Phân chia di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Ngày gửi: 05/02/2018 lúc 11:31:12

Mã số câu hỏi: HTPL42205

Câu hỏi:

Ông bà nội của tôi sinh ra được 06 người con, khi mất ông bà chưa viết di chúc để lại tài sản cho ai. Đến năm 1986, bác dâu cả tự khai và chia làm mảnh đất thành 03 phần cho hai chị em dâu và  01 cháu cả. Tôi muốn hỏi theo quy định của pháp luật hiện hành, thì di sản của ông bà để lại sẽ được chia cho cả 6 người được hưởng hay là 3 người được hưởng?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

+ Bộ luật Dân sự năm 2015;

 2. Nội dung tư vấn

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì ông nội của bạn sinh ra được 06 người con, và khi mất ông bà không để lại di chúc. Có thể thấy, trong thông tin, bạn không nói rõ, ông, bà bạn mất vào thời điểm nào, tuy nhiên, bạn có nói rõ năm 1986, bác dâu cả (người con dâu lớn) đã tự khai nhân và tự phân chia di sản thừa kế của ông, bà nội bạn để lại, nên có thể xác định, ông, bà bạn chết từ năm 1986 trở về trước. Thời điểm ông, bà chết được xác định là thời điểm mở thừa kế của ông, bà (theo Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2015). Và khi ông bà chết thì tài sản thuộc quyền sở hữu của ông, bà trở thành di sản thừa kế để lại cho những người thừa kế hợp pháp của họ. Di sản thừa kế của ông, bà sẽ bao gồm tài sản riêng của ông, bà, và phần tài sản của ông, bà trong khối tài sản chung với người khác.

Ông bà chết không để lại di chúc, nên phần tài sản là di sản này sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế, bao gồm:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì khi ông bà nội của bạn chết, không để lại di chúc thì di sản mà ông bà để lại được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông, bà bạn, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của ông, bà bạn (nếu thời điểm ông, bà bạn mất thì họ vẫn còn sống), các con của ông bà (gồm con đẻ, con nuôi).

Những người thuộc hàng thừa kế sau chỉ được hưởng tài sản thừa kế trong trường hợp không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Trong khi đó, mặc dù cha, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của ông bà bạn đã chết thì 06 người con của ông, bà bạn vẫn còn sống, thể hiện ở việc bạn đang thắc mắc việc phân chia tài sản cho 03 người (gồm 02 người con dâu và người cháu cả) hay chia cho 06 người con. Do vậy, 06 người con vẫn được xác định là người thừa kế được phân chia di sản ở trong trường hợp này.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến về thừa kế qua tổng đài: 024.6294.9155

Đồng thời, cũng căn cứ theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 được trích dẫn nêu trên thì những người con dâu của ông bà bạn bao gồm cả người con dâu cả không được xác định là một trong những người thừa kế theo pháp luật của ông bà của bạn khi ông bà mất không để lại di di chúc. Sự việc năm 1986, người con dâu cả tự mình khai nhận và phân chia di sản trong khi những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất vẫn đang còn sống được xác định là không có căn cứ. Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Bộ luật dân sự 2015 thì di sản mà ông bà để lại sau khi chết mà không để lại di chúc sẽ được chia thừa kế cho những người thừa kế theo pháp luật của ông bà nội của bạn, trong đó có 06 người con của ông bà.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản sẽ thuộc về quyền sở hữu của người đang chiếm hữu hoặc thuộc về nhà nước.

Trong trường hợp của bạn, ông, bà của bạn được xác định là chết từ năm 1986 trở về trước, tính đến thời điểm hiện tại (năm 2017) thì đã trả qua trên 31 năm, đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản và tài sản của ông bà nội của bạn thuộc về người chiếm hữu hợp pháp (gồm hai người chị em dâu và người cháu cả). Những người thừa kế của ông, bà nội của bạn đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Twitter
Chia sẻ

VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH