
Một số điểm mới của Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017:
Về phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Thu hẹp phạm vi chịu tránh nhiệm hình sự của người bào chữa trong việc không tố giác tội phạm (Điều 19)
Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 đã sửa đổi theo hướng thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa so với công dân khác về hành vi không tố giác tội phạm. Cụ thể, Điều 19 quy định:
''1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa”.
Bổ sung thêm tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật Hình sự (Điều 217a)
Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 đã bổ sung một điều luật mới (Điều 217a: Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp) để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Theo đó, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì bị phạt. Hình phạt cao nhất lên đến 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù. Luật cũng quy định chi tiết về hành vi và định lượng cụ thể về hậu quả gây ô nhiễm môi trường trên cơ sở đề xuất của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Trường hợp lợi dụng việc kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không xử lý về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp mà sẽ xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), nếu có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì sẽ xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290).
Bãi bỏ tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292)
Trước đó tại Bộ luật Hình sự 2015, điều khoản này quy định tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Theo điều luật này, nếu cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi 50-200 triệu đồng hoặc có doanh thu 0,5-2 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền 200-500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Bên cạnh kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp thì hoạt động trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông đều chịu quy định của điều luật này.
Bổ sung định lượng vào tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317)
Việc bổ sung định lượng việc sử dụng chất cấm, chất chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trong Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (Điều 317) nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Điều 317 chỉ hình sự hóa một số hành vi cấm trong sản xuất thực phẩm mang tính phổ biến có nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm (hành vi vi phạm quy trình chế biến dẫn đến thực phẩm không an toàn gây hậu quả nghiêm trọng) hoặc hành vi kinh doanh, bán thực phẩm tươi, sống không bảo đảm an toàn thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi nhập khẩu, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm an toàn).
Nguồn: Tổng hợp
HỎI VÀ ĐÁP