Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2233/QĐ-BCĐQG

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN XỬ LÝ THI HÀI NGƯỜI TỬ VONG DO MẮC BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO VI RÚT SARS-COV-2 TẠI CỘNG ĐỒNG

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 30/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra;

Căn cứ Quyết định số 56/2010/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định thẩm quyền thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp;

Xét đề nghị của Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn xử lý thi hài người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut SARS-CoV-2 tại cộng đồng.

Điều 2. Hướng dẫn xử lý thi hài người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut SARS-CoV-2 tại cộng đồng được áp dụng tại cộng đồng, nhà tang lễ, nhà hỏa táng, nghĩa trang, phương tiện vận chuyển thi hài.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Các VP, Vụ, Cục, Tổng cục Cục, Thanh tra Bộ;
- Các Viện VSDTTW, VSDT TN, Pasteur NT, Pasteur TPHCM, SKNN&MT, YTCC TPHCM;
- Sở Y tế, Trung tâm KSBT/YTDP các tỉnh, TP;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, BCĐQG, MT.

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
THƯỜNG TRỰC




Đỗ Xuân Tuyên
Thứ trưởng Bộ Y tế

 

HƯỚNG DẪN

XỬ LÝ THI HÀI NGƯỜI TỬ VONG DO NHIỄM HOẶC NGHI NGỜ NHIỄM VI RÚT SARS-COV-2 TẠI CỘNG ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2233/QĐ-BCĐQG ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19)

PHẦN THỨ NHẤT

THÔNG TIN CHUNG VỀ DỊCH COVID-19

1. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A, là nhóm bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Phòng bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nghi ngờ, phòng chống lây truyền tại cộng đồng và vệ sinh môi trường.

2. Đường lây truyền, thời gian ủ bệnh

- Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

- Thời gian ủ bệnh trong vòng 14 ngày. Người mang vi rút SARS-CoV-2 có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh.

- Khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như nhà máy, nhà ga, bến tàu xe, sân bay, lễ hội, trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch... sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan.

3. Triệu chứng biểu hiện bệnh

- Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, đau rát họng, khó thở, có trường hợp viêm phổi, viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.

- Một số người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện.

- Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh: là người có ít nhất một trong các triệu chứng: sốt; ho; đau họng; khó thở hoặc viêm phổi và có một trong các yếu tố dịch tễ sau:

+ Có tiền sử đến/qua/ở/về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

+ Có tiền sử đến/ở/về từ nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.

+ Tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.

- Ca bệnh xác định: là ca bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

- Người tiếp xúc gần: là người có tiếp xúc trong vòng 2 mét với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh, bao gồm:

+ Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

+ Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

+ Người cùng nhóm: du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp... với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

+ Người ngồi cùng hàng và trước sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (tàu, xe ô tô, máy bay, tàu thủy...) với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh. Trong một số trường hợp cụ thể, tuỳ theo kết quả điều tra dịch tễ, cơ quan y tế sẽ quyết định việc mở rộng danh sách người tiếp xúc gần đối với hành khách đi cùng một phương tiện giao thông.

+ Bất cứ người nào có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh ở các tình huống khác.

4. Một số nguyên tắc, khái niệm về phòng và điều trị bệnh COVID-19

- Hiện nay bệnh COVID-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh, cách ly những người tiếp xúc vòng 1 (là người tiếp xúc với ca bệnh xác định), tiếp xúc vòng 2 (là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần).

- Thực hiện các biện pháp dự phòng giọt bắn để tránh lây nhiễm trực tiếp do hít phải giọt bắn có chứa vi rút phát tán trong không khí thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện và các biện pháp dự phòng tiếp xúc để tránh lây nhiễm gián tiếp do chạm tay vào các bề mặt bị nhiễm vi rút rồi chạm vào mắt, mũi, miệng. Các biện pháp dự phòng chung gồm: hạn chế ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết; nếu phải ra khỏi nhà thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; khai báo y tế điện tử.

- Khoảng cách tối thiểu và việc đeo khẩu trang thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

- Rửa tay được hiểu là rửa tay với nước sạch và xà phòng ít nhất trong thời gian 30 giây hoặc làm sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

- Dung dịch sát khuẩn tay: Phải chứa ít nhất 60% cồn hoặc các hoạt chất diệt khuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

- Dung dịch khử khuẩn bề mặt: (i) dung dịch khử khuẩn có chứa ít nhất 70% cồn (ii) pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite) theo tỷ lệ 20 ml dung dịch tẩy rửa với 01 lít nước, (iii) hoặc dung dịch chứa 0,5% Clo hoạt tính sau khi pha.

PHẦN THỨ HAI

HƯỚNG DẪN XỬ LÝ THI HÀI NGƯỜI TỦ VONG DO NHIỄM HOẶC NGHI NGỜ NHIỄM VI RÚT SARS-CoV-2 TẠI CỘNG ĐỒNG

I. Mục đích

Phòng ngừa lây lan dịch COVID-19 tại cộng đồng.

II. Phạm vi và đối tượng áp dụng

- Hướng dẫn này áp dụng trong trường hợp dịch COVID-19 ở cấp độ 5 theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và khả năng có người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng.

- Nơi có người tử vong do nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 (sau đây gọi chung là người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2) tại cộng đồng, nhà tang lễ, nhà hỏa táng, nghĩa trang, phương tiện vận chuyển.

- Người tham gia xử lý thi hài người tử vong do nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 (sau đây gọi chung là thi hài nhiễm SARS-CoV-2), người tiếp xúc gần với người tử vong do/thi hài nhiễm SARS-CoV-2 và người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người tử vong do/thi hài nhiễm SARS-CoV-2.

- Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức có liên quan đến người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2.

- Không bao gồm trường hợp tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung. Đối với trường hợp tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế thực hiện theo Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona 2019 (COVID-19) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Thi hài nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng được xác định như sau:

+ Người tử vong có ít nhất một trong các triệu chứng: sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc viêm phổi trước khi tử vong;

+ Người tử vong có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 14 ngày tính từ thời điểm được xác định tử vong trở về trước;

+ Khu vực người tử vong lưu trú có ít nhất 01 trường hợp xác định nhiễm COVID-19;

+ Người tử vong tại các địa điểm công cộng mà không xác định được nguyên nhân tử vong.

III. Xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2

Thi hài người nhiễm SARS-CoV-2 phải được hỏa táng; chỉ mai táng trong trường hợp không thực hiện được việc hỏa táng.

1. Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, hóa chất

- Phương tiện làm sạch: thùng/xô, giẻ lau, bình/máy phun khử khuẩn…

- Túi đựng thi hài, túi đựng chất thải lây nhiễm có màu vàng.

- Phương tiện bảo vệ cá nhân là các phương tiện sử dụng 01 lần gồm:

+ Khẩu trang y tế.

+ Kính bảo hộ che mắt.

+ Quần áo phòng dịch chống thấm.

+ Mũ chụp tóc trùm kín đầu và cổ.

+ Găng tay cao su.

+ Ủng cao su hoặc bao che giày chống thấm.

- Dung dịch khử khuẩn bề mặt.

- Dung dịch khử khuẩn tay.

2. Các bước xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2

Ngay khi có người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2, việc xử lý thi hài cần thực hiện ngay như sau:

2.1. Gọi điện thông báo cho chính quyền, cơ quan y tế địa phương hoặc Bộ Y tế (điện thoại: 1900 3228 hoặc 1900 9095) để được tư vấn, hỗ trợ tiến hành xử lý thi hài. Hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý thi hài.

2.2. Xử lý thi hài do nhiễm SARS-CoV-2:

- Bọc thi hài trong túi đựng thi hài: sử dụng vật liệu chống thấm lót bên trong túi đựng thi hài và đóng kín túi. Trường hợp không có túi đựng thi hài, quấn kín thi hài bằng 01 lớp vải cotton dày, sau đó bọc kín thi hài bằng 01 lớp ni-lon và dán hoặc buộc chặt. Sử dụng thẻ hoặc miếng dán cảnh báo “THI HÀI NHIỄM SARS-COV-2” ở bên ngoài túi.

- Lau khử khuẩn bên ngoài túi đựng thi hài bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt. Ưu tiên sử dụng dung dịch chứa 0,5% Clo hoạt tính.

2.3. Khâm liệm thi hài do nhiễm SARS-CoV-2:

Phải khâm liệm thi hài trong vòng 6 giờ kể từ khi tử vong hoặc khi phát hiện thi hài.

- Lót một tấm ni-lon lớn đủ để bao bọc thi hài dưới đáy quan tài, đặt thi hài lên tấm ni-lon đã lót dưới đáy quan tài và gói kín.

- Đóng kín quan tài. Kiểm tra và dán kín các khe hở của quan tài để đảm bảo không bị rò rỉ dịch ra ngoài.

- Lau toàn bộ quan tài bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt.

2.4. Khử khuẩn, xử lý môi trường toàn bộ khu vực, buồng, phòng có người tử vong:

- Thu gom toàn bộ rác thải bao gồm đồ vải, vật dụng cá nhân cần thải bỏ của người tử vong, phương tiện bảo vệ cá nhân và các chất thải phát sinh trong quá trình xử lý thi hài. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng đầu tiên và buộc chặt miệng túi. Sau đó cho túi thứ nhất vào một túi màu vàng thứ hai, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Bên ngoài túi màu vàng thứ hai phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” và đưa đi xử lý theo quy định.

- Xử lý toàn bộ các bề mặt khu vực có người tử vong bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt:

+ Lau các bề mặt cần khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn theo nguyên tắc từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.

+ Các vị trí lau:

* Phòng đặt thi hài: nền nhà, tường, giường người tử vong, bàn ghế, tủ quần áo, tay nắm cửa…

* Các khu vực khác trong nhà: nền nhà, tường, bồn cầu, vòi nước, khu bếp, cửa sổ, cửa ra vào….

* Trường hợp người tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện tại nơi công cộng thì khử khuẩn toàn bộ khu vực phát hiện người tử vong và khu vực xung quanh địa điểm phát hiện người tử vong cũng như các khu vực có liên quan.

- Sau khi xử lý xong thi hài thì tất cả những người tham gia đều phải vệ sinh tay bằng rửa sạch tay với nước sạch và xà phòng, sau đó khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

2.5. Vận chuyển thi hài nhiễm SARS-CoV-2

- Vận chuyển quan tài tới nơi hỏa táng, mai táng.

- Người đi cùng phương tiện vận chuyển quan tài của người tử vong phải mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.

- Ngay sau khi vận chuyển quan tài tới nơi hỏa táng, mai táng phải khử khuẩn toàn bộ bề mặt phương tiện chở quan tài bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt.

- Sau khi khử khuẩn phương tiện vận chuyển quan tài, người tham gia vận chuyển tháo, cởi bỏ các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định; Vệ sinh tay bằng rửa sạch tay với nước sạch và xà phòng, sau đó khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

2.6. Hỏa táng, mai táng

a) Hoả táng:

- Cần tiến hành hỏa táng thi hài nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.

- Sau khi hỏa táng, phải tiến hành vệ sinh khử khuẩn nền nhà, tường, cửa phòng tiếp nhận, các dụng cụ, trang thiết bị có liên quan bằng dung dịch khử khuẩn bề mặt.

- Sau khi hỏa táng và vệ sinh khử khuẩn, người tham gia hỏa táng tháo, cởi bỏ các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định; vệ sinh tay bằng rửa sạch tay với nước sạch và xà phòng, sau đó khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

b) Mai táng:

- Chọn nơi đất cao, cuối hướng gió, không bị ngập úng để đào huyệt. Cần tiến hành việc mai táng thi hài trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.

- Sau khi hoàn tất mai táng, người tham gia mai táng tháo, cởi bỏ các phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định; vệ sinh tay bằng rửa sạch tay với nước sạch và xà phòng, sau đó khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

2.7. Phương tiện bảo vệ cá nhân:

- Những người tham gia xử lý, khâm liệm, vận chuyển, hỏa táng, mai táng thi hài; khử khuẩn và xử lý môi trường luôn mang phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hành mặc vào, tháo bỏ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định.

- Các phương tiện bảo vệ cá nhân sau khi tháo bỏ phải được thu gom vào túi màu vàng đầu tiên và buộc chặt miệng túi. Sau đó cho túi thứ nhất vào một túi màu vàng thứ hai, tiếp tục buộc chặt miệng túi. Bên ngoài túi màu vàng thứ hai phải dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2” và đưa đi xử lý theo quy định.

3. Xử lý đối với người tiếp xúc với người tử vong do/thi hài nhiễm SARS- CoV-2

Những người tiếp xúc với người tử vong do/thi hài nhiễm SARS-CoV-2 phải thực hiện cách ly phòng bệnh theo quy định tại Mục IV Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 ban hành theo Quyết định số 963/QĐ-BYT ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

- Chỉ đạo các Sở: Y tế, Tài nguyên và Môi trường và UBND các cấp phổ biến, xây dựng kế hoạch, triển khai và kiểm tra giám sát việc thực hiện hướng dẫn này.

- Chỉ đạo các cơ sở hỏa táng, mai táng trên địa bàn xây dựng kế hoạch để đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn.

- Chỉ đạo thành lập các tổ xử lý thi hài để kịp thời xử lý trong trường hợp dịch cấp độ 5 theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.

- Hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho việc tổ chức thực hiện công tác xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2, khử khuẩn và xử lý môi trường.

2. Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường

- Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh trong quá trình xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2 kịp thời theo đúng quy định.

3. Trung tâm kiểm soát bệnh tật/Trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh

- Tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị y tế và các đơn vị liên quan trên địa bàn trong việc thực hiện hướng dẫn này.

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng.

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế cấp huyện chỉ đạo, phổ biến, tập huấn triển khai hướng dẫn cho các đơn vị y tế và các đơn vị liên quan cấp xã ; tổ chức truyền thông về việc thực hiện hướng dẫn cho cộng đồng; tham gia xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã nơi có người tử vong do nhiễm SARS- CoV-2

- Phổ biến, tuyên truyền việc triển khai hướng dẫn trên địa bàn.

- Thành lập các đội xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2 và cung cấp đầy đủ hóa chất, trang thiết bị, phương tiện theo hướng dẫn.

- Chỉ đạo tổ trưởng dân phố/trưởng thôn, các ban, ngành liên quan thông báo ngay cho chính quyền địa phương khi có người tử vong do nhiễm SARS- CoV-2.

- Chỉ đạo trạm y tế cấp xã phối hợp với đội xử lý thi hài trong quá trình xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2.

- Đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình thực hiện xử lý thi hài nhiễm SARS-CoV-2.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện hướng dẫn này.

5. Cơ sở hỏa táng, mai táng

- Chuẩn bị đủ hóa chất, trang thiết bị theo hướng dẫn.

- Thực hiện việc hỏa táng, mai táng thi hài nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn đảm bảo an toàn.