KPLC: Tư vấn & Hướng dẫn Pháp Luật Thương Mại, Hải quan & Xuất nhập khẩu Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN ______________________________________________________________________________

Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN

Email In PDF.
PHỤ LỤC 1: QUY TẮC XUẤT XỨ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 21 /2010/TT-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN )


PHỤ LỤC 1

QUY TẮC XUẤT XỨ
(Ban hành kèm theo Thông tư
số 21 /2010/TT-BCT ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ trong  Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN )

Điều 1. Giải thích từ ngữ

Trong phụ lục này, các thuật ngữ được hiểu như sau:

1. “Nuôi trồng thuỷ hải sản” là việc nuôi trồng các sinh vật sống dưới nước bao gồm cá, động vật thân mềm, loài giáp xác, động vật không xương sống dưới nước khác và thực vật thủy sinh từ các loại con giống như trứng, cá hồi hai năm tuổi, cá hồi nhỏ và ấu trùng bằng cách can thiệp vào các quá trình nuôi trồng hoặc tăng trưởng nhằm thúc đẩy sinh sản như nuôi cấy, cho ăn, hoặc bảo vệ khỏi các động vật ăn thịt;

2. “CIF” là trị giá hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của nước nhập khẩu. Trị giá này sẽ được tính theo Điều VII của GATT 1994 và Hiệp định về việc thực thi Điều VII của GATT 1994 như đã quy định trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

3. “FOB” là trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu, bao gồm phí vận tải đến cảng hoặc địa điểm cuối cùng trước khi tàu chở hàng rời bến. Trị giá này sẽ được tính theo Điều VII của GATT 1994 và Hiệp định về việc thực thi Điều VII của GATT 1994 như đã quy định trong Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

4. “Các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi” là những nguyên tắc đã được nhất trí thừa nhận hoặc áp dụng tại một Nước thành viên về việc ghi chép các khoản doanh thu, chi phí, phụ phí, tài sản và các khoản phải trả; truy xuất thông tin; và việc lập các báo cáo tài chính. Những nguyên tắc này có thể bao gồm các hướng dẫn chung cũng như các tiêu chuẩn, thông lệ và thủ tục thực hiện cụ thể;

5. Hàng hóa” bao gồm nguyên vật liệu và/hoặc sản phẩm, có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Nước thành viên, kể cả những sản phẩm có thể sẽ được sử dụng làm nguyên vật liệu cho một quá trình sản xuất khác sau này. Trong phạm vi phụ lục này, thuật ngữ “hàng hóa” và “sản phẩm” có thể sử dụng thay thế cho nhau;

6. “Nguyên vật liệu giống nhau và có thể dùng thay thế lẫn nhau” là những nguyên vật liệu cùng loại có chất lượng như nhau, có cùng đặc tính vật lý và kỹ thuật, và một khi các nguyên vật liệu này được kết hợp lại để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh thì không thể chỉ ra sự khác biệt về xuất xứ vì bất kỳ sự ghi nhãn nào;

7. “Nguyên vật liệu” bao gồm các vật chất được sử dụng hoặc tiêu tốn trong quá trình sản xuất hàng hoá hoặc kết hợp tự nhiên thành một loại hàng hoá khác hoặc tham gia vào một quy trình sản xuất ra hàng hóa khác;

8. “Hàng hóa có xuất xứ hoặc nguyên vật liệu có xuất xứ” là hàng hoá hoặc nguyên vật liệu đáp ứng các tiêu chí xuất xứ quy định tại phụ lục này;

9. “Vật liệu đóng gói và bao gói để vận chuyển” là hàng hoá được sử dụng để bảo vệ hàng hoá trong quá trình vận chuyển hàng hoá đó mà không phải là vật liệu đóng gói và bao gói chứa đựng hàng hóa dùng để bán lẻ.

10. “Sản xuất” là các phương thức để thu được hàng hoá bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, gây giống, chiết xuất, thu lượm, thu nhặt, săn bắt, đánh bắt, đánh bẫy, săn bắn, chế tạo, sản xuất, gia công hay lắp ráp; và

11. “Quy tắc cụ thể mặt hàng” là quy tắc yêu cầu nguyên vật liệu phải trải qua quá trình thay đổi mã số hàng hoá hoặc trải qua công đoạn gia công, chế biến của hàng hoá, hoặc phải đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (hay còn gọi là tỉ lệ phần trăm của giá trị) hoặc kết hợp giữa các tiêu chí nêu trên.

Điều 2. Tiêu chí xuất xứ

Hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ của một Nước thành viên từ một Nước thành viên khác được coi là có xuất xứ và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan nếu hàng hóa đó đáp ứng một trong các quy định về xuất xứ dưới đây:

1. Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một Nước thành viên xuất khẩu như được quy định tại Điều 3; hoặc

2. Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một Nước thành viên xuất khẩu, nhưng đáp ứng các quy định tại Điều 4 hoặc Điều 6.

Điều 3. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

Hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều 2 được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được coi là sản xuất toàn bộ tại Nước thành viên xuất khẩu trong các trường hợp sau:

1. Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng bao gồm quả, hoa, rau, cây, tảo biển, nấm và các loại cây trồng khác được trồng và thu hoạch, hái hoặc thu lượm tại đó;

2. Động vật sống bao gồm động vật có vú, chim, cá, loài giáp xác, động vật thân mềm, loài bò sát, vi khuẩn và virút, được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên xuất khẩu;                                                           

3. Các hàng hoá chế biến từ động vật sống tại Nước thành viên xuất khẩu;

4. Hàng hoá thu được từ săn bắn, đánh bẫy, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, thu lượm hoặc săn bắt tại Nước thành viên xuất khẩu;

5. Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác chưa được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, biển, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Nước thành viên đó;

6. Sản phẩm đánh bắt bằng tàu được đăng ký tại một Nước thành viên và có treo cờ của Nước thành viên đó, và các sản phẩm khác[1] được khai thác từ vùng biển lãnh hải, đáy biển hoặc dưới đáy biển ngoài vùng lãnh hải[2] của Nước thành viên đó, với điều kiện là Nước thành viên đó có quyền khai thác biển, đáy biển và dưới đáy biển đó theo luật quốc tế[3];

7. Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm từ biển khác đánh bắt từ vùng biển cả bằng tàu được đăng ký tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó;

8. Sản phẩm được chế biến và/hoặc được sản xuất ngay trên tàu chế biến được đăng ký tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó, trừ các sản phẩm được quy định tại khoản 7 điều này;

9. Các vật phẩm thu nhặt tại nước đó nhưng không còn thực hiện được những chức năng ban đầu hoặc cũng không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên vật liệu, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế;

10. Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ:

a) Quá trình sản xuất tại Nước thành viên xuất khẩu; hoặc

b) Hàng hoá đã qua sử dụng được thu nhặt tại Nước thành viên xuất khẩu, với điều kiện hàng hoá đó chỉ phù hợp làm nguyên vật liệu thô; và

11. Hàng hoá thu được hoặc được sản xuất tại một Nước thành viên xuất khẩu từ các sản phẩm được quy định từ khoản 1 đến khoản 10 điều này.

Điều 4. Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy

1. Tiêu chí xuất xứ chung.

a) Hàng hoá quy định tại khoản 2 Điều 2 được coi là có xuất xứ tại Nước thành viên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến hàng hoá đó nếu:

- Hàng hoá có hàm lượng giá trị khu vực (dưới đây được gọi là “Hàm lượng giá trị ASEAN” hoặc “hàm lượng giá trị khu vực (RVC)”) không dưới bốn mươi phần trăm (40%), tính theo công thức quy định tại Điều 5; hoặc

- Tất cả nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hoá đó trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hoá (dưới đây được gọi là “CTC”) ở cấp bốn (4) số (có nghĩa là thay đổi nhóm) của Hệ thống Hài hoà.

b) Mỗi Nước thành viên cho phép người xuất khẩu hàng hoá được quyết định sử dụng một trong hai tiêu chí “RVC không dưới bốn mươi phần trăm (40%)” hoặc “chuyển đổi mã số hàng hoá ở cấp bốn (04) số” nêu tại điểm a khoản 1 để xác định xuất xứ hàng hoá.

2. Quy tắc cụ thể mặt hàng.

a) Không xét đến khoản 1 điều này, một hàng hoá thuộc Phụ lục 2 sẽ được coi là hàng hoá có xuất xứ nếu đáp ứng tiêu chí tương ứng quy định cho mặt hàng đó trong Phụ lục 2.

b) Khi quy tắc cụ thể mặt hàng cho phép lựa chọn giữa các tiêu chí RVC, CTC, công đoạn gia công, chế biến cụ thể (sau đây gọi tắt là SP), hoặc kết hợp giữa các tiêu chí nêu trên, mỗi Nước thành viên cho phép người xuất khẩu hàng hoá quyết định việc sử dụng tiêu chí tương ứng để xác định xuất xứ hàng hoá.

c) Khi quy tắc cụ thể mặt hàng quy định một hàm lượng RVC nhất định, việc tính toán RVC được dựa trên công thức quy định tại Điều 5.

d) Tiêu chí CTC, SP chỉ áp dụng đối với nguyên vật liệu không có xuất xứ.

3. Không xét đến khoản 1 và khoản 2 điều này, hàng hoá được quy định trong Phụ lục A hoặc Phụ lục B của Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Thương mại đối với Sản phẩm Công nghệ Thông tin được phê chuẩn tại Hội nghị Bộ trưởng của WTO vào ngày 13 tháng 12 năm 1996, như quy định tại Phụ lục 4, sẽ được coi là có xuất xứ tại một Nước thành viên nếu hàng hoá đó được lắp ráp từ những nguyên vật liệu được ghi trong Phụ lục 4.

Điều 5. Công thức tính RVC

1. RVC nêu tại Điều 4 được tính dựa trên một trong hai phương pháp sau:

a) Công thức trực tiếp

RVC =

Chi phí nguyên vật liệu ASEAN

+

Chi phí nhân công trực tiếp

+

Chi phí phân bổ trực tiếp

+

Chi phí khác

+

Lợi nhuận

x 100 %

Trị giá FOB

hoặc

b) ng thức gián tiếp

RVC =

Trị giá FOB

-

Trị giá của nguyên vật liệu, phụ tùng hoặc hàng hoá không có xuất xứ

x 100 %

Trị giá FOB

2. Để tính toán RVC nêu tại khoản 1 điều này:

a) Chi phí nguyên vật liệu ASEAN là trị giá CIF của nguyên vật liệu, phụ tùng hoặc hàng hoá có xuất xứ do người sản xuất mua hoặc tự sản xuất;

b) Trị giá nguyên vật liệu, phụ tùng hoặc hàng hoá không có xuất xứ là:

- Giá CIF tại thời điểm nhập khẩu hoặc việc nhập khẩu có thể được chứng minh; hoặc

- Giá mua đầu tiên của các hàng hoá không xác định được xuất xứ tại lãnh thổ của Nước thành viên nơi diễn ra việc sản xuất hoặc chế biến;

c) Chi phí nhân công trực tiếp bao gồm lương, thù lao và các khoản phúc lợi khác cho người lao động có liên quan đến quá trình sản xuất;

d) Việc tính toán chi phí phân bổ trực tiếp bao gồm, nhưng không giới hạn bởi, chi phí nhà xưởng có liên quan đến quá trình sản xuất (bảo hiểm, chi phí thuê và thuê mua nhà máy, khấu hao nhà xưởng, sửa chữa, bảo trì, thuế, lãi suất); các khoản thuê mua và trả lãi của nhà máy và thiết bị; an ninh nhà máy, bảo hiểm (nhà máy, thiết bị và nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hoá); các chi phí tiện ích (năng lượng, điện, nước và các chi phí tiện ích khác đóng góp trực tiếp vào quá trình sản xuất); nghiên cứu, phát triển, thiết kế và chế tạo; khuôn rập, khuôn đúc, việc trang bị dụng cụ và khấu hao, bảo trì và sửa chữa của nhà máy và thiết bị; tiền bản quyền sáng chế (có liên quan đến máy móc hoặc quy trình sản xuất có bản quyền hoặc quyền sản xuất); kiểm tra và thử nghiệm nguyên vật liệu và hàng hoá, lưu trữ và sắp xếp trong nhà máy; xử lý các chất thải có thể tái chế; và các yếu tố chi phí trong việc tính toán giá trị của nguyên vật liệu như chi phí cảng, chi phí thông quan hải quan và thuế nhập khẩu; và

đ) Trị giá FOB là trị giá hàng hóa đã được định nghĩa tại Điều 1. Trị giá FOB được xác định bằng cách cộng giá trị của các nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, lợi nhuận và các chi phí khác.

3. Các Nước thành viên chỉ được sử dụng một phương pháp để tính RVC. Các Nước thành viên được linh hoạt trong việc thay đổi phương pháp tính với điều kiện sự thay đổi đó phải được thông báo cho Hội đồng AFTA ít nhất là sáu (6) tháng trước khi áp dụng phương pháp mới. Việc kiểm tra RVC bởi Nước thành viên nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu cần dựa trên phương pháp tính toán mà Nước thành viên xuất khẩu đang áp dụng.

4. Để xác định RVC, các Nước thành viên sẽ áp dụng chặt chẽ các hướng dẫn về cách tính chi phí như quy định tại Phụ lục 5.

5. Nguyên vật liệu mua trong nước được sản xuất bởi các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước đó sẽ được coi là đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ quy định tại phụ lục này; các nguyên vật liệu mua trong nước từ các nguồn khác sẽ phải chịu sự kiểm tra về xuất xứ theo Hiệp định trị giá Hải quan đối với mục đích xác định xuất xứ.

6. Trị giá hàng hoá theo phụ lục này sẽ được xác định phù hợp với các quy định tại Hiệp định Trị giá Hải quan.

7. Việt Nam áp dụng công thức tính gián tiếp quy định tại điểm b khoản 1 điều này để xác định xuất xứ cho hàng hoá xuất khẩu theo Hiệp định ATIGA.

Điều 6. Cộng gộp

1. Trừ khi có những quy định khác tại Hiệp định ATIGA, hàng hoá có xuất xứ của một Nước thành viên, được sử dụng làm nguyên vật liệu tại lãnh thổ của một Nước thành viên khác để sản xuất ra một hàng hoá đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế quan, sẽ được coi là có xuất xứ của Nước thành viên nơi việc sản xuất hoặc chế biến hàng hoá đó diễn ra.

2. Nếu RVC của nguyên vật liệu nhỏ hơn bốn mươi phần trăm (40%), hàm lượng này sẽ được cộng gộp (sử dụng tiêu chí RVC) theo đúng tỉ lệ thực tế vào hàm lượng nội địa với điều kiện RVC đó bằng hoặc lớn hơn hai mươi phần trăm (20%). Các hướng dẫn thực hiện được quy định tại Phụ lục 6.

Điều 7. Những công đoạn gia công, chế biến đơn giản

1. Những công đoạn gia công chế biến dưới đây, khi được thực hiện riêng rẽ hoặc kết hợp với nhau, được xem là giản đơn và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hoá tại một Nước thành viên:

a) Bảo đảm việc bảo quản hàng hoá trong tình trạng tốt khi vận chuyển hoặc lưu kho;

b) Hỗ trợ cho việc gửi hàng hoặc vận chuyển; và

c) Đóng gói hoặc trưng bày hàng hóa để bán.

2. Hàng hóa có xuất xứ của một Nước thành viên vẫn giữ nguyên xuất xứ ban đầu cho dù nó được xuất khẩu từ một Nước thành viên khác, nơi diễn ra các công đoạn gia công, chế biến đơn giản quy định tại khoản 1 điều này.

Điều 8. Vận chuyển trực tiếp

1. Hàng hoá sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng đầy đủ những quy định của phụ lục này và phải được vận chuyển trực tiếp từ lãnh thổ của Nước thành viên xuất khẩu tới lãnh thổ của Nước thành viên nhập khẩu.

2. Các phương thức sau được coi là vận chuyển trực tiếp:

a) Hàng hoá được vận chuyển từ một Nước thành viên xuất khẩu tới một Nước thành viên nhập khẩu; hoặc

b) Hàng hoá được vận chuyển qua một hoặc nhiều Nước thành viên, ngoài Nước thành viên nhập khẩu hoặc Nước thành viên xuất khẩu, hoặc qua một nước không phải là Nước thành viên, với điều kiện:

- Quá cảnh là cần thiết vì lý do địa lí hoặc do các yêu cầu có liên quan trực tiếp đến vận tải;

- Hàng hoá không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại nước quá cảnh đó; và

- Hàng hoá không trải qua bất kỳ công đoạn nào khác ngoài việc dỡ hàng và bốc lại hàng hoặc những công đoạn cần thiết để giữ hàng hoá trong điều kiện tốt.

Điều 9. Tỉ lệ không đáng kể nguyên vật liệu không đáp ứng tiêu chí CTC

1. Hàng hoá không đáp ứng tiêu chí CTC vẫn được coi là hàng hóa có xuất xứ nếu phần trị giá của nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hoá không đạt tiêu chí CTC nhỏ hơn hoặc bằng mười phần trăm (10%) trị giá FOB của hàng hoá, đồng thời hàng hoá phải đáp ứng các quy định khác trong phụ lục này.

2. Khi áp dụng tiêu chí RVC, trị giá của nguyên vật liệu không có xuất xứ nêu tại khoản 1 điều này vẫn được tính vào trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ.

Điều 10. Quy định về bao bì và vật liệu đóng gói

1. Vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ

a) Trường hợp áp dụng tiêu chí RVC, trị giá của vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ được coi là một cấu thành của hàng hóa và được tính đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa.

b) Trường hợp điểm a khoản 1 điều này không được áp dụng, vật liệu đóng gói và bao bì để bán lẻ, khi được phân loại cùng với hàng hoá đóng gói, sẽ được loại trừ khỏi các nguyên vật liệu không có xuất xứ được sử dụng trong việc sản xuất ra hàng hoá khi xác định xuất xứ theo tiêu chí CTC.

2. Bao gói và vật liệu đóng gói dùng để vận chuyển hàng hoá sẽ không được xem xét khi xác định xuất xứ của hàng hoá đó.

Điều 11. Phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ

1. Trường hợp xác định xuất xứ hàng hoá theo tiêu chí CTC hoặc SP, xuất xứ của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm theo hàng hoá đó sẽ không được tính khi xác định xuất xứ hàng hoá, với điều kiện:

a) Các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin không thuộc một hoá đơn khác với hoá đơn của hàng hoá đó; và

b) Số lượng và trị giá của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin phù hợp với hàng hoá đó.

2. Trường hợp xác định xuất xứ hàng hóa theo tiêu chí RVC, trị giá của các phụ kiện, phụ tùng, dụng cụ và các tài liệu hướng dẫn hoặc tài liệu mang tính thông tin khác đi kèm theo hàng hoá đó sẽ được tính là giá trị của nguyên vật liệu có xuất xứ hoặc không có xuất xứ, tuỳ từng trường hợp.

Điều 12. Các yếu tố trung gian

Khi xác định xuất xứ hàng hóa, không phải xác định xuất xứ của những yếu tố dưới đây đã được sử dụng trong quá trình sản xuất và không còn nằm lại trong hàng hóa đó:

1. Nhiên liệu và năng lượng;

2. Dụng cụ, khuôn rập và khuôn đúc;

3. Phụ tùng và vật liệu dùng để bảo dưỡng thiết bị và nhà xưởng;

4. Dầu nhờn, chất bôi trơn, hợp chất và các nguyên vật liệu khác dùng trong sản xuất hoặc dùng để vận hành thiết bị và nhà xưởng;

5. Găng tay, kính, giày dép, quần áo, các thiết bị an toàn;

6. Các thiết bị, dụng cụ và máy móc dùng để thử nghiệm hoặc kiểm tra hàng hoá;

7. Chất xúc tác và dung môi;

8. Bất kỳ nguyên vật liệu nào khác không còn nằm lại trong hàng hoá nhưng việc sử dụng chúng phải chứng minh được là cần thiết trong quá trình sản xuất ra hàng hoá đó.

Điều 13. Nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế nhau

1. Việc xác định các nguyên vật liệu giống nhau và có thể thay thế cho nhau có là nguyên vật liệu có xuất xứ hay không được thực hiện bằng cách chia tách thực tế từng nguyên vật liệu đó hoặc áp dụng các nguyên tắc kế toán về quản lý kho được áp dụng rộng rãi, hoặc các thông lệ quản lý kho tại Nước thành viên xuất khẩu.

2. Khi đã quyết định sử dụng một phương pháp kế toán về quản lý kho nào thì phương pháp này phải được sử dụng suốt trong năm tài chính đó.

Điều 14. C/O

Để được hưởng ưu đãi về thuế quan, hàng hoá phải có C/O như quy định tại Phụ lục 8, do tổ chức có thẩm quyền của Chính phủ được Nước thành viên xuất khẩu chỉ định cấp và thông báo tới các Nước thành viên khác theo các quy định nêu tại Phụ lục 7./.



1 Các sản phẩm khác có nghĩa là các khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác được khai thác từ vùng biển lãnh hải, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải.

2 Đối với các sản phẩm đánh bắt ngoài vùng lãnh hải (ví dụ vùng đặc quyền kinh tế), sản phẩm được coi là có xuất xứ của Nước thành viên nếu tàu khai thác sản phẩm đó được đăng ký tại Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó, và với điều kiện là Nước thành viên đó có quyền khai thác vùng đó theo luật quốc tế.  

3 Theo luật quốc tế, việc đăng ký tàu chỉ có thể được tiến hành tại một Nước thành viên.

YÊU CẦU DỊCH VỤ/TƯ VẤNLuat Khai Phong tu van
CÔNG TY LUẬT KHAI PHONG
Địa chỉ: P212-N4A, Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 04.35641441 / 39973456 - Fax: 04.35641442
Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
---------------------------------------------------------------------------------
 
 
bold italicize underline strike url image quote
Thu hẹp | Mở rộng
 

busy