×
Tra cứu thuật ngữ
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2002/TT-BYT

Hà Nội , ngày 29 tháng 05 năm 2002

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC XÉT CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và các văn bản hướng dẫn thực hành Luật này;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân và các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh;
Bộ Y tế hướng dẫn xét cấp Chứng chỉ hành nghề y, dựơc như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Chứng chỉ hành nghề y, dược theo quy định của Thông tư này là văn bản do Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) xem xét và cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn, đạo đức, kinh nghiệm nghề nghiệp để đăng ký hành nghề y dược tư nhân, bán công, dân lập (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.

Điều 2. Chứng chỉ hành nghề có các loại sau:

1. Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

2. Chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền:

2.1. Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền;

2.2. Chứng chỉ hành nghề thuốc y học cổ truyền;

3. Chứng chỉ hành nghề dược.

Điều 3. Cá nhân có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư này, có nguyện vọng hành nghề y, dược đều được xem xét để cấp chứng chỉ hành nghề.

Điều 4. Chứng chỉ hành nghề chỉ cấp cho cá nhân, không cấp cho tổ chức. Mỗi cá nhân chỉ được cấp một loại chứng chỉ hành nghề để đăng ký một loại hình hành nghề, không được hành nghề quá phạm vi cho phép.

Điều 5. Nghiêm cấm việc cho người khác mượn, thuê chứng chỉ để hành nghề hoặc sử dụng vào các mục đích khác.

Điều 6. Người hành nghề có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế.

Trong quá trình hành nghề, người hành nghề phải tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững các quy chế của ngành, pháp luật của Nhà nước.

Hàng năm Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, phổ biến cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật về y tế và các quy định có liên quan:

Điều 7. Thời hạn của chứng chỉ hành nghề là 5 năm.

Sau 5 năm, người có chứng chỉ hành nghề (nếu có nhu cầu gia hạn) phải gửi hồ sơ đến cơ quan đã cấp chứng chỉ hành nghề để làm thủ tục gia hạn.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC

A. CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KHÁM CHỮA BỆNH

Điều 8: Tiêu chuẩn chung:

1. Cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải có đủ các tiêu chuẩn sau:

1.1. Phải có bằng tốt nghiệp tại các trường đại học y, dược, các trường đại học khác, các trường cao đẳng, trung học y và có đủ thời gian hành nghề theo quy định đối với từng loại hình hành nghề.

1 2. Phải có đạo đức nghề nghiệp, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ sức khỏe để hành nghề khám, chữa bệnh.

1.3. Hiểu biết về Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân, các văn bản quy phạm pháp luật về y tế có liên quan.

1.4. Hiểu biết 12 Điều quy định về y đức (ban hành kèm theo Quyết định số 2088/QĐ-BYT ngày 06/1/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế), Quy chế Bệnh viện (ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế), Quy chế Quản lý chất thải y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 3575/1999/QĐ-BYT ngày 27/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

1.5. Hiểu biết về các chương trình y tế quốc gia phổ cập.

1.6. Phải cam kết thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên (điểm 1.3, l.4), các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đủ sức khỏe để hành nghề khám, chữa bệnh.

3. Không đang trong thời gian Bộ cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc liên quan đến y tế theo quyết định của tòa án, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng biện pháp quản chế hành chính; không đang trong thời gian chấp hành án phạt tù hoặc quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

Điều 9. Tiêu chuẩn cụ thể:

Ngoài các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 8 của Thông tư này, người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phải có các tiêu chuẩn cụ thể sau:

1. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để đăng ký bệnh viện, phòng khám đa khoa phải là bác sĩ đa khoa hay chuyên khoa đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.

2. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh để đăng ký các loại hình khác trừ loại hình bệnh viện.

 a) Phòng khám chuyên khoa nội:

Bác sĩ đa khoa hay chuyên khoa nội đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.

Trong đó có ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa nội ở các vùng núi cao, y sĩ đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp hay bác sĩ đã thực hành 3 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.

 b) Phòng khám chuyên khoa ngoại:

Bác sỹ đa khoa, chuyên khoa ngoại đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó có ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa ngoại.

 c) Phòng khám chuyên khoa phụ sản - Phòng kế hoạch hóa gia đình:

Bác sĩ đa khoa, chuyên khoa phụ sản đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp trong đó ít nhất là 3 năm chuyên khoa phụ sản.

Ở các vùng núi cao, y sĩ sản nhi hay nữ hộ sinh từ trung học trở lên đã thực hành 3 năm chuyên khoa tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp.

 d) Phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt:

Bác sĩ đa khoa, chuyên khoa răng hàm mặt đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp trong đó có ít nhất là 3 năm chuyên khoa răng hàm mặt.

 e) Phòng khám chuyên khoa tai mũi họng:

Bác sĩ đa khoa, chuyên khoa tai mũi họng đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa.

 g) Phòng khám chuyên khoa mắt:

Bác sĩ đa khoa, chuyên khoa mắt, thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó có 3 năm thực hành chuyên khoa mắt.

 h) Phòng chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ:

Bác sĩ đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó ít nhất có 3 năm thực hành chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hay thẩm mỹ.

 i) Phòng chuyên khoa điều dưỡng - phục hồi chức năng và vật lý trị liệu.

Bác sĩ đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó có ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa điều dưỡng - phục hồi chức năng và vật lý trị liệu.

 k) Phòng chẩn đoán hình ảnh:

Bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, cử nhân Xquang (tốt nghiệp đại học) chẩn đoán hình ảnh đã thực hành chuyên khoa 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp ở các vùng núi cao, bác sỹ đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp trong đó có ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.

 l) Phòng xét nghiệm:

Bác sĩ hay dược sĩ, cử nhân sinh học, hóa học, kỹ thuật viên xét nghiệm (tốt nghiệp đại học) đã thực hành 5 năm chuyên khoa xét nghiệm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp ở các vùng núi cao người đăng ký hành nghề là bác sĩ, dược sĩ, cử nhân sinh học, hóa học đã thực hành 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó có ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa.

 m) Nhà hộ sinh:

Bác sĩ đa khoa, chuyên khoa phụ sản, nữ hộ sinh từ trung học trở lên đã thực hành chuyên khoa 5 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp, trong đó có ít nhất 3 năm thực hành chuyên khoa phụ sản.

Ở các vùng núi cao: Bác sĩ chuyên khoa phụ sản, nữ hộ sinh từ trung học trở lên đã thực hành chuyên khoa 3 năm tại cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp. Người được cấp chứng chỉ hành nghề phải là người hành nghề 100% thời gian.

B. CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN

Điều 10. Tiêu chuẩn chung.

1. Phải có bằng tốt nghiệp bác sĩ y dược học cổ truyền, y sĩ y dược học cổ truyền, bằng tốt nghiệp đại học dược, trung học dược, sơ học dược hoặc Giấy chứng nhận lương y, lương dược hoặc có Giấy xác nhận trình độ chuyên môn y dược học cổ truyền và có thời gian thực hành tại các cơ sở y dược học cổ truyền hợp pháp tùy theo yêu cầu của từng loại hình hành nghề.

2. Có đạo đức và kinh nghiệm nghề nghiệp.

3. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ sức khỏe để hành nghề y dược học cổ truyền.

4. Không đang trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc liên quan đến y tế theo quyết định của tòa án, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng biện pháp quản chế hành chính; không đang trong thời gian chấp hành án phạt tù hoặc quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo đục, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

5. Hiểu biết và cam kết thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh Hành nghề y dược tư nhân, Điều lệ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đạo đức người hành nghề y dược cổ truyền theo 9 Điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông và các quy chế chuyên môn có liên quan.

Điều 11. Ngoài những tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 10, người được cấp chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền phải có đủ các tiêu chuẩn cụ thể sau:

1. Đối với người được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền:

1.1. Để đăng ký bệnh viện y học cổ truyền:

 a) Có bằng tốt nghiệp bác sĩ y dược học cổ truyền hoặc Giấy chứng nhận lương y do Bộ Y tế cấp.

 b) Có thời gian thực hành từ 5 năm trở lên tại bệnh viện y dược học cổ truyền, khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa hoặc viện có giường bệnh.

1.2. Để đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền (trừ loại hình quy định tại khoản 1 của Điều này):

 a) Có bằng tốt nghiệp: bác sĩ y dược học cổ truyền, y sĩ y dược học cổ truyền, Giấy chứng nhận lương y, người có bài thuốc gia truyền.

 b) Có thời gian thực hành 2 năm trở lên tại các cơ sở khám chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền hợp pháp:

2. Đối với người được cấp chứng chỉ hành nghề thuốc y dược học cổ truyền:

2.1. Để đăng ký hộ kinh doanh cá thể sản xuất thuốc thành phẩm y dược học cồ truyền (cao, đơn, hoàn, tán...) hoặc kinh doanh sản xuất bài thuốc gia truyền:

 a) Có bằng dược sỹ đại học và có Giấy chứng nhận đã học dược học cổ truyền, hoặc bác sỹ (y dược học cổ truyền hoặc có giấy chứng nhận là lương y hay lương dược do Bộ Y tế cấp, hoặc có Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cơ Sở Y tế tỉnh, Bộ Y tế cấp.

 b) Có 2 năm thực hành trở lên tại các cơ sở kinh doanh thuốc thành phẩm y dược học cổ truyền hợp pháp.

2.2. Để đăng ký hộ kinh doanh cá thể về thuốc phiến:

 a) Có trình độ dược sĩ trung học trở lên và có chứng chỉ đã học dược học cổ truyền hoặc là bác sĩ y dược học cổ truyền, y sĩ y dược học cổ truyền, lương y, lương dược hoặc là người đã được Sở Y tế tỉnh cấp Giấy chứng nhận đủ trình độ chuyên môn để kinh doanh thuốc y dược học cổ truyền.

 b) Có thời gian thực hành từ 2 năm trở lên tại các cơ sở kinh doanh thuốc y dược học cổ truyền hợp pháp.

2.3. Để đăng ký hộ kinh doanh cá thể về dược liệu sống:

 a) Có trình độ dược tá trở lên đã được bổ túc về Đông dược, hoặc là y sĩ y dược học cổ truyền, bác sĩ y dược học cổ truyền, lương y, lương dược, người có Giấy chứng nhận đủ trình độ chuyên môn để kinh doanh dược liệu sống do Sở Y tế định cấp.

 b) Có thời gian thực hành từ 2 năm trở lên tại ở sở kinh doanh dược liệu sống hợp pháp.

2.4. Để đăng ký kinh doanh đại lý thuốc y dược học cổ truyền.

 a) Có Giấy chứng nhận đủ trình độ chuyên môn mở cơ sở đại lý thuốc y dược học cổ truyền do Sở Y tế tỉnh cấp.

 b) Có thời gian thực hành 2 năm trở lên tại cơ sở đại lý thuốc y học cổ truyền hợp pháp.

C. CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y DƯỢC

Điều 12. Tiêu chuẩn chung.

1. Phải có bằng hoặc giấy chứng nhận chuyên ngành dược và có đủ thời gian thực hành trong các cơ sở dược hợp pháp tùy theo yêu cầu của từng loại hình hành nghề.

2. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ sức khỏe để hành nghề dược.

3. Không đang trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến y tế theo quyết định của tòa án, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng biện pháp quản chế hành chính; không đang trong thời gian chấp hành án phạt tù hoặc quyết định áp đụng biện pháp hành chính đưa váo cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

4. Hiểu biết và cam kết thực hiện Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, pháp luật hành nghề y dược tư nhân, quy chế dược và các quy chế chuyên môn khác có liên quan đến lĩnh vực hành nghề dược.

Điều 13. Tiêu chuẩn cụ thể:

1. Cá nhân đăng ký loại hình doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm và người phụ trách đơn vị phụ tá của doanh nghiệp: Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược và đã có 5 năm thực hành tại cơ sở dược hợp pháp.

Có Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn lương dược, lương y hoặc có Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền do Bộ Y tế cấp và qua thời gian thực hành 5 năm tại cơ sở dược cơ sở y học cổ truyền hợp pháp đối với cá nhân đăng ký loại hình doanh nghiệp, chỉ kinh doanh thuốc y học cổ truyền.

2. Cá nhân đăng ký loại hình nhà thuốc tư nhân:

2.1. Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược và đã qua thực hành 5 năm tại cơ sở dược hợp pháp.

2.2. Đối với các vùng miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa: có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành dược và đã qua thực hành 2 năm tại cơ sở dược hợp pháp. Người được cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dược phẩm theo quy định tại điểm này chỉ được phép hành nghề trong phạm vi của vùng đó.

3. Cá nhân đăng ký loại hình đại lý bán lẻ thuốc: có bằng tốt nghiệp trung học dược, sơ học dược và đã có 2 năm thực hành tại cơ sở dược hợp pháp.

Chương 3:

HỒ SƠ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC

A. HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC

Điều 14. Hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề gồm:

1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề:

 a) Đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề.

 b) Bằng tốt nghiệp hoặc Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn (bản sao hợp pháp).

 c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc Thủ trưởng cơ quan nơi người đó đang công tác.

 d) Giấy chứng nhận thời gian thực hành do Thủ trưởng đơn vị nơi thực hành ký và đóng dấu.

 e) Giấy khám sức khỏe do trung tâm y tế quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh trở lên cấp.

 f) Bản cam kết thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân, các văn bản hướng dẫn thi hành luật; pháp lệnh và các quy chế chuyên môn có liên quan.

 g) Giấy cho phép hành nghề ngoài giờ của Thủ trưởng đơn vị nếu người xin cấp chứng chỉ hành nghề đang làm việc trong các cơ sở y, dược của Nhà nước.

 h) Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề để đăng ký bệnh viện, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phải có xác nhận không đang là công chức nhà nước.

 i) Có 3 ảnh chân dung cỡ 3 cm x 4 cm.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn chứng chỉ hành nghề:

 a) Đơn đề nghị gia hạn chứng chỉ hành nghề.

 b) Giấy khám sức khỏe do trung tâm y tế quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh trở lên cấp.

 c) Giấy cho phép tiếp tục hành nghề ngoài giờ của Thủ trưởng đơn vị nếu người xin cấp chứng chỉ hành nghề đang làm việc trong các cơ sở y, dược của Nhà nước.

d) Giấy xác nhận của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh đã qua các lớp đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn và pháp luật y tế do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh tổ chức.

B. THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

Điều 15. Thủ tục:

1. Hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề:

Đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh: Hồ sơ gửi về Vụ Điều trị -Bộ Y tế.

Đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược: Hồ sơ gửi về Cục Quản lý dược Việt Nam - Bộ Y tế.

Đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền: Hồ sơ gửi về Vụ Y học cổ truyền - Bộ Y tế.

2. Hồ sơ đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp chứng chỉ hành nghề: Gửi về Sở Y tế tỉnh nơi đăng ký hành nghề.

C. THẨM QUYỀN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

Điều 16. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề:

1. Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề để đăng ký bệnh viện, doanh nghiệp kinh doanh dược (kể cả doanh nghiệp kinh doanh thuốc y học cổ truyền), các cơ sở sản xuất thuốc y dược học cổ truyền.

Chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp có giá trị trong phạm vi cả nước.

2. Sở Y tế tỉnh xét cấp chứng chỉ hành nghề cho các loại hình trừ các loại hình quy định tại khoản 1 Điều này.

Chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế tỉnh cấp có giá trị trong phạm vi tỉnh.

3. Bộ Y tế thành lập Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề để giúp Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc xem xét tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ hành nghề.

 a) Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh do đồng chí Thứ trưởng phụ trách điều trị làm Chủ tịch, Vụ trưởng Vụ Điều trị làm Phó chủ tịch, đại diện Tổng hội Y dược Việt Nam và các thành viên khác.

 b) Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền do đồng chí Thứ trưởng phụ trách y dược học cổ truyền làm Chủ tịch, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền làm Phó chủ tịch, đại diện Hội Đông y Việt Nam và các thành viên khác.

 c) Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề dược do đồng chí Thứ trưởng phụ trách dược làm Chủ tịch, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam làm Phó chủ tịch, đại diện Hội Dược học Việt Nam và các thành viên khác.

Riêng việc xét cấp chứng chỉ hành nghề dược cho người xin đăng ký doanh nghiệp sản xuất thuốc y dược học cổ truyền, Hội đồng xét cấp chứng chỉ phải có thêm thành viên là Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền.

4. Sở Y tế tỉnh thành lập Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề để giúp Giám đốc Sở trong việc xem xét tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ hành nghề y, dược. Hội đồng do một đồng chí lãnh đạo Sở làm Chủ tịch, Trưởng phòng nghiệp vụ y hoặc dược (tùy thuộc loại chứng chỉ hành nghề) là Phó chủ tịch Hội đồng, các ủy viên khác là đại diện các Hội Đông y tỉnh, Hội Y học, Hội Dược học của tỉnh (tùy thuộc loại chứng chỉ hành nghề) và các thành viên khác.

5. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hợp lệ, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh phải xét cấp, nếu từ chối cấp phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

6. Chứng chỉ hành nghề được gửi và lưu như sau:

Giấy chứng chỉ hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp hoặc do Giám đốc Sở Y tế định cấp được làm thành 2 bản: 1 bản lưu tại Bộ Y tế nếu do Bộ trưởng Bộ Y tế cấp hoặc Sở Y tế (nếu do Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp), 1 bản cho đương sự.

7. Mẫu chứng chỉ hành nghề được đính kèm theo Thông tư này*

Chương 4:

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Người vi phạm các quy định của Thông tư này, tùy mức độ và tính chất vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 18.

1. Người được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ bị thu hồi chứng chỉ trong các trường hợp sau:

 a) Chuyển, nhượng chứng chỉ hành nghề;

 b) Cho người khác mượn, thuê chứng chỉ hành nghề;

 c) Sử dụng chứng chỉ hành nghề không đúng mục đích;

 d) Hành nghề quá phạm vi cho phép hoặc vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh;

 e) Vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về y đức đạo đức hành nghề dược, đạo đức hành nghề y học cổ truyền;

 f) Người được cấp chứng chỉ hành nghề bị chết.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề có quyền thu hổi chứng chỉ hành nghề đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19.

1. Chứng chỉ hành nghề chỉ có giá trị cho việc đăng ký kinh doanh dịch vụ y dược. Trước khi tiến hành hoạt động, các cơ sở phải thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

2. Vụ trưởng Vụ Điều trị, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền phối hợp với Vụ Pháp chế và các vụ, cục chức năng, Thanh tra Bộ Y tế để tổ chức việc hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành và hủy bỏ các Thông tư số 19/2000/TT-BYT ngày 24/11/2000 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, Thông tư số 20/2000/TT-BYT ngày 28/11/2000 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xét cấp giấy chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền để đăng ký kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kinh doanh thuốc y học cổ truyền, Thông tư số 01/2001/TT-BYT ngày 19/1/2001 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề dược, Thông tư số 18/2001/TT-BYT ngày 02/8/2001 của Bộ Y tế về việc sửa đổi Điều 5, Điều 7 Thông tư số 01/2001/TT-BYT ngày 19/1/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc xét cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dược phẩm. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương phải báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Pháp chế) để nghiên cứu và giải quyết./.

 

BỘ TRƯỞNG




Đỗ Nguyên Phương