ) Đảm bảo xây dựng công trình theo đúng thiết kế được duyệt;
e) An toàn lao động và cộng đồng;
g) Đào tạo và sử dụng lao động;
h) Dịch vụ khách hàng và giải quyết khiếu nại;
i) Sáp nhập các hoạt động hoặc các đơn vị truyền tải điện;
k) Hạch toán tài chính;
m) Các báo cáo tài chính;
n) Chuyển nhượng, bán tài sản;
o) Quy hoạch hệ thống truyền tải điện, kế hoạch đầu tư và các dự án lưới điện truyền tải;
p) Sử dụng đất;
q) Phí truyền tải điện;
r) Ngăn cấm các thiên vị quá mức;
s) Các hành vị bị nghiêm cấm.


5. Các điều kiện kỹ thuật
a) Tuân thủ quy định truyền tải điện;
b) Tuân thủ quy định phân phối điện;
c) Đảm bảo các tiêu chuẩn đấu nối;
d) Tuân thủ phương thức vận hành và lệnh chỉ huy của các đơn vị điều độ hệ thống điện;
đ) Đảm bảo các yêu cầu và quy định về đo đếm;
e) Đảm bảo chất lượng điện năng theo quy định của pháp luật;
g) Tuân theo các quy tắc của thị trường điện lực cạnh tranh.

6. Quản lý sử dụng giấy phép
a) Trả phí và lệ phí giấy phép;
b) Lưu giữ các tài liệu và hồ sơ;
c) Các yêu cầu lập báo cáo và cung cấp thông tin;
d) Kiểm tra và điều tra;
đ) Hình thức xử phạt;
e) Giải quyết tranh chấp và khiếu nại;
g) Sửa đổi giấy phép.


PHỤ LỤC CỦA GIẤY PHÉP PHÂN PHỐI ĐIỆN


1. Nội dung chi tiết của giấy phép
a) Các lĩnh vực hoạt động;
b) Phạm vi hoạt động:
- Địa bàn hoạt động;
- Năng lực và cấp điện áp phân phối.

2. Nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện được cấp phép
a) Đầu tư xây dựng lưới điện phân phối;
c) Dịch vụ lưới điện phân phối;
c) Kế hoạch phát triển lưới điện phân phối;
d) Đảm bảo phân phối điện liên tục;
đ) Vận hành và bảo dưỡng;
e) Hoạt động trong phạm vi cho phép.

3. Quyền của đơn vị phân phối điện
a) Quyền kinh doanh thương mại;
b) Các quyền của đơn vị phân phối theo quy định của Luật Điện lực;
c) Quyền sử dụng tài sản;
d) Quyền ngừng cung cấp điện theo quy định của pháp luật.

4. Các điều kiện chung của giấy phép
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật;
b) Duy trì điều kiện được cấp phép;
c) Kỹ thuật và công nghệ và áp dụng;
d) Bảo vệ môi trường;
đ) Đảm bảo xây dựng công trình theo đúng thiết kế được duyệt;
e) An toàn lao động và cộng đồng;
g) Đào tạo và sử dụng lao động;
h) Tiết kiệm điện trong hoạt động;
i) Dịch vụ khách hàng và giải quyết khiếu nại;
k) Sáp nhập các hoạt động hoặc tổ chức;
l) Các hoạt động tài chính;
m) Hạch toán tài chính;
n) Lập các báo cáo tài chính;
o) Các chuyển nhượng, bán tài sản;
p) Quy hoạch lưới điện phân phối, kế hoạch đầu tư và các dự án lưới điện phân phối;
q) Sử dụng đất;
r) Các giao dịch mua bán điện;
s) Giá điện và phí;
t) Ngăn cấm các thiên vị quá mức;
u) Các hành vị bị nghiêm cấm;

5. Các điều kiện kỹ thuật
a) Tuân thủ quy định truyền tải điện;
b) Tuân thủ quy định phân phối điện;
c) Đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp điện cho khách hàng;
d) Tuân thủ phương thức vận hành và lệnh chỉ huy của các đơn vị điều độ hệ thống điện;
đ) Ngừng, giảm mức cung cấp điện;
e) Đảm bảo các yêu cầu và quy định về đo đếm;
g) Đảm bảo chất lượng điện năng theo quy định của pháp luật;
h) Tuân theo các quy tắc của thị trường điện lực cạnh tranh.

6. Quản lý sử dụng giấy phép
a) Trả phí và lệ phí giấy phép;
b) Lưu giữ các tài liệu và hồ sơ;
c) Các yêu cầu lập báo cáo và cung cấp thông tin;
d) Kiểm tra và điều tra;
đ) Hình thức xử phạt;
e) Giải quyết tranh chấp và khiếu nại;
g) Sửa đổi giấy phép.

PHỤ LỤC CỦA GIẤY PHÉP BÁN BUÔN ĐIỆN

1. Nội dung chi tiết của giấy phép
a) Các lĩnh vực hoạt động;
b) Phạm vi hoạt động:
- Địa bàn hoạt động;
- Năng lực và cấp điện áp bán buôn điện.

2. Nghĩa vụ của đơn vị bán buôn điện được cấp phép
a) Nghĩa vụ của đơn vị bán buôn điện theo quy định của Luật Điện lực;
b) Kinh doanh trong phạm vi cho phép;
c) Tuân thủ các quy định của thị trường điện lực.

3. Quyền của đơn vị bán buôn điện
a) Quyền kinh doanh thương mại;
b) Các quyền của đơn vị bán buôn điện theo quy định của Luật Điện lực.

4. Các điều kiện chung của giấy phép
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật;
b) Duy trì điều kiện được cấp phép;
c) An toàn lao động và cộng đồng;
d) Đào tạo và sử dụng lao động;
đ) Tiết kiệm điện trong hoạt động;
e) Dịch vụ khách hàng và giải quyết khiếu nại;
g) Sáp nhập các hoạt động hoặc tổ chức;
h) Các hoạt động tài chính;
i) Hạch toán tài chính;
j) Lập các báo cáo tài chính;
k) Các giao dịch mua bán điện;
l) Giá bán buôn điện;
m) Ngăn cấm các thiên vị quá mức;
n) Các hành vị bị nghiêm cấm.

5. Các điều kiện kỹ thuật
a) Tuân thủ quy định về đo đếm điện;
b) Tuân thủ quy định quy hoạch về nguyên tắc, trình tự và thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phát triển nguồn điện mới theo chi phí tối thiểu toàn hệ thống;
c) Tuân theo các quy tắc của thị trường điện lực cạnh tranh.

6. Quản lý sử dụng giấy phép
a) Trả phí và lệ phí giấy phép;
b) Lưu giữ các tài liệu và hồ sơ;
c) Các yêu cầu lập báo cáo và cung cấp thông tin;
d) Kiểm tra và điều tra;
đ) Hình thức xử phạt;
e) Giải quyết tranh chấp và khiếu nại;
g) Sửa đổi giấy phép.

PHỤ LỤC CỦA GIẤY PHÉP BÁN LẺ ĐIỆN

1. Nội dung chi tiết của giấy phép
a) Các lĩnh vực hoạt động;
b) Phạm vi hoạt động:
- Địa bàn hoạt động;
- Năng lực và cấp điện áp bán lẻ điện.

2. Nghĩa vụ của đơn vị bán lẻ điện được cấp phép
a) Nghĩa vụ của đơn vị bán lẻ điện theo quy định của Luật Điện lực;
b) Kinh doanh trong phạm vi cho phép.
c) Tuân thủ các quy định của thị trường điện lực.

3. Quyền của đơn vị bán lẻ điện
a) Quyền kinh doanh thương mại;
b) Các quyền của đơn vị bán lẻ điện theo quy định của Luật Điện lực.

4. Các điều kiện chung của giấy phép
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật;
b) Duy trì điều kiện được cấp phép;
c) An toàn lao động và cộng đồng;
d) Đào tạo và sử dụng lao động;
đ) Tiết kiệm điện trong hoạt động;
e) Dịch vụ khách hàng và giải quyết khiếu nại;
g) Sáp nhập các hoạt động hoặc tổ chức;
h) Các hoạt động tài chính;
i) Hạch toán tài chính;
j) Lập các báo cáo tài chính;
k) Các giao dịch mua bán điện;
l) Giá điện;
m) Ngăn cấm các thiên vị quá mức;
n) Các hành vị bị nghiêm cấm.

5. Các điều kiện kỹ thuật
a) Tuân thủ quy định về đo đếm điện;
c) Tuân theo các quy tắc của thị trường điện lực cạnh tranh.

6. Quản lý sử dụng giấy phép
a) Trả phí và lệ phí giấy phép;
b) Lưu giữ các tài liệu và hồ sơ;
c) Các yêu cầu lập báo cáo và cung cấp thông tin;
d) Kiểm tra và điều tra;
đ) Hình thức xử phạt;
e) Giải quyết tranh chấp và khiếu nại;
g) Sửa đổi giấy phép.


Phụ lục 3a
Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chủ trì các lĩnh vực tư vấn
(Cho lĩnh vực hoạt động tư vấn quy hoạch, tư vấn đầu tư xây dựng điện và tư vấn giám sát thi công các công trình điện)
STT
Họ và tên
Ngày tháng năm sinh
Quê quán
Chức vụ
Trình độ chuyên môn
Thâm niên
công tác (năm)
Tên dự án, 
công trình đã tham gia
Ghi chú
I.
Cán bộ quản lý:
1








2








4








5








II
Chuyên gia tư vấn chủ trì các lĩnh vực tư vấn:
1








2








3








4








5








6








7








8








9








10









Phụ lục 3b
Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý, chuyên gia chính
(Cho lĩnh vực hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, xuất nhập khẩu điện, bán buôn và bán lẻ điện)
STT
Họ và tên
Ngày tháng năm sinh
Quê quán
Chức vụ
Trình độ chuyên môn
Thâm niên
công tác (năm)
Ghi chú
I.
Cán bộ quản lý:






1







2







4







5







II
Chuyên gia chính, quản lý kỹ thuật:






1







2







3







4







5







6







7







8







9







10








Phụ lục 4
Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực

TT
Lĩnh vực hoạt động điện lực
Thời hạn của giấy phép
1.
Tư vấn quy hoạch:
10 năm
2.
Tư vấn đầu tư xây dựng điện:

a)
Tư vấn đầu tư xây dựng các nhà máy điện
10 năm
b)
Tư vấn đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp theo các cấp điện áp:


- Trên 35kV
10 năm

- Đến 35kV
05 năm
3.
Tư vấn giám sát thi công công trình điện:

a)
Nhà máy điện
10 năm
b)
Đường dây và trạm biến áp theo các cấp điện áp:


- Trên 35kV
10 năm

- Đến 35kV
05 năm
4.
Phát điện:

a)
Các nhà máy nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
50 năm
b)
Các nhà máy điện không nằm trong danh mục các nhà máy nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
30 năm
5.
Truyền tải điện:

a)
Hoạt động truyền tải điện cấp điện áp 500kV
30 năm
b)
Hoạt động truyền tải điện đến cấp điện áp 220kV
20 năm
c)
Hoạt động truyền tải điện đến cấp điện áp 110kV
15 năm
6.
Phân phối điện:

a)
Hoạt động phân phối trên địa bàn nhiều tỉnh/thành phố hoặc một tỉnh/thành phố.
20 năm
b)
Hoạt động kinh doanh điện nông thôn (Hợp tác xã phân phối và kinh doanh điện/Cá nhân có đăng ký kinh doanh).
10 năm
7.
Bán buôn, bán lẻ điện:

a)
Bán buôn điện trên địa bàn nhiều tỉnh/thành phố hoặc một tỉnh/thành phố
10 năm
b)
Bán lẻ điện trên địa bàn tỉnh/thành phố
10 năm
8.
Xuất nhập khẩu điện:

a)
Xuất, nhập khẩu điện bằng cấp điện áp trên 35kV
15 năm
b)
Xuất, nhập khẩu điện bằng cấp điện áp đến 35kV
10 năm

Bài liên quan

Tên

Anti Virus,10,Âm thanh,3,Bảng lương,3,Bảo hiểm,4,Biểu mẫu,2,Bộ Luật,42,Calendar,9,Cán bộ công chức,11,CMND,11,Cư trú,13,Dân sự,9,Doanh nghiệp,24,Đất đai - Nhà ở,16,Đầu tư - Đấu thầu,10,Ebook,11,Giao thông,37,Giấy tờ xe,28,Hệ thống,9,Hình ảnh,14,Hình sự,16,học Tiếng Anh,9,Hộ khẩu,13,Hôn nhân Gia đình,11,Khai sinh,8,Kinh nghiệm pháp lý,9,Lao động,10,Luật cơ bản,68,Luật thuế,21,Luật tiếng Anh,9,Nghĩa vụ quân sự,6,Phần mềm điện thoại,6,Phần mềm PC,85,Tải file,21,Thanh tra - Khiếu nại tố cáo,3,Thủ thuật Facebook,12,Thủ tục hành chính,56,Tố tụng hình sự,9,Trắc nghiệm,6,Văn bản,1831,Văn phòng,12,Video,4,Xây dựng,9,
ltr
item
Tra cứu pháp luật - Thủ thuật phần mềm: Toàn văn Quyết định 32/2006/QĐ-BCN ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực
Toàn văn Quyết định 32/2006/QĐ-BCN ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực
Quyết định 32/2006/QĐ-BCN ban hành quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực
Tra cứu pháp luật - Thủ thuật phần mềm
http://www.tracuuphapluat.info/2010/10/toan-van-quyet-inh-322006q-bcn-ban-hanh.html
http://www.tracuuphapluat.info/
http://www.tracuuphapluat.info/
http://www.tracuuphapluat.info/2010/10/toan-van-quyet-inh-322006q-bcn-ban-hanh.html
true
1624770636553188390
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts Xem tất cả các bài viết Xem tiếp Trả lời Hủy trả lời Xóa By Trang chủ PAGES Bài viết View All RECOMMENDED FOR YOU LABEL ARCHIVE TÌM KIẾM TRÊN WEBSITE ALL POSTS Not found any post match with your request Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS CONTENT IS PREMIUM Please share to unlock Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy