Người nào đương nhiên được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc

Ngày gửi: 06/10/2020 lúc 23:02:24

Mã số câu hỏi: HTPL42268

Câu hỏi:

Người nào đương nhiên được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc? Người không có tên trong di chúc có được hưởng thừa kế không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân không chỉ có quyền định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình khi họ còn sống mà còn thể hiện ý chí, nguyện vọng về việc chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết thông qua việc lập di chúc để lại. Về mặt nguyên tắc, di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc trong trường hợp có di chúc hợp pháp. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định một số trường hợp đặc thù vẫn được hưởng di sản thừa kế cho dù người để lai tài sản lập di chúc không có phần của họ. Vậy, những người nào được quy định là người đương nhiên được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc?

1. Quy định của pháp luật về thừa kế 

Theo quy định, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Đồng thời, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Lưu ý:

– Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân chỉ được nhận di sản theo di chúc

– Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác

Về thời điểm, địa điểm mở thừa kế: Tại Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định như sau:

– Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được Tòa án xác định.

– Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Như ở trên đã đề cập, cá nhân có thể lập di chúc thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

– Người thành niên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

Người lập di chúc được pháp luật ghi nhận các quyền sau đây khi lập di chúc:

– Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

– Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

– Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

– Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

– Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Do đó, di chúc sẽ được ưu tiên làm cơ sở để chia di sản thừa kế nếu đảm bảo tính hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

– Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

– Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

2. Quy định của pháp luật về trường hợp đương nhiên hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Di chúc hợp pháp đóng vai trò là cơ sở cho việc phân chia di sản thừa kế, tuy nhiên pháp luật cũng quy định những trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất: Con chưa thành niên của người để lại di sản

Theo quy định của pháp luật, cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Cha, mẹ có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên. Do đó, việc xác định con chưa thành niên là đối tượng hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con.

Lưu ý:

– Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015, người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Độ tuổi chưa thành niên được xác định tại thời điểm mở thừa kế tức là thời điểm người có di sản thừa kế chết.

– Con chưa thành niên trong trường hợp này được xác định bao gồm con đẻ (con trong giá thú, con ngoài giá thú) và con nuôi hợp pháp.

Trường hợp thứ hai: cha, mẹ của người để lại di sản

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, con có  nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Cha, mẹ thuộc trường hợp đương nhiên hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc bao gồm cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi hợp pháp.

Trường hợp thứ ba: vợ, chồng của người để lại di sản

Theo quy định, vợ, chồng là người giám hộ đương nhiên của nhau, có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Khi vợ hoặc chồng chết, người còn lại sẽ được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc nếu đáp ứng điều kiện họ phải là vợ, chồng hợp pháp của nhau theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP  như sau:

– Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;

– Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết;

– Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết.

Trường hợp thứ tư: con thành niên không có khả năng lao động

Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật dân sự năm 2015, con thành niên được xác định là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Có thể hiểu một cách chung nhất, người thành niên không có khả năng lao động là người không thể tự nuôi sống bản thân tại thời điểm mở thừa kế do mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, không làm chủ hành vi của mình.

3. Điều kiện hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015, pháp luật ghi nhận những trường hợp được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Tuy nhiên, trường hợp này không áp dụng đối với các trường hợp sau:

Thứ nhất, người thừa kế phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 613 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết

Thứ hai, người thừa kế đương nhiên không phụ thuộc vào di chúc phải không từ chối nhận di sản. Cụ thể, tại Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rõ người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Việc từ chối di sản được coi là hợp pháp nếu đáp ứng các điều kiện:

– Không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Bởi người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như:

+ Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

+ Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

+ Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

– Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

– Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản

Thứ ba, không thuộc trường hợp người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Twitter
Chia sẻ