Nghị quyết 91/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2020
- Số hiệu: 91/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 11/06/2020
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Chưa rõ
- Số công báo: Từ số 647 đến số 648
- Ngày hiệu lực: 11/06/2020
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
- 1 Nghị quyết 84/NQ-CP năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 701/QĐ-TTg năm 2020 về kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Chỉ thị 23/CT-TTg năm 2020 về tăng cường giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi
- 6 Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 7 Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 do Chính phủ ban hành
- 8 Luật Chăn nuôi 2018
- 9 Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 10 Quyết định 22/2013/QĐ-TTG hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2020 |
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 5 NĂM 2020
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2020, tổ chức vào ngày 02 tháng 6 năm 2020,
QUYẾT NGHỊ:
1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2020
Chính phủ thống nhất đánh giá: Với quyết tâm cao và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới có nhiều điểm sáng, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Chúng ta đã ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, xã hội phục hồi nhanh và mạnh, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế cả trong phòng, chống dịch Covid-19 và sự an toàn của nền kinh tế. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 đạt nhiều kết quả tích cực hơn so với tháng 4; ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì; chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng trước; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm; thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng xuất siêu gần 2 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực, tăng 26,15% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 26% kế hoạch giao. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai như: hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá... khu vực nông nghiệp nhìn chung phát triển ổn định; năng suất lúa đông xuân tăng so với cùng kỳ, đời sống nông dân được cải thiện. Sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 11,2% so với tháng trước. Khu vực dịch vụ từng bước được khôi phục, đặc biệt là du lịch nội địa, vận tải; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng tăng 26,9%. Chỉ số PMI tháng 5 tăng 10 điểm, mức tăng cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Phát triển doanh nghiệp có bước cải thiện, phục hồi rõ nét; cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 36,1%. Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thông tin truyền thông có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, cổ vũ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai tích cực, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Nhân dân. Thị trường lao động có tín hiệu khả quan; lao động, việc làm từng bước ổn định. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ có những chuyển biến tích cực. Công tác đối ngoại được chú trọng. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; trật tự an toàn giao thông cơ bản được bảo đảm.
Tuy nhiên, nước ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại tiếp tục xu hướng tăng. Áp lực lạm phát gia tăng. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có xu hướng giảm. Cân đối ngân sách nhà nước gặp khó khăn; bội chi ngân sách có xu hướng gia tăng. Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng còn chậm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, tiếp tục nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", không được chủ quan, kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để lây lan trong cộng đồng; thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2020; trong đó kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; xác định rõ đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng; đồng thời tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, khu vực, nhất là các đối tác lớn, và trong nước, chủ động có đối sách, giải pháp phù hợp, kịp thời. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh xã hội, tín dụng và tài khóa cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra; đồng thời khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết số 35/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Từng bộ, ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục khó khăn, khôi phục mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân; tận dụng thời cơ, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại từng ngành, từng lĩnh vực; đổi mới cách làm, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Đặc biệt, các địa phương trụ cột, đầu tàu kinh tế của cả nước và các vùng kinh tế trọng điểm phải nỗ lực, tạo lan tỏa trong phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản và vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong cơ quan thuế và hải quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hướng dẫn, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến bố trí kinh phí chi trả, hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước và vốn vay ODA, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân theo quy định.
- Bộ Công Thương phối hợp với bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước. Thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng; khẩn trương rà soát, cơ cấu lại nguồn điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét việc phát triển phù hợp các nguồn điện gió, điện mặt trời.
- Bộ Xây dựng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các địa phương, nhất là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Có giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Tổng hợp kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương có phương án điều tiết hiệu quả để giảm giá thịt lợn với các giải pháp phù hợp, căn cơ, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là giải quyết khâu đầu vào, giống, thức ăn, đẩy nhanh tái đàn gắn với khống chế dịch tả lợn châu Phi cùng các biện pháp khác, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và tổ chức tốt phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đủ nước sạch cho người dân khi hạn hán, xâm nhập mặn. Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện các giải pháp nhằm cơ cấu lại, khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương có cơ chế, biện pháp quản lý đất đai tại các khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh.
- Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất; 02 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài; dự án sân bay quốc tế Long Thành; triển khai ngay các thủ tục đối với các dự án đầu tư công và các dự án theo hình thức PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương đề xuất tháo gỡ nguồn vốn đối ứng của dự án đường bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ chương trình tổng thể kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7; tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Tổ chức hướng dẫn hoạt động vui chơi lành mạnh cho trẻ em, nhất là việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè. Ủy ban nhân dân các cấp, các trường học, cơ sở giáo dục xác định rõ trách nhiệm, cùng phối hợp với gia đình và sự giám sát của các tổ chức đoàn thể trong việc phòng, chống bạo lực trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ em.
Đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho các đối tượng được hỗ trợ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đẩy nhanh công tác rà soát, phê duyệt để hỗ trợ cho các đối tượng chính xác, kịp thời. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương công khai việc thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để người dân giám sát, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hỗ trợ đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét về việc sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 theo hướng xây dựng tiêu chí phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được tiếp cận tín dụng cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động.
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao xử lý cụ thể và kiểm soát chặt chẽ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và các nước viện trợ để sử dụng hiệu quả, không để lãng phí nguồn lực.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng, cơ cấu lại thị trường du lịch, tập trung thúc đẩy thị trường du lịch trong nước; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền xúc tiến du lịch nội địa với thông điệp Du lịch Việt Nam an toàn, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình kích cầu du lịch nội địa.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương chỉ đạo các trường học tăng cường tổ chức hoạt động vui chơi trong nhà trường, phối hợp dạy kỹ năng bơi cho học sinh đề phòng, chống đuối nước trong dịp nghỉ hè. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là việc đưa vào sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế tài chính đặc thù của trường Đại học Việt - Nhật. Chủ trì đề xuất và phối hợp với các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính và các bộ cơ quan liên quan xem xét việc hỗ trợ người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; các chế độ, chính sách cho các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; chính sách đối với việc dạy học, tập huấn giáo viên trực tuyến. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nghiêm túc, an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi. Các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ điều kiện dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương.
- Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai việc đánh giá, đề xuất khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể liên quan trong việc tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
- Phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý sớm, tránh để lãng phí tài sản của vụ án kinh tế, tham nhũng.
- Phân công Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, có phương án phù hợp mở một số đường bay quốc tế kết nối với các điểm trung chuyển để đưa người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài và nhà đầu tư vào Việt Nam, bảo đảm an toàn phòng dịch trong cộng đồng.
- Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng chức năng bám sát diễn biến tình hình, chủ động phương án đối phó với các tình huống, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm an toàn cao nhất các hoạt động kinh tế biển.
- Bộ Công an tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp; tập trung trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, lao động và học tập tại nước ngoài, thương mại điện tử, an ninh mạng... Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, duy trì trật tự an toàn giao thông và phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm an toàn cho người dân, doanh nghiệp.
- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị các phương án tổ chức chu đáo Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và doanh nghiệp điện tử và thanh toán điện tử; khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số. Chỉ đạo cơ quan báo chí tăng cường thông tin truyền thông về những thành công trong phòng, chống dịch Covid-19; những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn, những mô hình mới, kinh nghiệm tốt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời phản ánh những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ và những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp tục sắp xếp cơ quan báo chí, nhất là đối với các tạp chí. Phối hợp, hướng dẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến, hỗ trợ giá, gói cước và các hạ tầng khác, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ trong dạy học.
- Các thành viên Chính phủ theo dõi, nắm bắt những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, chủ động chuẩn bị, báo cáo giải trình, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý cho các đại biểu Quốc hội, báo chí; đặc biệt lưu ý việc thực hiện các cam kết, lời hứa tại các kỳ họp trước.
- Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn được phân công, chuẩn bị tốt công tác sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2020, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020; chuẩn bị triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới.
2. Về tháo gỡ khó khăn, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp trong thời gian đại dịch Covid-19
Chính phủ yêu cầu:
- Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ và các văn bản liên quan; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền theo quy định để tháo gỡ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
- Văn phòng Chính phủ chuyển các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết theo báo cáo số 728/PTM-KTTH ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đến các bộ, cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền; theo dõi, tổng hợp tình hình xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội.
4. Về giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện Điểm c Khoản 3 Điều 18 và Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể Nghị định 13/2020/NĐ-CP , xác định các vướng mắc, bất cập cụ thể trong quá trình thực hiện các quy định Điểm c Khoản 3 Điều 18, Khoản 2 Điều 29 Nghị định 13/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến việc tiếp nhận vật nuôi sống vào Việt Nam và giấy chứng nhận lưu hành tự do; báo cáo đánh giá đầy đủ, cụ thể nguyên nhân vướng mắc (do quy định pháp luật hay quá trình thực thi pháp luật). Trên cơ sở đó, đề xuất việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 13/2020/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Trong thời gian chưa sửa đổi Nghị định 13/2020/NĐ-CP , Chính phủ thống nhất ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 18 và Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP cho đến thời điểm Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
5. Về ban hành văn bản quy định chi tiết và thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao
a) Về ban hành văn bản quy định chi tiết: Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng trực tiếp chỉ đạo, khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.
b) Về tình hình thực hiện Chương trình công tác và nhiệm vụ giao:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo phân công khẩn trương chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, hoàn thiện, trình các đề án trong Chương trình công tác còn nợ đọng trước ngày 10 tháng 6 năm 2020 và hoàn thành các nhiệm vụ giao đã quá hạn; đồng thời chủ động xây dựng, trình đúng tiến độ 59 đề án theo Chương trình công tác tháng 6 năm 2020 và thực hiện các nhiệm vụ giao còn trong hạn, nhất là các nhiệm vụ giao liên quan đến hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách được giao tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.
c) Các Bộ, cơ quan theo phân công chuẩn bị các hội nghị chuyên đề và dự thảo các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo phân công tại văn bản số 4108/VPCP-TH ngày 26 tháng 5 năm 2020.
6. Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Chính phủ thống nhất cơ bản thông qua Đề nghị xây dựng Luật Các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ; tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật; báo cáo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc xem xét, bổ sung Đề nghị xây dựng Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.
7. Về dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp thống nhất phương án, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 15 tháng 6 năm 2020 trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.
8. Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra năm 2020 tại Nghị quyết số 17/NQ-CP , nhất là việc hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020; tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/ chính quyền điện tử của bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung phù hợp, bảo đảm hiệu quả.
Bộ Công an tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
- 1 Nghị quyết 118/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2020
- 2 Nghị quyết 84/NQ-CP năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 701/QĐ-TTg năm 2020 về kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Chỉ thị 23/CT-TTg năm 2020 về tăng cường giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị quyết 70/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2020
- 6 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị quyết 41/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020
- 8 Nghị quyết 28/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2020
- 9 Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi
- 10 Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 11 Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 do Chính phủ ban hành
- 12 Luật Chăn nuôi 2018
- 13 Nghị định 138/2016/NĐ-CP Quy chế làm việc của Chính phủ
- 14 Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 do Chính phủ ban hành
- 15 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 16 Quyết định 22/2013/QĐ-TTG hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006