Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2016/TT-BCA

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2016

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 137/2015/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2015 QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Căn cứ Luật căn cước công dân ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân (sau đây viết gọn là Nghị định số 137/2015/NĐ-CP) về thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các mã số trong số định danh cá nhân; thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, đơn vị quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, quản lý, thực hiện cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

2. Công an các đơn vị, địa phương.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, quản lý, thực hiện cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Chương II

THU THẬP, CẬP NHẬT, CHỈNH SỬA THÔNG TIN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ, CÁC MÃ SỐ TRONG SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN

Điều 3. Thu thập thông tin về công dân

Thu thập thông tin về công dân được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP. Trường hợp không thu thập được thông tin về công dân từ sổ sách quản lý về cư trú, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác hoặc thông tin về công dân từ các nguồn nêu trên không thống nhất thì thu thập thông tin từ công dân theo trình tự sau đây:

1. Công an xã, phường, thị trấn thực hiện phát Phiếu thu thập thông tin dân cư đến từng hộ gia đình và hướng dẫn kê khai thông tin.

2. Người được thu thập thông tin điền vào Phiếu thu thập thông tin dân cư và ký xác nhận.

3. Công an xã, phường, thị trấn thu Phiếu thu thập thông tin dân cư và đối chiếu với sổ sách quản lý về cư trú, hộ tịch. Trường hợp thông tin về công dân đã đầy đủ, chính xác thì Cảnh sát khu vực, Công an viên ký xác nhận, trình Trưởng Công an xã, phường, thị trấn ký, đóng dấu. Trường hợp thông tin về công dân chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác thì yêu cầu công dân kê khai bổ sung, chỉnh lý và xuất trình các giấy tờ có giá trị pháp lý làm căn cứ xác thực thông tin, Cảnh sát khu vực, Công an viên ký xác nhận, trình Trưởng Công an xã, phường, thị trấn ký, đóng dấu.

4. Công an xã, phường, thị trấn chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư cho Công an cấp huyện.

5. Công an cấp huyện kiểm tra, phân loại phiếu:

a) Đối với phiếu đạt yêu cầu, Công an cấp huyện tiến hành scan để chuyển dữ liệu điện tử lên Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư và lưu Phiếu thu thập thông tin dân cư vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu Công an cấp huyện.

b) Đối với phiếu không đạt yêu cầu thì trả lại cho Công an xã, phường, thị trấn để thu thập bổ sung thông tin. Phiếu không đạt yêu cầu là phiếu thiếu một trong các thông tin: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính: nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi thường trú; họ, chữ đệm và tên của cha, mẹ, chủ hộ; số sổ hộ khẩu; chữ ký của người khai; chữ ký của Cảnh sát khu vực, Công an viên; chữ ký và dấu của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn.

Điều 4. Thu thập thông tin về công dân từ công tác đăng ký thường trú

1. Tại Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì thực hiện thu thập thông tin về công dân như sau:

a) Cán bộ đăng ký thường trú kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu đăng ký thường trú. Trường hợp thông tin về công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ đăng ký thường trú hướng dẫn công dân kê khai Phiếu thu thập thông tin dân cư, yêu cầu công dân kiểm tra và ký xác nhận.

b) Đối với trường hợp đủ điều kiện đăng ký thường trú, cán bộ đăng ký thường trú kiểm tra, ký xác nhận vào Phiếu thu thập thông tin dân cư và đề xuất chỉ huy Đội Cảnh sát quản lý hành chính trình Trưởng Công an cấp huyện ký, đóng dấu, nhập thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lưu Phiếu thu thập thông tin dân cư vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu Công an cấp huyện.

2. Tại Công an xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh thì thực hiện thu thập thông tin về công dân như sau:

a) Cán bộ đăng ký thường trú kiểm tra thông tin về công dân đến yêu cầu đăng ký thường trú. Trường hợp thông tin về công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cán bộ đăng ký thường trú hướng dẫn công dân kê khai Phiếu thu thập thông tin dân cư, yêu cầu công dân kiểm tra và ký xác nhận.

b) Đối với trường hợp đủ điều kiện đăng ký thường trú, cán bộ đăng ký thường trú kiểm tra, ký xác nhận vào Phiếu thu thập thông tin dân cư, đề xuất Trưởng Công an xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh ký, đóng dấu và chuyển Phiếu thu thập thông tin dân cư lên Công an cấp huyện.

c) Công an cấp huyện tiến hành nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lưu Phiếu thu thập thông tin dân cư tại tàng thư hồ sơ hộ khẩu Công an cấp huyện.

Điều 5. Cập nhật thông tin về công dân

1. Cập nhật thông tin về công dân từ kết quả công tác đăng ký, quản lý cư trú:

a) Tại Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì thực hiện cập nhật thông tin về công dân như sau:

- Cán bộ đăng ký thường trú kiểm tra giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh thông tin cần cập nhật, in Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư, yêu cầu công dân kiểm tra thông tin, ký xác nhận và đề xuất chỉ huy Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trình Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt;

- Sau khi nhận kết quả phê duyệt, cán bộ đăng ký thường trú thực hiện cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lưu hồ sơ vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

b) Tại Công an xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh thì thực hiện cập nhật thông tin về công dân như sau:

- Cán bộ đăng ký thường trú kiểm tra giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh thông tin cần cập nhật, in Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư, yêu cầu công dân kiểm tra thông tin, ký, đóng dấu và chuyển hồ sơ cho Công an cấp huyện;

- Công an cấp huyện thực hiện cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lưu hồ sơ vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu.

2. Cập nhật thông tin về công dân khi công dân có yêu cầu thực hiện như sau:

a) Cán bộ cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kiểm tra giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh thông tin cần cập nhật, in Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư, yêu cầu công dân kiểm tra thông tin, ký xác nhận và đề xuất thủ trưởng cơ quan phê duyệt;

b) Sau khi nhận kết quả phê duyệt, cán bộ cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thực hiện cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chuyển hồ sơ vào tàng thư hồ sơ hộ khẩu để lưu.

3. Cập nhật thông tin về công dân từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác như sau:

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác thực hiện cập nhật thông tin về công dân vào Cơ dữ liệu quốc gia về dân cư khi có sự thay đổi thông tin về công dân. Việc cập nhật thông tin về công dân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia khác.

Điều 6. Quy trình chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa thông tin về công dân phát hiện có sự sai sót trong quá trình thu thập, cập nhật, quản lý thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu thì thực hiện như sau:

a) Cán bộ cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa thông tin về công dân tiến hành kiểm tra tính pháp lý, tính chính xác của các thông tin; lập biên bản về việc phát hiện có sự sai sót trong quá trình thu thập, cập nhật, quản lý thông tin về công dân kèm theo giấy tờ, tài liệu liên quan (nếu có) và báo cáo thủ trưởng cơ quan phê duyệt;

b) Sau khi thủ trưởng cơ quan phê duyệt, cán bộ cơ quan có thẩm quyền thực hiện chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị chỉnh sửa thông tin về công dân thì cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa thông tin về công dân thực hiện như sau:

a) Tiếp nhận yêu cầu đề nghị chỉnh sửa thông tin về công dân và các giấy tờ, tài liệu liên quan;

b) Đề nghị tổ chức, cá nhân kê khai Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư;

c) Kiểm tra tính pháp lý, tính chính xác của các thông tin cần chỉnh sửa. Trường hợp có căn cứ để chỉnh sửa thông tin về công dân thì báo cáo thủ trưởng cơ quan phê duyệt. Trường hợp không có căn cứ để chỉnh sửa thông tin về công dân thì trả lời cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do.

d) Sau khi thủ trưởng cơ quan phê duyệt, thực hiện chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 7. Các mã số trong số định danh cá nhân

1. Các mã số trong số định danh cá nhân bao gồm:

a) Mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân đăng ký khai sinh quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Mã các quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Các mã số quy định tại khoản 1 Điều này được bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Chương III

CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Điều 8. Trình tự, thủ tục thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác trong Công an nhân dân để thu thập, cập nhật, chia sẻ thông tin về công dân.

2. Việc thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân trong quá trình cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được thực hiện như sau:

a) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm kiểm tra, thu thập các thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân từ Tờ khai căn cước công dân và Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân.

b) Trường hợp thông tin về công dân có thay đổi khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm lập Phiếu điều chỉnh thông tin căn cước công dân và thực hiện như sau:

- Nếu thông tin về công dân do cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin về công dân và báo cáo thủ trưởng cơ quan mình để quyết định cập nhật thông tin về công dân.

- Nếu thông tin về công dân có sự thay đổi do sai sót trong quá trình cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin về công dân và báo cáo thủ trưởng cơ quan mình để làm thủ tục đề xuất thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định chỉnh sửa thông tin về công dân.

3. Các thông tin về công dân có thay đổi phải được cập nhật, chỉnh sửa kịp thời, chính xác, đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Điều 9. Thẩm quyền thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân quyết định thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; kết nối Cơ sở dữ liệu căn cước công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác để thu thập, cập nhật, chia sẻ thông tin về công dân.

Điều 10. Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Các trường hợp được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân:

a) Cơ quan quản lý căn cước công dân được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ công tác cấp, đổi, cấp lại, quản lý thẻ Căn cước công dân;

b) Công an các đơn vị, địa phương được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an và phòng, chống tội phạm;

c) Cơ quan tiến hành tố tụng được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;

d) Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

đ) Cơ quan, tổ chức và công dân không thuộc quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

2. Thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân:

a) Cơ quan, tổ chức có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải có văn bản đề nghị nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần khai thác và được thủ trưởng cơ quan, tổ chức đó ký tên, đóng dấu;

b) Công dân có nhu cầu khai thác thông tin thì có văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần khai thác và xuất trình một trong các giấy tờ sau của bản thân: Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân.

c) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu khai thác thông tin, người có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Thông tư này quyết định cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Trường hợp từ chối cung cấp thông tin thì phải trả lời cho cơ quan, tổ chức, công dân biết và nêu rõ lý do.

Điều 11. Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

1. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin về công dân cư trú tại địa phương.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an có thẩm quyền cho phép khai thác các thông tin về công dân trên phạm vi toàn quốc.

Chương IV

CẤP, QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Điều 12. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân

1. Trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân như sau:

a) Công dân điền vào Tờ khai căn cước công dân;

b) Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin hoặc thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xác định thông tin chính xác và xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong Tờ khai căn cước công dân để kiểm tra và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu;

Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình Sổ hộ khẩu.

c) Trường hợp công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này.

d) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Ảnh chân dung của công dân là ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân; riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt;

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.

đ) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục. Trường hợp hồ sơ, thủ tục chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện để cấp thẻ Căn cước công dân;

e) Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân (nếu có) và trả thẻ Căn cước công dân theo thời gian và địa điểm trong giấy hẹn. Nơi trả thẻ Căn cước công dân là nơi làm thủ tục cấp thẻ; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì công dân ghi cụ thể địa chỉ nơi trả thẻ tại Tờ khai căn cước công dân. Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ trả thẻ Căn cước công dân tại địa điểm theo yêu cầu của công dân bảo đảm đúng thời gian và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát theo quy định.

2. Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định tại điểm a, b, c, đ, e khoản 1 Điều này.

Điều 13. Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

1. Thực hiện các thủ tục theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

2. Trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân do thay đổi thông tin ghi trên thẻ Căn cước công dân mà thông tin đó chưa có hoặc chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân nộp bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi các thông tin này để kiểm tra và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu.

3. Thu lại thẻ Căn cước công dân đã sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục đổi thẻ Căn cước công dân;

4. Công dân nộp lệ phí đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Điều 14. Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân

1. Đối với những công dân trong biên chế chính thức của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang ở tập trung trong doanh trại, nhà tập thể chưa đăng ký thường trú tại một địa chỉ xác định khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm làm đầy đủ các thủ tục theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Thông tư này. Riêng việc xuất trình sổ hộ khẩu được thay bằng giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp; trường hợp chưa có giấy chứng minh do Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cấp thì xuất trình quyết định tuyển dụng, điều động hoặc phân công công tác.

Đối với các trường hợp nêu trên, khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cần kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị và mục nơi thường trú trên thẻ Căn cước công dân được ghi theo địa chỉ trụ sở đơn vị nơi công dân đang trực tiếp công tác.

2. Thẩm quyền cấp giấy giới thiệu cho người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân là thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ, chiến sỹ đó (ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu); đối với đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân không được sử dụng con dấu riêng thì người cấp giấy giới thiệu là thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp của đơn vị đó được sử dụng con dấu riêng;

Người cấp giấy giới thiệu làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân phải chịu trách nhiệm cấp đúng đối tượng theo quy định.

3. Trường hợp công dân trong biên chế chính thức của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đã đăng ký thường trú tại một địa chỉ xác định thì việc cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thực hiện như đối với công dân khác.

Điều 15. Thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân khi công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân và xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân

Khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thu Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số do công dân nộp, sau đó tiến hành như sau:

1. Đối với Chứng minh nhân dân 9 số:

a) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả Chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục. Ngay sau khi nhận Chứng minh nhân dân đã cắt góc hoặc sau đó, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan tiến hành cắt góc Chứng minh nhân dân 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân;

b) Trường hợp Chứng minh nhân dân 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số Chứng minh nhân dân và chữ) thì thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.

2. Đối với Chứng minh nhân dân 12 số, cắt góc phía trên bên phải mặt trước của Chứng minh nhân dân đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ trả Chứng minh nhân dân đã cắt góc cho người đến làm thủ tục.

3. Trường hợp công dân mất Chứng minh nhân dân 9 số mà làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân 9 số đã mất cho công dân.

Điều 16. Phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:

1. Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.

2. Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó; các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 23 Luật căn cước công dân và cấp lại thẻ Căn cước công dân đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

3. Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân có yêu cầu và các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.

Điều 17. Tổ chức cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân lưu động trong trường hợp cần thiết

1. Cơ quan quản lý căn cước công dân tiến hành tổ chức cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc tại cơ quan, đơn vị, trường học, địa bàn nếu xét thấy cần thiết.

2. Cơ quan quản lý căn cước công dân tổ chức cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có văn bản đề nghị của thủ trưởng các cơ quan này.

3. Cơ quan quản lý căn cước công dân tổ chức cấp thẻ Căn cước công dân tại chỗ ở của công dân đối với trường hợp người già yếu, bệnh tật, ốm đau không thể đi lại có xác nhận của Công an cấp xã nơi người đó cư trú.

Điều 18. Sắp xếp, lưu giữ, quản lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được sắp xếp, lưu giữ theo quy định tại tàng thư căn cước công dân của Công an cấp tỉnh nơi công dân thường trú để quản lý và khai thác.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG AN CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG VỀ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ, CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC CÔNG DÂN, CẤP, QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Điều 19. Trách nhiệm của Tổng cục Cảnh sát

1. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương trong việc triển khai thu thập, cập nhật, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

3. Quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

4. Tổ chức sản xuất, quản lý thẻ Căn cước công dân; chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và các đơn vị có liên quan bảo đảm kinh phí hoạt động, trang cấp vật tư, phương tiện, biểu mẫu phục vụ công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

5. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

6. Sơ kết, tổng kết, thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

Điều 20. Trách nhiệm của các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ

1. Tổng cục Chính trị Công an nhân dân có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng cục Cảnh sát đề xuất mô hình tổ chức, biên chế, chế độ chính sách, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân.

2. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng cục Cảnh sát hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương về kỹ thuật, công nghệ trong xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

3. Cục Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Tài chính, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và Tổng cục Cảnh sát bố trí kinh phí thường xuyên phục vụ xây dựng và duy trì hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh

1. Trực tiếp thực hiện và tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân; tổ chức thu thập, cập nhật, chuẩn hóa thông tin về dân cư trong phạm vi quản lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Đào tạo, bồi dưỡng, đề xuất biên chế đội ngũ cán bộ phục vụ công tác xây dựng, thu thập, cập nhật thông tin và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân trong phạm vi quản lý.

3. Tổ chức công tác cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân tại địa phương.

4. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân trong phạm vi quản lý.

5. Sơ kết, tổng kết, thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân tại địa bàn quản lý và báo cáo về Bộ Công an.

Điều 22. Trách nhiệm của Công an cấp huyện

1. Xây dựng kế hoạch và triển khai thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về dân cư trong phạm vi quản lý.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Công an xã, phường, thị trấn về thu thập thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Tổ chức kiểm tra việc sử dụng thẻ Căn cước công dân của công dân trong địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức sơ kết, tổng kết, thống kê về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cấp, quản lý thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Điều 23. Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn

1. Thu thập thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Đề xuất Công an cấp huyện thu thập, cập nhật thông tin về công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Nắm tình hình biến động thông tin về công dân, số người trong diện cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân tại địa phương.

4. Tổ chức kiểm tra việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong phạm vi địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 24. Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2016.

2. Những nơi chưa có điều kiện triển khai cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo Luật căn cước công dân thì tiếp tục cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân theo quy định tại Thông tư số 04/1999/TT-BCA(C13) ngày 29 tháng 4 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 về Chứng minh nhân dân và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 61/2015/TT-BCA ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Các Tổng cục trưởng, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát) để có hướng dẫn kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Công an;
- Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Công báo, cổng TTĐT Chính phủ, cổng TTĐT Bộ Công an;
- Công báo nội bộ;
- Lưu: VT, V19, C41(C72).

BỘ TRƯỞNG




Đại tướng Trần Đại Quang

 

PHỤ LỤC 1

BẢNG DANH MỤC MÃ TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG NƠI CÔNG DÂN ĐĂNG KÝ KHAI SINH
(Ban hành kèm theo Thông tư s 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an)

STT

Tên đơn vị hành chính

1

Hà Nội

001

2

Hà Giang

002

3

Cao Bằng

004

4

Bắc Kạn

006

5

Tuyên Quang

008

6

Lào Cai

010

7

Điện Biên

011

8

Lai Châu

012

9

Sơn La

014

10

Yên Bái

015

11

Hòa Bình

017

12

Thái Nguyên

019

13

Lạng Sơn

020

14

Quảng Ninh

022

15

Bắc Giang

024

16

Phú Thọ

025

17

Vĩnh Phúc

026

18

Bắc Ninh

027

19

Hải Dương

030

20

Hải Phòng

031

21

Hưng Yên

033

22

Thái Bình

034

23

Hà Nam

035

24

Nam Định

036

25

Ninh Bình

037

26

Thanh Hóa

038

27

Nghệ An

040

28

Hà Tĩnh

042

29

Quảng Bình

044

30

Quảng Trị

045

31

Thừa Thiên Huế

046

32

Đà Nẵng

048

33

Quảng Nam

049

34

Quảng Ngãi

051

35

Bình Định

052

36

Phú Yên

054

37

Khánh Hòa

056

38

Ninh Thuận

058

39

Bình Thuận

060

40

Kon Tum

062

41

Gia Lai

064

42

Đắk Lắk

066

43

Đắk Nông

067

44

Lâm Đồng

068

45

Bình Phước

070

46

Tây Ninh

072

47

Bình Dương

074

48

Đồng Nai

075

49

Bà Rịa - Vũng Tàu

077

50

Hồ Chí Minh

079

51

Long An

080

52

Tiền Giang

082

53

Bến Tre

083

54

Trà Vinh

084

55

Vĩnh Long

086

56

Đồng Tháp

087

57

An Giang

089

58

Kiên Giang

091

59

Cần Thơ

092

60

Hậu Giang

093

61

Sóc Trăng

094

62

Bạc Liêu

095

63

Cà Mau

096

 

PHỤ LỤC II

BẢNG DANH MỤC MÃ CÁC QUỐC GIA NƠI CÔNG DÂN ĐĂNG KÝ KHAI SINH
(Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BCA Ngày 01/02/2016 của Bộ Công an)

STT

Tên nước

STT

Tên nước

1

Afghanistan

101

100

Litva (Lít-va)

200

2

Ai Cập

102

101

Luxembourg (Lúc-xem-bua)

201

3

Albania

103

102

Macedonia (Mã Cơ Đốn) (Ma-xê-đô-ni-a)

202

4

Algérie (An-giê-ri)

104

103

Madagascar

203

5

Andorra (An-đô-ra)

105

104

Malawi (Ma-la-uy)

204

6

Angola (Ăng-gô-la)

106

105

Malaysia (Mã Lai Tây Á) (Ma-lay-xi-a)

205

7

Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland

107

106

Maldives (Man-di-vơ)

206

8

Antigua và Barbuda (An-ti-goa và Bác-bu-da)

108

107

Mali

207

9

Áo

109

108

Malta (Man-ta)

208

10

Ả Rập Saudi ( Rập Xê-út)

110

109

Maroc

209

11

Argentina

111

110

Quần đảo Marshall

210

12

Armenia (Ác-mê-ni-a)

112

111

Mauritanie (Mô-ri-ta-ni)

211

13

Azerbaijan (A-giéc-bai-gian)

113

112

Mauritius (Mô-ri-xơ)

212

14

Cộng hòa Azerbaijan

114

113

Mexico (Mê-hi-cô)

213

15

Cộng hòa Ấn Độ

115

114

Micronesia (Mi-crô-nê-di)

214

16

Bahamas (Ba-ha-mát)

116

115

Moldova (Môn-đô-va)

215

17

Bahrain (Ba-ranh)

117

116

Monaco (Mô-na-cô)

216

18

Ba Lan

118

117

Mông Cổ

217

19

Bangladesh (Băng-la-đét)

119

118

Montenegro (Môn-tê-nê-grô)

218

20

Barbados (Bác-ba-đốt)

120

119

Mozambique (Mô-dăm-bích)

219

21

Belarus (Bê-la-rút)

121

120

Myanma (Mi-an-ma)

220

22

Belize (Bê-li-xê)

122

121

Namibia (Na-mi-bi-a)

221

23

Benin (Bê-nanh)

123

122

Nam Sudan

222

24

Bhutan (Bu-tan)

124

123

Nam Phi

223

25

Bỉ

125

124

Nauru (Nau-ru)

224

26

Bolivia (Bô-li-vi-a)

126

125

Na Uy

225

27

Bosna và Hercegovina (Bốt-xni-a và Héc-dê-gô-vi-na)

127

126

Nepal (Nê-pan)

226

28

Botswana

128

127

New Zealand (Niu Di-lân) (Tân Tây Lan)

227

29

Bồ Đào Nha

129

128

Nicaragua (Ni-ca-ra-goa)

228

30

Bờ Biển Ngà (Cốt-đi-voa)

130

129

Niger (Ni-giê)

229

31

Brasil (Bra-xin)

131

130

Nigeria (Ni-giê-ri-a)

230

32

Brunei (Bru-nây)

132

131

Nga

231

33

Bulgaria (Bungari)

133

132

Nhật Bản

232

34

Burkina Faso (Buc-ki-na Pha-xô)

134

133

Oman (Ô-man)

233

35

Burundi

135

134

Pakistan (Pa-kít-xtan)

234

36

Cabo Verde (Cáp Ve)

136

135

Palau (Pa-lau)

235

37

Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất

137

136

Panama (Pa-na-ma)

236

38

Cameroon (Ca-mơ-run)

138

137

Papua New Guinea (Pa-pua Niu Ghi-nê)

237

39

Campuchia

139

138

Paraguay (Pa-ra-goay)

238

40

Canada (Ca-na-đa; Gia Nã Đại)

140

139

Peru (Pê-ru)

239

41

Chile (Chi-lê)

141

140

Pháp (Pháp Lan Tây)

240

42

Colombia (Cô-lôm-bi-a)

142

141

Phần Lan

241

43

Comoros (Cô-mo)

143

142

Philippines (Phi-líp-pin)

242

44

Cộng hòa Congo (Công-gô; Congo-Brazzaville)

144

143

Qatar (Ca-ta)

243

45

Cộng hòa Dân chủ Congo (Congo-Kinshasa)

145

144

Romania (Ru-ma-ni, L Ma Ni)

244

46

Costa Rica (Cốt-xta Ri-ca)

146

145

Rwanda (Ru-an-đa)

245

47

Croatia (Crô-a-ti-a)

147

146

Saint Kitts và Nevis (Xanh Kít và Nê-vít)

246

48

Cộng hòa Croatia

148

147

Saint Lucia (San-ta Lu-xi-a)

247

49

Cuba (Cu-ba)

149

148

Saint Vincent và Grenadines (Xanh Vin-xen và Grê-na-din)

248

50

Djibouti (Gi-bu-ti)

150

149

Samoa (Xa-moa)

249

51

Dominica (Đô-mi-ni-ca)

151

150

San Marino (San Ma-ri-nô)

250

52

Cộng hòa Dominicana (Đô-mi-ni-ca-na)

152

151

São Tomé và Príncipe (Sao Tô-mê và Prin-xi-pê)

251

53

Đan Mạch

153

152

Séc (Tiệp)

252

54

Đông Timor (Ti-mo Lex-te)

154

153

Sénégal (Xê-nê-gan)

253

55

Đức

155

154

Serbia (Xéc-bi-a)

254

56

Ecuador (Ê-cu-a-đo)

156

155

Seychelles (Xây-sen)

255

57

El Salvador (En Xan-va-đo)

157

156

Sierra Leone (Xi-ê-ra Lê-ôn)

256

58

Eritrea (Ê-ri-tơ-ri-a)

158

157

Singapore (Xinh-ga-po)

257

59

Estonia (E-xtô-ni-a)

159

158

Slovakia (Xlô-va-ki-a)

258

60

Ethiopia (Ê-t(h)i-ô-pi-a)

160

159

Slovenia (Xlô-ven-ni-a)

259

61

Fiji (Phi-gi)

161

160

Solomon (Xô-lô-môn)

260

62

Gabon (Ga-bông)

162

161

Somalia (Xô-ma-li)

261

63

Gambia (Găm-bi-a)

163

162

Sri Lanka (Xri Lan-ca)

262

64

Ghana (Ga-na)

164

163

Sudan (Xu-đăng)

263

65

Grenada (Grê-na-đa)

165

164

Suriname (Xu-ri-nam)

264

66

Gruzia (Gru-di-a)

166

165

Swaziland (Xoa-di-len)

265

67

Guatemala (Goa-tê-ma-la)

167

166

Syria (Xi-ri)

266

68

Guinea-Bissau (Ghi-nê Bít-xao)

168

167

Tajikistan (Tát-gi-kít-xtan)

267

69

Guinea Xích Đạo (Ghi-nê Xích Đạo)

169

168

Tanzania (Tan-da-ni-a)

268

70

Guinea (Ghi-nê)

170

169

Tây Ban Nha

269

71

Guyana (Gai-a-na)

171

170

Tchad (Sát)

270

72

Haiti (Ha-i-ti)

172

171

Thái Lan

271

73

Hà Lan (Hòa Lan)

173

172

Thổ Nhĩ Kỳ

272

74

Hàn Quốc (Nam Hàn)

174

173

Thụy Điển

273

75

Hoa Kỳ (Mỹ)

175

174

Thụy Sĩ (Thụy Sỹ)

274

76

Honduras (Hôn-đu-rát) (Ôn-đu-rát)

176

175

Togo (Tô-gô)

275

77

Hungary (Hung-ga-ri)

177

176

Tonga (Tông-ga)

276

78

Hy Lạp

178

177

Triều Tiên

277

79

Iceland (Ai xơ len)

179

178

Trinidad và Tobago (Tri-ni-đát và Tô-ba-gô)

278

80

Indonesia (In-đô-nê-xi-a)

180

179

Trung Quốc

279

81

Iran

181

180

Trung Phi

280

82

Iraq (I-rắc)

182

181

Tunisia (Tuy-ni-di)

281

83

Ireland (Ai-len)

183

182

Turkmenistan (Tuốc-mê-ni-xtan)

282

84

Israel (I-xra-en)

184

183

Tuvalu

283

85

Jamaica (Gia-mai-ca)

185

184

Úc (t-xrây-li-a)

284

86

Jordan (Gioóc-đan-ni)

186

185

Uganda (U-gan-đa)

285

87

Kazakhstan (Ca-dc-xtan)

187

186

Ukraina (U-crai-na)

286

88

Kenya (Kê-nhi-a)

188

187

Uruguay (U-ru-goay)

287

89

Kiribati

189

188

Uzbekistan (U-dơ-bê-kít-xtan)

288

90

Kuwait (Cô-oét)

190

189

Vanuatu (Va-nu-a-tu)

289

91

Síp

191

190

Việt Nam

000

92

Kyrgyzstan (Cư-rơ-gư-xtan)

192

191

Thành Vatican (Va-ti-căng)/Tòa Thánh

290

93

Lào

193

192

Venezuela (Vê-nê-xu(y)-ê-la)

291

94

Latvia (Lat-vi-a)

194

193

Ý (I-ta-li-a)

292

95

Lesotho (Lê-xô-thô)

195

194

Yemen (Y-ê-men)

293

96

Li ban (Li-băng)

196

195

Zambia (Dăm-bi-a)

294

97

Liberia (Li-bê-ri-a)

197

196

Zimbabwe (Dim-ba-bu-ê)

295

98

Libya (Li-bi)

198

 

 

 

99

Liechtenstein (Lích-ten-xtai)

199

 

 

 

 

PHỤ LỤC III

MÃ THẾ KỶ SINH, MÃ GIỚI TÍNH, MÃ NĂM SINH PHỤC VỤ VIỆC CẤP SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BCA Ngày 01/02/2016 của Bộ Công an)

1. Mã thế kỷ sinh, mã giới tính: Là số tương ứng với giới tính và thế kỷ công dân được sinh ra được áp dụng như sau:

Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1;

Thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3;

Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5;

Thế kỷ 23 (từ năm 2200 đến hết năm 2299): Nam 6, nữ 7;

Thế kỷ 24 (từ năm 2300 đến hết năm 2399): Nam 8, nữ 9.

2. Mã năm sinh: Thể hiện hai số cuối năm sinh của công dân.