KPLC: Tư vấn & Hướng dẫn Nghiên Cứu Chính Sách Đầu Tư & Pháp Lý Báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ 2005 ______________________________________________________________________________

Báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Email In PDF.
Báo cáo rà soát Luật Sở hữu trí tuệ 2005

BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ RÀ SOÁT LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

VÀ CÁC KIẾN NGHỊ

 

TS. Dương Tử Giang, TS. Phạm Vũ Khánh Toàn – VPLS Phạm và Liên danh

Với sự phối hợp của Công ty luật Baker & Mc Kenzie

 

MỤC I - PHẦN MỞ ĐẦU

 

Bối cảnh của hệ thống văn bản pháp luật SHTT được rà soát trong Báo cáo này

Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 19/11/2005 và có hiệu lực vào ngày 01/07/2006 (Luật SHTT 2005). Luật SHTT 2005 ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới gọi tắt là WTO với mục tiêu đáp ứng tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS, đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Luật SHTT 2005 qui định về bảo hộ quyền tác giả, các quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và thực thi quyền đối với các quyền nêu trên.

Trước khi Luật SHTT 2005 ra đời, các qui định cơ bản về bảo hộ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam được qui định trong Bộ luật dân sự 1996. Các văn bản hướng dẫn thực hiện các qui định này được qui định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật dưới các hình thức Nghị định, Thông tư và Chỉ thị. Luật SHTT 2005 ra đời không chỉ tập hợp, kế thừa mà còn sửa đổi, bổ sung, hệ thống hóa và nâng cao tính pháp lý của những qui định này nhằm tạo ra một hệ thống pháp luật SHTT thống nhất, đầy đủ, hiệu quả và đủ mạnh ở Việt nam, đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định TRIPS và phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật SHTT 2005 đồng thời cũng khắc phục những thiếu sót và giảm tối đa những mâu thuẫn, chồng chéo của các qui định về SHTT trong các văn bản pháp luật khác nhau, và do đó giúp việc thực hiện luật thuận lợi hơn.[1]

Để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự và Luật SHTT 2005, các văn bản pháp luật như Nghị định và Thông tư cũng đã được ban hành kịp thời bao gồm:

·         Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/8/2006 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 (“Nghị định 103”);

·         Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT, được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 (“Nghị định 105”);

·         Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp (“Nghị định 97”);

·         Nghị định số 100/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan (“Nghị định 100”);

·         Nghị định 104/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 về việc qui định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về quyền đối với giống cây trồng (“Nghị định 104”);

·         Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp (“Thông tư 01/2007”);

·         Thông tư 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 hướng dẫn việc cấp,thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp (“Thông tư 01/2008”);

 

Tuy nhiên quá trình áp dụng Luật SHTT 2005 trong thực tiễn cho thấy nhiều qui định vẫn chưa phù hợp trong hoạt động thực thi bảo vệ quyền, một số điều khoản chưa tương thích với pháp luật quốc tế, có một số điều khoản có lỗi kỹ thuật, một số qui định về thủ tục chưa rõ ràng, cụ thể v.v…Vì vậy Luật SHTT 2005 đã được sửa đổi, bổ sung trên tinh thần quán triệt các quan điểm: thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, quy phạm hóa nội dung Nghị quyết số 71/2006/QH11 về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam; bảo vệ lợi ích quốc gia; bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ; kế thừa các giá trị pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, tiếp thu các chuẩn mực quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Luật SHTT 2005 đã được sửa đổi bổ sung theo các hướng: (i) sửa đổi một số điều khoản có nội dung chưa tương thích với các điều ước quốc tế đa phương, các điều khoản khác phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập; (ii) sửa đổi một số điều khoản đang nảy sinh các vướng mắc trong thực thi; và (iii) chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật về nội dung văn bản và các từ ngữ phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Ngày 19/06/2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SHTT 2005.

Hiện nay mặc dù hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, khá hoàn chỉnh và khá phù hợp với các tiêu chuẩn của các điều ước quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, tạo hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, song vẫn cần thiết phải tiếp tục được hoàn thiện cả về nội dung và hình thức để bảo đảm hơn nữa tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, công bằng khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, phù hợp hơn với thực tiễn ở Việt Nam cũng như phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Với mục tiêu như vậy, việc rà soát Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005, được sửa đổi bổ sung theo qui định của Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội khóa XII, kỳ hợp thứ 5 thông qua ngày 19/06/2009 (sau đây gọi chung là “Luật SHTT”) và các Nghị định và Thông tư hướng dẫn luật này (như liệt kê ở trên) được thực hiện nhằm chỉ ra những thiếu sót về nội dung và hình thức trên cơ sở những khó khăn thực tiễn đang gặp phải trong quá trình thực hiện luật này và so sánh đối chiếu với các hiệp ước quốc tế liên quan, đồng thời đề xuất khuyến nghị để khắc phục những thiếu sót đó.


 

TIÊU CHÍ RÀ SOÁT

 

STT

Tiêu chí

Các nội dung cụ thể

1

Tính minh bạch

- Rõ ràng về hình thức:

+ Ngôn ngữ sử dụng có chính xác, dễ hiểu không?

+ Diễn đạt có rõ ràng không? Có thể bị hiểu theo nhiều cách khác nhau không?

- Rõ ràng trong các quy định áp dụng cho doanh nghiệp:

+ Rõ ràng về quyền và nghĩa vụ không?

+ Rõ ràng về các trình tự, thủ tục, chi phí (thời gian, phí, lệ phí) không?

- Có nguy cơ cho nhũng nhiễu, tham nhũng không?

2

Tính thống nhất

- Có tuân thủ với các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn không?

- Có mâu thuẫn giữa các quy định trong bản thân văn bản đó không? Có mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác không?

- Có tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia không?

3

Tính hợp lý

- Có đơn giản hóa được các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp không?

-  Có đưa ra những quy định bất hợp lý, cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không?

-  Có phù hợp với sự phát triển bền vững (về trách nhiệm của doanh nghiệp, về lợi ích của người tiêu dùng, về nguyên tắc cung-cầu và cạnh tranh bình đẳng…) không?

-  Có phân biệt đối xử không?

4

Tính khả thi

- Có khả năng doanh nghiệp thực hiện được trên thực tế không?

- Có khả năng cơ quan Nhà nước thực hiện trên thực tế được không? (điều kiện về tổ chức, nhân lực, vật lực).

 


MỤC II- NHỮNG NỘI DUNG RÀ SOÁT VÀ KHUYẾN NGHỊ

 

Việc rà soát được tập trung thẳng vào những điểm mà chúng tôi cho rằng văn bản pháp luật như đề cập ở trên không hoặc chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí đề ra, tiêu chuẩn quốc tế, và/hoặc những qui định mà khi áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn đối với cả cơ quan quản lý nhà nước và/hoặc chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ.

 

I. RÀ SOÁT CÁC QUI ĐỊNH CHUNG CỦA LUẬT SHTT

 

STT

Vấn đề

Qui định liên quan

Tiêu chí bị vi phạm

Phân tích vấn đề

1

Phí và lệ phí nộp đơn

Thông tư 22/2009/TT-BTC

Tính hợp lý

Thực tiễn áp dụng

Phí và lệ phí cho việc nộp đơn xin bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp hiện nay vẫn áp dụng thống nhất cho cả chủ thể Việt nam lẫn chủ thể nước ngoài (theo nguyên tắc đối xử quốc gia) nên xảy ra tình huống là nếu mức phí phù hợp với tác giả trong nước thì lại quá thấp đối với người nộp đơn nước ngoài, gây thất thu ngân sách, còn nếu mức phí phù hợp với người nộp đơn nước ngoài thì lại quá cao với tác giả trong nước, không khuyến khích người Việt nam nộp đơn.

 

 

Khuyến nghị:

Nên qui định một mức phí thấp, ví dụ bằng 1/3 mức thông thường cho người nộp đơn đến từ các nước có GDP dưới 3000 USD, hoặc đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có số nhân viên dưới 500 người, không phân biệt quốc tịch. Do tuyệt đại bộ phận đơn sở hữu trí tuệ nước ngoài là đến từ các nước có thu nhập trên 10.000 USD hoặc đến từ các tập đoàn lớn có hàng ngàn nhân viên nên theo cách trên có thể phân biệt đối xử đối với người Việt nam và người nước ngoài mà không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt nam. Trên thực tế nhiều nước, ví dụ Mỹ, cũng có những qui định tương tự (35 U.S.C. 41h(1)).

2

Không cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (ĐDSHCN) tại Việt Nam

Khoản 1, Điều 154 của Luật SHTT

1.Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;

Tính thống nhất

Việc không cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam cung cấp dịch vụ ĐDSHCN là không phù hợp với cam kết WTO của Việt Nam vì điều này trái với cam kết về Mở cửa Thị trường và cam kết Đối xử Quốc gia trong dịch vụ pháp lý. Cụ thể như sau:

1. Dịch vụ pháp lý là dịch vụ Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường và áp dụng đối xử quốc gia:

Điều XVI.2 của Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của WTO chỉ cho phép Thành viên của WTO duy trì các quy định về giới hạn mở cửa thị trường nếu các giới hạn đó đã được quy định cụ thể tại Biểu cam kết về dịch vụ của chính Thành viên đó. Tương tự, Điều XVII của GATS yêu cầu tất cả các Thành viên WTO phải dành cho các dịch vụ đã được quy định tại Biểu cam kết nguyên tắc Đối xử Quốc gia mà theo đó doanh nghiệp trong và ngoài nước được đối xử bình đẳng.

Theo cam kết WTO của Việt Nam về dịch vụ pháp lý tại Biểu cam kết về dịch vụ, Việt Nam

P cho phép tổ chức Luật sư nước ngoài được có hiện diện thương mại tại Việt Nam; và

P không hạn chế trong đối xử quốc gia trong hoạt động giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước (có nghĩa là doanh nghiệp trong và ngoài nước được đối xử công bằng như nhau);

2. Dịch vụ ĐDSHCN là một phần của dịch vụ pháp lý được cam kết mở cửa và đối xử quốc gia theo WTO:

Theo Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam dịch pháp lý là dịch vụ thuộc phân loại CPC861, bao gồm các phân ngành sau:

– 8611 – Dịch vụ tư vấn và đại diện pháp luật trong các lĩnh vực luật pháp khác nhau

– 8612 – Dịch vụ tư vấn và đại diện pháp luật trong thủ tục pháp lý trong các vụ việc trước các cơ quan tài phán, ban ngành v.v…

– 8613 – Dịch vụ giấy tờ pháp lý và chứng nhận

– 8619 – Dịch vụ thông tin và tư vấn pháp lý khác

Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp rơi vào nhóm dịch vụ 86120 và/hoặc 8619. Cụ thể là:

- nhóm 86120 gồm “Dịch vụ tư vấn và đại diện pháp luật đối với các thủ tục pháp lý trước các cơ quan tài phán, ban ngành, v.v…”

Theo chú thích của CPC, nhóm này bao gồm “dịch vụ tư vấn và đại diện trong các thủ tục tố tụng, và dịch vụ soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan đến các thủ tục bắt buộc.

Dịch vụ này bao gồm việc đại diện một khách hàng trước các cơ quan nhà nước (chẳng hạn trước cơ quan tài phán hành chính). Nhóm dịch vụ này còn bao gồm việc bào chữa cho một vụ việc trước một cơ quan có thẩm quyền không phải là tòa án và các công việc liên quan đến luật pháp khác. Các dịch vụ liên quan đến luật pháp khác bao gồm công việc nghiên cứu và các công việc khác nhằm chuẩn bị cho một vụ việc không phải là vụ việc tố tụng (ví dụ: nghiên cứu chứng cứ, phỏng vấn nhân chứng, xem xét các bản báo cáo) và thực hiện các công việc sau tố tụng.”

- nhóm dịch vụ 8619: “ các dịch vụ tư vấn và thông tin khác”

Cũng theo Biểu cam kết về dịch vụ, Việt Nam đã liệt kê hai ngoại trừ dưới đây ra khỏi cam kết về đối xử quốc gia và mở cửa thị trường liên quan đến nhóm dịch vụ pháp lý:

i.                     Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hay đại diện cho khách hàng của mình trước tòa án Việt Nam; và

ii.                    Dịch vụ giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan đến pháp luật Việt Nam.

Như đã trình bày trên đây, rõ ràng dịch vụ ĐDSHCN không thuộc nhóm dịch vụ loại trừ do vậy các cam kết về Mở cửa Thị trường và Đối xử Quốc gia sẽ áp dụng đối với dịch vụ ĐDSHCN.

Việc không cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ ĐDSHCN là một hình thức giới hạn được liệt kê tại Điều XVI.2 của GATS3 mà thành viên WTO không được phép duy trì hoặc áp dụng trừ khi hình thức giới hạn này đã được quy định cụ thể tại Biểu cam kết về dịch vụ. Do dịch vụ ĐDSHCN thuộc nhóm dịch vụ pháp lý mà Việt Nam đã cam kết như trình bày trên đây và việc không cho phép các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ này không hề được quy định trong Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam, nên việc áp dụng hoặc duy trì sự giới hạn này là không phù hợp với quy định tại Điều XVI.2 của GATS. Tương tự, việc cấm các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cung cấp dịch vụ ĐDSHCN có nghĩa là các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài bị đối xử kém ưu đãi hơn so với các tổ chức hành nghề luật sư trong nước và việc này là vi pham Điều XVII của GATS.

 

 

Khuyến nghị:

Do dịch vụ ĐDSHCN không thuộc các dịch vụ pháp lý loại trừ trên đây, nên cam kết về Mở cửa Thị trường và nguyên tắc Đối xử Quốc gia phải được áp dụng. Hay nói cách khác, theo như cam kết gia nhập WTO, các tổ chức hành nghề luật sư trong nước và các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài là hoàn toàn bình đẳng trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý (trừ các ngoài trừ nêu trên), bao gồm cả dịch vụ ĐDSHCN.

Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ “trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam” ra khỏi Khoản 1, Điều 154 của Luật SHTT.

3

Thành lập Tòa chuyên trách về SHTT

Không có qui định tương ứng

Tính hợp lý

Thực tiễn áp dụng

Hiện nay hình thức xử lý vi phạm quyền SHTT được áp dụng phổ biến là xử phạt hành chính vì thủ tục nhanh chóng, ít tốn kém. Tuy nhiên cách làm này có nhiều bất cập. Thứ nhất là những tranh chấp phức tạp, kéo dài như tranh chấp về sáng chế thì không thể giải quyết thông qua xử phạt hành chính. Thứ hai, việc chỉ áp dụng xử phạt hành chính sẽ biến việc xử lý vi phạm quyền SHTT thành độc quyền của một số cơ quan quản lý nhà nước. Thế nhưng nhìn từ một khía cạnh khác thì có thể thấy rằng hệ thống tòa án hiện nay chưa đủ năng lực để xét xử các vụ án phức tạp liên quan đến quyền SHTT, mọi phán quyết của tòa đều phải dựa trên ý kiến chuyên môn của Cục SHTT mà cơ quan này nhiều khi lại là một bên tranh chấp.

 

 

Khuyến nghị

Thành lập Tòa chuyên trách về SHTT với các thẩm phán được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

4

Căn cứ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT

Điều 211 khoản 1 Luật SHTT

“1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

Tính thống nhất

Thực tiễn áp dụng

Xử phạt vi phạm hành chính là xử lý hành vi xâm phạm trật tự công, quyền quản lý nhà nước về SHTT, nên không cần xem xét đến yếu tố có gây thiệt hại hay không. Nếu hành vi xâm phạm có gây thiệt hại cho cá nhân thì phải giải quyết thông qua vụ án dân sự để đòi bồi thường. Việc đưa điều kiện “gây thiệt hại” vào điều này gây khó khăn cho quá trình thực thi.

 

 

Khuyến nghị

Sửa lại khoản 1 Điều 211 Luật SHTT bằng cách loại bỏ yêu tố “gây thiệt hại” như là căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính.

 

II. RÀ SOÁT QUI ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN SÁNG CHẾ

 

STT

Vấn đề

Qui định liên quan

Tiêu chí bị vi phạm

Phân tích vấn đề

1

Tính mới của sáng chế

Điều 60 Luật SHTT

 

Tính minh bạch

Thực tiễn áp dụng

Điều 60, khoản 1, Luật SHTT qui định về tính mới của sáng chế. Để làm cho điều này trở nên rõ ràng hơn đề nghị bổ sung thêm cụm từ “đến mức chuyên gia trung bình trong lĩnh vực này có thể thực hiện được sáng chế” như sau:

« Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai đến mức dựa vào đó chuyên gia trung bình trong lĩnh vực này có thể thực hiện được sáng chế mà không cần vận dụng thêm khả năng sáng tạo, dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên. 

Khoản 3 Điều 60 qui định về các trường hợp miễn trừ đối với tính mới nhưng lại không qui định miễn trừ đối với tính sáng tạo. Do đó có thể làm cho người nộp đơn hiểu rằng mặc dù được miễn trừ về tính mới nhưng sáng chế vẫn có thể bị từ chối về tính sáng tạo khi bị đối chứng với chính bản thân sáng chế này. Do đó khoản 3 điều 60 nên sửa thành: “3. Sáng chế không bị coi là đã bị bộc lộ công khai nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố

Mục a khoản 3: “Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký” nên sửa thành “Sáng chế bị người khác bộc lộ nhưng không được phép của người có quyền đăng ký” để bao gồm cả trường hợp tuy sáng chế không bị người khác công bố nhưng lại bị họ sử dụng và do đó bộc lộ trái với ý muốn của người có quyền nộp đơn.

Mục b khoản 3: “Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học” nên sửa thành “Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học hoặc bộc lộ dưới dạng thí nghiệm khoa học” để bao gồm cả trường hợp tác giả sáng chế phải tiến hành thí nghiệm khoa học trên qui mô rộng lớn (ví dụ các sáng chế liên quan đến các hệ thống lớn như điện lực, viễn thông...hoặc các sáng chế phải thử nghiệm trên qui mô một vùng rộng lớn) nhằm thu thập dữ liệu phục vụ cho việc hoàn thiện sáng chế để nộp đơn.

Tốt hơn cả là tách biệt Điều 60 thành hai điều luật riêng rẽ trong đó một điều luật qui định thế nào là bộc lộ công khai và các điều khoản miễn trừ đối với việc bị bộc lộ công khai, một điều luật qui định về tính mới. Như vậy các miễn trừ về bộc lộ công khai sẽ được hiểu là cũng được áp dụng cho việc thẩm định tính sáng tạo của sáng chế.

 

 

Khuyến nghị:

Tách Điều 60 thành 2 điều 60a và 60 b như sau:

Điều 60a:

1. Sáng chế bị coi là đã được bộc lộ công khai nếu được sử dụng công khai hoặc công bố bằng văn bản hoặc bằng bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài đến mức dựa vào đó chuyên gia trung bình trong lĩnh vực này có thể thực hiện được sáng chế mà không cần vận dụng thêm khả năng sáng tạo của mình.

2. Sáng chế không bị coi là đã được bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

3. Sáng chế không bị coi là đã được bộc lộ công khai nếu được bộc lộ trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố hoặc sử dụng công khai:

a) Sáng chế bị người khác bộc lộ nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;

b) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học hoặc bộc lộ dưới dạng thí nghiệm khoa học;

c) Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Điều 60b

Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên

2

Quyền nộp đơn đối với sáng chế công vụ

Điều 86.1

Điều 135

 

Tính hợp lý

Thực tiễn áp dụng

Điều 86, khoản 1, mục b) qui dịnh quyền nộp đơn đối với sáng chế công vụ thuộc về tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện, hoặc người sử dụng lao động v.v.. Điều 135 cũng qui định chủ sở hữu sáng chế có trách nhiệm trả tiền thù lao cho tác giả sáng chế. Tuy nhiên, nếu tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn cho sáng chế công vụ nêu trên mà không thực hiện quyền này, ví dụ để sử dụng dưới dạng know-how hoặc vì đã trót đầu tư nhiều cho công nghệ cũ nên không muốn thay đổi sang công nghệ mới nên không nộp đơn để giữ bí mật về sáng chế, thì tác giả có thể sẽ không được hưởng khoản thù lao nêu trên.

 

 

Khuyến nghị:

Cần qui định nếu tác giả sáng chế đã báo cáo về sáng chế được tạo ra mà tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn không thực hiện quyền này thì

a) tác giả sáng chế được quyền nộp đơn đứng tên mình, nếu tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn không phản đối việc này, nhưng khi văn bằng được cấp tác giả sáng chế không được ngăn cấm tổ chức, cá nhân này sử dụng sáng chế đã được cấp bằng;

b) nếu tổ chức cá nhân có quyền nộp đơn quyết định sử dụng sáng chế như một bí mật kinh doanh thì vẫn có nghĩa vụ thanh toán khoản thù lao tương ứng cho tác giả sáng chế.

3

Thời hạn nộp bản sao đơn ưu tiên

Không có qui định tương ứng trong Luật SHTT

 

Tính minh bạch;

Tính thống nhất

Công ước Pariss

Điều 4.D(3)

Các nước thành viên Liên minh có thể yêu cầu bất kỳ người nào xin hưởng quyền ưu tiên nộp bản sao của đơn (bản mô tả, hình vẽ ...) đã được nộp trước đó. Bản sao này, được cơ quan có thẩm quyền đã nhận đơn đó xác nhận, sẽ không cần phải có thêm bất kỳ sự xác nhận nào khác, và trong mọi trường hợp có thể được nộp miễn phí vào bất kỳ thời điểm nào trong vòng ba tháng kể từ ngày nộp đơn tiếp theo. Các nước thành viên có thể yêu cầu rằng bản sao này phải được kèm theo bởi giấy xác nhận ngày nộp đơn đó do chính cơ quan có thẩm quyền nêu trên cấp, và kèm theo bản dịch.

 

 

Khuyến nghị :

Tất cả các văn bản pháp qui đều không qui định thời hạn nộp bản sao đơn ưu tiên.Do thời hạn thẩm định hình thức là 1 tháng từ ngày nộp đơn nên trong vòng 1 tháng thẩm định viên phải ra thông báo yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu. Do thời hạn trả lời thông báo thẩm định hình thức là 1 tháng nên tối đa là 2 tháng kể từ ngày nộp đơn người nộp đơn phải nộp bản sao đơn ưu tiên. Trong khi đó Điều 4 của Công ước Pari qui định thời hạn này là 3 tháng. Do đó, cần bổ sung qui định về thời hạn nộp bản sao đơn ưu tiên là 3 tháng để phù hợp với điều ước quốc tế.

4

Thời hạn công bố dơn PCT

Điều 110.2

2. Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.

Tính minh bạch

Thực tiễn áp dụng:

Các đơn quốc tế đều được công bố tại pha quốc tế vào tháng thứ 18 kể từ nộp đơn quốc tế (cũng được coi là ngày nộp đơn Việt nam) hoặc từ ngày ưu tiên. Sau đó các đơn này lại được công bố một lần nữa sau khi vào pha quốc gia Việt nam.

Hiện nay luật chưa qui định rằng đối với các đơn quốc tế ngày nào cần được coi là ngày công bố chính thức, ngày công bố quốc tế hay ngày công bố tại Việt nam, để tính các thời hạn tương ứng, ví dụ thời hạn xét nghiệm, quyền tạm thời v.v..

 

 

Khuyến nghị:

Cần bổ sung qui định rằng ngày công bố đối với các đơn quốc tế là ngày công bố trên Công báo tại Việt nam.

5

Nguyên tắc cạn quyền đối với sáng chế

Điều 125.2(b) Luật SHTT

 

Tính hợp lý

Thực tế áp dụng

Điều 125 qui định “Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp ... không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:

b. Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp...”. Thực ra điều luật này cần phải qui định là “Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp bởi chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp”. Bởi vì có thể tồn tại trường hợp khi sáng chế không được nộp đơn đăng ký ở nước ngoài và do đó bất kỳ bên thứ ba nào cũng có thể sản xuất sản phẩm theo sáng chế ở nước đó một cách hợp pháp và nhập khẩu vào Việt nam mà chủ sở hữu sáng chế không có quyền ngăn cấm. Để làm rõ qui định này của Luật SHTT, Nghị định 103 điều 21 đã bổ sung qui định “sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 125 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu là sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài”. Tuy nhiên, cách làm này có chỗ không phù hợp. Cụ thể là việc quyết định một hành vi ở nước ngoài là hợp pháp hay không thì phải dẫn chiếu đến luật của nước sở tại.

 

 

Khuyến nghị:

Sửa lại điều này một cách căn bản, ngay từ trong luật bằng cách qui định:

“b) Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp, đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài;”

6

Sử dụng giải pháp kỹ thuật tương đương với sáng chế được bảo hộ

Điều 126.1 Luật SHTT

Điều 8.1 Nghị định 105

 

Tính minh bạch

Thực tế áp dụng

Trên thực tế xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, không riêng ở nước ta mà ở nhiều nước khác, việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật tương đương với giải pháp được bảo hộ cũng phải bị coi là hành vi xâm phạm. Trong Nghị định 105 có nêu rõ quan điểm này nhưng có lẽ các qui định như vậy nên được đưa vào luật. 

 

 

Khuyến nghị

Nên sửa đổi khoản 1, Điều 126 Luật SHTT thành:

“Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

1. Sử dụng giải pháp kỹ thuật thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế hoặc giải pháp kỹ thuật tương đương với giải pháp kỹ thuật thuộc phạm vi bảo hộ sáng chế đó, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;”

7

Thời hạn bắt đầu bảo hộ tạm thời

Điều 131 Luật SHTT

 

Tính minh bạch

Thực tiễn áp dụng

Điều luật này cũng như các qui định khác liên quan đến việc bảo hộ tạm thời đã không qui định một cách rõ ràng rằng quyền tạm thời của người nộp đơn chỉ bắt đầu từ ngày công bố đơn. Hơn nữa, cũng cần nêu rõ rằng đối với các đơn PCT, ngày công bố đơn đối với mục đích tính thời hạn bảo hộ tạm thời là ngày công bố tại Việt nam hay ngày công bó quốc tế.

 

 

Khuyến nghị:

Qui định cụ thể việc bảo hộ tạm thời chỉ bắt đầu kể từ ngày công bố đơn. Đối với các đơn PCT, ngày này là ngày công bố đơn tại Viẹt nam.

8

Li xăng cưỡng bức

Điều 145 Luạt SHTT

Căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế

 

Tính thống nhất

Điều 5A, mục 4 Công ước Paris

Không được áp dụng li xăng cưỡng bức với lý do không sử dụng hoặc sử dụng không đầy đủ trước khi hết thời hạn 4 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp patent hoặc 3 năm kể từ ngày cấp patent, tùy theo thời hạn nào kết thúc muộn hơn; li xăng cưỡng bức sẽ bị rút bỏ nếu chủ patent chứng minh được việc không sử dụng của mình là vì những lý do chính đáng. Li xăng cưỡng bức nói trên là li xăng không độc quyền và không được chuyển giao, thậm chí dưới hình thức li xăng thứ cấp, trừ trường hợp chuyển giao cùng với một phần của cơ sở sản xuất hoặc cơ sở thương mại đang sử dung li xăng đó.

Điều 31 Hiệp định TRIPs

Trường hợp luật của một Thành viên quy định việc cấp phép sử dụng đối tượng patent dưới hình thức khác khi không được phép của người nắm giữ quyền, bao gồm cả việc sử dụng do Chính phủ hoặc do các bên thứ ba được Chính phủ cho phép thực hiện, các quy định sau đây phải được tôn trọng:

.......

chỉ được cấp phép sử dụng nếu, trước khi sử dụng, người có ý định sử dụng đã cố gắng để được người nắm giữ quyền cấp phép với giá cả và các điều kiện thương mại hợp lý nhưng sau một thời gian hợp lý, những cố gắng đó vẫn không đem lại kết quả. Yêu cầu này có thể được Thành viên bỏ qua trong tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc các trường hợp đặc biệt cấp bách khác hoặc trong các trường hợp sử dụng vào mục đích công cộng, không nhằm mục đích thương mại. ....

Luật SHTT qui định bốn căn cứ để các cơ quan nhà nước buộc chủ sở hữu văn bằng bảo hộ cấp phép sử dụng cho tổ chức, cá nhân khác, trong đó có một căn cứ là khi chủ văn bằng không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế và một căn cứ là khi người có nhu cầu sử dụng không thể thỏa thuận được về giá và điều kiện cấp phép. So với các điều ước quốc tế nêu trên thì việc cấp phép trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế chỉ được thực hiện với hai điều kiện:  chủ patent không chứng minh được việc không sử dụng của mình là vì những lý do chính đáng trước khi sử dụng, người có ý định sử dụng đã cố gắng để được người nắm giữ quyền cấp phép với giá cả và các điều kiện thương mại hợp lý nhưng sau một thời gian hợp lý, những cố gắng đó vẫn không đem lại kết quả.

Việc cưỡng bức cấp phép sử dụng chỉ vì người có yêu cầu sử dụng không đạt được thỏa thuận về giá và điều kiện thương mại với chủ văn bằng như qui định tại mục c), khoản 1, Điều 145 Luật SHTT sẽ trái ngược với nguyên tắc độc quyền sử dụng đối với sáng chế được cấp bằng và không phù hợp với bản thân mục đích của luật sáng chế là khuyến khích đầu tư vật chất, tinh thần cho quá trình sáng tạo.

 

 

Khuyến nghị

Cần sửa lại khoản 1, Điều 145 như sau:

1.Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 147 của Luật này mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế:

a) Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;

b) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật này sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế, mà không thể chứng minh được việc không sử dụng của mình là vì những lý do chính đáng. Quyết định bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng chỉ được ban hành khi người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng.

c) Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thoả thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thoả đáng;

d) Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

9

Thời hạn giải quyết khiếu nại liên quan đến các đơn sáng chế

Nghị định 103, Điều 14, khoản 5

 

Tính khả thi

Thực tế áp dụng

Điều 14 khoản 5 của Nghị định qui định rằng “thời hạn giải quyết khiếu nại theo qui định của pháp luật về khiếu nại”, nghĩa là 30 đến 45 ngày. Tuy nhiên, thời hạn này là quá ngắn để giải quyết các khiếu nại về sáng chế vốn có thời gian thẩm định lên tới hàng năm. Do đó, việc giải quyết khiếu nại đúng hạn là không khả thi, dẫn tới việc giải quyết khiếu nại về sở hữu trí tuệ không tuân theo bất kỳ thời hạn nào.

 

 

Khuyến nghị

Cần đề ra một thời hạn hợp lý để giải quyết các khiếu nại liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ..

10

Sáng chế mật

Nghị định 103, Chương IIIa, Điều 23b, khoản 2

 

Tính hợp lý

Thực tiễn áp dụng

Chương IIIa đề cập đến sáng chế mật trong đó qui định đơn có xuất xứ Việt nam phải được nộp tại Việt nam 6 tháng trước khi nộp ra nước ngoài. Chương này, đặc biệt là Điều 23b nêu trên cần phải được đưa vào luật chứ không thể để trong Nghị định. Ngoài ra, Nghị định qui định các hạn chế rất lớn đối với quyền của chủ sở hữu sáng chế bị coi là sáng chế mật nên cần phải có cơ chế đền bù cho những người này.

 

 

Khuyến nghị

Cần sửa đổi luật để bổ sung thêm các qui định về sáng chế mật trong đó có qui định các biện pháp đền bù cho chủ văn bằng bảo hộ sáng chế mật.

 

III. RÀ SOÁT QUI ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN NHÃN HIỆU

 

STT

Vấn đề

Qui định liên quan

Tiêu chí bị vi phạm

Phân tích vấn đề

1

Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu

Điều 73.3 Luật SHTT

Điều 39.3 mục l, Thông tư 01/2007/TT-BKHCN

 

Tính minh bạch

Thực tế áp dụng

Luật SHTT đã không đề cập đến các dấu hiệu “trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi” mà loại dấu hiệu này lại được đề cập đến trong Thông tư 01.

 

 

Khuyến nghị

Nên sửa đổi khoản 3 Điều 73 Luật SHTT như sau

«3. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài; trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

2

Bảo hộ chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng

 

Điều 74.2(a) Luật Sở hữu trí tuệ : Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a)                  Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu.

 

Tính hợp lý;

Tính thống nhất

Điều 15.1&2 Hiệp định TRIPS:

“Bất kỳ một dấu hiệu, hoặc tổ hợp các dấu hiệu nào, có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hoá hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác, đều có thể làm nhãn hiệu hàng hoá. Các dấu hiệu đó, đặc biệt là các từ, kể cả tên riêng, các chữ cái, chữ số, các yếu tố hình hoạ và tổ hợp các mầu sắc cũng như tổ hợp bất kỳ của các dấu hiệu đó, phải có khả năng được đăng ký là nhãn hiệu hàng hoá. Trường hợp bản thân các dấu hiệu không có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ tương ứng, các Thành viên có thể quy định rằng khả năng được đăng ký phụ thuộc vào tính phân biệt đạt được thông qua việc sử dụng. Các Thành viên có thể quy định rằng điều kiện để được đăng ký là các dấu hiệu phải là dấu hiệu nhìn thấy được.

Khoản 1 trên đây không có nghĩa là cấm các Thành viên từ chối đăng ký nhãn hiệu hàng hoá dựa vào những căn cứ khác, miễn là những căn cứ khác đó không trái với quy định của Công ước Paris”.

Điều 6quinquies Công ước Paris

Nhãn hiệu: Bảo hộ ở các nước thành viên của Liên minh các nhãn hiệu đã được đăng ký ở một nước thành viên của Liên minh

A - (1) Bất cứ nhãn hiệu nào được đăng ký hợp lệ tại nước xuất xứ cũng phải được chấp nhận nộp đơn và bảo hộ như nó vốn có tại các nước thành viên khác của Liên minh, với một số quy định tại Điều này. Các nước này có thể, trước khi kết thúc quá trình đăng ký, yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại nước xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy chứng nhận đó không cần phải xác nhận. (2) Nước được coi là nước xuất xứ là nước thành viên của Liên minh mà người nộp đơn có cơ sở sản xuất hoặc thương mại thực sự và có hiệu quả, hoặc nếu không có cơ sở như vậy trong phạm vi Liên minh thì là nước thành viên của Liên minh mà người nộp đơn có chỗ ở cố định, hoặc nếu không có chỗ ở cố định trong phạm vi Liên minh thì là nước thành viên của Liên minh mà người nộp đơn là công dân.

B - Trừ các trường hợp sau đây, các nhãn hiệu thuộc phạm vi hiệu lực của Điều này sẽ không bị từ chối việc đăng ký hoặc bị huỷ bỏ:

1. Khi các nhãn hiệu đó xâm phạm quyền của bên thứ ba tại nước có yêu cầu bảo hộ.

2. Khi các nhãn hiệu đó không hề có bất cứ dấu hiệu phân biệt nào, hoặc chỉ bao gồm toàn các dấu hiệu hoặc chỉ dẫn được sử dụng trong thương mại để chỉ chủng loại, chất lượng, số lượng, mục đích sử dụng, giá trị, xuất xứ của hàng hoá, hoặc thời gian sản xuất, hoặc đã trở thành thông

dụng trong ngôn ngữ hiện thời hoặc trong tập quán thương mại lành mạnh và lâu đời tại nước có yêu cầu bảo hộ.

3. Khi các nhãn hiệu đó trái với đạo đức hoặc trật tự công cộng, đặc biệt về bản chất chúng có thể gây nhầm lẫn cho công chúng. Điều này được hiểu rằng nhãn hiệu không thể bị coi là xâm phạm trật tự công cộng chỉ vì lý do duy nhất là nhãn hiệu đó không phù hợp với một quy định nào đó của pháp luật về nhãn hiệu, trừ trường hợp chính quy định đó liên quan đến trật tự công cộng.

Theo các quy định của Hiệp định TRIPS và Công ước Paris nêu trên đây, các dấu hiệu bao gồm “chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng“ nếu đã được đăng ký hợp lệ tại nước xuất xứ cũng phải được chấp nhận nộp đơn và bảo hộ như nó vốn có tại các nước thành viên khác của Liên minh bao gồm Việt nam. Tuy nhiên theo quy định hiện hành của luật pháp Việt nam như nêu trên đây, các dấu hiệu này sẽ bị từ chối bảo hộ nếu như người nộp đơn không chứng minh được các dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu ở Việt nam. Như vậy, việc quy định về khả năng không phân biệt của các dấu hiệu “chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng“ của luật pháp Việt nam về sở hữu trí tuệ có thể xem như không hoàn toàn phù hợp với Hiệp định TRIPS. Việc này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc bảo hộ nhãn hiệu kể cả việc kinh doanh các hàng hóa nhập khẩu mang các nhãn hiệu như vậy từ các nước hay vùng lãnh thổ sử dụng các ngôn ngữ không thông dụng ở Việt nam, và đương nhiên người tiêu dùng đã quen với các ngôn ngữ đó có thể sẽ mất đi cơ hội có được các hàng hóa hay dịch vụ mang các nhãn hiệu đó.

 

 

Khuyến nghị:

Sửa lại điều 74.2(a) Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

«Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Hình và hình hình học đơn giản trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu».

3

Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu

Điều 74.2(e) và (h),

Điều 90.2, Luật SHTT

Tính minh bạch

Thực tế áp dụng

Cụm từ “không phải là nhãn hiệu liên kết” trong điều 74.2(e) vừa thừa vừa dễ gây nhầm lẫn. Theo quy định “nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau”. Đó chỉ là những nhãn hiệu của cùng một chủ sở hữu nhưng cũng có các dấu hiệu hoặc sản phẩm/dịch vụ trùng hoặc tương tự. Trên thực tế thẩm định, việc chỉ ra nhãn hiệu liên kết hay không cũng không ảnh hưởng đến kết quả thẩm định. Do đó, cần loại bỏ quy định về nhãn hiệu liên kết trong Luật SHTT, bởi trong thực tế quy định này không có ý nghĩa gì.

Cách diễn đạt của Điều 74.2(e) không rõ ràng, và không loại trừ một cách cụ thể các dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được nộp đơn yêu cầu bảo hộ trước đó, nhưng “chưa được đăng ký”. Trên thực tế, khi đưa ra đối chứng là các nhãn hiệu trùng lặp hoặc tương tự gây nhầm lẫn, có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, Cục Sở hữu trí tuệ dẫn chiếu Điều 90(2) (về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên) chứ không phải là Điều 74.2(e) (về Điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu) làm cơ sở để từ chối bảo hộ nhãn hiệu. Trong khi đó, có rất nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu mặc dù đã hết hiệu lực (bị từ chối bảo hộ mà không có khiếu nại trong thời hạn quy định), vẫn có thể được đưa ra làm đối chứng. Để tránh nhầm lẫn và vướng mắc trong quá trình xem xét điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu như nêu trên, nên sửa đổi quy định tại Điều 74.2(e) và 74.2(h) rõ ràng và tách biệt như khuyến nghị dưới đây.

 

 

Khuyến nghị

Sửa đổi các điều 74.2

Đối với trường hợp đối chứng là các nhãn hiệu mới được nộp đơn, nhưng chưa được đăng ký:

“(e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được nộp đơn đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trừ trường hợp các đơn đăng ký này đã hết hiệu lực do (i) người nộp đơn rút đơn; hoặc (ii) đơn bị từ chối bảo hộ bởi một thông báo hoặc quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ mà người nộp đơn không có ý kiến trả lời hoặc khiếu nại trong thời hạn quy định;

 

Đối với trường hợp đối chứng là các nhãn hiệu đã được đăng ký:

“(h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đang còn hiệu lực hoặc đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này;”

4

Thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng

Thông tư 01/2007/TT-BKHCN

Mục 42.4 : Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc theo quyết định công nhận của Cục Sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Tính hợp lý

Thực tế áp dụng

Hiện nay luật sở hữu tuệ và các văn bản hướng dẫn đều không có qui định cụ thể về thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Việc này gây khó khăn cho cả chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và các cơ quan thực thi. Thực tế cho thấy một nhãn hiệu nổi tiếng thường bị nhiều doanh nghiệp khác bắt chước. Nếu không có quyết định công nhận nổi tiếng của Cục SHTT hoặc Tòa án, thì với mỗi vụ việc khác nhau chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng lại phải thu thập bằng chứng chứng minh nhãn hiệu của mình là nổi tiếng. Việc này gây phiền hà, tốn kém về tiền bạc và thời gian, đồng thời cũng gây khó khăn cho cơ quan thực thi phải mất thời gian xem xét và đánh giá lại chứng cứ, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp. Vì vậy, việc quy định thủ tục công nhận và ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng là cần thiết để giảm bớt khó khăn, vướng mắc cho cả chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng và cơ quan thực thi. Tuy nhiên, thủ tục này phải được quy định một cách hợp lý để không trở thành một hình thức “đăng ký” bảo hộ phức tạp, tốn nhiều thời gian, trái với nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng như quy định tại Điều 6bis Công Ước Paris. Thủ tục này phải được coi là một tùy chọn cho chủ nhãn hiệu nổi tiếng

 

 

 

Khuyến nghị:

Luật SHTT và các văn bản dưới luật cần bổ sung qui định về thủ tục này để ghi nhận một cách cụ thể và đơn giản các nhãn hiệu nổi tiếng vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ theo hướng:

(i)                   Các nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng trong một quyết định của Tòa Án hay một quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, dù là quyết định riêng biệt về sự nổi tiếng của nhãn hiệu, hay là quyết định về một vụ việc cụ thể trong đó có công nhận sự nổi tiếng của nhãn hiệu này, có thể được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ.

(ii)                 Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ một bản sao Quyết Định của Tòa Án hoặc của chính Cục Sở hữu trí tuệ trong đó có công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng, cùng với tất cả các thông tin liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng mà dựa vào đó, Tòa Án hoặc Cục Sở hữu trí tuệ đã kết luận nhãn hiệu là nổi tiếng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng nói trên vào danh mục nhãn hiệu nổi tiếng tại Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời, ra thông báo cho chủ sở hữu nhãn hiệu về việc ghi nhận này.

5

Sử dụng nhãn hiệu theo mẫu khác biệt về chi tiết với nhãn hiệu đã đăng ký

Luật SHTT không có qui định tương ứng

Tính hợp lý;

Tính thống nhất

Điều 5. C-2 Công ước Paris

Việc chủ nhãn hiệu hàng hoá sử dụng nhãn hiệu theo mẫu khác biệt về chi tiết, nhưng không làm thay đổi tính phân biệt của nhãn hiệu theo mẫu đã được đăng ký tại một nước thành viên bất kỳ của Liên minh sẽ không dẫn tới việc đình chỉ đăng ký và không thể hạn chế sự bảo hộ đã dành cho nhãn hiệu”.

Trong quá trình kinh doanh và phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, chủ nhãn hiệu thường thay đổi mẫu nhãn hiệu đã đăng ký nhằm cuốn hút người tiêu dùng mua và sử dụng hàng hóa và dịch vụ do họ cung cấp thay vì các hàng hóa và dịch vụ cùng loại của các đối thủ cạnh tranh. Các thay đổi trên thực tế bao gồm thay đổi màu sắc, thêm hoặc bớt các chi tiết trang trí, minh họa hay thông tin về sản phẩm, dịch vụ, hay thay đổi đường nét nhãn hiệu. Việc không có quy định về sử dụng nhãn hiệu theo mẫu khác biệt về chi tiết với nhãn hiệu đã đăng ký gây không ít khó khăn không chỉ cho chủ nhãn hiệu trong việc bảo hộ nhãn hiệu cũng như trong việc thực thi quyền nhãn hiệu, mà còn cho các cơ quan quản lý và thực thi.

 

 

Khuyến nghị:

Bổ sung quy định về sử dụng nhãn hiệu theo mẫu khác biệt về chi tiết với nhãn hiệu đã đăng ký vào luật sở hữu trí tuệ, cụ thể là Việc chủ nhãn hiệu hàng hoá sử dụng nhãn hiệu theo mẫu khác biệt về chi tiết, nhưng không làm thay đổi tính phân biệt của nhãn hiệu theo mẫu đã được đăng ký sẽ không dẫn tới việc đình chỉ đăng ký và không thể hạn chế sự bảo hộ đã dành cho nhãn hiệu”.

6

Quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm được đưa ra thị trường bởi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại nhưng do người khác sản xuất.

Điều 87.2. Luật Sở hữu trí tuệ

Quyền đăng ký nhãn hiệu

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

Tính hợp lý

Thực tế áp dụng

Quy định trên đây xem ra không còn phù hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa. Trên thực tế, bên đặt gia công hàng hóa - thường là người trực tiếp đưa hàng hóa ra thị trường, phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng nhãn hiệu trước các bên thứ ba và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa trước người tiêu dùng, còn bên nhận gia công hàng hóa - người trực tiếp sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của bên đặt gia công chỉ phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa trước bên đặt gia công, và không phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng nhãn hiệu. Bên nhận gia công hàng hóa có thể bị thay đổi phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa mà họ cung cấp cho bên đặt gia công.

            Xét theo các khía cạnh trên đây và rằng người đưa hàng hóa ra thị trường phải kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu cũng như kiểm soát  chất lượng hàng hóa, nên việc quy định đăng ký nhãn hiệu với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó được xem như không hợp lý.

 

 

Khuyến nghị:

Sửa đổi điều 87.2. Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể là

«Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện tổ chức, cá nhân đó kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường».     

7

Thời hạn khiếu nại thông báo từ chối đăng ký Quốc tế nhãn hiệu hàng hóa

Điều 14.4.a Nghị định số 103/2006/NĐ-CP

Điều 41.6.d Thông tư 01

 

Tính thống nhất

 

Việc quy định thời hạn 3 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ gửi thông báo từ chối theo điều 41.6.d Thông tư không phù hợp với điều 14. 4.a Nghị định số103/2006/NĐ-CP vốn qui định thời hạn 90 ngày kể từ ngày người nộp đơn nhận hoặc biết được về thông báo này.

 

 

 

Khuyến nghị:

Sửa lại điều 41.6.d Thông tư, cụ thể là: 

«Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được thông báo từ chối, người nộp đơn có quyền khiếu nại thông báo từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ. Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện như đối với đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trực tiếp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Kết quả giải quyết khiếu nại được Cục Sở hữu trí tuệ thông báo cho Văn phòng quốc tế và cho người nộp đơn».

8

Chấm dứt hiệu lực từng phần văn bằng bảo hộ

Không có qui định tương ứng

Tính minh bạch

Thực tế áp dụng

Điều 95 Luật SHTT qui định việc chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ còn đièu 96 qui định việc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Trong khi điều 96 có qui định về hủy bỏ hiệu lực toàn bộ và hủy bỏ hiệu lực từng phần thì điều 95 chỉ qui định chấm dứt hiệu lực toàn bộ mà không có qui định về chấm dứt hiệu lực từng phần. Trên thực tế, Cục SHTT đang áp dụng tương tự, tức là vẫn có chấm dứt hiệu lực từng phần. Ví dụ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cấp cho ba nhóm hàng hóa, dịch vụ nhưng chỉ sử dụng có một nhóm thì có thể bị chấm dứt hiệu lực đối với những nhóm không được sử dụng trong khi hiệu lực của văn bằng này vẫn được duy trì đối với nhóm đã được sử dụng.

 

 

Khuyến nghị

Cần làm rõ hiệu lực của văn bằng bảo hộ có thể dược chấm dứt từng phần hay không bằng cách qui định cụ thể trong Luật SHTT

9

Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ vì lý do không sử dụng trong năm năm

Điều 95.1(d) Luật SHTT

Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:…d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực”.

Tính minh bạch,

Tính hợp lý

Thực tế áp dụng

Cục SHTT sẽ xem xét đơn yêu cầu đình chỉ đơn đăng ký nhãn hiệu nếu đơn đó được nộp kèm với các bằng chứng về việc nhãn hiệu đó đã không được “sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục”. Tuy nhiên, pháp luật SHTT không có quy định về việc những bằng chứng nào sẽ được chấp nhận và được xem xét dẫn đến việc áp dụng không thống nhất tại Cục SHTT. Trong một số trường hợp, Cục SHTT chấp nhận các bằng chứng thu thập được trong điều tra thực tế nhưng trong một số trường hợp khác thì chỉ các bằng chứng do một số đơn vị chuyên môn (VD: Trung tâm công nghiệp và thương mại - Bộ Công thương) cung cấp mới được chấp nhận. Điều này dẫn đến vị thế độc quyền của các cơ quan này, hệ quả là chi phí rất lớn mà chất lượng điều tra không cao. Thực ra, để chấm dứt hiệu lực một văn bằng bảo hộ nhãn hiệu do không sử dụng thì chỉ cần có đơn của bên thứ ba và chủ sở hữu nhãn hiệu không chứng minh được việc sử dụng là đủ. Nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu cũng như nghĩa vụ chứng minh việc sử dụng là của chủ sở hữu nhãn hiệu cho nên không thể bắt người nộp đơn xin hủy hiệu lực chứng minh rằng nhãn hiệu đã không được sử dụng mà người này chỉ cần nộp đơn còn việc chứng minh sử dụng hay không là nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu.

 

 

 

Khuyến nghị

Chuyển nghĩa vụ chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu sang chủ sở hữu nhãn hiệu trong trường hợp có yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu vì lý do không sử dụng trong năm năm.

10

Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

Luật SHTT, Điều 96.2

2. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.

Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Mục 21.3(b)

Tính minh bạch

Thực tế áp dụng

Điều 96.2: “Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ”:  Thực chất hủy bỏ một phần hiệu lực phải được hiểu là hủy bỏ hiệu lực của toàn bộ nhãn hiệu đang được bảo hộ đó đối với một phần hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đang được bảo hộ.  Tức là chủ sở hữu nhãn hiệu không được phép tiếp tục sử dụng nhãn hiệu đang được bảo hộ có yếu tố vi phạm đó cho một số hàng hóa hoặc dịch vụ đã bị hủy bỏ hiệu lực. Cách viết “phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hô” như hiện nay dẫn đến việc hiểu và áp dụng trong thực tế là một yếu tố hình hoặc chữ nào đó trong nhãn hiệu bị coi là vi phạm quyền của người khác và chủ sở hữu phải loại bỏ “phần vi phạm đó” ra khỏi nhãn hiệu đang được bảo hộ. Việc này là không thể bởi vì nhãn hiệu đang được bảo hộ đó vẫn có hiệu lực đối với các sản phẩm và/hoặc dịch vụ khác. Hơn nữa văn bằng bảo hộ mà chủ sở hữu đang giữ vẫn thể hiện toàn bộ nhãn hiệu đang được bảo hộ.

 

 

 

Khuyến nghị:

Điều 96.2 Luật SHTT cần phải được sửa đổi để tránh việc hiểu và áp dụng sai như đề cập ở trên, ví dụ có thể qui định: “Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ hiệu lực đối với một phần sản phẩm, dịch vụ đăng ký trong trường hợp nhãn hiệu không đáp ứng điều kiện bảo hộ đối với phần sản phẩm, dịch vụ đó”.

Thông tư 01, Mục 21 cần bổ sung qui định trong trường hợp Cục SHTT ra quyết định chấm dứt, hủy bỏ một phần hiệu lực văn bằng bảo hộ, thì phải có thủ tục và chế tài để buộc chủ sở hữu văn bằng nộp bản gốc văn bằng bảo hộ để Cục SHTT ghi nhận việc chấm dứt, hủy bỏ một phần hiệu lực vào văn bằng bảo hộ đó, và chủ sở hữu văn bằng phải nộp lệ phí cho việc ghi nhận đó..

11

Sửa đổi, bổ sung, chuyển đối đơn đăng ký nhãn hiệu

Luật SHTT, Điều 115, khoản 19(a), (c), (d):

1. Trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có các quyền sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung đơn;

c) Yêu cầu ghi nhận thay đổi về tên, địa chỉ của người nộp đơn;

 d) Yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng, do thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

Tính hợp lý

Thực tiễn áp dụng:

Theo qui định tại Điều 115.1, sau khi có quyết định từ chối đơn, người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia không có quyền thực hiện những việc qui định tại khoản a), c) và d). Quy định như vậy chưa hợp lý.

Thực chất, sau khi đơn bị từ chối, người nộp đơn vẫn còn quyền khiếu nại quyết định từ chối của Cục SHTT. Thậm chí sau đó tiếp tục khiếu nại lên Bộ khoa học và công nghệ (Bộ KH & CN) và/hoặc khởi kiện ra tòa nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục SHTT hoặc Bộ KH&CN. Như vậy nếu trong thời gian khiếu nại và/ hoặc khởi kiện đó người nộp đơn thay đổi tên và địa chỉ thì việc thay đổi đó vẫn cần thiết được ghi nhận đối với đơn nhãn hiệu vừa bị từ chối.

Thực tế cũng cho thấy có trường hợp sau khi Cục SHTT ra quyết định từ chối một đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn và chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng đạt được thỏa thuận chuyển nhượng đơn bị từ chối cho chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng. Khi đó chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng sẽ chính là người nộp đơn và tiếp tục theo đuổi thủ tục khiếu nại quyết định từ chối đơn. Vì vậy việc ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn vẫn cần phải được thực hiện đối với đơn nhãn hiệu bị từ chối.

Hoặc trong trường hợp sau khi xem xét quyết định từ chối đơn, người nộp đơn mới quyết định khiếu nại quyết định từ chối theo hướng giới hạn sản phẩm để loại bỏ khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng. Như vậy, việc giới hạn sản phẩm đó cũng cần phải được ghi nhận để làm căn cứ cho việc khiếu nại.

Mặt khác, đối với đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định hoặc mở rộng vào Việt Nam, sau khi có thông báo từ chối của Cục SHTT, và trong thời gian người nộp đơn khiếu nại thông báo từ chối đó tại Cục SHTT, người nộp đơn vẫn được phép tiến hành thủ tục ghi nhận giới hạn danh mục sản phẩm, chuyển nhượng đơn hoặc thay đổi tên, địa chỉ với cơ quan đăng ký quốc tế là WIPO, và nhờ đó đã giúp khiếu nại thành công.

Như vậy, qui định của Luật SHTT như đề cập ở trên vừa không hợp lý, vừa tạo ra sự không bình đẳng giữa người nộp đơn đăng ký quốc gia và người nộp đơn đăng ký quốc tế.

 

 

Khuyến nghị:

Điều 115.1 luật SHTT cần được sửa đổi để không giới hạn quyền nêu trên của người nộp đơn, tạo ra sự bình đẳng giữa người nộp đơn đăng ký quốc gia và người nộp đơn đăng ký quốc tế.

12

Rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Điều 116, khoản 1 và 2, Luật SHTT

Tính minh bạch

Thực tiễn áp dụng

Điều 116 khoản 1 qui định người nộp đơn được quyền tuyên bố rút đơn và kể từ khi người này tuyên bố rút đơn thì mọi thủ tục đối với đơn đều được chấm dứt. Tuy nhiên lại không có qui định về việc thời điểm nào thì đơn được coi là rút: thời điểm người nộp đơn nộp tuyên bố rút đơn hay thời điẻm Cục SHTT ra quyết định về việc rút đơn. Trên thực tế nhiều trường hợp Cục không ra quyết định rút đơn và người nộp đơn không biết là đơn của mình đã được coi là rút rồi hay chưa.

 

 

Khuyến nghị

Sửa khoản 2 Điều 116 như sau:

“2. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được coi là đã rút kể từ thời điểm người nộp đơn tuyên bố rút đơn và từ thời điểm này người nộp đơn tuyên bố rút đơn, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó sẽ bị chấm dứt; các khoản phí, lệ phí đã nộp liên quan đến những thủ tục chưa bắt đầu tiến hành được hoàn trả theo yêu cầu của người nộp đơn.”

13

Quy định về hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại chưa đầy đủ

Khoản 2, Điều 129 Luật SHTT

 

Tính minh bạch

Thực tế áp dụng

Quy định tại khoản 2, Điều 129 còn có các thiếu sót sau:

(i) chưa xác định rõ tên thương mại bị xâm phạm phải là tên thương mại được bảo hộ (đáp ứng các điều kiện bảo hộ quy định tại Điều 78 Luật SHTT);

(ii) chưa bao gồm các hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện cung cấp dịch vụ, phương tiện quảng cáo. (Chức năng chính của tên thương mại là để phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác).

 

 

Khuyến nghị:

Đề nghị chỉnh sửa nội dung khoản 2 Điều 129 Luật SHTT như sau:

Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý…

2. Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại được bảo hộ của người khác để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện cung cấp dịch vụ, phương tiện quảng cáo gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.”

 

VI. RÀ SOÁT QUI ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

 

STT

Vấn đề

Qui định liên quan

Tiêu chí vi phạm

Căn cứ để đối chiếu: Công ước quốc tế/thực tiễn áp dụng

1

Miễn trừ đối với tính sáng tạo của kiểu dáng cong nghiệp

Điều 65, 66 Luật SHTT

Điều 66 Luật SHTT

 

Tính minh bạch

Thực tiễn áp dụng

Tương tự như đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được miễn trừ về tính mới trong vòng 6 tháng trong những trường hợp nhất định. Tuy nhiên, luật lại không qui định miễn trừ đối với tính sáng tạo cho những trường hợp này. Do đó, giống như đối với sáng chế cần sửa lại Điều 65-66 của luật để các trường hợp miễn trừ đối với tính mới thì cũng áp dụng được cho tính sáng tạo.

 

 

Khuyến nghị

Đề nghị sửa các Điều 65, Luật SHTT như sau:

Điều 65a

Kiểu dáng bị coi là đã được bộc lộ công khai

1.Kiểu dáng công nghiệp bị coi là đã được bộc lộ công khai kiểu dáng công nghiệp này đã bị bộc lộ dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

2. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là đã được bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

3. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là đã được bộc lộ công khai nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;

b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Điều 65b

Tính mới của kiểu dáng công nghiệp

1.Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

2. Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.

Điều 66

Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

2

Hiệu lực bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp

Điều 93.4 Luật Sở hữu trí tuệ:

Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

Tính minh bạch;

Tính hợp lý

Quy định trên đây có thể xem như không rõ ràng gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về kiểu dáng công nghiệp cũng như chủ sở hữu kiểu dáng vì trên thực tế không ít trường hợp do liên quan tới phản đối, khiếu nại, việc cấp bằng độc quyền kiểu dáng được thực hiện sau thời hạn 5 năm kể từ ngày nộp đơn. Theo quy định trên đây, việc xác định thời hạn hiệu lực của bằng độc quyền kiểu dáng nêu trên trở thành không rõ ràng, và chỉ có thể suy đoán rằng hiệu lực của bằng độc quyền kiểu dáng sẽ kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, và chỉ có thể gia hạn một lần năm năm.

Để quy định trên đây được hiểu một cách rõ ràng, nên quy định rõ là bằng độc quyền kiểu dáng có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười lăm năm kể từ ngày nộp đơn, và để duy trì hiệu lực bằng độc quyền kiểu dáng, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực tương tự như áp dụng đối với bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

 

 

Khuyến nghị:

Sửa đổi điều 93.4 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

«Bằng độc quyền kiểu dáng có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười lăm năm kể từ ngày nộp đơn». 

3

Duy trì hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp

 

Điều 94. Luật Sở hữu trí tuệ: Duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ

Tính hợp lý

Như phân tích trong phần 2 trên đây, để duy trì hiệu lực bằng độc quyền kiểu dáng, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực tương tự như áp dụng đối với bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

 

 

 

Khuyến nghị:

Sửa đổi điều 94.1,2 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

1. Để duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí duy trì hiệu lực.

2. Để gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực.

4

Nộp đơn cho mỗi kiểu dáng công nghiệp thuộc bộ sản phẩm hay của các phương án khác nhau

Điều 101. 1,3 Luật SHTT

Tính hợp lý

Thực té áp dụng

Thông thường người nộp đơn muốn nộp một đơn cho nhiều kiểu dáng nhằm giảm bớt chi phí, cụ thể là phí công bố đơn và văn bằng bảo hộ cũng như công sức để chuẩn bị đơn và quản lý hồ sơ đơn. Quy định trên đây chỉ cho phép người nộp đơn nộp một đơn cho các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm hoặc cho nhiều phương án của một kiểu dáng. Theo cách hiểu thông thường quy định trên không cấm người nộp đơn nộp các đơn riêng rẽ cho các kiểu dáng của từng sản phẩm thuộc bộ sản phẩm hoặc cho các kiểu dáng của mỗi phương án. Việc nộp đơn riêng rẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ kiểu dáng trong việc chuyển giao, chuyển nhượng cũng như trong việc đưa ra các quyết định từ bỏ hay tiếp tục theo đuổi đơn trong trường hợp đơn bị từ chối đăng ký. Tuy nhiên, trên thực tế, Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ theo cách giải thích của họ lại không cho phép người nộp đơn nộp các đơn riêng rẽ. Việc này rõ ràng ảnh hưởng tới lợi ích của chủ kiểu dáng.

 

 

Khuyến nghị:

Sửa đổi điều 101. 1,3 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:

1. Mỗi đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ cho một đối tượng sở hữu công nghiệp duy nhất, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

...

3. Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho mỗi hoặc nhiều kiểu dáng công nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Các kiểu dáng công nghiệp của một bộ sản phẩm gồm nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, được sử dụng cùng nhau hoặc để thực hiện chung một mục đích;

b) Một kiểu dáng công nghiệp kèm theo một hoặc nhiều phương án là biến thể của kiểu dáng công nghiệp đó, theo ý tưởng sáng tạo chung duy nhất, không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp đó.

5

Yêu cầu đối với bản mô tả kiểu dáng công nghiệp

Điều 33.5.e Thông tư 01/2007/TT-BKHCN:

 

Tính hợp lý

Thực tế áp dụng

Các yêu cầu về mô tả kiểu dáng và liệt kê đầy đủ các đặc điểm tạo dáng cần và đủ để xác định bản chất kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ như quy định trên đây, về bản chất là không cần thiết vì (i) ảnh chụp/bản vẽ của kiểu dáng là đủ để xác định bản chất của kiểu dáng công nghiệp, (ii) ảnh chụp/bản vẽ của kiểu dáng chứ không phải bản mô tả được sử dụng khi đánh giá “tính mới” của kiểu dáng công nghiệp để qua đó xác định khả năng bảo hộ hay việc xâm phạm quyền kiểu dáng, và (iii) các nước phát triển trong lĩnh vực kiểu dáng công nghiệp như Mỹ, Anh hay Cộng đồng châu Âu không yêu cầu người nộp đơn mô tả chi tiết kiểu dáng.

 

 

Khuyến nghị:

Bỏ điều 33.5.e Thông tư

 

V. RÀ SOÁT QUI ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ

 

STT

Vấn đề

Qui định liên quan

Tiêu chí bị vi phạm

Phân tích vấn đề

1

Qui định về quyền nhân thân của tác giả

Điều 19, 21,37, 38 và 39 Luật SHTT

 

Tính hợp lý

Thực tế áp dụng

Theo quy định tại điều 19 và 39 Luật SHTT, tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình và tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền tài sản và quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 (Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm), trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 21 và 29 Luật SHTT cho phép đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và người biểu diễn có một số quyền nhân thân đối với tác phẩm. Các quyền nhân thân này bao gồm quyền đứng tên khi tác phẩm được sử dụng và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm hoặc hình tượng biểu diễn.

Mặc dù Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2006 có quy định cho phép “Nhà sản xuất, đạo diễn, tác giả kịch bản có thể thỏa thuận về việc thực hiện các quyền đặt tên tác phẩm điện ảnh” (Điều 19.1) và “Tác giả chương trình máy tính và các nhà đầu tư sản xuất chương trình máy tính có thể thỏa thuận về việc đặt tên và việc phát triển các chương trình máy tính.” (Điều 22.4), các quy định hiện hành của Luật SHTT vẫn dẫn đến một quan điểm áp dụng pháp luật là: Quyền nhân thân đối với tác phẩm là không thể chuyển giao và mãi mãi thuộc về cá nhân hoặc nhóm tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Nói cách khác, các công ty trực tiếp đầu tư, thuê hoặc giao việc cho tác giả sáng tạo ra tác phẩm không thu được sở hữu các quyền nhân thân đối với tác phẩm đó, mặc dù các công ty này được pháp luật ghi nhận là chủ sở hữu tác phẩm.

Trên thực tế, quan điểm áp dụng pháp luật nói trên về quyền nhân thân không thể chuyển giao ảnh hưởng không nhỏ tới việc sử dụng và khai thác tác phẩm trên thực tế, đặc biệt là việc sử dụng và khai thác phần mềm máy tính. Một ví dụ minh họa là việc một cá nhân người lao động làm việc cho một công ty sản xuất phần mềm yêu cầu ghi nhận quyền “đặt tên cho tác phẩm (phần mềm)”, quyền ghi tên mình (người lao động)gắn với phần mềm, hoặc không cho phép công ty (người sử dụng lao động) chỉnh sửa phần mềm vì cho rằng việc chỉnh sửa đó ảnh hưởng đến “sự toàn vẹn của tác phẩm” (phần mềm) và uy tín của mình (người lao động).

Trên thực tế, một phần mềm có thể được viết bởi một tập thể rất nhiều tác giả, việc ghi tên toàn bộ các tác giả gắn với phần mềm này có thể gây khó khăn và bất tiện cho chủ sở hữu phần mềm khi sử dụng và khai thác phần mềm này.

Bên cạnh đó, quy định “Tác giả chương trình máy tính và các nhà đầu tư sản xuất chương trình máy tính có thể thỏa thuận về việc đặt tên và việc phát triển các chương trình máy tính” (Điều 22.4, Nghị định 100/2006/NĐ-CP) chưa đủ rõ ràng để chủ sở hữu bản quyền một phần mềm tiến hành thay đổi cấu trúc và phát triển phần mềm đó mà không cần xin phép từng tác giả. Điều này đặc biệt quan trọng đối với việc sử dụng, khai thác và phát triển các phần mềm có mã nguồn mở.

Tham khảo pháp luật các nước phát triển, có thể thấy rõ một xu hướng “mềm dẻo” trong việc quy định về quyền nhân thân. Ví dụ: Điều 19.3 Đạo Luật Bản quyền Nhật bản cho phép không nêu tên tác giả nếu việc đó phù hợp với thực tế và không nguy hại đến lợi ích của tác giả.

(“It is permissible to omit the name of the author where, to the extent compatible with fair pratice, it is determined that there is no risk of damage to the interests of the author in his claim to authorship in light of the purpose and the manner of the exploitation of the work.”)

Điều 20.2 (iii) Đạo Luật Bản quyền Nhật bản cho phép sửa chữa một phần mềm nếu việc sửa chữa đó để tạo điều kiện cho việc sử dụng phần mềm trên một máy tính hoặc tăng hiệu quả sử dụng trên một máy tính.

(“a modification which is necessary to enable the use on a particular computer of a computer program work that is otherwise unusable on such computer, or to make more effective use of a computer program work on a computer”)

Đạo Luật Bản quyền Hoa Kỳ đưa ra khái niệm “tác phẩm được thuê sáng tạo” (“work made for hire”), theo đó người/công ty đầu tư làm ra “tác phẩm được thuê sáng tạo” sẽ được ghi nhận là tác giả của tác phẩm đó, thay vì từng cá nhân tác giả.

(Điều 201: “In the case of a work made for hire, the employer or other person for whom the work was prepared is considered the author for purposes of this title, and, unless the parties have expressly agreed otherwise in a written instrument signed by them, owns all of the rights comprised in the copyright.”)

Tất nhiên, pháp luật bản quyền Hoa Kỳ khá cụ thể trong định nghĩa thế nào là một “tác phẩm được thuê sáng tạo”. Nói chung, một tác phẩm mỹ thuật tạo hình sẽ không được coi là “tác phẩm được thuê sáng tạo”.

 

 

Khuyến nghị :

Trong điều kiện hiện tại, việc nghiên cứu đưa ra các quy định chi tiết về quyền nhân thân như pháp luật Nhật bản và Hoa Kỳ là tương đối khó khăn, cần chỉnh sửa nội dung Điều 39 Luật SHTT theo hướng cụ thể và mềm dẻo hơn, trên cơ sở tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên. Cụ thể như sau:

Điều 39: Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả

1. Tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khỏan 3 Điều 19 của Luật nàym trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm và tác giả có thể thỏa thuận về việc tác giả thực hiện các quyền nhân thân nêu tại Điều 19 của Luật này.”

2

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng các biên pháp công nghệ

Điều 198.1(a), Điều 28 khoản 12 và 14,

Luật SHTT

 

Tính hợp lý

Thực tiễn áp dụng

Việc quy định quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm là cần thiết và chính đáng, đặc biệt trong điều kiện nguồn lực của nhà nước và xã hội trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chủ sở hữu trí tuệ cần có khả năng áp dụng các biện pháp tự bảo vệ quyền của mình. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng trong một số trường hợp đặc biệt cần cho phép vô hiệu các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Pháp luật một số nước trên thế giới cũng có quy định các trường hợp ngoại lệ cho việc vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật này, ví dụ Luật về Quyền tác giả trong Kỷ nguyên số của Hoa Kỳ quy định các ngoại lệ như sau:

(i)                    Việc vô hiệu hóa biên pháp kỹ thuật bởi thư viện và các trung tâm đào tạo nhằm tiếp cận với tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả để lựa chọn việc thu thập tác phẩm;

(ii)                  Việc vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật bởi cơ quan chức chính phủ trong việc thực thi pháp luật và thu thập thông tin tình báo;

(iii)                 Thiết kế đối chiếu (reverse engineering) để phát triển các chương trình phần mềm tương tác;

(iv)                 Vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật để nghiên cứu mã hóa (phục vụ cho mục đích trung thực, lành mạnh)

(v)                   Vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật (để phát triển phần mềm) nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung độc hại trên internet;

(vi)                 Vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật để bảo vệ riêng tư cá nhân (ví dụ như vô hiệu hóa các công cụ thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp);

(vii)                Vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật để thử nghiệm hệ thống an ninh

 

 

 

Khuyến nghị

Cần qui định các trường hợp ngoại lệ cho phép vô hiẹu hóa các biên pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, có tham khảo các qui định của luật nước ngoài như đã nêu trên đây.

3

Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao

Điều 25.1(a)

1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:

a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

 

Tính hợp lý

Thực tế áp dụng

Việc cho phép các đối tượng nghiên cứu và giảng dạy được tự sao chép một bản như hiện nay có thể ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, đặc biệt là quyền lợi kinh tế. Qui định chung chung như vậy dễ dẫn đến việc áp dung pháp luật một cách tùy tiện, không phân biệt cụ thể trường hợp nào thì được coi là « nhằm mục đích nghiên cứu và giảng dạy ». Nếu giải thích mục đích « nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân » quá rộng sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiềm năng của tác phẩm, ảnh hưởng đến lợi ích thương mại của chủ thể quyền. Khi xem xét một hành vi như vậy cần cân nhắc các yếu tố :

i)      Mục đích và đặc điểm của việc sử dụng, bao gồm cả việc sử dụng như vậy là nhằm mục đích thương mại hay giáo dục phi lợi nhuận ;

ii)     Bản chất của tác phẩm ;

iii)   Chất và lượng của phần tác phẩm được sử dụng trong mối tương quan với toàn bộ tác phẩm ; và

iv)    Ảnh hưởng của việc sử dụng đối với thị trường tiềm năng hoặc giá trị của tác phẩm.

 

 

 

Khuyến nghị

Cần qui định rõ trong các văn bản dưới luật về hành vi nào được coi là « tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân » và có các hạn chế cần thiết đối với các hành vi như vậy.

4

Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

Điều 33(1) Luật SHTT

 

Tính minh bạch

Thực tế áp dụng

Điều 33 khoản qui định rằng tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố sẽ không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. Điều khoản không rõ ràng này đã gây nhiều tranh cãi vì có thể dẫ đến hiểu lầm là “tổ chức, cá nhân sử dụng” sẽ phải trả “nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận” cho tất cả các chủ thể nêu trên. Thực ra, nếu tác giả hoặc người biểu diễn không phải là người nắm giữ quyền sở hữu thì họ chỉ có thể được hưởng quyền nhân thân mà thôi.

 

 

Khuyến nghị

Nên sửa điều 33(1) như sau:

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền liên quan trong các trường hợp sau đây không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho người nắm giữ quyền.

5

Khái niệm tác giả và đồng tác giả

Không có qui định trong Luật SHTT

Tính minh bạch

Thực tế áp dụng

Khái niệm tác giả không được đưa vào trong luật mà được qui định trong Nghị định 100 trong khi đây là một khái niệm quan trọng về chủ thể quyền tác giả. Hơn nữa, khái niệm đồng tác giả cũng không được làm rõ nên dẫn đến các cách hiểu rất khác nhau.

 

 

Khuyến nghị

Cần đưa khái niệm tác giả và đồng tác giả vào trong Luật SHTT.

6

Giải thích về các loại hình tác phẩm phái sinh

Không có qui định trong luật và văn bản dưới luật

Tính minh bạch

Thực tế áp dụng

Khái niệm tác phẩm phái sinh đã được giải thích trong phần giải thích thuật ngữ của khoản 8 Điều 4 Luật SHTT. Tuy nhiên, các văn bản pháp qui lại không có phần giải thích về các loại hình tác phẩm phái sinh, đièu này dẫn đến sự hiểu sai về các loại hình tác phẩm này. Trước đây phần giải thích như vậy đã được đưa vào Nghị định 76 mà hiện nay đã hết hiệu lực.

 

 

Khuyến nghị:

Nên đưa vào trong văn bản dưới luật phần giải thích về các loại hình tác phẩm phái sinh như trong Nghị định 76 trước đây đã làm:

“a) Tác phẩm dịch chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ.

b) Tác phẩm phóng tác được sáng tạo ra dựa theo nội dung của một tác phẩm đã có.

c) Tác phẩm cải biên được sáng tạo ra trên cơ sở một tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt.

d) Tác phẩm chuyển thể từ loại hình này sang loại hình khác.

đ) Tác phẩm biên soạn được tuyển chọn theo một chủ đề có thể có bình luận, đánh giá.

e) Tác phẩm chú giải làm rõ nghĩa một số từ, câu hoặc địa danh của một tác phẩm đã có.

g) Tác phẩm tuyển tập tập hợp những tác phẩm hoặc bài viết được chọn lọc của một hoặc nhiều tác giả.

h) Tác phẩm hợp tuyển được tuyển chọn từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả theo một yêu cầu nhất định.”

 

VI. RÀ SOÁT QUI ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG

 

STT

Vấn đề

Qui định liên quan

Tiêu chí bị vi phạm

Phân tích vấn đề

1

Nghĩa vụ của người nộp đơn/chủ văn bằng bảo hộ giống cây trông mới được tạo ra từ nguồn gien bản địa

Luật SHTT

Không có qui định

 

Tính thống nhất

Luật đa dạng sinh học

Điều 55. Quản lý nguồn gen

1.Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam.

.......

Điều 58. Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích

 ......

3. Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

.......

i) Chia sẻ lợi ích thu được với Nhà nước và các bên có liên quan, bao gồm cả việc phân chia quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận nguồn gen và bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.

 

 

Khuyến nghị :

Luật SHTT đã được soạn thảo mà không xét đến các khía cạnh liên quan đến luật Đa dạng sinh học.Do đó cần bổ xung thêm những qui định về nghĩa vụ của chủ đơn/chủ văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới như sau:

- trong đơn xin cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng phải nêu rõ nguồn gen bản địa mà tác giả giống cây trồng đã tiếp cận để tạo ra giống cây trồng mới này;

- cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gien được tiếp cận một cách hợp pháp nếu đó là nguồn gien bản địa Việt nam do nhà nước thống nhất quản lý;

- chia sẻ lợi ích thu được với Nhà nước và các bên có liên quan, bao gồm cả việc phân chia quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả sáng tạo trên cơ sở tiếp cận nguồn gen và bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.

 


 

 

MỤC III – NHẬN ĐỊNH CHUNG VỀ LUẬT SHTT VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH

 

A.                  VỀ MỤC TIÊU, HIỆU QUẢ CỦA LUẬT SHTT VÀ CÁC VĂN BẢN THI HÀNH

 

  1. Thúc đảy sức sáng tạo: Luật SHTT đã phần nào đạt được mục tiêu thúc đẩy quá trình sáng tạo bằng cách bảo vệ quyền và quyền lợi hợp pháp của các tác giả và các chủ thể quyền, tạo điều kiện cho những người đã đầu tư thời gian, công sức, tiền của vào quá trình sáng tạo có thể thu hồi được vốn đầu tư. Tuy nhiên, do quá trình thực thi còn gặp nhiều khó khăn, bất cập nên tác dụng của luật cũng bị suy giảm. Mục tiêu này đạt được ở mức độ trung bình.
  2. Tăng cường hội nhập kinh tế, cải thiện thương mại quốc tế: Việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền SHTT đã cải thiện hình ảnh của đất nước, tạo điều kiện để nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu này đạt được ở mức độ tốt.
  3. Thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích chuyển giao công nghệ: Nhờ có các qui định về bảo hộ SHTT mà niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt nam tăng lên, góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài và khuyến khích chuyển giao công nghệ hiện đại vào Việt nam. Mục tiêu này đạt được ở mức độ tốt.
  4. Bảo về người tiêu dùng: Một mục tiêu quan trọng bậc nhất của Luật SHTT là bảo vệ người tiêu dùng và toàn xã hội chống lại hàng giả, hàng nhái và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, như đã nêu trên, do quá trình thực thi còn quá nhiều vướng mắc nên mục tiêu này chỉ đạt được ở mức độ kém.

 

B.                  ĐÁNH GIÁ THEO CÁC TIÊU CHÍ

 

  1. Tính minh bạch:

Luật SHTT còn kém minh bạch do còn quá nhiều chỗ qui định chưa rõ ràng, dễ gây hiểu lầm, dẫn đến áp dụng luật thiếu nhất quán và tạo điều kiện cho cách làm việc tùy tiện của các cơ quan chức năng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là Luật SHTT đã quá ôm đồm, bao gồm tất cả các đối tượng SHTT vào trong cùng một khuôn khổ, trong đó có những đối tượng hoàn toàn không có gì chung như sáng chế và nhãn hiẹu hàng hóa. Cách làm này làm cho rất khó có thể soạn thảo được một bộ luật rõ ràng, súc tích cho từng đối tượng. Một nguyên nhân khác là do luật còn quá sơ sài, rất nhiều qui định không được làm rõ, ví dụ thời hạn bắt đàu bảo hộ tạm thời đối với đơn đăng ký sáng chế hay đơn nhãn hiệu đã bị từ chối có được đưa vào làm đối chứng hay không. Một số qui định , khái niệm bị bỏ sót, ví dụ thời hạn nộp bản sao đơn ưu tiên đối với các đơn đăng ký SHTT xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris hoặc khái niệm đồng tác giả trong phần quyền tác giả. Khuyến nghị: phải bổ sung các qui định, khái niệm còn thiếu, nhưng qui định đã có thì phải được giải thích rõ ràng hơn trong luật hoặc trong văn bản dưới luật. Trong tương lai nên xem xét việc tách Luật SHTT ra thành các luật chuyên ngành hẹp như luật sáng chế, luật nhãn hiệu, luật quyền tác giả v.v.. Đây là cách mà phần lớn các nước trên thế giới đang làm.

 

  1. Tính thống nhất:

Luật SHTT có thể được coi là đạt yêu cầu về tính thống nhất. Nhìn chung, đây là một bộ luật tương đối đây đủ và về cơ bản phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt nam tham gia, cũng như thống nhất với các văn bản pháp luật khác, ngoại trừ một số chi tiết cần phải sửa lại như đã nêu trong phần rà soát ở trên.

 

  1. Tính hợp lý:

Luật SHT chỉ đáp ứng tiêu chí tính hợp lý ở mức trung bình. Thực tế vẫn còn nhiều qui định chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều này một mặt là do các yêu cầu của thực tế sản xuất, kinh doanh chưa được cập nhật kịp thời, ví dụ thiếu qui định về thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng hay qui định về quyền nhân thân đối với các tác giả của các phần mềm máy tính. Một mặt khác do năng lực của cơ quan quản lý còn hạn chế nên chọn cách làm dễ dàng cho việc quản lý, ví dụ không qui định về việc doanh nghiệp có thể sử dụng nhãn hiệu khác biệt với nhãn hiệu đã đăng ký hoặc không chấp nhận đăng ký các nhãn hiệu thuộc ngôn ngữ không thông dụng.

 

  1. Tính khả thi:

Luật SHTT đạt yêu cầu theo tiêu chí tính khả thi. Phần lớn các qui định của luật đều có thể thực hiện được bởi các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước Việt nam.



[1] Ví dụ, trước khi Luật SHTT, các qui định điều chỉnh việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được qui định trong Bộ luật dân sự 1996, Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 qui định chi tiết một số điều của Bộ luật dân sự về sở hữu công nghiệp (được sửa đổi bổ sung theo qui định của Nghị định 06/2001 ngày 01/02/2001 và Thông tu 3055/TT-SHCN ngày 31/12/1996 hướng dẫn thi hành Nghị định 63/CP. Các qui định điều chỉnh việc xác lập và bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ khác như bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp được qui định trong Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày ngày 03 tháng 10 năm 2000. Các qui định về bảo hộ giống cây trồng mới được qui định trong Nghị định số 13/2001/NĐ-CP có hiệu lực từ 05/05/2001.

 Nguồn: vibonline.com.vn

YÊU CẦU DỊCH VỤ/TƯ VẤNLuat Khai Phong tu van
CÔNG TY LUẬT KHAI PHONG
Địa chỉ: P212-N4A, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04.35641441 / 39973456 - Fax: 04.35641442
Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
---------------------------------------------------------------------------------
 
 
bold italicize underline strike url image quote
Thu hẹp | Mở rộng
 

busy