
Đã là con nuôi người khác, có được nhận thừa kế của bố mẹ đẻ không?
Ngày gửi: 17/11/2020 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Đã là con nuôi người khác, có được nhận thừa kế của bố mẹ đẻ không? Khi cho làm con nuôi có bị mất quyền của cha mẹ với con không?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
Khi đã được nhận là con nuôi người khác thì có được nhận thừa kế từ cha mẹ đẻ không? Pháp luật quy định về quyền thừa kế giữa con nuôi với cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ như thế nào? Liệu khi đã là con nuôi người khác, thì có được nhận thừa kế của bố mẹ đẻ của mình nữa không? Trong bài viết dưới đây của công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam chúng tôi sẽ giúp bạn đọc giải đáp vướng mắc này.
1. Khái niệm về con nuôi theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại khoản 3 điều 3 Luật con nuôi năm 2010 quy định cụ thể như sau:
3. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký
2. Hệ quả của việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật
Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.
2. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ theo quy định của pháp luật
Theo Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 653. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.
Người làm con nuôi và cha nuôi thì có quyền thừa kế di sản của cha, mẹ nuôi. Quan hệ thừa kế này phát sinh trên cơ sở quan hệ nuôi dưỡng giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi. Người làm con nuôi thì không có quan hệ gia đình đối với những người thân thích của cha, mẹ nuôi, cho nên không được hưởng thừa kế theo pháp luật của những người này. Ngược lại, làm con nuôi vẫn còn quan hệ ruột thịt với cha, mẹ, ông, bà, bác, chú, cô, dì, cậu ruột…cho nên vẫn có quyền thừa kế của những người này và có quyền thừa kế thế vị di sản của ông bà nội, ông bà ngoại theo điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
3. Hàng thừa kế theo quy định của pháp luật
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Diện thừa kế là phạm vi những người có quyền hưởng di sản của người chết theo quy định của pháp luật. Diện những người thừa kế được xác định dựa trên ba mối quan hệ với người để lại di sản : hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng.
Quan hệ hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng trên cơ sở kết hôn hợp pháp ( theo các điều kiện do pháp luật quy định tại thời điểm kết hôn). Quan hệ thừa kế giữa vợ với chồng: Vợ, chồng sẽ được thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của nhau nếu vào thời điểm một bên chết mà quan hệ hôn nhân về mặt pháp lý vẫn còn tồn tại.
Đặc biệt cần lưu ý đối với các trường hợp cụ thể tại điều 655 bộ luật dân sự 2015, như sau: Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng thừa kế di sản. Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được hưởng di sản thừa kế. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đối với trường hợp một người có nhiều vợ, nhiều chồng trước ngày 13/1/1960 ở Miền Bắc, trước ngày 25/8/1977 ở Miền Nam, cán bộ Miền Nam tập kết ra Bắc (trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1975) lấy vợ, lấy chồng khác và kết hôn sau không bị Tòa án hủy bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp này vợ, chồng được hưởng thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của tất cả những người chồng (vợ) và ngược lại.
Trên cơ sở quan hệ huyết thống từ gần đến xa, pháp luật phân chia diện những người thừa kế thành các hàng thừa kế. Quan hệ thừa kế giữa cha mẹ đẻ với con đẻ và cha mẹ nuôi và con nuôi: Cha đẻ, mẹ đẻ của một người là người đã sinh ra người đó. Do vậy, cha mẹ của người con trong giá thú hoặc ngoài giá thú đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất của con mình và ngược lại.Đối với quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ là hàng thừa kế thứ nhất của nhau nếu việc nhận nuôi được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Hàng thừa kế thứ hai: Để xác định hàng thừa kế thứ hai cần làm rõ các khái niệm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại và anh chị em ruột. Cụ thể ông nội, bà nội là người đã sinh ra cha của một người; ông ngoại, bà ngoại là người đã sinh ra mẹ của người đó. Anh, chị, em ruột là những người có cùng ít nhất cha hoặc mẹ. Quan hệ này chỉ được xác định trên quan hệ huyết thống.
Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội là người đã sinh ra ông nội hoặc bà nôi của một người. Tương tụ cụ ngoại là người đã sinh ra ông ngoại hoặc bà ngoại của người đó. Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của một người là những anh, chị, em ruột của bố đẻ hoặc mẹ đẻ của người đó.
4. Quyền của người lập di chúc theo quy định của pháp luật
Theo Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định như sau:
Điều 626:Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Nội dung của di chúc thể hiện ý chí chủ quan của người lập di chúc, người lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản của mình cho chủ thể khác hưởng sau khi chết. Người lập di chúc có các quyền sau đây:
Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Thông thường, người lập di chúc sẽ chỉ định cho cá nhân là người thân thích được hưởng di sản thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật tôn trọng quyền quyết định của người lập di chúc, cho phép chỉ định người khác không phụ thuộc vào mối quan hệ đối với người lập di chúc hoặc có thể lập di chúc cho tổ chức hưởng di sản. Ngoài ra, quyền định đoạt của người lập di chúc còn được thể hiện thông qua truất quyền hưởng di sản của người thừa kế theo pháp luật ( như : cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh , em , ruột..) mà không bắt buộc phải nêu lý do.
Việc truất quyền thừa kế có thể ghi rõ trong di chúc là truất quyền thừa kế hoặc không cho hưởng di sản. Cần phân biệt người bị truất quyền thừa kế và người thừa kế không được chỉ định trong di chúc. Khi bị truất quyền thừa kế. thì người thừa kế không có quyền hưởng di sản theo di chúc và theo pháp luật, nghĩa là không được hưởng di sản của người để lại thừa kế. Trường hợp, do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan mà người lập di chúc chỉ định người khác hưởng di sản, thì những người thừa kế theo pháp luật là người không được chỉ định trong di chúc. Nếu di chúc không có hiệu lưc hoặc vô hiệu thì người thừa kế theo pháp luật sẽ được hưởng di sản đó.
Trường hợp di chúc phân định di sản theo tỷ lệ khi phân chia di sản thì mỗi người thừa kế được hưởng một suất ngang nhau. Tuy nhiên di sản thừa kế gồm nhiều loại tài sản như: động sản, bất động sản,.. và mỗi loại tài sản đó cũng không bằng nhau, cho nên người lập di chúc phân định cho mỗi người thừa kế hưởng một tài sản cụ thể. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
Di tặng là giao dịch tặng cho có hiệu lực sau khi người tặng cho chết ( tặng cho có điều kiện phát sinh hiệu lực). Người lập di chúc có quyền định đoạt một phần di sản để tặng cho người khác hưởng. Tương tự như giao dịch tặng cho, người được chỉ định hưởng phần di sản di tặng thường là những người có mối quan hệ thân quen trước đó, có quyền sở hữu đối với phần di sản di tặng kể từ khi nhận di sản.
Căn cứ theo các quy định trên thì con nuôi vừa được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ nuôi, vừa được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ đẻ. Mặc dù pháp luật thừa nhận quan hệ nuôi con nuôi nhưng pháp luật vẫn cho phép con nuôi có quan hệ thừa kế với cha đẻ, mẹ đẻ; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột. Do đó, đã được đăng ký làm con nuôi của người khác nhưng vẫn sẽ được hưởng phần di sản thừa kế của bố mẹ ruột theo quy định của pháp luật.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0986.426.961