KPLC: Tư vấn & Hướng dẫn Nghiên Cứu Chính Sách Đầu Tư & Pháp Lý Báo cáo rà soát Luật Kinh doanh bất động sản 2006 ______________________________________________________________________________

Báo cáo rà soát Luật Kinh doanh bất động sản 2006

Email In PDF.
Báo cáo rà soát Luật Kinh doanh bất động sản 2006

CỘNG HÀO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------------------------------

 

BÁO CÁO

RÀ SOÁT VĂN BẢN PHÁP LUẬT:

 LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN NĂM 2006

                                                                                                                   

Tiến sĩ: Nguyễn Văn Minh

Phó Chủ tịch Chuyên trách,

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

 

A. Danh mục văn bản pháp luật rà soát:

1. Luật Kinh doanh bất động sản 2006 và các Văn bản Pháp luật liên quan:

- Luật Kinh doanh bất động sản só 63/2006/QH11 ngày 29/6/2006;

- Nghị định 153/2007/ NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2006;

- Nghị định 23/2009/ NĐ-CP ngày 27/12/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở;

- Thông tư số 13/2008/TT-BXD Hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định 153/2007/ NĐ- CP ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về đăng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản.

- Quyết định số 29/2007/QĐ-BXD ngày 31/12/2007 và Quyết định số 1408/QĐ-BXD ngày 04/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, đình giá bất động sản và quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản.

2. Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 và Nghị định 43/2010/NĐ- CP về đăng ký doanh nghiệp; Thông tư 14/2010/TT- BKH hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 43/2010/ NĐ- CP ngày 15 tháng 04 năm 2010 của chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

3. Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Nghị định 108/2006/NĐ- CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư 2005.

4. Bộ Luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản hướng dẫn.

5. Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 ngày 26/11/2005 và Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ; Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 1/9/2010 của Bộ Xây dựng.

6. Luật số 38/2009/QH12 về sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 và Điều 121 Luật Đất đai số 13/2003/QH11 và các văn bản hướng dẫn.

7. Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11;  Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12.

8. Luật Đất đai số 13/2003/QH11 và các văn bản hướng dẫn Luật.

9. Nghị quyết 71/2006 ngày 29 tháng 11 năm 2006 phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới WTO của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

B. Một số vấn đề về chính sách pháp luật còn hạn chế trong lĩnh vực bất động sản

Thực tế và một số nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản (BĐS) chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện, cụ thể:

1- Chính sách pháp luật liên quan tới lĩnh vực BĐS được quy định tại nhiều Bộ Luật, Luật chuyên ngành khác nhau dẫn đến còn có nhiều nội dung không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng có liên quan.

2- Chính sách Pháp luật về BĐS còn phân tán, chồng chéo, trùng lặp giữa các hệ thống văn bản pháp luật. Các thủ tục liên quan đến BĐS được quy định trong các hệ thống pháp luật: pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai, và pháp luật về môi trường v.v. Hệ thống pháp luật đó bao gồm Luật và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương ban hành (như nghị định, thông tư v.v.) và do các cấp chính quyền địa phương ban hành (như quyết định, văn bản hướng dẫn v.v.). Việc thực hiện đồng bộ các chính sách pháp luật nêu trên không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện do còn có những bất cập, không tương thích giữa các hệ thống pháp luật này. Hiện tượng phân tán, chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn giữa các hướng dẫn có liên quan về cùng một vấn đề cũng là một thực tế cần tháo gỡ.

3- Quy trình thủ tục hành chính còn phức tạp, có rất nhiều cơ quan có liên quan tham gia vào giải quyết các thủ tục. Nhà đầu tư (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) thường phải đi lại nhiều lần đến nhiều cơ quan khác nhau hoặc nhiều đơn vị của cùng một cơ quan để giải quyết các thủ tục khác nhau. Hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết các thủ tục chưa được khắc phục triệt để.

4- Việc các quy định của cùng lĩnh vực BĐS nhưng được quy định tại các hệ thống pháp luật khác nhau, mỗi hệ thống pháp luật chuyên ngành đều do một cơ quan chức năng của Nhà nước chịu trách nhiệm, thường phát sinh sự trùng lặp về yêu cầu thông tin, hồ sơ giữa các cơ quan đối với nhà đầu tư, đồng thời hạn chế việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước bởi các quyền lợi cục bộ vẫn chưa được nhận thức đầy đủ ở một số bộ phận cán bộ cụ thể.

            5- Từ thực tế hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản cho thấy quá trình đầu tư kinh doanh bất động sản từ khi triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đến khi sản phẩm bất động sản hình thành và lưu thông trên thị trường bất động sản qua hệ thống sàn giao dịch là một chuỗi quy trình khép kín, có mỗi quan hệ chặt chẽ và thống nhất, không thể bỏ qua bất kỳ một thủ tục, một công đoạn nào trong quy trình. Luật kinh doanh bất động sản hiện tại chưa đáp ứng đầy đủ một quy trình hoàn chỉnh về đầu tư kinh doanh bất động sản; vì vậy, hiệu quả thực hiện Luật còn hạn chế, phát sinh nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ triệt để. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước còn bất cập bởi quy trình đã bị cắt nhỏ từng công đoạn cho mỗi Bộ, ngành quản lý một hoặc một số khâu công việc nào đó mà không có sự phối hợp hoặc có một cơ quan làm nhạc trưởng, dẫn đến công tác điều hàn h và quản lý thị trường bất động sản tầm vĩ mô còn bị động, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra (Ví dụ cụ thể về quy trình khi Nhà đầu tư hoạt động kinh doanh BĐS: thực hiện các thủ tục về đầu tư: ngành KH&ĐT; thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường: ngành tài nguyên môi trường; thực hiện các thủ tục về quy hoạch, đầu tư xây dựng: ngành Xây dựng; thực hiện các thủ tục liên quan tới tài chính BĐS: ngành tài chính . . .)

 

C. Tiêu chí rà soát

1. Tính minh bạch:

- Rõ ràng về hình thức:

+ Ngôn ngữ sử dụng có chính xác, dễ hiểu không?

+ Diễn đạt có rõ ràng không? Có thể bị hiểu theo nhiều cách khác nhau không?

- Rõ ràng trong các quy định áp dụng cho các đối tượng điều chỉnh:

+ Rõ ràng về quyền và nghĩa vụ không?

+ Rõ ràng về các trình tự, thủ tục, chi phí (thời gian, phí, lệ phí) không?

- Có nguy cơ cho nhũng nhiễu, tham nhũng không?

 

2. Tính thống nhất:

- Có tuân thủ với các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn không?

- Có mâu thuẫn giữa các quy định trong bản thân văn bản đó không? Có mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác không?

- Có tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia không?

 

3. Tính Hợp lý:

- Có đơn giản hóa được các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân và xã hội không?

-  Có đưa ra những quy định bất hợp lý, cản trở quyền tự do kinh doanh của các tổ chức, cá nhân không?

-  Có phù hợp với sự phát triển bền vững (về trách nhiệm của nhà đầu tư, về quyền lợi của khách hàng, về nguyên tắc cung - cầu và cạnh tranh bình đẳng…) không?

-  Có phân biệt đối xử không?

 

4. Tính khả thi:

- Khả năng hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân có thực hiện được trên thực tế không?

- Khả năng quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng có thực hiện trên thực tế được không? (điều kiện về tổ chức, nhân lực, vật lực).

 

D. Rà soát, đánh giá và khuyến nghị vào từng vấn đề cụ thể theo tiêu chí thống nhất

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


STT

Vấn đề

Điều khoản điều chỉnh

Tiêu chí chưa đạt

Phân tích vấn đề

 

1.

 

Tên gọi của Luật: Luật Kinh doanh bất động sản (Luật KDBĐS)

 

Điều 1; khoản 4, Điều 4, Luật KDBĐS

 

Tính khả thi và hợp lý

Điều 1 Phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản và giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản. Ở đây vấn đề ngay tại Điều 1 này đã thể hiện tính không thống nhất và hợp lý bởi những giao dịch bất động sản là hành vi dân sự được quy định cụ thể trong Bộ Luật Dân sự 2005 (Phần thứ ba: Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự).

Tại Khoản 4, Điều 4 quy định Giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản là việc mua bán, chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản giữa tổ chức, cá nhân không kinh doanh bất động sản với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. là chưa thống nhất với quy định của Bộ Luật Dân sự 2005.

 

 

Khuyến nghị: Nên gọi là Luật Bất động sản hoặc Luật Kinh doanh và giao dịch bất động sản sẽ đầy đủ và toàn diện hơn, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật và thống nhất với Bộ Luật Dân sự.

 

2.

 

Điều kiện về vốn pháp định khi kinh doanh bất động sản

 

Điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản và Điều 3 Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007 của Chính phủ

 

Tính khả thi, tính minh bạch

Khoản 1, Điều 8, Luật Kinh doanh bất động sản quy định Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của Pháp luật.

Điều 3, Nghị định 153/2007/NĐ-CP quy định Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định là 6 (sáu) tỷ đồng Việt Nam. Trong khi đó theo quy định của Bộ luật Dân sự thì các bên khi giao dịch mua bán bất động sản không cần điều kiện trên. Rõ ràng có sự khác biệt về điều kiện trong trường hợp Giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản là việc mua bán, chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản giữa tổ chức, cá nhân không kinh doanh bất động sản (không cần vốn pháp định) với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản (phải có vốn pháp định là 6 tỷ đồng).

Mặt khác, Khi tổ chức, cá nhân khi được cơ quan có thẩm quyền làm chủ đầu tư Dự án kinh doanh bất động sản thỏa mãn điều kiện về tài chính: Chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 20% tổng mức đầu tư Dự án nói chung và 15% đối với Dự án là nhà ở (phải điều 5, Nghị định 153/2007/NĐ-CP). Như vậy điều kiện bắt buộc về vốn pháp định đối với pháp nhân khi kinh doanh bất động sản (6 tỷ VNĐ) trong trường hợp này không có ý nghĩa thực tiễn.

Ngoài ra, trong thực tế có nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực về tài chính nhưng bằng cách này hay cách khác lại được giao làm chủ đầu tư các dự án quá khả năng tài chính của họ, dẫn đến tình trạng nhiều dự án đã phải chậm tiến độ hoặc chuyển nhượng cho các đối tác khác, đây là một trong những nguyên nhân góp phần thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian qua vừa thiếu minh bạch vừa thiếu năng lực, sức cạnh tranh yếu.

 

 

Khuyến nghị: Làm chủ đầu tư Dự án Kinh doanh bất động sản đòi hỏi doanh nghiệp phải cần có nhiều điều kiện cần và đủ về tài chính và nguồn lực khác, mặt khác có rất nhiều các loại dự án bất động sản khác nhau cả về quy mô, tính chất, công năng và mục đích đầu tư cững như tổng mức đầu tư, việc quy định Chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án vô hình chung điều kiện vốn pháp định cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không còn mấy ý nghĩa. Khuyến nghị bãi bỏ quy định điều kiện về vốn pháp định đối với kinh doanh bất động sản.

 

3.

Cấp chứng chỉ môi giới, định giá bất động sản cho đối tượng là công chức nhà nước

Luật Kinh doanh bất động sản, Điều 14, Điều 15 Nghị định 153/2007/NĐ-CP

 

Tính khả thi

Tại các quy định trên: Cá nhân là cán bộ, công chức nhà nước thì không được cấp chứng chỉ môi giới, định giá bất động sản. Trong thực tế nhiều Trung tâm, sàn giao dịch đang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập có thu, phần lớn cán bộ nhân viên đều là Viên chức, Công chức nhà nước vẫn đang hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản nhưng họ đều không có chứng chỉ hành nghề theo quy định. Trong khi đó, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thì bắt buộc họ phải có chứng chỉ hành nghề mới được kinh doanh dịch vụ bất động sản.

 

 

Khuyến nghị: Cần bổ sung các quy định của pháp luật về những trường hợp cụ thể khi cán bộ, nhà nước hoạt động trong các đơn vị như trên sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.

 

4.

Quy định về điều kiện hoạt động của Sàn giao dịch BĐS

Luật KDBĐS, NĐ 153/2007/NĐ-CP

Tính minh bạch, tính hợp lý

Hiện nay, trên toàn quốc có 913 sàn Giao dịch bất động sản đã đăng ký và hoạt động. Theo thống kê của Bộ Xây dựng trong tổng số 557 sàn bất động sản được kiểm đếm, mới chỉ có 15% sàn đủ điều kiện hoạt động và tương đối minh bạch. Sắp tới, bộ Xây dựng sẽ phối hợp với một số ngành chức năng rà soát các sàn bất động sản, sàn nào đủ điều kiện hoạt động và có tính chuyên nghiệp mới được tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản.

Điều 22, 28, 33 Luật Kinh doanh bất động sản quy định sản phẩm BĐS của tổ chức, các nhân kinh doanh BĐS khi mua, bán, cho thuê thì bắt buộc phải thực hiện thông qua sàn giao dịch BĐS,

Trong khi đó, pháp luật về kinh doanh bất động sản lại đang thiếu những cơ chế để khuyến khích người dân thực hiện giao dịch qua sàn. Do vậy, tỷ lệ các giao dịch BĐS được thực hiện qua sàn giao dịch hiện nay chiếm tỷ lệ nhỏ trên thị trường.

Dự án kinh doanh BĐS có vốn đầu tư cho BĐS lớn nên các các chủ đầu tư muốn xác định được người mua trước khi thực hiện dự án, đồng thời cũng để huy động vốn trước. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về thời điểm và điều kiện được huy động vốn, các chủ đầu tư tìm cách huy động vốn thông qua hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư kèm theo quyền mua đất nền hoặc căn hộ dẫn đến sản phẩm BĐS được giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS giảm đi.

 

 

Khuyến nghị :

(i) Cần xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân thực hiện các giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS; hạn chế số lượng sản phẩm BĐS chủ đầu tư được quyền bán không qua sàn giao dịch.

(ii) Cần quy định cụ thể hơn về điều kiện thành lập sàn giao dịch BĐS theo hướng nâng cao yêu cầu về nhân sự, chuyên môn; quy định cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất tối thiểu cho sàn giao dịch hoạt động.

(iii) Cần quy định cụ thể việc niêm yết bất động sản (bao gồm niêm yết giá, thông tin về bất động sản ), quy định các mức phí, hoa hồng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản.

 

5.

Việc đào Đào tạo, cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá bất động sản

Nghị định 153/2007/NĐ-CP và Thông tư số 13/2008/TT-BXD

Tính công tính hợp lý và thống nhất

+ Theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 13/2008/TT-BXD, người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản phải có Giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo do các tổ chức được Bộ Xây dựng cho phép tổ chức các khoá đào tạo chuyên ngành nêu trên. Để đạt được kết quả theo yêu cầu, người có nhu cầu phải tham dự một khoá đào tạo thời gian từ 1 đến 3 tháng. Cho dù người đó đã từng có trình độ đại học hay trên đại học. Như vậy, quy định hiện hành về đào tạo nghiệp vụ để cấp Chứng chỉ hành nghề Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản  đang có những bất cập ngay từ đầu vào: Người có trình độ THPT, Trung cấp, cao đẳng, đại học và ngay cả trên đại học đang được xem là đồng hạng, nếu muốn hành nghề Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản, họ đều phải tham dự khoá học như trên.

+ Trong thực tế hiện nay có rất nhiều người Việt Nam đã tham dự các khoá đào tạo chuyên ngành sâu do các nước ngoài (Mỹ, Úc, Nhật, Singapo, Hàn Quốc, các nước Châu Âu . . .) đào tạo, như: Định giá nhà chung cư; Môi giới bất động sản nhà ở, Môi giới bất động sản thương mại, công nghiệp; Chuyên gia môi giới bất động sản cao cấp; Định giá bất động sản . . . Mọi người khi được cấp các Giấy chứng nhận nêu trên họ đều có quyền hành nghề hầu hết các nước đều được công nhận; tuy nhiên, mặc dù họ là người Việt Nam nhưng vẫn chưa được thừa nhận là hợp lệ, hợp pháp để hành nghề, vẫn phải qua các khoá học nội địa thì mới đủ điều kiện. Đây là một thực tế bất hợp lý so với quy định quốc tế và quá trình hội nhập vào WTO của Việt Nam.

 

 

Khuyến nghị Việc cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ bất động sản (Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản) là cần thiết. Để đảm bảo việc quản lý của Nhà nước, từng bước tăng cường tính minh bạch, hoạt động chuyên nghiệp của thị trường bất động sản, đơn giản thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo nội dung về chuyên môn, nghiệp vụ, cần rà soát, điều chỉnh phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan chức năng của Nhà nước phải làm gì? các Hiệp hội nghề nghiệp làm gì và người có nhu cầu cấp Chứng chỉ phải đảm bảo các điều kiện gì, kiến nghị:

Cần sửa đổi quy định về cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ bất động sản:

  • Trường hợp được cấp Chứng chỉ hành nghề:

Người có trình độ đại học trở lên có chuyên ngành về Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản; người có các chứng chỉ (giấy chứng nhận) đào tạo chuyên ngành do cơ quan có thẩm quyền (trong và ngoài nước) cấp, có nhu cầu hành nghề Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản thì phải đăng ký hành nghề (đăng ký kinh doanh) theo quy định của pháp luật.

  • Trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng không phải tham dự các khoá học theo quy định tại Thông tư 13/2008/TT-BXD:

Người có trình độ đại học trở lên có chuyên ngành liên quan về Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản, có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản ít nhất 5 năm; nay có nhu cầu hành nghề Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản, thì phải làm thủ tục Đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề.

  • Trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề nhưng phải tham dự các khoá học theo quy định tại Thông tư 13/2008/TT-BXD:

Người có trình độ đại học nhưng không có chuyên ngành liên quan về Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản; người có trình độ trung cấp hoặc THPT phải tham dự khoá học theo quy định tại Thông tư 13/2008/TT-BXD mới được cấp Chứng chỉ hành nghề.

 

6.

Quy định về tổ chức xã hội – nghề nghiệp tham gia cấp chứng chỉ hành nghề

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều 15 Luật Kinh doanh bất động sản

Tính khả thi và hợp lý và thống nhất

+ Khoản 1, Điều 9, Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số Điều của Luật Doanh nghiệp quy định: “Chứng chỉ hành nghề quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Doanh nghiệp là văn bản mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc hiệp hội nghề nghiệp được Nhà nước ủy quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về một ngành, nghề nhất định”. Chứng chỉ hành nghề Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản không yêu cầu về kinh nghiệm nghề nghiệp nên chỉ là loại văn bản cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn nhất định về kinh doanh dịch vụ bất động sản. Chứng chỉ hành nghề Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản được cấp dựa trên căn cứ chủ yếu là bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên (hoặc tốt nghiệp THPT - nếu là Môi giới BĐS) và có Giấy chứng nhận đã tham dự lớp học chuyên môn về Môi giới bất động sản, định giá bất động sản, quản lý sàn giao dịch bất động sản do các cơ sở đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cấp. Do đó, trong thực tế nếu Hiệp hội nghề nghiệp có đủ điều kiện và khả năng đảm nhận chức năng hoạt động dịch vụ công nêu trên thì nên bổ sung quy định này vào Luật.

 

 

Khuyến nghị: Bổ sung thêm quy định: khuyến khích các Hiệp hội nghề nghiệp đầu tư các điều kiện cần thiết để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ủy quyền thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh dịch vụ bất động sản.

7

Các quy định về việc huy động vốn

Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản

Điều 4, 5 Nghị định 153/2007/NĐ-CP

Điều 39 Luật Nhà ở

Mục 1 Phần VIII Thông tư 04/2006/TT-BXD ngày 18/8/2006

Tính khả thi,

tính thống nhất

Thời điểm huy động vốn từ người mua

Các quy định của pháp luật về thời điểm chủ đầu tư dự án bất động sản được huy động vốn từ người mua có nhiều mâu thuẫn:

Điều 14 Luật Kinh doanh BĐS quy định chủ đầu tư và khách hàng được thỏa thuận về việc mua bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo hình thức ứng tiền trước, lần đầu chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho BĐS.

Điều 4 Nghị định 153/2007/NĐ-CP quy định việc ứng tiền trước phải được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Điều 39 Luật Nhà ở quy định: trường hợp chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà thì chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng.

Trong khi đó, mục 1, phần VIII Thông tư 04/2006/TT-BXD ngày 18/8/2006 hướng dẫn thực hiện Quy chế khu đô thị mới cho phép chủ đầu tư được huy động vốn từ khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư, nghĩa là sớm hơn thời điểm “đã xây dựng xong phần móng” được quy định tại Điều 39 Luật Nhà ở.

Việc các văn bản quy định chủ đầu tư được huy động tiền ứng trước của khách hàng từ  nhiều thời điểm khác nhau khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.

Mức huy động vốn

Điều 5 Nghị định 153/2007/NĐ-CP quy định: “Đối với dự án khu đô thị mới, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, chủ đầu tư dự án phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt. Đối với dự án khu nhà ở thì không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên đã được phê duyệt.” Trong thực tế, nhiều chủ đầu tư cùng lúc có thể triển khai nhiều dự án, nhất là những dự án lớn. Việc quy định vốn sở hữu của Chủ đầu tư không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt. Ở đây chưa quy định cụ thể là cho từng dự án hay là cộng gộp chung cho các dự án do Chủ đầu tư đang thực hiện, và nếu là gộp chung thì vốn chủ sở hữu của Chủ đầu tư phải rất lớn mới đủ điều kiện, sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước và sẽ làm giảm tính cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng nếu chỉ tính cho từng dự án thì tính bình quân trên tổng mức đầu tư của các dự án sẽ không đáp ứng điều kiện theo quy định của Pháp luật.

Khuyến nghị:

(i) Cần sửa đổi các văn bản thống nhất về thời điểm Chủ đàu tư được huy động vốn để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn và gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

(ii) Cần quy định cụ thể về mức vốn chủ sở hữu tối thiểu của Nhà đầu tư để bảo đảm thực hiện của một hay nhiều dự án.

8

Các quy định đối với nhà đầu tư

Khoản 3 Điều 9 Nghị định 71/2010/NĐ-CP

Tính hợp lý

Nhà đầu tư cấp 1 và cấp 2

Theo quy định tại mục a, khoản 3 Điều 9 Nghị định 71/2010/NĐ-CP: Đối với trường hợp Ký hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư cấp II nhằm mục đích chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư cấp II (quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9, NĐ 71) thì chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với chủ đầu tư cấp II sau khi đã giải phóng mặt bằng của dự án và đã thực hiện khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án. Sau khi đã có các công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng với nội dung và tiến độ của dự án thì chủ đầu tư cấp I được ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư cấp II.

Trong trường hợp chủ đầu tư cấp II có nhu cầu huy động vốn để xây dựng nhà ở trên diện tích đất nhận chuyển nhượng của chủ đầu tư cấp I thì chỉ được ký hợp đồng huy động vốn sau khi đã có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký với chủ đầu tư cấp I, có thỏa thuận trong hợp đồng về việc chủ đầu tư cấp II được huy động vốn để xây dựng nhà ở và đã có đủ các điều kiện để huy động vốn theo quy định tại khoản này; trường hợp chưa chuyển quyền sử dụng đất từ chủ đầu tư cấp I sang chủ đầu tư cấp II theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc huy động vốn phải được chủ đầu tư cấp I đồng ý bằng văn bản.

Khuyến nghị: Cần bỏ quy định về việc chủ đầu tư cấp 2 khi huy động vốn trong trường hợp chưa chuyển quyền sử dụng đất từ chủ đầu tư cấp I sang chủ đầu tư cấp II theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc huy động vốn phải được chủ đầu tư cấp I đồng ý bằng văn bản

9

Các quy định liên quan đến thủ tục hành chính

Điều 40 Luật Đất đai

Khoản 8, Điều 8 Thông tư 16/2010/TT-BXD

 

Tính minh bạch, tính khả thi

Thủ tục hành chính phức tạp

Theo quy định tại Điều 40 Luật Đất đai thì hình thức thu hồi đất cùng một mục đích thu hồi để phát triển kinh tế nhưng một loại do Chính phủ thu hồi và đền bù theo giá do Nhà nước quy định, loại khác để các doanh nghiệp tự thỏa thuận theo giá do cơ chế thị trường điều tiết. Do đó, trên thực tế nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận đền bù với các hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong quy hoạch của dự án bất động sản.

Khoản Điều 8 Thông tư 16/2010/TT-BXD quy định người mua phải xuất trình giấy xác nhận của Sở Xây dựng về nhà được chia theo hợp đồng góp vốn để làm cơ sở cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Quy định này phiền hà hơn so với vơi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà được quy định ở Luật Nhà ở (Điều 10, 15), Nghị định 71/2010/NĐ-CP (Điều 45) và Nghị định 88/2009/NĐ-CP (Điều 8). Điều này cũng làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Khuyến nghị:

(i) Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh BĐS theo hướng công khai, minh bạch, giản tiện cho nhà đầu tư; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về BĐS để cho các nhà đầu tư dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin trước khi đi đến quyết định đầu tư.

(ii) Sửa đổi Thông tư 16/2010/TT-BXD theo hướng bỏ nội dung quy định phải có xác nhận của Sở Xây dựng về việc phân chia nhà làm cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

10

Quy định về thuế thu nhập cá nhân trong hoạt động kinh doanh bất động sản

Luật Thuế thu nhập cá nhân, Thông tư 161/2009/TT – BTC,

Điều 2 Thông tư 02/2010/TT-BTC

Tính hợp lý

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân và Thông tư 161/2009/TT- BTC, mọi cá nhân có thu nhập từ chuyển quyền mua căn hộ, mua nền nhà đều có nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Cơ quan thuế không quan tâm bất động sản đó là nhà đã bàn giao hay đang xây dựng, căn hộ chỉ mới có trong hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công; là đất thuộc dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đã phân lô giao nền hay mới trong giai đoạn đền bù giải tỏa... mà chỉ cần có chuyển nhượng quyền mua căn hộ, mua nền đất thì đều phải kê khai, nộp thuế thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp đó là bất động sản tương lai duy nhất thì Điều 2 Thông tư 02/2010/TT-BTC lại tước bỏ gần như  hoàn toàn quyền được miễn thuế thu nhập cá nhân bằng việc quy định: “Việc miễn thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với cá nhân chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất mà nhà ở, đất ở này đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng”... Chúng tôi cho rằng nếu cá nhân đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở thì họ sẽ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở hoặc quyền sử dụng đất ở đó chứ không thể chuyển nhượng quyền mua căn hộ, nền nhà được. Còn nếu nhà hoặc công trình xây dựng đó chưa hình thành hoặc đang hình thành theo hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công thì vào thời điểm đó không thể có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở vì không cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng cho họ. Trên thực tế, nhiều trường hợp góp vốn đã được giao đất hoặc căn hộ nhưng nhiều năm sau vẫn chưa có sổ đỏ, khi chuyển nhượng các bất động sản này đều không được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Khuyến nghị:

Cần sửa đổi các văn bản hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng xác định rõ việc chuyển nhượng bất động sản là nhà đã bàn giao hay đang xây dựng, căn hộ chỉ mới có trong hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công; là đất thuộc dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đã phân lô giao nền hay mới trong giai đoạn đền bù giải tỏa có thuộc sở hữu đầu tiên của người chuyển nhượng hay không, không phụ thuộc vào việc họ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hay chưa.

11

Quản lý đất đai trong thị trường bất động sản

Điều 63 Luật Đất đai

Tính thống nhất

Điều 63: …Nhà nước quản lý đất đai trong việc phát triển thị trường BĐS bằng các biện pháp sau đây:

3. Tổ chức đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho thị trường BĐS.

 

 

Khuyến nghị:

Sửa đổi Điều 63 của Luật Đất đai cho thống nhất với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

12

Thù lao, hoa hồng môi giới bất động sản

Điều 46, 47 Luật Kinh doanh BĐS

Tính minh bạch

Điều 46: …

2. Mức thù lao môi giới bất động sản do các bên thỏa thuận…

Điều 47: …

2. Mức hoa hồng môi giới bất động sản do các bên thỏa thuận…

 

 

 

Khuyến nghị:

Bổ sung thêm nội dung quy định cụ thể mức trần tối đa (tỷ lệ % hoặc giá trị cụ thể. Ví dụ: Mức thù lao về môi giới bất động sản do các bên thỏa thuận nhưng tối đa không quá 3% giá trị BĐS hoặc 3 tỷ VNĐ) về mức thù lao và hoa hồng môi giới bất động sản, khắc phục tình trạng hiện nay mỗi nơi mỗi giá, làm cho thị trường bất động sản kém minh bạch và dễ tạo kẽ hở cho “cò BĐS” trục lợi.

13

Kinh doanh bất động sản là nhà ở  

Thông tư số 16/2010/TT-BXD

Tính thống nhất

Hướng dẫn việc tính  diện tích nhà chung cư khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà  ở được xác định trên cơ sở diện tích  thông thủy hoặc tính từ tim tường . tronh khi Luật Nhà ở chỉ quy định tính theo diện tích thông thủy.

 

 

Khuyến nghị:

Đề nghị Bộ Xây dựng bãi bỏ những hướng dẫn trái Luật nhà ở về phương pháp tính diện tích nhà chung cư cho thống nhất với Luật Nhà ở.

                 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đ. Đề xuất sủa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng toàn diện:

            1. Lý do:

- Tên gọi của luật: Luật Bất động sản: Luật Kinh doanh bất động sản 2006 quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản và giao dịch bất động sản có liên quan đến kinh doanh bất động sản. Trong thực tiễn, các hoạt động mua đi bán lại thông qua các hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản diễn ra phổ biến, khó kiểm soát (Luật KD BĐS chưa điều chỉnh), các giao dịch bất động sản nói chung về thế chấp, bảo lãnh, cầm cố, cho tặng . . . mặc dù đã được quy định tại Bộ Luật Dân sự và một số văn bản quy phạm pháp luật khác, tuy nhiên việc kiểm soát, quản lý các hoạt động này còn đang bị bỏ ngỏ, là một trong những nguyên nhân làm cho thị trường bất động sản bản thân đã kém minh bạch mà còn bị méo mó; nhiều người đầu cơ đã trục lợi từ kẽ hở pháp luật này trong những năm qua. Việc sửa đổi tên gọi như khuyến nghị nhằm tăng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng làm tăng tính hợp lý, tính thống nhất trong các quy định của Pháp luật, tăng tính hiệu quả (khả thi) áp dụng Luật trong cuộc sổng. Với việc sử đổi tên gọi gắn liền với tăng phạm vi điều chỉnh sẽ đưa nhiều nội dung mới bổ sung làm cho Luật bất động sản sẽ toàn diện và thống nhất với các quy định tại các Luật liên quan và đặc biệt sẽ cụ thể hóa nhiều hoạt động liên quan tới đầu tư kinh doanh bất động sản và thị trường bất động sản hiện nây.

            - Về nội dung các quy định huy động vốn đối với nhà đầu tư cấp 1 và nhà đầu tư cấp 2 quy định tại khoản 3, Điều 9, Nghị định 71/2010/NĐ-CP chỉ điều chỉnh đối với các dự án phát triển nhà ở. Tuy nhiên tại nội dung rà soát, chúng tôi mong muốn được hoàn chỉnh và bổ sung nội dung này và Luật bất động sản để áp dụng chung cho mọi trường hợp, nhằm đảm bảo tính thống nhất và hợp lý.

            - Một số nội dung liên quan đến các quy định tại các Luật liên quan: Luật Đất đai, Luật Thuế Thu nhập cá nhân . . . với mong muốn nêu nên những vấn đề cần thống nhất giữa các Luật về cùng một vấn đề, vì vậy có thể sẽ được sử dổi, bổ sung vào Luật Kinh doanh bất động sản hoặc các Luật liên quan.

2. Đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung mới so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006:

2.1- Một số đề xuất về bố cục:

Như trên đã trình bày từ thực tiễn hoạt động kinh doanh bất động sản là một chuối các hoạt động theo một trình tự và thủ tục khép kín từ khâu chuẩn bị đầu tư cho đến khi bất động sản được giao dịch trên thị trường bất động sản. Tuân thủ các quy định đó, chúng tôi đề xuất bố cục Luật Bất động sản như sau:

- Tên gọi: Luật Bất động sản

- Chương I: Những quy định chung

- Chương II: Quy định về đầu tư bất động sản

- Chương III: Kinh doanh bất động sản

- Chương IV: Tài chính bất động sản

- Chương V: Thị trường bất động sản

- Chương VI: Quản lý nhà nước về bất động sản

- Chương VII: Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản

- Chương VIII: Điều khoản thi hành

2.2- Những nội dung cơ bản:

a/- Chương I: Những quy định chung

- Bổ sung Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và Điều 2 về đối tượng áp dụng

- Quy định về áp dụng mức giá, phí, lệ phí thống nhất trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản.

b/- Chương II: Quy định về Đầu tư bất động sản (chương mới)

Đây là một chương mới nhằm cụ thể hóa những nội dung được quy định về nguyên tắc tại Luật Đầu tư, cụ thể:

- Quy định chi tiết về đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực bất động sản. Ví dụ nhà đầu tư nước ngoài có được tham gia đầu trực tiếp dự án xây nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội  … không?

- Quy định chi tiết về đầu tư gián tiếp trong lĩnh vực bất động sản.

Hai nội dung này cần được quy định chi tiết trong Luật, trong thực tế hiện nay có nhiều nội dung chưa được cụ thể, ví dụ quy định về đầu tư trực tiếp và gián tiếp của các tổ chức tài chính là Công ty đầu tư tài chính, Công ty quỹ đầu tư  bất động sản, Quỹ đầu tư tín thác bất động sản trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

- Quy định chi tiết về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

- Quy định chi tiết về Ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, gồm: ưu đãi theo lĩnh vực và ưu đãi theo địa bàn.

Trong thực tế hiện nay các địa phương nhằm tăng cường thu hút đầu tư nên có các quy định ưu đãi đầu tư tràn lan, không thống nhất gây cạnh tranh không lành mạnh giã các địa phương, mặt khác làm giảm hiệu quả chủ trương về ưu đãi đầu tư cho những địa bàn và lĩnh vực thực sự cần được hưởng ưu đãi đầu tư.

Hiện nay các nhà đầu tư vào lĩnh vực phân khúc bất động sản nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên cho Công nhân trong khu công nghiệp theo tinh thầm Quyết định số 65, 66, 67 của Thủ tưởng Chính phủ năm 2009 đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định về ưu đãi đầu tư chưa dược quy định cụ thể trong Luật, nên hầu hết các nhà đầu tư cho đến nay chưa được hưởng các ưu đãi về thuế, về vốn khi thực hiện các chương trình này.

- Quy định chi tiết về hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản: hỗ trợ về chuyển giao công nghệ; đào tạo; phát triển dịch vụ; đầu tư kết cấu hạ tầng khu CN, khu Chế xuất, công nghệ cao và khu kinh tế.

- Quy định thủ tục hành chính về quản lý đầu tư kinh doanh bất động sản:Quy định rõ về trình tự thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Theo kết quả khảo sát về quá trình thực hiện đầu tư tại một số địa phương cho thấy mỗi địa phương quy định một quy trình riêng cho địa phương mình, cho dù các quy định của Pháp luật là thống nhất nhưng không thể áp dụng quy định tại địa phương này áp dụng tương tự tại địa phương khác, dẫn đến khi đầu tư tại nhiều địa phương khác nhau, các doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu các quy định cụ thể của địa phương đó mới có thể triển khai thực hiện dự án đầu tư.

- Cấm đầu tư trong lĩnh vực bất động sản: các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công công; gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hóa, đạo dức, thuần phong mỹ tục Việt Nam (nhà siêu mỏng, siêu méo, cấm xây dựng trên thửa đất có hình thù đặc biệt . . .); làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường.

c/- Chương III: Kinh doanh bất động sản

- Kinh doanh Dự án phát triển khu đô thị mới (sửa đổi, bổ sung các nội dung từ Nghị định 02/2006/NĐ-CP về quản lý dự án khu đô thị mới)

- Kinh doanh dự án phát triển nhà ở (sửa đổi, bổ sung các nội dung từ Nghị định 02/2006/NĐ-CP về quản lý dự án khu đô thị mới)

- Kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế (Chi tiết hóa các quy định thống nhất với Luật Đất đai và các luật liên quan khác)

- Kinh doanh phát triển quỹ đất

- Kinh doanh nhà, công trình xây dựng để kinh doanh (như Luật hiện hành)

- Kinh doanh quyền sử dụng đất (như Luật hiện hành)

- Kinh doanh dịch vụ bất động sản (như Luật hiện hành)

- Quản lý sau khi công trình xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng: Đây là một trong những nội dung rất quan trọng vì sản phẩm của dự án là công trình xây dựng, tồn tại lâu dài, liên quan trực tiếp đến cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, vấn đề quản lý sau đầu tư chưa được đề cập đến tại Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan khác (trừ Luật Giao thông đường bộ đã đề cập đến vấn đề quản lý sau đầu tư đối với công trình đường bộ).

d/- Chương IV: Tài chính bất động sản (chương mới)

- Công ty đầu tư gián tiếp bất động sản: mô hình vận hành vốn như đầu tư thiết bị, đầu tư vốn gián tiếp xã hội …Công ty được Nhà đầu tư góp vốn, hoặc cơ quan tài chính cho vay, Công ty đầu tư vào các dự án phát triển BĐS thông qua Công ty quản lý tài sản và công ty nhận ủy thác quản lý tiền. Công ty phải trả lợi tức cho nhà đầu tư và trả vốn và lãi vay cho cơ quan tài chính.

- Quỹ Bất động sản: Là tổ chức đầu tư theo hình thức tín thác đầu tư trên 50% đến 70% tổng tài sản vào BĐS.

- Công ty Đầu tư BĐS (REIT): là tổ chức đầu tư theo hình thức công ty đầu tư trên 65% tổng tài sản vào BĐS. Nhà đầu tư tham gia dưới hình thức mua Cổ phiếu do Công ty phát hành.

- Quỹ nhà ở Quốc gia.

- Quỹ Bảo lãnh tín dụng tài chính BDS

- Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ phát triển đất, Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.

- Quy định về giá bất động sản.

- Quy định về phí, lệ phí trong kinh doanh dịch vụ bất động sản.

- Quy định về khai báo chuyển tiền bán bất động sản ra nước ngoài (người nước ngoài, người VN định cư ở nước ngoài)

e/- Chương V: Thị trường bất động sản(chương mới)

- Quy định về niêm yết giá bất động sản

- Chuyển nhượng dự án bất động sản

- Thanh toán trong giao dịch bất động sản

- Hợp đồng kinh doanh bất động sản

- Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản

- Quy định về công bố và cung cấp thông tin các chỉ số về thị trường bất động sản

- Quy định về lệ phí trước bạ ở khu vực thủ đô và khu vực hạn chế tập trung đông dân cư (thường cao gấp từ 2 đến 5 lần so với quy định hiện hành nhằm hạn chế tăng mạt độ dân cư).

- Quy định về đánh thuế thu nhập cao từ 2 đến 5 lần bình thường đối với chủ sở hữu bất động sản khi chuyển nhượng trong thời hạn 1 năm, 2 năm (hạn chế đầu cơ bất động sản)

g/- Chương VI: Quản lý nhà nước về bất động sản (chương mới)

- Cơ quan quản lý nhà nước về bất động sản

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về bất động sản

- Quy định về công khai và cung cấp thông tin bất động sản

- Quy định Nhà nước quản lý về giá bất động sản

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm hành chính hoạt động kinh doanh bất động sản.

h/- Chương VII: Giải quyết khiếu nại, tố cáo  về bất động sản (chương mới)

- Quy định về thành lập cơ quan tài phán về bất động sản và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản của cơ quan tài phán về bất động sản.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tài phán về bất động sản trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong kinh doanh bất động sản

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tài phán về bất động sản trong công tác xác định giá bất động sản.

k/- Chương VIII: Điều khoản thi hành

 

Nguồn: vibonline.com.vn

YÊU CẦU DỊCH VỤ/TƯ VẤNLuat Khai Phong tu van
CÔNG TY LUẬT KHAI PHONG
Địa chỉ: P212-N4A, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04.35641441 / 39973456 - Fax: 04.35641442
Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
---------------------------------------------------------------------------------
 
 
bold italicize underline strike url image quote
Thu hẹp | Mở rộng
 

busy