
Tiền phúng viếng là tài sản của ai? Có phải là di sản thừa kế không?
Ngày gửi: 16/10/2020 lúc 11:31:12
Câu hỏi:
Ông nội tôi vừa mất. Vì khi trước ông làm quan chức, quan hệ rộng nên rất nhiều cơ quan đoàn thể, tổ chức, công ty đến phúng viếng. Tiền phúng viếng cũng khá lớn. Tuy bố tôi là con cả đã đứng lên tổ chức ma chay, nhưng mấy chú tôi lại nại vì hoàn cảnh gia đình nên đòi chia nhau hết tiền phúng. Vậy xin hỏi tiền phúng viếng có phải chia như chia tài sản thừa kế không?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Theo Điều 612 của Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Như vậy, người được thừa kế sẽ được chia các tài sản từ người chết để lại, bao gồm:
+ Tài sản riêng của người đã chết: tiền lương, tiền thưởng; tài sản được tặng cho, hưởng thừa kế, trúng số; tư trang, vốn đầu tư kinh doanh, nhà ở, quyền tài sản phát sinh sau khi người đó chết (như một người tham gia bảo hiểm nhân thọ, nếu chết, số tiền bảo hiểm sẽ là tài sản của người này và được chia thừa kế).
+ Tài sản chung của người chết trong khối tài sản chung với người khác: Tài sản này có trong trường hợp người đó hợp tác kinh doanh, lao động sản xuất, đầu tư chung hoặc tài sản của vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.
Trên thực tế có nhiều trường hợp do nhiều người cùng góp vốn để sản xuất kinh doanh nên có khối tài sản thuộc quyền sở hữu chung của nhiều người (đồng chủ sở hữu đối với một khối tài sản nhất định). Nếu một trong đồng chủ sở hữu chết thì di sản thừa kế của người chết là phần tài sản thuộc sở hữu của người đó đã đóng góp trong khối tài sản chung.
Khác với hình thức sở hữu chung theo phần, tài sản của vợ chồng trong thời kì hôn nhân là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng.Theo Bộ luật dân sự 2015 thì quy định Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người, có quyền ngag nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau:
– Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
+ Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
– Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự
– Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định nêu trên, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Bên cạnh đó, Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
Từ những quy định trên có thể xác định, tiền phúng viếng không phải là tài sản đang hiện hữu tại thời điểm người có tài sản chết. Nó phát sinh sau thời điểm mở thừa kế (có sau khi người có tài sản chết) nên không phải là tài sản của người chết để lại, không phải là di sản thừa kế.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 về nguyên tắc, chi phí cho việc mai táng sẽ được trích từ di sản của người chết. Trong trường hợp gia đình bạn thì chi phí mai táng sẽ được trích trả từ khoản tiền phúng viếng cho người (hoặc những người) đã bỏ chi phí để tổ chức đám tang.
Do đó, việc phân chia số tiền phúng viếng còn lại sau đám tang sẽ do anh em bố bạn tự thỏa thuận, phân chia sau khi trừ đi khoản chi phí mai táng chứ không có quy định cụ thể.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0986.426.961