Tìm kiếm

Toàn văn Thông tư 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT khai báo, điều tra thống kê báo cáo tai nạn lao động

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XH – BỘ Y TẾ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT
Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2012
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN VIỆC KHAI BÁO, ĐIỀU TRA, THỐNG KÊ VÀ BÁO CÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động và Nghị định số 110/2002/NÐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế và Nghị định số 22/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2010 sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động của các bên có liên quan ở trong nước và ở nước ngoài.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động (sau đây gọi tắt là cơ sở):
1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (trừ các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang);
2. Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu tại các công trình ở nước ngoài đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các công trình đó;
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế có sử dụng lao động hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc Thoả thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ký kết có quy định khác.
Điều 3. Tai nạn lao động
1.Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, bao gồm:
a) Tai nạn lao động xảy ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
b) Tai nạn lao động xảy ra trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở cho phép (nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, cho con bú, tắm rửa, đi vệ sinh).
2. Những trường hợp tai nạn được coi là tai nạn lao động xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý, bao gồm:
a) Tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở;
b) Tai nạn xảy ra cho người lao động Việt Nam trong khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao động giao (tham dự hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế).
Điều 4. Phân loại tai nạn lao động
1. Tai nạn lao động chết người là tai nạn mà người bị nạn chết ngay tại nơi xảy ra tai nạn hoặc chết trên đường đi cấp cứu; chết trong thời gian cấp cứu; chết trong thời gian đang điều trị; chết do tái phát của chính vết thương do tai nạn lao động gây ra (theo kết luận tại biên bản khám nghiệm pháp y).
2. Tai nạn lao động nặng là tai nạn mà người bị nạn bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Tai nạn lao động nhẹ là tai nạn mà người bị nạn không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Điều 5. Khai báo tai nạn lao động
1. Khi xảy ra tai nạn đối với người lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi quản lý của cơ sở hoặc khi thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc (người lao động, người quản lý) phải báo ngay cho người sử dụng lao động biết.
2. Đối với các vụ tai nạn nêu tại khoản 1 Điều này làm chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên thì cơ sở để xảy ra tai nạn phải khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh), cơ quan Công an cấp huyện nơi xảy ra tai nạn và cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp của cơ sở (nếu có) theo nguyên tắc:
a) Tai nạn xảy ra ở tỉnh nào thì khai báo tại tỉnh đó;
b) Trường hợp người bị tai nạn chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của chính vết thương do tai nạn lao động (theo kết luận tại biên bản khám nghiệm pháp y) thì cơ sở có người bị chết phải khai báo với Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh nơi có Đoàn điều tra tai nạn lao động đã tham gia điều tra vụ tai nạn đó, để giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật;
c) Tai nạn xảy ra trong các lĩnh vực: phóng xạ; thăm dò, khai thác dầu khí; các phương tiện vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không ngoài việc phải khai báo với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nơi cơ sở đặt trụ sở chính còn phải khai báo với Bộ, ngành quản lý lĩnh vực đó;
d) Nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Tai nạn xảy ra khi người lao động tham gia giao thông (trừ các trường hợp xảy ra trên tuyến đường thuộc nội bộ cơ sở) làm chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên thì cơ sở có người bị nạn căn cứ vào hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan Cảnh sát giao thông xử lý vụ tai nạn giao thông đó hoặc giấy xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giấy xác nhận của Công an khu vực tại nơi xảy ra tai nạn để khai báo với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.
Việc khai báo phải thực hiện đúng theo nguyên tắc được quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Người lao động Việt Nam bị chết hoặc bị tai nạn nặng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài thì cơ sở trực tiếp quản lý người lao động đó thực hiện việc khai báo theo nguyên tắc:
a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được tin báo tai nạn, phải khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, nơi cơ sở cử người đi đặt trụ sở chính;
b) Trong trường hợp người lao động do cơ sở khác cử đi bị chết hoặc bị tai nạn nặng thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được tin báo tai nạn, cơ sở khác cử đi phải báo cho cơ sở quản lý người bị tai nạn đó biết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được tin báo tai nạn, cơ sở quản lý người bị tai nạn phải khai báo với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, nơi cơ sở quản lý người bị tai nạn đặt trụ sở chính;
c) Nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động
1. Ðoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở
a) Khi nhận được tin báo có tai nạn xảy ra tại cơ sở của mình, người sử dụng lao động phải thành lập ngay Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra vụ tai nạn đó.
b) Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gồm:
- Người sử dụng lao động (chủ cơ sở) hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền bằng văn bản, trưởng đoàn;
- Ðại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời hoặc đại diện tập thể người lao động khi cơ sở chưa thành lập tổ chức công đoàn, thành viên;
- Người làm công tác an toàn - vệ sinh lao động, thành viên;
- Cán bộ y tế của cơ sở, thành viên;
- Mời một số thành viên khác (nếu xét thấy cần thiết).
2. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh
Ngay sau khi nhận được tin báo của cơ sở về tai nạn làm chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên hoặc nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 7 của Thông tư này, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này). Thành phần Đoàn gồm:
a) Đại diện Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trưởng đoàn;
b) Đại diện Sở Y tế, thành viên;
c) Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh; thành viên;
d) Mời đại diện Hội Nông dân tỉnh, thành viên (trường hợp tai nạn lao động xảy ra cho người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp);
đ) Mời một số thành viên khác (nếu xét thấy cần thiết).
3. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương:
Do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành quyết định thành lập theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này).
Thành phần Đoàn gồm:
a) Đại diện Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trưởng đoàn;
b) Đại diện Bộ Y tế, thành viên;
c) Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên;
d) Mời đại diện Hội Nông dân Việt Nam, thành viên (trường hợp tai nạn lao động xảy ra cho người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp);
đ) Mời một số thành viên khác (nếu xét thấy cần thiết).
Điều 7. Thẩm quyền của Đoàn điều tra tai nạn lao động
1. Đoàn điều tra tai nạn cấp cơ sở:
a) Chịu trách nhiệm điều tra các vụ tai nạn xảy ra tại nơi làm việc của cơ sở mình, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Nếu người lao động bị tai nạn thuộc quyền quản lý của cơ sở khác thì cơ sở để xảy ra tai nạn chủ trì và phối hợp với cơ sở quản lý người lao động bị tai nạn tiến hành điều tra theo quy định của Thông tư này;
b) Chủ trì và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại (nước mà các doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu, nhận thầu) trong việc tiến hành điều tra các vụ tai nạn chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên xảy ra cho người lao động Việt Nam tại các công trình mà các doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài (trừ các trường hợp mà người lao động làm việc theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Ðoàn điều tra tai nạn cấp cơ sở phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại khi tiến hành điều tra.
2. Đoàn điều tra tai nạn cấp tỉnh:
a) Chịu trách nhiệm điều tra các vụ tai nạn chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên xảy ra trên địa bàn tỉnh;
b) Điều tra lại các vụ tai nạn đã được Đoàn điều tra tai nạn cấp cơ sở điều tra trên địa bàn tỉnh; điều tra lại các vụ tai nạn xảy ra cho người lao động Việt Nam tại các công trình do doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài (đối với các doanh nghiệp đặt trụ sở chính trên địa bàn tỉnh) trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc Thoả thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ký kết có quy định khác; việc điều tra lại theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
c) Đối với trường hợp người lao động Việt Nam trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài (tham gia hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế) mà bị tai nạn chết hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên thì trong thời hạn 05 ngày làm việc cơ sở quản lý người lao động bị tai nạn phải cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn cho Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh để xem xét và lập biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này.
Hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn gồm:
- Quyết định của cơ sở cử người lao động đi và chương trình tham gia hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế ở nước ngoài;
- Bản dịch có chứng thực biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (kèm theo bản photo bản gốc);
- Bản dịch sơ đồ hiện trường của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (kèm theo bản photo bản gốc); ảnh hiện trường; ảnh nạn nhân;
- Bản dịch có chứng thực biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích (kèm theo bản photo bản gốc);
- Bản dịch có chứng thực biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có);
- Bản dịch có chứng thực giấy chứng nhận tai nạn của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (kèm theo bản photo bản gốc);
- Bản dịch có chứng thực giấy chứng thương của bệnh viện nước ngoài (kèm theo bản photo bản gốc) hoặc giấy chứng thương của bệnh viện Việt Nam (nếu điều trị ở Việt Nam);
- Bản dịch có chứng thực giấy ra viện của bệnh viện nước ngoài (kèm theo bản photo bản gốc) hoặc giấy ra viện của bệnh viện Việt Nam (nếu điều trị ở Việt Nam).
3. Đoàn điều tra tai nạn cấp Trung ương:
Chịu trách nhiệm điều tra các vụ tai nạn chết người khi Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xét thấy cần thiết, theo đề nghị của Chánh thanh tra Bộ; điều tra lại các vụ tai nạn lao động đã được đoàn điều tra tai nạn cấp tỉnh điều tra, việc điều tra lại theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
4. Tai nạn lao động chết người hoặc làm từ hai người lao động bị tai nạn nặng trở lên, xảy ra trong các lĩnh vực nêu tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Thông tư này thì do các Bộ, ngành quản lý lĩnh vực đó ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động có sự phối hợp với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, nơi cơ sở có người bị tai nạn đặt trụ sở chính (hoặc Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và thực hiện việc điều tra, lập biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Nhiệm vụ của Đoàn điều tra tai nạn lao động
1. Khi nhận được tin báo của cơ sở có tai nạn chết người hoặc làm từ hai người lao động bị tai nạn nặng trở lên, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thông báo ngay cho các cơ quan thuộc thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động được quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này để tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động.
2. Đoàn điều tra tai nạn lao động đến ngay cơ sở để xảy ra tai nạn, yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp các tài liệu, hồ sơ, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn và phối hợp với cơ quan Công an huyện hoặc tỉnh tiến hành điều tra tại chỗ để lập biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm thương tích, thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn.
3. Trưởng Đoàn điều tra tai nạn lao động có nhiệm vụ:
a) Quyết định tiến hành điều tra để bảo đảm việc điều tra được kịp thời, trong trường hợp đại diện của một trong các cơ quan có liên quan nêu tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 và điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều 6 Thông tư này vắng mặt;
b) Phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn điều tra;
c) Khi các thành viên trong Đoàn điều tra còn có những vấn đề chưa thống nhất thì Trưởng đoàn tổ chức thảo luận trong Đoàn để đi đến sự thống nhất chung. Nếu không đạt được sự thống nhất chung thì Trưởng đoàn quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;
d) Công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.
4. Các thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động có nhiệm vụ:
a) Thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công và tham gia vào hoạt động chung của Đoàn điều tra;
b) Có quyền bảo lưu ý kiến và báo cáo lãnh đạo cơ quan trực tiếp quản lý mình;
c) Không được tiết lộ các thông tin, tài liệu trong quá trình điều tra khi chưa công bố Biên bản điều tra.
Điều 9. Quy trình điều tra tai nạn lao động
1. Đối với Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở:
a) Thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động;
b) Lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết);
d) Trên cơ sở các lời khai, chứng cứ đã thu thập được, tiến hành xử lý, phân tích để xác định các nội dung cơ bản sau:
- Diễn biến của vụ tai nạn lao động;
- Nguyên nhân gây ra tai nạn lao động (trong đó, phải ghi rõ tai nạn lao động xảy ra do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hoặc do lỗi của cả người sử dụng lao động và người lao động, hoặc nguyên nhân khác không do lỗi của người sử dụng lao động và người lao động);
- Kết luận về vụ tai nạn lao động (trong đó, phải ghi rõ vụ tai nạn đó là tai nạn lao động hay là trường hợp tai nạn được coi là tai nạn lao động hoặc không phải là tai nạn lao động);
- Mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi trong vụ tai nạn lao động;
- Các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn.
đ) Lập biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư này;
e) Tổ chức cuộc họp và lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 08 kèm theo Thông tư này, ngay sau khi hoàn thành điều tra.
Thành phần cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động gồm:
- Trưởng đoàn điều tra (Chủ trì cuộc họp);
- Người sử dụng lao động (Chủ cơ sở) hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền bằng văn bản;
- Các thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động;
- Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn;
- Ðại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời hoặc đại diện tập thể người lao động khi cơ sở chưa thành lập tổ chức công đoàn;
- Ðại diện cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp của cơ sở (nếu thấy cần thiết);
- Các thành viên tham gia dự cuộc họp có ý kiến chưa nhất trí với nội dung biên bản điều tra tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên của mình vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.
2. Đối với Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh:
a) Thực hiện các nội dung như đã nêu tại điểm a, b, c và điểm d, khoản 1 Điều này.
b) Lập Biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư này đối với từng vụ tai nạn lao động;
c) Tổ chức cuộc họp và lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 08 ban hành kèm theo Thông tư này tại cơ sở để xảy ra tai nạn.
Thành phần cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động gồm:
- Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động (Chủ trì cuộc họp);
- Các thành viên đoàn điều tra tai nạn lao động;
- Người sử dụng lao động (Chủ cơ sở) hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản;
- Người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc, người có liên quan đến vụ tai nạn;
- Ðại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời khi cơ sở chưa thành lập tổ chức công đoàn;
- Mời đại diện cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp (trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người).
d) Các thành viên tham gia dự họp có ý kiến chưa nhất trí với nội dung biên bản điều tra tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên của mình vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động; người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền bằng văn bản phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động và thực hiện các kiến nghị của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh;
đ) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, Ðoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh phải gửi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động tới các cơ quan có thành viên trong Đoàn điều tra tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao động và Thanh tra Bộ), cơ sở xảy ra tai nạn lao động và các nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn.
3. Đối với Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương:
a) Sau khi có quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động thông báo cho các cơ quan thuộc thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động được quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này để tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động;
b) Đoàn điều tra tai nạn lao động đến ngay nơi xảy ra tai nạn, yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp các tài liệu, hồ sơ, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn chết người và phối hợp với cơ quan Công an huyện hoặc tỉnh tiến hành điều tra tại chỗ để lập biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm thương tích, thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn;
c) Thực hiện nội dung như đã nêu tại điểm b, c, khoản 2 Điều này.
d) Các thành viên tham gia dự họp có ý kiến chưa nhất trí với nội dung Biên bản điều tra tai nạn lao động thì được ghi ý kiến và ký tên của mình vào Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động; người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động uỷ quyền bằng văn bản phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động và thực hiện các kiến nghị của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương.
đ) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, Ðoàn điều tra tai nạn lao động cấp Trung ương phải gửi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động tới các cơ quan có thành viên trong Đoàn điều tra tai nạn lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cơ sở xảy ra tai nạn lao động và các nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn.
Điều 10. Thời hạn điều tra tai nạn lao động
1. Thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động được tính từ thời điểm xảy ra tai nạn đến khi công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động:
a) Không quá 02 ngày làm việc đối với tai nạn lao động nhẹ;
b) Không quá 05 ngày làm việc đối với tai nạn lao động nặng;
c) Không quá 15 ngày làm việc đối với tai nạn lao động làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên;
d) Không quá 20 ngày làm việc đối với các vụ tai nạn lao động chết người tính từ khi Đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn từ cơ quan Cảnh sát điều tra. Không quá 40 ngày làm việc đối với vụ tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y.
2. Ðối với vụ tai nạn chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên cần gia hạn thời hạn điều tra thì trước khi hết hạn điều tra 05 ngày làm việc, Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động phải báo cáo và xin phép người ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra. Thời hạn gia hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 11. Hồ sơ vụ tai nạn lao động
1. Hồ sơ vụ tai nạn lao động bao gồm:
a) Biên bản khám nghiệm hiện trường;
b) Sơ đồ hiện trường;
c) Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân;
d) Biên bản khám nghiệm tử thi hoặc khám nghiệm thương tích;
đ) Biên bản giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu có);
e) Biên bản lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động;
g) Biên bản điều tra tai nạn lao động;
h) Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động;
i) Giấy chứng thương của bệnh viện được điều trị;
k) Giấy ra viện của bệnh viện được điều trị (nếu có).
2. Trong một vụ tai nạn lao động, nếu có nhiều người bị tai nạn lao động thì mỗi người bị tai nạn lao động phải có một bộ hồ sơ riêng.
3. Thời gian lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động tại cơ sở xảy ra tai nạn lao động và các cơ quan thành viên Đoàn điều tra được quy định tại khoản 9 Điều 13 Thông tư này.
Điều 12. Điều tra lại tai nạn lao động khi có khiếu nại, tố cáo
1. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, nếu có khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật thì việc điều tra lại được tiến hành trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức nào ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo;
b) Trường hợp người khiếu nại, tố cáo không nhất trí với ý kiến trả lời của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết nêu tại điểm a, khoản 1 Điều này mà vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn thành lập Đoàn điều tra lại tai nạn lao động để tiến hành điều tra, theo nguyên tắc sau:
- Đoàn điều tra lại tai nạn lao động tiến hành điều tra theo đúng thẩm quyền được quy định tại Điều 7 của Thông tư này, đồng thời thông báo bằng văn bản kết quả điều tra lại cho người khiếu nại hoặc tố cáo biết; trường hợp không tiến hành điều tra lại thì phải nêu rõ lý do;
- Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp tỉnh điều tra lại vụ tai nạn lao động do Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đã điều tra;
- Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp Trung ương điều tra lại vụ tai nạn lao động do Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh đã điều tra. Kết luận của Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp Trung ương là kết luận cuối cùng.
c) Cơ sở để xảy ra tai nạn và Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp tỉnh;
d) Đoàn điều tra lại tai nạn lao động tỉnh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Đoàn điều tra lại tai nạn lao động cấp Trung ương;
đ) Thời hạn điều tra lại không quá 45 ngày, kể từ ngày công bố quyết định điều tra lại; không quá 60 ngày đối với các vụ tai nạn phức tạp hoặc xảy ra ở vùng sâu, vùng xa.
2. Biên bản điều tra tai nạn lao động trước sẽ hết hiệu lực pháp lý khi biên bản điều tra lại được công bố.
Điều 13. Trách nhiệm của người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu người bị nạn.
2. Khai báo tai nạn lao động theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
3. Giữ nguyên hiện trường những vụ tai nạn chết người, tai nạn nặng theo nguyên tắc sau:
a) Trường hợp phải cấp cứu người bị nạn, ngăn chặn những rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra cho người khác mà làm xáo trộn hiện trường thì cơ sở phải vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể);
b) Chỉ được xoá bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các bước điều tra theo quy định của Thông tư này và được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Công an hoặc Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh.
4. Cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.
5. Tạo điều kiện cho người có liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho Đoàn điều tra tai nạn lao động khi được yêu cầu.
6. Tổ chức điều tra các vụ tai nạn lao động theo quy định tại khoản 1, Điều 7 của Thông tư này.
7. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc lập Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động. Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gửi (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) Biên bản điều tra tai nạn lao động và Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động tới các tổ chức, cá nhân sau:
a) Người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân người bị nạn;
b) Thanh tra Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh, nơi cơ sở có người bị nạn đặt trụ sở chính;
c) Cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, nơi cơ sở có người bị nạn đặt trụ sở chính để giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động theo quy định của pháp luật;
d) Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp của cơ sở (nếu có).
8. Thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc cơ sở của mình.
9. Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động cho người lao động trong thời gian như sau:
a) 15 năm đối với vụ tai nạn lao động chết người;
b) Đến khi người bị tai nạn lao động nghỉ hưu đối với vụ tai nạn lao động khác.
10. Thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động kể cả việc điều tra lại tai nạn lao động, bao gồm:
a) Dựng lại hiện trường;
b) Chụp, in, phóng ảnh hiện trường và nạn nhân;
c) Trưng cầu giám định kỹ thuật, giám định pháp y (khi cần thiết);
d) Khám nghiệm tử thi;
đ) In ấn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động;
e) Phương tiện đi lại phục vụ cho việc điều tra tai nạn lao động;
g) Tổ chức cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động;
h) Các khoản chi phí nêu trên được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh của cơ sở và là chi phí hợp lý khi tính thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở, theo quy định hiện hành của pháp luật về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
i) Thực hiện các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động gây ra; tổ chức rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong Biên bản điều tra tai nạn lao động; xử lý theo thẩm quyền những người có lỗi để xảy ra tai nạn lao động.
Điều 14. Trách nhiệm của người bị nạn, người biết sự việc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động
1. Khai báo trung thực, đầy đủ tất cả những tình tiết mà mình biết về những sự việc có liên quan đến vụ tai nạn lao động theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều đã khai báo của mình.
2. Lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động được viết theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 15. Thống kê và báo cáo tai nạn lao động
1. Đối với cơ sở:
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, cơ sở quản lý người bị tai nạn phải thống kê và báo cáo tai nạn lao động theo quy định:
a) Mỗi cơ sở đều phải có sổ thống kê tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 09 ban hành kèm theo Thông tư này và phải tiến hành ghi đầy đủ các thông tin vụ tai nạn lao động đã xảy ra vào sổ thống kê tai nạn lao động theo nguyên tắc:
- Tất cả những vụ tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động thuộc quyền quản lý phải được ghi chép vào sổ thống kê tai nạn lao động;
- Khi một người lao động bị nhiều hơn một vụ tai nạn lao động thì phải được ghi chép riêng từng vụ tai nạn lao động;
- Tất cả những vụ tai nạn lao động làm cho người lao động thuộc quyền quản lý phải nghỉ làm việc từ một ngày trở lên đều phải được thống kê. Nếu không để xảy ra tai nạn lao động thì ghi rõ trong báo cáo là "không có tai nạn lao động";
b) Mọi cơ sở đều phải thực hiện việc báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động (6 tháng và một năm) theo mẫu quy định tại Phụ lục số 10 ban hành kèm theo Thông tư này, theo nguyên tắc:
- Cơ sở đặt trụ sở chính trên địa bàn tỉnh nào thì phải gửi Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đó; báo cáo phải gửi trước ngày 05 tháng 7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo cả năm (trực tiếp hoặc bằng fax, bưu điện, thư điện tử).
2. Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh:
a) Tổng hợp tình hình tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng đầu năm và một năm của các cơ sở đặt trụ sở chính trên địa bàn tỉnh;
b) Gửi Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 11 ban hành kèm theo Thông tư này về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao động) và Cục Thống kê tỉnh trước ngày 15 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 25 tháng 01 năm sau đối với báo cáo một năm.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Các cơ sở có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc những quy định tại Thông tư này, tăng cường các biện pháp cải thiện điều kiện lao động; định kỳ tổ chức, đánh giá những yếu tố nguy hiểm, tác hại nghề nghiệp ở từng khu vực làm việc và môi trường xung quanh; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động để phòng ngừa tai nạn lao động.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này đến tất cả các cơ sở trên địa bàn tỉnh.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở thuộc quyền quản lý thực hiện các quy định tại Thông tư này.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: định kỳ 6 tháng, một năm thông báo tình hình tai nạn lao động trong phạm vi cả nước.
Điều 17. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04 tháng 7 năm 2012.
2. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 08/3/2005 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ tai nạn lao động kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Liên bộ: Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế xem xét, hướng dẫn giải quyết ./. 
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Thanh Long
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG

Bùi Hồng Lĩnh

Đăng nhận xét

- Đóng góp ý kiến, nêu thắc mắc vào khung bên dưới bằng tiếng Việt có dấu, nếu không có dấu sẽ bị xóa.