KPLC: Văn bản pháp luật Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 - Chương II GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP ______________________________________________________________________________

Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 - Chương II GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP

Email In PDF.
Article Index
Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13
Chương I NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Chương II GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP
Chương III TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Chương IV NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC
Chương V HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Chương VI CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Chương VII TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Chương VIII ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Tất cả trang

Chương II

GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP

Điều 7. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên;

c) Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

c) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết khoản 1 Điều này đối với giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp

1. Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

2. Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm.

3. Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp.

4. Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.

5. Chứng chỉ đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.

6. Các giấy tờ khác chứng minh người được đề nghị bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý lĩnh vực giám định.

Điều 9. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp

1. Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần hoạt động tại các cơ quan ở trung ương.

Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự hoạt động tại các cơ quan ở trung ương.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động trong các lĩnh vực khác tại các cơ quan ở trung ương thuộc phạm vi quản lý.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y thuộc bộ mình.

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc bộ mình.

Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý.

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại Điều 8 của Luật này, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Trường hợp từ chối thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung về giám định viên tư pháp.

Điều 10. Miễn nhiệm giám định viên tư pháp

1. Các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này;

b) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này;

c) Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử phạt hành chính do cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giám định tư pháp;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 6 của Luật này;

đ) Theo đề nghị của giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng có quyết định nghỉ việc để hưởng chế độ hưu trí hoặc thôi việc.

2. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp bao gồm:

a) Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức đã đề nghị bổ nhiệm người đó;

b) Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế miễn nhiệm giám định viên pháp y thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ miễn nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động tại các cơ quan ở trung ương ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân sau khi người đứng đầu cơ quan chuyên môn thống nhất ý kiến với Giám đốc Sở Tư pháp.

4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp và điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp

1. Thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu.

2. Từ chối giám định trong trường hợp nội dung cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; đối tượng giám định, các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định hoặc có lý do chính đáng khác. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp luật.

4. Thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 15 của Luật này.

5. Thành lập, tham gia hội giám định viên tư pháp theo quy định của pháp luật về hội.

6. Hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 23 và khoản 1 Điều 34 của Luật này.