- Tải về Ebook sách Bộ Luật lao động và văn bản hướng dẫn, biểu mẫu mới nhất
- Bộ Luật Lao động và các văn bản pháp luật liên quan mới nhất
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 1860/TLĐ
|
Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2007
|
HƯỚNG DẪN
CÔNG ĐOÀN VỚI VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 110/2007/NĐ-CP NGÀY 26/06/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG DÔI DƯ DO SẮP XẾP CÔNG TY NHÀ NƯỚC.
Căn cứ Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ “Về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp công ty nhà nước” (sau đây viết tắt là Nghị định số 110/2007/NĐ-CP); Căn cứ chức năng, nhiệm của Công đoàn quy định tại Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn;
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn một số nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn trong tổ chức thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp công ty nhà nước như sau:
I. NHIỆM VỤ CỦA BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ.
1. Phối hợp với Giám đốc công ty tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người lao động.
a- Công đoàn cơ sở các công ty thuộc phạm vi sắp xếp theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 110/2007/NĐ-CP phối hợp với Giám đốc công ty tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 110/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan để người lao động hiểu rõ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp các công ty nhà nước.
b- Lựa chọn hình thức tổ chức tuyên truyền phù hợp với đặc thù của từng công ty, đảm bảo thiết thực hiệu quả, để toàn thể người lao động nắm và hiểu được chính sách của Nhà nước đối với lao động dôi dư khi sắp xếp các công ty nhà nước.
2. Tham gia xây dựng phương án sắp xếp lao động.
a-Tham gia với chuyên môn rà soát hồ sơ của người lao động có trong danh sách của công ty, xác định số năm công tác trong khu vực nhà nước, số năm đã đóng bảo hiểm xã hội của từng người đến thời điểm chốt danh sách người lao động để làm căn cứ giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư.
b- Chủ động tham gia với Giám đốc tổ chức xây dựng tiêu chí phân loại lao động làm căn cứ lập phương án sắp xếp lao động. Tiêu chí phân loại lao động phải lấy ý kiến tham gia của lãnh đạo chuyên môn và công đoàn các phòng ban, phân xưởng, đội sản xuất trước khi ban hành.
c- Công đoàn bộ phân, tổ công đoàn phối hợp với lãnh đạo các phòng, ban, phân xưởng, đội sản xuất căn cứ tiêu chí phân loại lao động đã được ban hành tiến hành phân loại lao động trong phạm vi quản lý.
d- Căn cứ kết quả phân loại lao động của các phòng, ban, phân xưởng, đội, công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn xét duyệt, lập danh sách phân loại lao động, lên phương án giải quyết chính sách cho lao động dôi dư do sắp xếp chuyển đổi công ty theo quy định tại Thông tư số 18/2007/TT-BLĐTBXH ngày 10/9/2007 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Trường hợp trong gia đình cả 02 vợ chồng, hoặc người lao động chính của gia đình thuộc diện lao động dôi dư mất việc làm thì công đoàn cơ sở đề nghị Giám đốc xem xét để lại người có sức khoẻ tốt hơn tiếp tục làm việc ở doanh nghiêp sau sắp xếp, chuyển đổi; trừ khi người lao động không muốn ở lại làm việc hoặc công ty bị giải thể, phá sản.
đ- Phối hợp với Giám đốc công ty tổ chức niêm yết phương án sắp xếp lao động tới các phòng, ban, phân xưởng, tổ đội để lấy ý kiến tham gia đóng góp của người lao động.
e- Phối hợp với giám đốc tổ chức Đại hội công nhân viên chức bất thường để thảo luận và hoàn thiện phương án sắp xếp lao động và phương án giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư.
3. Giám sát việc xây dựng phương án sắp xếp lao động và thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư .
a- Giám sát xây dựng tiêu chí phân loại lao động theo hướng phân loại lao động phải đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng lao động, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời sử dụng tối đa lao động hiện có.
b- Giám sát quá trình phân loại lao động, lập danh sách phân loại lao động theo đúng tiêu chí đã ban hành.
c- Giám sát việc tính toán các chế độ trợ cấp cho từng đối tượng lao động dôi dư và theo đúng quy định của Nghị định 110/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.
d- Giám sát việc công khai trình tự, thủ tục, địa điểm, thời gian, đơn vị, cá nhân liên quan trực tiếp đến việc thanh toán chế độ cho người lao động dôi dư biết.Việc giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động dôi dư trong danh sách đã được cơ quan thẩm quyền nhà nước phê duyệt, bảo đảm nhanh, gọn, đầy đủ, dứt điểm không để người lao động đi lại nhiều lần.
e- Giám sát việc giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo trong quá trình sắp xếp lao động và giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư.
4. Tư vấn, giới thiệu cơ sở dạy nghề cho người lao động dôi dư có nguyện vọng học nghề đến cơ sở phù hợp đã được cơ quan lao động địa phương giao nhiệm vụ dạy nghề cho lao động dôi dư.
5. Phản ánh kịp thời với cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết những vướng mắc phát sinh phát hiện trong quá trình giám sát và tham gia tổ chức thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư.
6. Báo cáo về công đoàn cấp trên về kết quả đã làm được; những vướng mắc tồn tại trong chính sách, trong tổ chức thực hiện; đề xuất, kiến nghị biện pháp giải quyết sau khi công ty hoàn tất việc chi trả trợ cấp cho lao động dôi dư.
II. NHIỆM VỤ CỦA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH, THÀNH PHỐ, CÔNG ĐOÀN NGÀNH TRUNG ƯƠNG, CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY TRỰC THUỘC TỔNG LIÊN ĐOÀN.
1. Phối hợp với cơ quan chuyên môn đồng cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể người lao động tại các công ty thuộc đối tượng sắp xếp lại trong phạm vi quản lý về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chế độ chính sách đối với lao động dôi dư quy định tại Nghị định số 110/2007/NĐ-- CP và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan để người lao động hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia việc sắp xếp lao động tại công ty.
2. Tập huấn cho công đoàn cấp dưới và công đoàn cơ sở công ty nhà nước, các nông, lâm trường thuộc diện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu về trách nhiệm của công đoàn trong tham gia xây dựng phương án sắp xếp và giải quyết chính sách đối với người lao động dôi dư đúng quy định pháp luật.
3. Giám sát việc thẩm định phương án sắp xếp lao động, danh sách lao động dôi dư, hồ sơ đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ công ty chi trả trợ cấp mất việc cho lao động dôi dư bảo đảm không để xảy ra sai sót trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định.
4. Cùng với chuyên môn đồng cấp giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ đối với lao động dôi dư tại các công ty thuộc phạm vi quản lý;
5. Giám sát và tham gia với cơ quan thẩm quyền nhà nước đồng cấp giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người lao động.
6. Đề nghị với cơ quan chức năng xem xét, đưa cơ sở dạy nghề của Công đoàn đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động dôi dư.
7. Nắm bắt và tập hợp phản ánh kịp thời những bất hợp lý, vướng mắc phát sinh trong chính sách, trong tổ chức thực hiện và đề xuất giải pháp xử lý với công đoàn cấp trên, với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
8. Định kỳ 6 tháng, một năm các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải có báo cáo về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kết quả sắp xếp lao động, giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư; những vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình sắp xếp công ty nhà nước.
Chính sách đối với lao động dôi dư là chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động trong quá trình sắp xếp công ty nhà nước. Việc giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư tiến hành qua nhiều bước, thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau. Để thực hiện đúng quyền lợi ích cho người lao động dôi dư, tránh sai sót, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn quán triệt và triển khai tốt các nhiệm vụ quy định trên.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, phát sinh vướng mắc phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
TM.ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH Mai Đức Chính |