Công bố dụng cụ, bao bì chứa đựng thực phẩm như thế nào? Bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước trước khi được lưu hành hợp pháp trên thị trường đều phải thực hiện thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng theo một trong các hình thức như sau:
• Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
• Dụng cụ, vật liệu bao gói chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.
• Dụng cụ, vật liệu bao gói nhập khẩu chỉ nhằm mục đích sử dụng trong nội bộ cơ sở sản xuất, siêu thị, khách sạn bốn sao trở lên.
I. Trình tự, hồ sơ công bố hợp quy dụng cụ, bao bì chứa đựng thực phẩm:
1. Trình tự công bố:
Bước 1: Đánh giá sự phù hợp đối tượng của công bố hợp quy với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (sau đây viết tắt là đánh giá hợp quy).
a) Việc đánh giá hợp quy có thể do tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba) hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (bên thứ nhất) thực hiện.
Việc đánh giá hợp quy được thực hiện theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Trường hợp sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thì tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài phải được thừa nhận theo quy định của pháp luật hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định;
b) Kết quả đánh giá hợp quy là căn cứ để tổ chức, cá nhân công bố hợp quy.
Bước 2: Đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan chuyên ngành do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định (sau đây viết tắt là cơ quan chuyên ngành).
2. Hồ sơ công bố dụng cụ bao bì thực phẩm:
Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy lập 02 (hai) bộ hồ sơ công bố hợp quy, trong đó 01 (một) bộ hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới cơ quan chuyên ngành và 01 (một) bộ hồ sơ lưu giữ tại tổ chức, cá nhân. Thành phần hồ sơ được quy định như sau:
a) Bản công bố hợp quy
b) Bản sao y bản chính giấy tờ chứng minh về việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (Giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật);
c) Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy chưa được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân phải có quy trình sản xuất kèm theo kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng, áp dụng (theo Mẫu 1. KHKSCL quy định tại Phụ lục III Thông tư này) và kế hoạch giám sát hệ thống quản lý;
d) Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân phải có bản sao y bản chính giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý còn hiệu lực;
đ) Bản sao y bản chính Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ công bố hợp quy của tổ chức thử nghiệm đã đăng ký;
e) Báo cáo đánh giá hợp quy
3. Thời hạn giải quyết công bố dụng cụ bao bì thực phẩm:
a) Đối với hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ theo quy định, trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ công bố hợp quy:
b) Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ và hợp lệ, cơ quan chuyên ngành ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hơp quy có giá trị theo giá trị của giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp hoặc có giá trị ba (03) năm kể từ ngày lãnh đạo tổ chức, cá nhân ký xác nhận báo cáo đánh giá hợp quy.
4. Lệ phí công bố:
Đối với sản phẩm đã có Quy chuẩn kỹ thuật: 500.000VNĐ/sản phẩm – Phí thẩm định;
Đối với sản phẩm chưa có Quy chuẩn kỹ thuật: 650.000VNĐ/1 sản phẩm – Phí thẩm định + Lệ phí xác nhận;
II. Trình tự, hồ sơ công bố phù hợp quy định ATVSTP dụng cụ, bao bì chứa đựng thực phẩm:
1. Trình tự công bố:
Bước 1: Đánh giá phù hợp quy định an toàn thực phẩm
Bước 2: Đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đến Cục An toàn VSTP thuộc Bộ Y tế tiếp nhận đăng ký
2. Hồ sơ công bố:
2.1 Đối với SX trong nước:
a) Bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm
b) Bản thông tin chi tiết và sản phẩm
c) Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng, gồm các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu an
d) Kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng và áp dụng
đ) Kế hoạch giám sát định kỳ (có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
e) Mẫu nhãn sản phẩm (có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
g) Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
h) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
i) Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương (bản sao có công chứng hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu).
2.2 Đối với sản phẩm nhập khẩu:
a) Bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm
b) Bản thông tin chi tiết về sản phẩm
c) Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng, gồm các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu an toàn
d) Kế hoạch giám sát định kỳ (có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
đ) Mẫu nhãn sản phẩm lưu hành tại nước xuất xứ và nhãn phụ bằng tiếng Việt (có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
e) Mẫu sản phẩm hoàn chỉnh đối với sản phẩm lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam để đối chiếu khi nộp hồ sơ;
g) Giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm hoặc chứng nhận pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu thực phẩm (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
h) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở nhập khẩu thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
i) Chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương (bản sao có công chứng hoặc bản sao có xuất trình bản chính để đối chiếu).
3. Thời hạn giải quyết:
Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy đối với hồ sơ công bố hợp quy theo mẫu; trường hợp không cấp Giấy Tiếp nhận cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản lý do không cấp.
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo mẫu; trường hợp không cấp Giấy Xác nhận, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản lý do không cấp.
4. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận:
Lệ phí cấp giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm:
Đối với sản phẩm đã có Quy chuẩn kỹ thuật: 500.000VNĐ/sản phẩm – Phí thẩm định;
Đối với sản phẩm chưa có Quy chuẩn kỹ thuật: 650.000VNĐ/1 sản phẩm – Phí thẩm định + Lệ phí xác nhận;
III. Hồ sơ công bố đối với dụng cụ, vật liệu bao gói nhập khẩu chỉ nhằm mục đích sử dụng trong nội bộ cơ sở sản xuất, siêu thị, khách sạn bốn sao trở lên:
1. Hồ sơ bao gồm:
a) Bảng kê khai sản phẩm;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Bản sao có đóng dấu của tổ chức, cá nhân);
c) Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng của nhà sản xuất hoặc bản thông tin chi tiết về sản phẩm của nhà sản xuất; hoặc kết quả kiểm nghiệm sản phẩm của phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận
2. Trình tự thủ tục:
Nộp hồ sơ tại Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Thời hạn giải quyết trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Cục An toàn thực phẩm cấp giấy Xác nhận Bảng kê khai đối với dụng cụ, vật liệu bao gói nhập khẩu sử dụng trong nội bộ Doanh nghiệp.
3. Lệ phí cấp giấy Xác nhận Bảng kê khai đối với các dụng cụ thực phẩm nhập khẩu sử dụng trong nội bộ Doanh nghiệp:
Phí thẩm định: 150.000VNĐ/1 lần cấp/bảng kê.
Lệ phí xác nhận công bố: 150.000VNĐ/1 lần cấp/bảng kê.
