Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2020/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC SỬ DỤNG GIÁO VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON, TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ CHƯA ĐÁP ỨNG TRÌNH ĐỘ CHUẨN ĐƯỢC ĐÀO TẠO

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 nhưng không thuộc đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục bao gồm: Cơ sở giáo dục mầm non; trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học hoặc cấp trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hoặc cấp trung học cơ sở (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông).

Điều 3. Sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo

1. Trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề trước năm Thông tư này có hiệu lực thi hành, giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên hoặc được phân loại, đánh giá viên chức (xếp loại chất lượng viên chức) ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì tiếp tục bố trí công tác giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

2. Trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề trước năm Thông tư này có hiệu lực thi hành, giáo viên có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn nghề nghiệp và có một năm được phân loại, đánh giá viên chức (xếp loại chất lượng viên chức) ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì không bố trí giảng dạy và được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp tại cơ sở giáo dục cho đến khi nghỉ hưu theo quy định.

3. Giáo viên không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định.

4. Giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, tùy vào trường hợp cụ thể có thể thực hiện các quy định về thôi việc và tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành.

Điều 4. Sử dụng cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo

1. Trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề trước năm Thông tư này có hiệu lực thi hành, cán bộ quản lý giáo dục có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn hiệu trưởng trở lên hoặc được phân loại, đánh giá công chức, viên chức (xếp loại chất lượng công chức, viên chức) ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì tiếp tục đảm nhiệm chức vụ quản lý trường học đến hết nhiệm kì bổ nhiệm. Sau khi kết thúc nhiệm kì, không thực hiện bổ nhiệm lại chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mà bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp tại cơ sở giáo dục đến khi nghỉ hưu theo quy định.

2. Trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề trước năm Thông tư này có hiệu lực thi hành, cán bộ quản lý giáo dục có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn hiệu trưởng và có một năm được phân loại, đánh giá công chức, viên chức (xếp loại chất lượng công chức, viên chức) ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì thôi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp tại cơ sở giáo dục.

3. Cán bộ quản lý giáo dục không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định.

4. Cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, tùy vào trường hợp cụ thể có thể thực hiện các quy định về thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm và tinh giản biên chế theo các quy định hiện hành.

Điều 5. Kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo

1. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp. Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) phê duyệt trước ngày 15/12/2020 để triển khai thực hiện.

2. Nội dung chính của kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo, bao gồm:

a) Số lượng, danh sách giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo từng đối tượng quy định Điều 3, Điều 4 Thông tư này;

b) Việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm khác tại cơ sở giáo dục đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 Thông tư này;

c) Việc giải quyết chế độ hưu trí, thôi việc, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, tinh giản biên chế đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 3 và khoản 3, khoản 4 Điều 4 Thông tư này;

d) Nội dung, thời gian và hình thức tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 Thông tư này;

đ) Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc triển khai thực hiện Thông tư này;

b) Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục kiểm tra việc triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp, sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo; bố trí các nguồn kinh phí để thực hiện việc bồi dưỡng; nguồn kinh phí để thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục;

b) Chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo;

c) Chỉ đạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo được bố trí sang vị trí việc làm khác;

d) Chỉ đạo thực hiện các quy định về nghỉ hưu, thôi việc, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, tinh giản biên chế đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 3 và khoản 3, khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

3. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện Thông tư này theo thẩm quyền;

b) Phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo được bố trí sang vị trí việc làm khác;

c) Kiểm tra, giám sát và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của tỉnh và các nội dung khác theo yêu cầu.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Phê duyệt kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo;

b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch;

c) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ và các phòng ban liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được bố trí sang vị trí việc làm khác;

d) Giải quyết chế độ hưu trí, thôi việc, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, tinh giản biên chế đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 3 và khoản 3, khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

5. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo

a) Các cơ sở giáo dục xác định, lập danh sách và đề xuất phương án sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Thông tư này;

b) Triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo;

c) Tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tham gia bồi dưỡng theo quy định; giải quyết chế độ, chính sách cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2020.

2. Bãi bỏ Quyết định số 22/2006/QĐ-BGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn.

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Bộ trưởng;
- Công báo;
- Cổng TTĐT của Chính phủ;
- Cổng TTĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Lưu: VT, PC, Cục NGCBQLGD (10b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Ngọc Thưởng