Hôn nhân với người chuyển giới có được pháp luật Việt Nam công nhận?

Cập nhật: 24/03/2021 lúc 12:04:00

Với quan niệm xã hội ngày càng hiện đại, vấn đề về giới tính của những người chuyển giới được thừa nhận rộng rãi trên nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, các quy định của pháp luật đã xác định rõ hơn về nhân thân và quyền được kết hôn của những người chuyển giới.

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền xác định lại giới tính:

“Điều 36: Quyền xác định lại giới tính

1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Và Điều 37 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 37. Chuyển đổi giới tính

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Căn cứ quy định trên, sau khi chuyển đổi giới tính, người chuyển giới phải đăng ký thay đổi hộ tịch theo Điều 3 Luật hộ tịch năm 2014. Sau đó, người chuyển giới sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Một trong số các quyền nhân thân là quyền đăng ký kết hôn quy định tại Điều 39 Bộ luật dân sự 2015.

Như vậy, sau khi chuyển giới, đăng ký thay đổi hộ tịch thì người chuyển giới được quyền đăng ký kết hôn với người khác giới tính đã chuyển và quan hệ hôn nhân này sẽ được pháp luật Việt Nam công nhận.

Ngọc Hà - BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam

Twitter
Chia sẻ